Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 2 năm 2022

Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 2 năm 2022

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

QUAN HỆ QUỐC TẾ:

1. NGUYỄN VĂN LỊCH - VŨ THỊ KIM LIÊN

Quan hệ Mỹ - Nga trong năm 2021

Tóm tắt: Tháng 1/2021, Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền đã đề ra mục tiêu tìm kiếm mối quan hệ ổn định trong quan hệ Mỹ - Nga. Trong năm 2021, Mỹ và Nga đã thảo luận nhiều chủ đề quan trọng trong quan hệ hai nước và các vấn đề quốc tế; nhất trí các biện pháp duy trì đối thoại và tham vấn về những vấn đề an ninh nhạy cảm để hướng tới mục tiêu ổn định và tạo dựng lòng tin giữa hai bên. Tuy nhiên, những nỗ lực cải thiện quan hệ Mỹ - Nga vẫn gặp nhiều trở ngại. Bài viết sẽ nêu ra các yếu tố tích cực và căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Nga trong năm 2021 và dự báo triển vọng của quan hệ giữa hai nước.

 

2. NGUYỄN LAN HƯƠNG

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung: Chưa thể ngăn đà suy thoái quan hệ hai nước

Tóm tắt: Cuộc gặp “mặt đối mặt” đầu tiên giữa Tổng thống J. Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đã diễn ra vào ngày 16/11/2021 (theo giờ Việt Nam). Cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến kéo dài ba tiếng rưỡi có mục đích thiết lập hướng đi mới cho mối quan hệ Mỹ - Trung đang trong tình trạng căng thẳng và cạnh tranh gay gắt. Bài viết chứng minh cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nguyên thủ chưa thể ngăn được đà suy thoái trong quan hệ giữa hai nước do không thể giải quyết nguồn gốc gây ra sự căng thẳng trong quan hệ hai nước hiện nay. Bài viết sử dụng kết quả của cuộc gặp trực tuyến để chứng tỏ mối quan hệ Mỹ - Trung hiện nay ít có sự tương đồng, nhiều khác biệt khó có thể hòa giải. Bên cạnh đó, bài viết sử dụng những diễn biến trong quan hệ song phương ngay sau đó như đính chính lại cách xưng hô thân mật của hai nguyên thủ trong cuộc gặp, gia tăng căng thẳng ở eo biển Đài Loan, tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Olympic Bắc Kinh, mở rộng danh sách cấm vận các công ty của Trung Quốc để chứng tỏ cuộc gặp không thể ngăn được đà suy thoái trong quan hệ Mỹ - Trung... Và cuối cùng, bài viết phân tích nguồn gốc căng thẳng trong quan hệ hai nước để lý giải nguyên nhân tại sao cuộc gặp lại không thể ngăn được đà suy thoái này.

 

CHÍNH TRỊ - LUẬT:

3. NGUYỄN ANH CƯỜNG - TRẦN QUANG KHẢI - NGUYỄN THỊ PHƯƠNG LINH

Vài nhận thức về giá trị cốt lõi trong hành xử đối ngoại của Mỹ và Trung Quốc

Tóm tắt: Bên trong hành xử đối ngoại của Mỹ và Trung Quốc đều được hình thành từ các giá trị cốt lõi mang bản sắc, chi phối thái độ, nhận thức và hành động ra bên ngoài thế giới. Đối với Mỹ, giá trị “tự do” trở thành nguyên tắc bất di bất dịch trong ý thức bản sắc dân tộc và từ lâu trở thành bệ đỡ cho giấc mơ Mỹ. Phía bên kia là Trung Quốc, mang trong mình một giai đoạn đau thương “bách niên quốc sỉ” buộc phải nhận thức và chuyển đổi để hình thành giá trị “phục hưng”. Tuy Mỹ và Trung Quốc đều tồn tại hai giá trị khác nhau trong lối hành xử quốc tế, nhưng sâu thẳm trong đó vẫn tồn tại sự tương đồng về lợi ích quốc gia - dân tộc. Bài viết không chỉ tập trung phân tích nhận thức về giá trị cốt lõi trong hành xử đối ngoại của Mỹ và Trung Quốc, mà còn đi sâu vào so sánh các giá trị qua các thế hệ lãnh đạo của hai quốc gia để thấu hiểu các điểm khác biệt và tương đồng căn bản nhất.

