Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 3 năm 2023

Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 3 năm 2023

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

1. VŨ VÂN ANH

Chính sách Biển Đông của Nhật Bản giai đoạn 2012-2020

Tóm tắt: Mặc dù Nhật Bản không phải là một bên có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông nhưng Biển Đông chứa đựng nhiều lợi ích của Nhật Bản. Nhật Bản là một trong những cường quốc hàng đầu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, do đó, chính sách của Nhật Bản đối với những điểm nóng của khu vực này có ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh Biển Đông. Việc nhận diện chính sách Biển Đông của Nhật Bản cần một cách tiếp cận từ thực tiễn bởi trên các văn bản chính sách không đề cập nhiều và cụ thể tới vấn đề Biển Đông. Bài viết nêu quan điểm và định hướng chính sách của Nhật Bản về vấn Biển Đông giai đoạn 2012-2020 dựa trên các văn bản chính sách và tuyên bố chính thức của các lãnh đạo Nhật Bản; việc triển khai các mối quan hệ song phương và đa phương của Nhật Bản có liên quan đến vấn đề Biển Đông để từ đó nhận diện chính sách Biển Đông của nước này giai đoạn 2012-2020.

 

2. NGUYỄN DIỆU HƯƠNG

Những giải pháp mới trong quá trình xây dựng chính phủ pháp trị ở Trung Quốc hiện nay

Tóm tắt: Trong bối cảnh phát triển mới, Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh hơn nữa vai trò của quá trình xây dựng chính phủ pháp trị. Xây dựng chính phủ pháp trị là việc tạo nên một bộ máy chính quyền có mọi hành động đều tuân theo quy định của pháp luật, bảo đảm lợi ích cho người dân. Căn cứ vào sự thay đổi của thời đại, Trung Quốc đã đưa ra hai nhiệm vụ mới cần thực hiện để xây dựng chính phủ pháp trị, đó là: xây dựng hệ thống ứng phó với các sự kiện bất ngờ, bảo đảm về khoa học kỹ thuật. Hai nhiệm vụ này đã được Trung Quốc thực hiện bằng những giải pháp rất mới, nâng cao hiệu quả cho quá trình xây dựng chính phủ pháp trị, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục.

 

3. NGUYỄN VĂN KIM

Giáo dục ở một số quốc gia Đông Bắc Á: Truyền thống, đặc tính và xu thế phát triển

Tóm tắt: Giáo dục có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của các quốc gia. Giáo dục có thể tạo dựng nền tảng văn hóa, nâng tầm tri thức của dân tộc và vạch định hướng đi cho dân tộc. Trong lịch sử của các quốc gia Đông Bắc Á, giáo dục đã sớm hình thành và được coi trọng. Nghiên cứu mô hình, cách thức tổ chức giáo dục, sự phát triển học thuật giữa các quốc gia có thể nhận thấy nhiều điểm tương đồng, dị biệt. Cũng như Hàn Quốc (Cao Ly, Triều Tiên) và Việt Nam (Đại Việt, Đại Nam), Nhật Bản từng chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, nhưng giáo dục Nhật Bản đã phát triển theo con đường riêng với nhiều nét đặc thù. Chính những đặc thù đó đã góp phần tạo nên điều kiện thiết yếu cho sự thành công của Nhật Bản. Trên cơ sở nghiên cứu khu vực, so sánh giữa Nhật Bản, Hàn Quốc (và ở mức độ nhất định là trường hợp Việt Nam), bài viết muốn làm rõ những đặc tính chung, riêng trong truyền thống giáo dục giữa các quốc gia khu vực và tác động, hệ quả đa chiều dẫn đến sự phát triển khác biệt của các nước về sau.

 

