Giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về hòa bình và vận dụng trong giai đoạn hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng sáng ngời về tinh thần giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh chung của nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Tư tưởng của Người về hòa bình là tài sản vô cùng quý báu của dân tộc và nhân loại. Ngày nay, tư tưởng ấy vẫn còn nguyên giá trị đối vớ
Tư tưởng Hồ Chí Minh về hòa bình là một tư tưởng lớn, đi trước thời đại, có sức sống trường tồn, vượt thời gian, chứa đựng giá trị vĩnh hằng của nhân loại và ngày càng phát huy mạnh mẽ, gợi mở cách tiếp cận, giải quyết những vấn đề của thế giới đương đại một cách hài hòa, hiệu quả, vì hòa bình, thịnh vượng của các quốc gia; nhất là trước bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo như hiện nay.
![]() |
Ngày 19/9/1954, tại Đền Giếng trong khu di tích Đền Hùng, Bác Hồ đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong về tiếp quản Thủ đô: “Ngày xưa, các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Ảnh tư liệu TTXVN |
Tư tưởng của Người về hòa bình được biểu hiện trước hết ở tinh thần tha thiết yêu chuộng hòa bình, mong muốn, khát vọng giành độc lập dân tộc bằng phương pháp hòa bình. Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, chứng kiến nhân dân ta bị đọa đầy đau khổ dưới gót giày của quân xâm lược, hơn ai hết, Hồ Chí Minh thấu hiểu giá trị của hòa bình, của độc lập, tự do. Với tinh thần ấy, Người đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước với một hành trang duy nhất là trái tim yêu nước và mục tiêu duy nhất là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ơn, áo mặc, ai cũng được học hành.
Cũng xuất phát từ tình yêu quê hương, đất nước, yêu thương, quý trọng con người, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, lúc nào Hồ Chí Minh cũng tranh thủ mọi khả năng để giành và giữ chính quyền bằng phương pháp hòa bình. Người kiên trì tìm kiếm, tận dụng mọi cơ hội, giải pháp ngăn chặn chiến tranh, xung đột vũ trang thông qua đàm phán, thượng lượng và chấp nhận nhượng bộ có nguyên tắc để giữ gìn hòa bình, bảo vệ độc lập dân tộc.
Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã gửi Bản yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội nghị Versailles, thể hiện mong muốn đấu tranh cho những quyền tự do, dân chủ tối thiểu của dân tộc Việt Nam bằng biện pháp hòa bình. Đặc biệt, trong giai đoạn 1945 - 1946, trước dã tâm cướp nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Hồ Chí Minh quyết định ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946, với những nhân nhượng có nguyên tắc để cố gắng níu giữ nền hòa bình mong manh cho đất nước. Chính Jean Sainteny - người trực tiếp đàm phán với Hồ Chí Minh đã thừa nhận: “Để đạt được những mục đích cuối cùng, Hồ Chí Minh khôn khéo tỏ ra ít đòi hỏi hơn các đối thủ1 của ông. Trong khi những người này muốn đòi bằng được nền độc lập hoàn toàn và ngay lập tức thì Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ không thể đạt được tất cả ngay tức khắc, nên ông biết tạm thời thừa nhận nền độc lập tương đối...”2.