 

4. NGUYỄN ĐỨC TÂM

Hợp tác an ninh giữa Mỹ và Nhật Bản ở Đông Nam Á từ năm 2012 đến nay

Tóm tắt: Hợp tác an ninh giữa Mỹ và Nhật Bản ở khu vực Đông Nam Á từ năm 2012 đến nay phù hợp với lợi ích và chiến lược của hai quốc gia này đối với khu vực. Bài viết này trước hết phân tích các nhân tố tác động đến hợp tác an ninh giữa Mỹ và Nhật Bản ở Đông Nam Á, bao gồm những thay đổi của tình hình khu vực và điều chỉnh chiến lược về mặt an ninh của Mỹ và Nhật Bản đối với khu vực này. Qua đó, bài viết tập trung phân tích hợp tác an ninh giữa Mỹ và Nhật Bản ở Đông Nam Á thông qua các cơ chế hợp tác đa phương trong khu vực và hợp tác an ninh song phương giữa Mỹ, Nhật Bản với các nước Đông Nam Á. Cuối cùng, bài viết chỉ ra những tác động của hợp tác an ninh giữa Mỹ và Nhật Bản đến tình hình chung của khu vực Đông Nam Á từ năm 2012 đến nay.

 

KINH TẾ - XÃ HỘI:

5. NGUYỄN VĂN HUỲNH

Liên minh Thái Bình Dương 10 năm tồn tại và phát triển

Tóm tắt: Thành lập từ năm 2011, Liên minh Thái Bình Dương (PA) là một cơ chế mở tại khu vực Mỹ Latinh, dựa trên hội nhập kinh tế và thương mại tự do gồm bốn quốc gia thành viên ban đầu là: Chile, Colombia, Mexico và Peru. Hiện nay, với thị trường khoảng 230 triệu dân, tổng GDP chiếm khoảng 38% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khu vực Mỹ Latinh (2.800 tỷ USD), đứng thứ 8 thế giới, và cũng đứng thứ 8 về thương mại toàn cầu. Liên minh Thái Bình Dương đã nhận được sự quan tâm cao ở mức độ toàn cầu, với 59 quốc gia là quan sát viên trên khắp thế giới, trong đó 4 quốc gia đã thành thành viên liên kết (ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có Australia, Singapore và New Zealand). Năm 2021 đánh dấu 10 năm thành lập (2011-2021) của Liên minh Thái Bình Dương, đây thực sự là một sự kiện quan trọng trong tiến trình hội nhập nội khối ở Mỹ Latinh và thúc đẩy quan hệ với các nước ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

 

VĂN HOÁ - LỊCH SỬ:

6. NGUYỄN VĂN SANG

Nước Mỹ với cuộc chiến chống cướp biển Barbary ở Địa Trung Hải (1801-1805)

Tóm tắt: Trong buổi đầu của kỷ nguyên độc lập, nước Mỹ phải đối mặt với những đe dọa về an ninh hàng hải và thương mại từ cướp biển Barbary. Người Mỹ buộc phải cống nộp một khoản tiền lớn cho cướp biển Barbary để đảm bảo an toàn, cũng như duy trì hoạt động thương mại ở khu vực Địa Trung Hải. Trên cơ sở các nguồn sử liệu, bài báo nhằm làm sáng tỏ cuộc chiến chống cướp biển của Mỹ và các tác động của nó đối với nước Mỹ trong buổi đầu sau cách mạng. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng danh dự quốc gia và những tổn hại về kinh tế là nguyên nhân khiến nước Mỹ từ thoả hiệp đến thực thi các hành động chống cướp biển. Cuộc chiến là trường hợp đặc biệt chưa có tiền lệ trong quan hệ giữa các quốc gia có nền thương mại trên biển với lực lượng cướp biển Barbary. Thắng lợi trong cuộc chiến này đã mang đến vị thế mới của Mỹ trong quan hệ quốc tế, cũng như thái độ tích cực của công chúng đối với chính quyền, sự điều chỉnh trong chính sách đối ngoại và cấu trúc quyền lực của nước Mỹ. Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần làm rõ một phần trong chính sách đối ngoại, hoạt động ngoại thương của nước Mỹ sau cách mạng và hoạt động của cướp biển Barbary ở khu vực Địa Trung Hải.

 

THÔNG TIN

7.

Những tác động của đại dịch COVID-19 đến khu vực Mỹ Latinh

 


 

37 lượt xem