4. LÊ ĐĂNG MINH, LƯU NGỌC TRỊNH

Nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản

Tóm tắt: Cho đến nay, hầu hết các hình thức xuất khẩu lao động Việt Nam sang Nhật Bản đều tăng trưởng nhanh, có quy mô và chiếm thị phần lớn. Tuy vậy, trong thời gian sống và làm việc tại Nhật Bản, lao động Việt Nam đã bộc lộ khá nhiều vấn đề và điểm yếu, như trình độ chuyên môn và tay nghề thấp, cơ cấu việc làm mất cân đối, vi phạm pháp luật và tập quán xã hội của nước sở tại... Những vấn đề này đã ảnh hưởng khá tiêu cực đến hình ảnh Việt Nam nói chung và lao động Việt Nam nói riêng. Nguyên nhân chủ yếu là do trước khi sang Nhật Bản làm việc, lao động Việt Nam chưa được chuẩn bị tốt về kiến thức chuyên môn và tay nghề, chưa được đào tạo và huấn luyện chu đáo về đạo đức nghề nghiệp, cũng như những hiểu biết đầy đủ về các khía cạnh xã hội, văn hóa và luật pháp Nhật Bản... Để tận dụng tốt thị trường lao động Nhật Bản, bài viết kiến nghị một số giải pháp chủ yếu giúp cải thiện năng lực cứng và mềm cho lao động Việt Nam trước khi đưa họ sang Nhật Bản làm việc và học tập trong tương lai.

 

5. NGUYỄN ĐỨC CHIỆN, NGÔ VĂN VŨ, NGUYỄN THỊ NGÂN, LÊ QUÝ DƯƠNG

Quá trình hình thành chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của Đài Loan

Tóm tắt: Trong chiến lược phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới, doanh nghiệp nhỏ và vừa được xem là hạt nhân quan trọng đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển ở phương Tây và một số nước và vùng lãnh thổ công nghiệp mới ở châu Á, trong đó có Đài Loan cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những doanh nghiệp này đóng góp quan trọng đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bài viết* trình bày khái quát lịch sử phát triển kinh tế Đài Loan; phân tích làm rõ quá trình hình thành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa qua các thời kỳ phát triển và chuyển đổi; từ đó đưa ra một số bàn luận, gợi mở hàm ý cho Việt Nam trong việc hoạch định chính sách hỗ trợ phát triển cho loại hình doanh nghiệp này.

 

6. TRẦN NGỌC NHẬT

Kinh tế Nhật Bản năm 2022: Một số đặc điểm nổi bật và chính sách ứng phó

Tóm tắt: Năm 2022, nền kinh tế Nhật Bản đã có những dấu hiệu phục hồi. Tăng trưởng kinh tế đạt 3,8%, vượt mức ước tính ban đầu là 2,2% và tăng 0,9% so với kỳ vọng của thị trường. Xuất khẩu giữ ở mức ổn định nhờ vào những dấu hiệu suy yếu trong mâu thuẫn thương mại Trung – Mỹ. Tuy nhiên, lĩnh vực thương mại quốc tế của Nhật Bản lại trở nên bấp bênh hơn, vào năm 2022, cán cân thương mại của Nhật Bản đã thâm hụt kỷ lục 11.010 tỷ yên (73 tỷ USD). Dự báo tăng trưởng của Nhật Bản trong năm tài chính 2023 (bắt đầu từ tháng 4/2023 và kết thúc vào tháng 3/2024) đã được điều chỉnh tăng, theo đó GDP thực tế tăng 1,5% so với năm 2022 lên khoảng 558,5 nghìn tỷ yên. Các chính sách kích thích kinh tế mới của Nhật Bản chắc chắn sẽ có những tác động đáng kể đến nền kinh tế Nhật Bản trong năm 2023.

 

7. NGHIÊM THÚY HẰNG, ĐỒNG XUÂN DƯƠNG

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Trung Quốc

Tóm tắt: Trong kỷ nguyên kinh tế “bình thường mới” (新常), Chính phủ Trung Quốc đang hướng tới mô hình tăng trưởng định tính thay cho mô hình tăng trưởng định lượng hiện có. Để phù hợp với quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ sản xuất sang phát triển công nghệ cao, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai chiến lược “Khởi nghiệp và đổi mới đại chúng” (大众创业,万众) thông qua việc đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm tạo ra các động lực tăng trưởng mới mang tính bền vững. Các chính sách mới của Chính phủ Trung Quốc đã khiến văn hóa khởi nghiệp, cơ sở hạ tầng và các nền tảng hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp phát triển nhanh chóng. Bài viết tập trung làm rõ thực trạng, những thành tựu và hạn chế của hệ sinh thái khởi nghiệp của Trung Quốc trong giai đoạn 2012-2022, trên cơ sở đó bước đầu làm rõ vị thế, đặc thù, năng lực cạnh tranh, triển vọng phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trung Quốc trong thời gian tới.

 

43 lượt xem