Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 3 năm 2022

Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 3 năm 2022

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

QUAN HỆ QUỐC TẾ:

1. NGUYỄN THỊ HẢI YẾN

Vai trò của Đài Loan trong cạnh tranh Mỹ - Trung về công nghiệp bán dẫn

Tóm tắt: Một trong những trọng tâm xung đột Mỹ - Trung hiện nay chính là về khoa học công nghệ, đặc biệt là ngành công nghiệp bán dẫn. Cả Mỹ và Trung Quốc đều ý thức được việc tự chủ, hoặc ít nhất là đảm bảo an toàn cho chuỗi cung ứng chiến lược này có ý nghĩa sống còn. Vì vậy, các chính sách từ cả hai phía có liên quan tới công nghiệp bán dẫn thể hiện rõ xu hướng “chia tách” về công nghệ Mỹ - Trung. Điều này có thể sẽ làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt của ngành công nghiệp này trong một thập niên tới. Trên cơ sở phân tích cạnh tranh Mỹ - Trung trong ngành công nghiệp bán dẫn và làm rõ vai trò của Đài Loan trong chuỗi cung ứng này, bài viết sẽ đưa ra một số nhận xét về thách thức và cơ hội đối với Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung về công nghiệp bán dẫn ngày càng gia tăng.

 

2. NGUYỄN NGỌC CƯƠNG

Một số vấn đề lý luận về ngoại giao số trong thế kỷ XXI

Tóm tắt: Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và những biến động của quan hệ quốc tế, ngoại giao nói chung và các hình thức ngoại giao nói riêng đã thay đổi đáng kể trong suốt thế kỷ XX. Đặc biệt là khi bước sang thế kỷ XXI, sự ra đời và phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã tạo ra một không gian ngoại giao mới thông qua Internet, các ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram, LinkedIn, Weibo,… Đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát, chính sách phong tỏa được chính phủ các nước trên thế giới áp dụng rộng rãi nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch, ngay cả khu vực Liên minh châu Âu (EU) vốn được coi là biểu tượng cho sự tự do đi lại, thì nhiều quốc gia thành viên cũng đã buộc phải đóng cửa biên giới. Trong bối cảnh đó, các hình thức ngoại giao truyền thống bị hạn chế và các hình thức ngoại giao phi truyền thống lên ngôi, trong đó có ngoại giao số. Bài viết này mong muốn đóng góp một góc nhìn khái quát mang tính lý luận về một trong những loại hình ngoại giao chuyên biệt, còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam. Với mục đích này, bài viết bao gồm 3 nội dung: (1) Bối cảnh và sự ra đời của ngoại giao số; (2) Các khái niệm và quan điểm về ngoại giao số; và (3) Ngoại giao số thời kỳ Hậu COVID-19.

 

CHÍNH TRỊ - LUẬT:

3. ĐỖ THỊ THUỶ

Những tư tưởng định hình chiến lược đối ngoại Mỹ và chủ nghĩa hiện thực nguyên tắc dưới thời Chính quyền Trump

Tóm tắt: Chiến lược đối ngoại của Mỹ là một chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của giới nghiên cứu quan hệ quốc tế do tầm vóc siêu cường toàn cầu của Mỹ cũng như những nét độc đáo trong văn hóa chiến lược của nước này. Từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần khẳng định chiến lược đối ngoại của ông dựa trên tư duy “chủ nghĩa hiện thực nguyên tắc”. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu về nền tảng và bản chất của tư tưởng này cũng như tính kế thừa và điều chỉnh của nó so với những nền tảng truyền thống vốn đã góp phần định hình nên chiến lược đối ngoại của Mỹ trong lịch sử. Bài viết này bổ sung một góc nhìn về chiến lược đối ngoại của Mỹ nói chung và chính quyền Trump nói riêng dưới lăng kính lý thuyết quan hệ quốc tế.