Ngay cả khi biết rõ khả năng hòa bình hết sức mong manh, Hồ Chí Minh vẫn kiên trì không buông bỏ. Thông qua Lời tuyên bố với phóng viên báo “Paris - Sài Gòn” (13/12/1946), Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam gửi đến Chính phủ Pháp thông điệp hòa bình: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh. Tôi biết là nhân dân Pháp không muốn chiến tranh. Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách...”3. Và trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Người đã nói rõ mong muốn hòa bình của mình và dân tộc Việt Nam: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng...”4. Khi chiến tranh đã bùng nổ, Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục kiếm tìm giải pháp thương lượng hòa bình với điều kiện tiên quyết là kẻ thù phải thực sự tôn trọng nền độc lập của Việt Nam. Trong thời gian ngắn (từ 12/1946 đến 3/1947), Hồ Chí Minh đã 8 lần gửi thư cho Chính phủ, Quốc hội, Tổng thống Pháp đề nghị lập lại ngay nền hòa bình - nền hòa bình trong độc lập, tự do. Nhưng do Chính phủ Pháp đưa ra những đòi hỏi hết sức vô lý nên mong muốn chân thành của Người không thể thực hiện.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Hồ Chí Minh vẫn khẳng định thiện chí của nhân dân Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình và để ngỏ con đường thương lượng hòa bình, kết thúc chiến tranh. Giai đoạn 1954 - 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cố gắng theo đuổi các giải pháp hòa bình để thống nhất đất nước song không đạt được. Nên tháng 01/1959, thời điểm thống nhất đất nước bằng biện pháp hòa bình theo Hiệp định Geneve đã qua đi gần 2,5 năm thì Hội nghị Trung ương 15 mới quyết định: “Phải qua con đường đấu tranh cách mạng bằng bạo lực để đánh đổ ách thống trị thực dân kiểu mới của Mỹ và tập đoàn quân sự tay sai của Mỹ”5.
Rõ ràng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tranh thủ, chắt chiu từng cơ hội dù là nhỏ nhất để đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng đất nước bằng phương pháp hòa bình, giảm thiểu sự hy sinh, mất mát của dân tộc cũng như cho đối phương. Đây chính là tư tưởng nhân văn, hòa bình cao cả ở Hồ Chí Minh.
![]() |
Nhân dân Ba Lan nồng nhiệt đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 7/1957. Ảnh tư liệu |
Tư tưởng Hồ Chí Minh về hòa bình còn được biểu hiện ở việc kiên quyết đấu tranh chống chiến tranh xâm lược để bảo vệ hòa bình, bảo vệ độc lập dân tộc. Theo Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của các dân tộc. Vì vậy, khi đất nước bị xâm lược, mong muốn, khát vọng cháy bỏng của Người: “Là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”6. Người nhấn mạnh: “Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do”7. Cả cuộc đời mình, Người hy sinh, phấn đấu, chịu nhiều khó khăn, vất vả, “phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó”8.
Thật vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quyết tâm đấu tranh giải phóng dân tộc, giành, giữ vững nền độc lập, tự do và hòa bình cho Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Ngay trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Lời kêu gọi sau khi thành lập Đảng, Người đã xác định mục tiêu chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam là lãnh đạo nhân dân tiến hành cách mạng nhằm: Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến; Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập. Tại Hội nghị Trung ương 8 của Đảng (năm 1941), Người chỉ rõ: “Nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc, không đòi được độc lập, tự do thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”9. Đặc biệt, khi thời cơ cách mạng chín muồi, Người khẳng định: “Dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập, tự do”10. Trong bản Tuyên ngôn độc lập, Người tiếp tục nhấn mạnh: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”11. Hơn một tháng sau, trong Lời kêu gọi Liên hợp quốc, Người trịnh trọng tuyên bố: “Nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hòa bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng cương quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: Toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước”12.
Với mong muốn hòa bình, nên sau khi cách mạng tháng Tám thành công, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều sách lược khôn khéo để giữ hòa bình, bảo vệ độc lập dân tộc. Nhưng khi không thể nhân nhượng được nữa, tháng 12/1946, Người phát động toàn dân kháng chiến để bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”13. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”14.
