Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 10 năm 2021

Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 10 năm 2021

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

CHÍNH TRỊ - LUẬT

1. LỘC THỊ THỦY

Một số nhân tố tác động đến chính sách của Hoa Kỳ đối với Triều Tiên dưới thời tổng thống Biden

Tóm tắt: Sau khi trở thành tổng thống mới của Hoa Kỳ, Chính quyền Biden đã có sự thay đổi về quan điểm, cách tiếp cận cởi mở hơn trong vấn đề Triều Tiên so với người tiền nhiệm Trump. Theo đó, Hoa Kỳ đã chuyển từ “đóng băng hạt nhân” sang “vừa hợp tác, vừa kiềm chế” với Triều Tiên. Sự thay đổi chính sách của Hoa Kỳ đổi với Triều Tiên dưới thời Tổng thống Biden cũng chịu sự chi phối, tác động của nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài như: bối cảnh quốc tế, khu vực Đông Bắc Á, tình hình nội tại mỗi nước... Trong bài viết này, tác giả tập trung làm rõ bối cảnh khu vực Đông Bắc Á, tình hình nội tại của Hoa Kỳ, Triều Tiên và đưa ra một số đánh giá về chính sách của Hoa Kỳ đối với Triều Tiên của Chính quyền Biden.

 

2. VŨ THỊ HƯNG

Thực trạng các cơ chế kiểm soát vũ khí hạt nhân trên thế giới hiện nay

Tóm tắt: Vũ khí hạt nhân (VKHN) là một công cụ quyền lực đặc biệt và được coi là yếu tố đo lường sức mạnh quân sự của một quốc gia. Đây là loại vũ khí mà các quốc gia mong muốn sở hữu nhưng không mong muốn sử dụng chúng. Tất cả các nước, trong đó có cả các cường quốc hạt nhân, đều nhận thức rất rõ mối đe dọa mà một cuộc chiến tranh hạt nhân gây ra đối với sự tồn vong của nhân loại. Tuy nhiên hiện nay, thế giới đang đứng trước nguy cơ về một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân căng thẳng giữa các siêu cường, cũng như tham vọng sở hữu VKHN của một số quốc gia. Để ngăn chặn nguy cơ đỏ cần có những cơ chế kiểm soát VKHN hiệu quả, hiệu lực trên phạm vi toàn cầu. Bài viết này sẽ làm rõ thực trạng các cơ chế kiểm soát VKHN trên thế giới hiện nay.

 

QUAN HỆ QUỐC TẾ

3. LÊ THỊ THU TRANG

Hội nhập Nam Mỹ từ lý tưởng đến thực tiễn

Tóm tắt: Là một khu vực nở rộ các hình thức hội nhập, Mỹ Latinh có rất nhiều cơ chế hợp tác và liên kết, tạo nên một mạng lưới chồng chéo. Việc hình thành và phát triển hay đi đến lụi tàn của một tổ chức hội nhập không phải là điều hiếm thấy ở khu vực này. UNASUR là một cơ chế hợp tác mang nhiều lý tưởng của Mỹ Latinh đó là hội nhập về chính trị, xã hội, khoa học và con người, chứ không chỉ đơn thuần là kinh tế như một tổ chức khác. Mục tiêu UNASUR hưởng tới là một châu Mỹ lớn mạnh có tiếng nói trên trường quốc tế, tạo nên đối trọng với Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) của Mỹ. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thành lập và hoạt động, UNASUR không những chưa đạt được mục tiêu của mình, mà còn nảy sinh nhiều bất đồng trong nội bộ, có thể dẫn tới tình trạng tan rã của một tổ chức đầy lý tưởng. Trên cơ sở phân tích động cơ hình thành, đánh giá hoạt động của UNASUR, bài viết đưa ra một số nhận xét về khả năng tan rã của tổ chức đầy tham vọng này.

 

4. NGÔ THỊ LAN ANH

Quan hệ Mỹ-Nhật từ thời kỳ Tổng thống Donald Trump đến nay

Tóm tắt: Dưới thời Tổng thống Donald Trump, quan hệ giữa Mỹ với các quốc gia đồng minh, bao gồm Nhật Bản, dường như có phần suy yếu khi Mỹ duy trì chính sách “nước Mỹ trên hết”, trong đó đặt lợi ích của người Mỹ lên trên hết, tập trung vào mục tiêu giảm thâm hụt thương mại, đàm phản lại các hiệp định thương mại khu vực và song phương, rút khỏi các diễn đàn đa phương và khu vực,... Sau khi Tổng thống Joe Biden lên nhậm chức vào tháng 1/2021, chính sách đối ngoại của Mỹ đã có những thay đổi về chiến lược và cách tiếp cận, trong đó Mỹ cho rằng sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác và đồng minh, bao gồm cả Nhật Bản, gia tăng ngoại giao và can dự tại các tổ chức quốc tế. Điều này mở ra những triển vọng tích cực hơn cho quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản trong tương lai.

