Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 2 năm 2023

Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 2 năm 2023

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

1. ĐINH CÔNG TUẤN, ĐINH CÔNG HOÀNG

Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc - Tác động và triển vọng phát triển sau Đại hội

Tóm tắt: Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra từ ngày 16 đến 22/10/2022 trong bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước có nhiều biến động sâu sắc. Đại hội đề cập đến rất nhiều vấn đề, trong đó tập trung vào sáu vấn đề lớn, quan trọng về chính trị - ngoại giao, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có tác động to lớn đến thế giới, khu vực. Trên cơ sở đường lối đưa ra, Trung Quốc đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, kinh tế, quốc phòng, an ninh và thu được những thành tựu đáng ghi nhận.

 

2. PHAN CAO NHẬT ANH

Sự thay đổi chiến lược răn đe của chính quyền Triều Tiên Kim Jong-un

Tóm tắt: Giai đoạn đầu cầm quyền từ 2011-2017, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đẩy mạnh chương trình tên lửa và hạt nhân gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Tình hình trở nên tạm lắng trong hai năm 2018-2019 tạo môi trường cho các cuộc đàm phán liên Triều cũng như đảm phán giữa Mỹ và Triều Tiên. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây tình hình nóng trở lại khi Triều Tiên thay đổi chiến lược răn đe qua các vụ thử tên lửa liên tục, ban hành pháp lệnh về chính sách sức mạnh hạt nhân, thậm chí cử máy bay không người lái xâm phạm không phận Hàn Quốc. Bài viết phân tích bối cảnh tác động, những điều chỉnh chiến lược của Triều Tiên và nhận định tình hình trong thời gian tới.

 

3. NGUYỄN NGỌC NGHIỆP

Triển vọng của Tứ giác kim cương và gợi ý cho Việt Nam

Tóm tắt: Triển vọng của Tứ giác kim cương (Bộ tứ, QUAD) phụ thuộc những nhân tố tác động đến sự tồn tại và phát triển của nhóm này. Có thể chia nhân tố tác động thành hai loại là nhân tố bên trong và nhân tố bên ngoài. Nhân tố bên trong chính là lợi ích của các quốc gia thành viên nhóm và nhân tố bên ngoài là môi trường an ninh truyền thống và phi truyền thống ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bài viết xem xét từng nhóm nhân tố tác động đến sự tồn tại của Tứ giác kim cương để từ đó có căn cứ khẳng định tương lai của Bộ tứ này.

 

4. TRẦN THỊ TÂM

Chính sách của Trung Quốc đối với vấn đề thống nhất đất nước trên bán đảo Triều Tiên và Việt Nam trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh

Tóm tắt: Trên bán đảo Triều Tiên, năm 1948 đánh dấu sự ra đời hai quốc gia của cùng một dân tộc là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Đại Hàn Dân quốc. Tại Việt Nam, từ năm 1954 cũng hình thành hai chủ thể là Việt Nam Dân chủ cộng hòa ở miền Bắc và Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam. Cả Triều Tiên và Việt Nam đều mong muốn sớm thống nhất đất nước nhưng dưới sự tác động của nhiều yếu tố bên trong lẫn bên ngoài, thực tế chỉ có Việt Nam là đạt được ý nguyện. Về nhân tố bên ngoài, sự can thiệp và chính sách của Trung Quốc đối với tiến trình đoàn tụ quốc gia của Triều Tiên và Việt Nam là một yếu tố quan trọng. Bài viết nghiên cứu chính sách của Trung Quốc đối với vấn đề thống nhất đất nước ở Triều Tiên và Việt Nam; trên cơ sở đó rút ra một số kết luận có liên quan

5. TRƯƠNG PHAN THANH THỦY

Những vấn đề chính trị nổi bật của Mông Cổ năm 2022

Tóm tắt: Năm 2022 là một năm đầy biến động, khó khăn đối với toàn thế giới. Đại dịch Covid- 19 vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều nước trên thế giới. Chiến tranh giữa Nga và Ukraine khiến căng thẳng leo thang, gây ra lạm phát, khủng hoảng năng lượng, lương thực ở nhiều nước trên thế giới. Những vấn đề này đều ảnh hưởng đến chính trị của Mông Cổ. Chính phủ Mông Cổ trong năm 2022 cũng có những biến đổi lớn. Bài viết trình bày những vấn đề chính trị nổi bật của Mông Cổ trong năm 2022.

 

6. HOÀNG ĐỨC HẢI

Tác động của chính sách “một quốc gia, hai chế độ” tới quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan

Tóm tắt: Chính sách “một quốc gia hai chế độ” là chính sách do Trung Quốc đề ra từ những năm 1980. Các đặc khu hành chính Hồng Kông, Macao, đảo Đài Loan đều nằm trong chính sách này. Đài Loan luôn là vùng đất quan trọng về vị trí, kinh tế, an ninh mà Trung Hoa không thể bỏ qua. Tuy nhiên, do Đài Loan không chấp nhận chính sách này nên Trung Quốc đến nay chưa thu hồi và thống nhất được Đài Loan, ngược lại còn khiến quan hệ giữa hai bên đi vào căng thẳng, bế tắc.

 

7. HOÀNG MINH LỢI

Quyền sở hữu trí tuệ trong chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia tại Nhật Bản từ đầu thế kỷ XXI đến nay

Tóm tắt: Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, Nhật Bản luôn nhấn mạnh đến một nhân tố không thể tách rời trong chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia, đó là quyền sở hữu trí tuệ, bởi lẽ quyền sở hữu trí tuệ có vai trò rất quan trọng quyết định đến sự thành công (và cả hạn chế) của chiến lược này ở trong nước và trên thế giới. Hơn nữa, quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến nhiều lĩnh vực của chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia tại Nhật Bản như: kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, môi trường, y tế, quan hệ quốc tế..., trong đó khoa học - công nghệ và văn hóa được xem là những lĩnh vực nổi trội trong tiến trình này. Đó cũng là những đối tượng chủ yếu liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ được đề cập tới trong nội dung của bài viết này.

 

8. TRẦN THỊ HẢI YẾN, VŨ THỊ PHƯƠNG GIANG

Bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Nhật Bản và hàm ý chính sách cho Việt Nam

Tóm tắt: Nhật Bản là một trong số các quốc gia phát triển hàng đầu châu Á và trên thế giới. Mặc dù tài nguyên thiên nhiên không phong phú, thiên nhiên khắc nghiệt song với ý chí và hướng đi đúng đắn khi tập trung vào mô hình phát triển kinh tế theo chiều sâu dựa trên nền tảng sáng tạo trí tuệ và tài sản trí tuệ, Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ. Một trong những nhân tố đem lại thành công cho Nhật Bản là thể chế bảo hộ và thực thi sở hữu trí tuệ. Bài viết phân tích một số vấn đề liên quan đến thực trạng bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Nhật Bản, từ đó đối chiếu đưa ra các hàm ý chính sách cho Việt Nam.

45 lượt xem