Tư tưởng yêu chuộng hòa bình và quyết tâm chiến đấu đến cùng để bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ hòa bình đã được Hồ Chí Minh truyền cảm hứng cho toàn thể dân tộc Việt Nam trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Tư tưởng nhân văn, nhân đạo cao cả đó của Người không chỉ là nguồn sức mạnh, động lực tinh thần to lớn để toàn thể dân tộc Việt Nam đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc, làm nên một Việt Nam anh hùng trong thế kỷ XX mà sẽ mãi soi đường, dẫn lối cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong giai đoạn hiện nay, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song thế giới đang đứng trước những diến biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường, đặt ra yêu cầu, thách thức mới đối với nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Cục diện thế giới đa cực, đa trung tâm hình thành ngày càng rõ nét hơn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, toàn diện. Xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp. Các điểm nóng về an ninh có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lan rộng, tác động đến hòa bình, an ninh và phát triển của thế giới. Ở trong nước, sau gần 40 năm đổi mới đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; cơ đồ, vị thế, tiềm lực và uy tín quốc tế của đất nước ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, đất nước đang đứng trước những khó khăn, thử thách, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định, như: “Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp”15. Trên Biển Đông và một số vùng, địa bàn chiến lược, trọng điểm còn tiềm ẩn các yếu tố gây mất ổn định. Nguy cơ tranh chấp biển, đảo, đe dọa chủ quyền lãnh thổ, chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng gia tăng. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước cấu kết, tăng cường chống phá công khai, trực diện với âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, v.v.
Tình hình trên cho thấy, việc giữ gìn hòa bình, bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc không chỉ là nhiệm vụ chiến lược trọng yếu, thường xuyên mà còn là yêu cầu cấp thiết, thách thức lớn đối với nước ta. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định… là yêu cầu cấp thiết, đồng thời là thách thức rất lớn đối với nước ta trong thời gian tới”16. Quán triệt sâu sắc, vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về hòa bình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước đã, đang tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam; bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, tạo sự ổn định để phát triển bền vững đất nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định trong khu vực, thế giới; trong đó, tập trung vào một số nội dung, biện pháp chủ yếu sau:
Một là, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng. Bảo vệ Tổ quốc gắn với giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, tạo động lực để hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội, tạo nền tảng sức mạnh vững chắc cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, tiếp tục khơi dậy, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất của dân tộc; lan tỏa tư tưởng, văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh, v.v. Qua đó, bồi dưỡng, nâng cao lòng yêu nước, ý thức bảo vệ Tổ quốc gắn với tư tưởng nhân văn, yêu chuộng hòa bình cho toàn thể nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị. Tăng cường đoàn kết trong toàn Đảng làm hạt nhân củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy vai trò, sức mạnh của toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Ba là, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ xung đột, chiến tranh, làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Nắm chắc tình hình, phát hiện sớm, xử lý kịp thời, hiệu quả những yếu tố bất lợi, nguy cơ gây đột biến, thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống; chủ động bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy.
Bốn là, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; đồng thời giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để giữ gìn hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Năm là, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại, có sức cơ động và chiến đấu cao, sẵn sàng bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để đất nước phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.
TS. PHẠM VĂN MINH - TS. NGUYỄN HỒNG NGUYÊN
__________________
1 - Đối thủ mà Jean Sainteny nói đến là các phần tử của hai đảng phản động Việt Quốc, Việt Cách đang tham gia trong Chính phủ liên hiệp của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
2 - Jean Sainteny - Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ, Nxb CAND, H. 2004, tr. 226.
3 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 526.
4 - Sđd, tr. 534.
5 - Một số văn kiện của Đảng về chống Mỹ, cứu nước, Tập I (1954 - 1964), Nxb Sự thật, H. 1985, tr. 117.
6 - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 187.
7 - Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, H. 2008, tr. 57.
8 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 272.
9 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 136.
10 - Hoàng Trang - Hỏi và đáp tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb CTHC, H. 2009, tr. 34.
11 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 3.
12 - Sđd, tr. 522.
13 - Sđd, tr. 534.
14 - Sđd, Tập 15, tr. 131.
15 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 108.
16 - Sđd, tr. 108.
Nguồn: Tạp chí Quốc phòng Toàn dân Online