 

VĂN HOÁ - LỊCH SỬ

5. LÊ THỊ THU HẰNG

Lịch sử phát triển của các trung tâm mua sắm ở Mỹ

Tóm tắt: Nhắc đến những công trình tiêu biểu, mang đậm dấu ấn của một quốc gia, Kenneth T. Jackson, nhà sử học đô thị Mỹ, đã từng viết: “Nếu như người Ai Cập có kim tự tháp, người Trung Quốc có Vạn Lý Trường Thành, người Anh có những thảm cỏ lộng lẫy, người Đức có các lâu đài cổ, người Hà Lan có các con kênh, người Ý có các nhà thờ lớn, thì người Mỹ có các trung tâm mua sắm khổng lồ”. Điều đó cho thấy, các trung tâm mua sắm ở Mỹ được ông ghi nhận là một trong những hình ảnh tiêu biểu của một nước Mỹ hiện đại. Thực vậy, trong hơn một thế kỷ qua, các trung tâm mua sắm đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của người Mỹ và cũng là nơi thể hiện sự thành công của giấc mơ Mỹ đối với các tầng lớp dân cư. Đặc biệt, đối với những người Mỹ sinh ra sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trung tâm mua sắm đã trở thành một phần không thể tách rời trong đời sống văn hóa - xã hội Mỹ. Các trung tâm này đã gia tăng về số lượng, phát triển về chất lượng kể từ thập niên 1950 khi nước Mỹ bước vào một thời kỳ công nghiệp hóa mới và dần trở thành một xu hướng bán lẻ mạnh mẽ trên toàn cầu. Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi theo thời gian và tác động của một số yếu tố, các trung tâm mua sắm hiện đại bậc nhất trong những thập niên trước dần không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ thế kỷ XXI. Bài viết dưới đây khái quát về lịch sử phát triển của các trung tâm mua sắm ở Mỹ từ thập niên 1920 đến nay và một số nhận định về xu hưởng của chúng trong tương lai.

 

KINH TẾ - XÃ HỘI

6. TRẦN MINH NGUYỆT

Chuỗi cung ứng của Mỹ dưới tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung và đại dịch COVID-19

Tóm tắt: Chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung và chuỗi cung ứng của Mỹ nói riêng luôn dễ bị tổn thương bởi những nhân tố bên trong (năng lực nội tại) và những nhân tố bên ngoài bao gồm chiến tranh thương mại, đại dịch như COVID-19, bất ổn chính trị... Những tác nhân bên ngoài này có thể cản trở dòng chảy thông suốt của hàng hóa và dịch vụ từ các nước xuất khẩu sang các đối tác thương mại nhập khẩu. Bài viết sẽ tập trung phân tích hai nhân tố bên ngoài chính tác động đến chuỗi cung ứng của Mỹ hiện nay bao gồm: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và Đại dịch COVID-19.

 

7. PHẠM THỊ HIẾU

Nhìn lại chính sách thương mại của Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump

Tóm tắt: Với tư tưởng “Nước Mỹ trên hết” và “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, Tổng thống Donald Trump đã thực thi chính sách thương mại theo chủ nghĩa trọng thương, với hai mục tiêu chính là xây dựng quan hệ thương mại công bằng và thúc đẩy phát triển nền kinh tế trong nước. Những thay đổi về chính sách thương mại dưới thời Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã có những tác động đến nền kinh tế và tạo nên một dấu ấn riêng cho vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Trên cơ sở phân tích mục tiêu chính sách thương mại của Chính quyền Donald Trump, bài viết chỉ ra tác động của chính sách thương mại đến nền kinh tế trên khía cạnh vĩ mô và vi mô. Để đánh giá tác động của chính sách thương mại trên phương diện vĩ mô, bài viết sử dụng ba chỉ số cơ bản đó là GDP, thâm hụt thương mại và số lượng việc làm. Còn trên phương diện vi mô, bài viết chủ yếu tập trung vào hai ngành chịu tác động nhiều nhất đó là ngành công nghiệp chế tạo và ngành nông nghiệp.

 

8. TRẦN MẠNH TÙNG

Thị trường xe điện Brazil hiện nay

Tóm tắt: Trước làn sóng phát triển xe điện trên toàn cầu, Brazil - một trong những thị trường ô tô lớn nhất trên thế giới, nơi tập hợp rất nhiều hãng sản xuất xe và các nhà cung cấp linh phụ kiện tầm cỡ trên thế giới, cũng không nằm ngoài xu hướng này. Brazil đã tìm mọi cách để nắm bắt các cơ hội nhằm nâng cao giá trị sản phẩm của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới. Thông qua một loạt các chính sách công từ cấp liên bang đến địa phương, ngành công nghiệp xe điện ở Brazil đã thu được một số thành tựu nhất định. Trên cơ sở đánh giá quá trình phát triển của ngành công nghiệp xe điện Brazil, có thể rút ra một số nhận xét về ngành công nghiệp xe điện Brazil hiện nay.

 

32 lượt xem