 

KINH TẾ - XÃ HỘI:

4. LÊ THỊ VÂN NGA - NGUYỄN MINH TUẤN

Các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển công nghệ ở tiểu bang California

Tóm tắt: Tiểu bang California là nơi chiếm 1/8 dân số Mỹ, đóng góp 1/7 tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ và có quy mô kinh tế lớn thứ năm thế giới. Nét nổi bật trong kinh tế của tiểu bang này chính là sự phát triển của các ngành công nghệ cao, từng được coi là động lực quan trọng giúp nước Mỹ phục hồi kinh tế sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Có nhiều nhân tố lý giải cho sự phát triển của các ngành công nghệ cao nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung của tiểu bang California, tuy nhiên, bài viết đề cập tới một số nhân tố đặc trưng gắn với California bao gồm: vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, giáo dục đào tạo và nguồn lao động, cơ sở hạ tầng, tài nguyên thiên nhiên và môi trường kinh doanh, để lý giải cho sự phát triển này.

 

5. TRẦN MINH NGUYỆT

Những biến đổi trong chuỗi cung ứng dược phẩm của Hoa Kỳ hiện nay

Tóm tắt: Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang và những thách thức sản xuất do đại dịch Covid-19 gây ra, chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ buộc phải thay đổi để thích ứng. Những thay đổi trong chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ hiện nay đang hướng đến việc ít phụ thuộc vào Trung Quốc hơn và đưa các ngành sản xuất cốt lõi trở lại Hoa Kỳ. Việc tăng cường sản xuất trong nước có thể đóng vai trò như một hàng rào chống lại các rủi ro địa chính trị. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến ngành công nghiệp dược phẩm, một trong những ngành mũi nhọn có liên quan đến an ninh quốc gia và sự thịnh vượng kinh tế của Hoa Kỳ, để đánh giá những thay đổi đang diễn ra trong hệ sinh thái chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ, và các biện pháp mà chính phủ nước này thực hiện để đối phó với sự gián đoạn trong ngắn hạn và bảo vệ sức khỏe và sinh kế của người dân.

 

6. HOÀNG NGUYÊN KHAI - NGUYỄN ĐẮC HƯNG

Đóng góp của các ngân hàng nước ngoài trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam

Tóm tắt: Trước năm 1993, khi nền kinh tế Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng từ các lệnh cấm vận quốc tế, các ngân hàng nước ngoài mới chỉ hoạt động ở trạng thái khảo sát, thăm dò, đối với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam (1994) và các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như Quỹ Tiền tế Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB),… chính thức nối lại các quan hệ với Việt Nam, thì các tập đoàn tài chính - ngân hàng nước ngoài, đặc biệt là của Mỹ, Canada, Anh, Đức,… mới bắt đầu mở rộng hiện diện thương mại tại Việt Nam. Hoạt động của các tổ chức này đã đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy chu chuyển các dòng vốn quốc tế vào nền kinh tế Việt Nam, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam. Trên cơ sở phân tích thực trạng đầu tư và hoạt động của các ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam trong những năm vừa qua, bài viết rút ra một số nhận xét gắn với việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại của Việt Nam trong tiến trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

 

VĂN HOÁ - LỊCH SỬ:

7. LÊ THÀNH NAM - DƯƠNG THỊ THIÊN AN

Quá trình nước Mỹ giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Tây Ban Nha ở khu vực Tây Nam (1783 - 1795)

Tóm tắt: Nước Mỹ khi vừa mới giành độc lập (1783) đã phải đối mặt tình trạng phức tạp trong việc xác định quyền sở hữu quốc gia tại khu vực Tây Nam của Liên bang. Đó là sự tranh chấp lãnh thổ với Tây Ban Nha. Để bảo vệ chủ quyền tại khu vực Tây Nam, chính quyền Mỹ non trẻ, bên cạnh việc tái thiết đất nước sau chiến tranh, tiến hành cuộc đấu tranh ngoại giao với Tây Ban Nha nhằm buộc quốc gia này thừa nhận chủ quyền, không gian lãnh thổ ở địa bàn nói trên. Dựa vào các nguồn tư liệu phía Mỹ, bài viết phân tích, làm rõ mục đích, động cơ của Tây Ban Nha khi tiến hành tranh chấp với Mỹ tại khu vực Tây Nam; những hoạt động ngoại giao của nước Mỹ để xác lập chủ quyền quốc gia tại khu vực Tây Nam.

 

 

78 lượt xem