Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 7 năm 2022

Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 7 năm 2022

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

KINH TẾ - XÃ HỘI:

1. NGUYỄN HẢI LƯU

Chính sách kinh tế xanh của Mỹ và một số vấn đề đặt ra

Tóm tắt: Trong suốt nửa nhiệm kỳ qua, chính quyền Biden đang theo đuổi những chính sách toàn diện, đồng bộ về chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, từ ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế tuần hoàn cho đến tải cơ cấu ngành năng lượng theo hướng tăng mạnh tỷ trọng năng lượng tái tạo. Nhiều cam kết và quyết sách mạnh mẽ đã được đưa ra cả về đối nội và đối ngoại, song trên thực tế tiến độ và hiệu quả triển khai đang vấp phải nhiều trở ngại đan xen. Trên cơ sở đó, bài viết này sẽ tập trung phân tích quá trình xây dựng và vận hành chính sách của chính quyền Biden trong các lĩnh vực liên quan, từ đó đánh giá một số vấn đề đặt ra đối với quan hệ quốc tế và không gian chính sách đối nội của Mỹ.

 

2. LÊ LAN ANH

Tác động của đại dịch COVID-19 tới thị trường lao động và phản ứng chính sách của Brazil

Tóm tắt: Cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra đã đẩy nhiều công ty rơi vào tình trạng phá sản, nhiều người lao động ở Brazil thất nghiệp hoặc bị cắt giảm giờ làm, tiền lương. Điều này khiến cho mức thu nhập của các hộ gia đình bị suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là các hộ nghèo và dưới ngưỡng nghèo. Bằng cách phân tích bối cảnh cũng như dựa trên các số liệu được thống kê về tình trạng việc làm, thất nghiệp tại Brazil trong bối cảnh COVID-19, bài viết chỉ ra rằng thị trường lao động của Brazil đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, đặc biệt là những người lao động trong khu vực phi chính thức. Đại dịch cũng cho thấy những bất bình đẳng trong cấu trúc xã hội của Brazil. Mặc dù Chính phủ Brazil đã đưa ra một số chương trình nhằm hỗ trợ người lao động và phục hồi thị trường lao động, tuy nhiên đó chỉ là các biện pháp mang tính tạm thời, cần có những chính sách mang tính bền vững hơn.

 

QUAN HỆ QUỐC TẾ:

3. TRẦN MINH NGUYỆT

Chuỗi cung ứng chất bán dẫn của Mỹ dưới tác động của đại dịch COVID-19 và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Tóm tắt: Chuỗi cung ứng của Mỹ hiện nay đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt là những thách thức sản xuất do đại dịch COVID-19 và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gây ra. Trong bối cảnh đó, chuỗi cung ứng của Mỹ buộc phải thay đổi để thích ứng và hướng đến việc ít phụ thuộc vào Trung Quốc hơn và đưa các ngành sản xuất cốt lõi trở lại Mỹ. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến ngành công nghiệp chất bán dẫn, một trong những ngành mũi nhọn có liên quan đến an ninh quốc gia và sự thịnh vượng kinh tế của Mỹ, để đánh giá những thay đổi đang diễn ra trong hệ sinh thái chuỗi cung ứng của Mỹ, và các biện pháp mà chính phủ nước này thực hiện để đối phó với sự gián đoạn trong ngắn hạn và bảo vệ sức khỏe và sinh kế của người dân.

 

4. VŨ QUÝ SƠN

Phản ứng của Trung Quốc trước Báo cáo nghiên cứu ranh giới biển số 150 của Mỹ và tác động tới Việt Nam

Tóm tắt: Ngày 12/01/2022, Cục Đại dương, Môi trường Quốc tế và Khoa học thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố báo cáo nghiên cứu “Giới hạn biển” số 150 về “yêu sách hàng hải của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Biển Đông” (gọi tắt: Bảo cáo số 150). Báo cáo này là một phần trong hệ thống các báo cáo về ranh giới biển do Chính phủ Mỹ đưa ra từ những năm 1970, để đánh giá về các yêu sách biển đảo của các quốc gia ven biển có phù hợp với luật quốc tế hay không. Trong Báo cáo số 150, Chính phủ Mỹ đã khẳng định các diễn giải mới về yêu sách Biển Đông của Trung Quốc, sau Phán quyết năm 2016 và kết luận yêu sách chủ quyền đối với các thực thể, đường cơ sở bao quanh Quần đảo Hoàng Sa, yêu sách vùng biển “dựa trên Nam Hải chư đảo” và yêu sách “quyền lịch sử trên Biển Đông” của Trung Quốc là hoàn toàn không phù hợp với luật pháp quốc tế. Trên cơ sở phân tích mục tiêu của Báo cáo số 150, được xem như là sự nhất quán trong chính sách của Mỹ tại Biển Đông. Đồng thời, đánh giá phản ứng của Trung Quốc đối với Báo cáo số 150, bài viết chỉ ra những tác động tích cực và tiêu cực đối với Việt Nam.

 

CHÍNH TRỊ - LUẬT:

5. NGUYỄN VĂN TÂN

Vai trò của Australia trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Mỹ

Tóm tắt: Là quốc gia có ảnh hưởng và là cường quốc bậc trung duy nhất ở châu Đại Dương nên từ khi triển khai học thuyết “Ngoại giao Pháo hạm” (1898) và chính sách “Cơ hội đồng đều” (1916), Australia luôn đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược khu vực, toàn cầu của chính quyền Mỹ, nhất là trong việc kiềm chế, cạnh tranh với các đối thủ địa chính trị có khả năng thách thức địa vị của Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương như: Nhật Bản, Liên Xô và Trung Quốc... Giá trị của Australia trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Mỹ được thể hiện rất rõ dưới thời Tổng thống Biden. Trong bài viết này tác giả tập trung làm rõ lịch sử quan hệ đồng minh Mỹ - Australia, sau đó, phân tích vai trò của Australia trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Mỹ và cuối cùng là đưa ra một số đánh giá.

 

6. HOÀNG THẾ ANH

Tương quan sức mạnh quân sự Trung Quốc và Mỹ: Thực tiễn triển khai tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Tóm tắt: Bài viết so sánh sức mạnh quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ trên các khía cạnh chi tiêu quốc phòng, chỉ số xếp hạng sức mạnh quân sự, số lượng các loại vũ khí, công nghệ quốc phòng cho thấy, với mức chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đứng thứ hai thế giới, sức mạnh quân sự đứng thứ ba thế giới, trong những năm gần đây, mặc dù Trung Quốc đã tăng cường hiện đại hóa quân đội, nhưng sức mạnh quân sự vẫn kém Mỹ về lực lượng không quân, tàu sân bay, tàu ngầm và vũ khí hạt nhân. Hiện nay, sức mạnh quân sự của Trung Quốc phần lớn tập trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, còn sức mạnh quân sự của Mỹ phân bổ trên toàn cầu, có hệ thống đồng minh, trong đó có việc Mỹ đang tập hợp lực lượng cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chính vì vậy, những điểm nóng ở khu vực này tiềm ẩn nguy cơ xung đột vũ trang ngày càng cao.

 

VĂN HÓA - LỊCH SỬ:

7. PHẠM NGỌC LAM GIANG

Đấu tranh chống phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ

Tóm tắt: Hoa Kỳ là một quốc gia đa dạng về sắc tộc, với nhiều màu da chung sống. Mặc dù đa dạng về chủng tộc và màu da, nhưng Hoa Kỳ lại được biết đến bởi một phần lịch sử gắn với nạn phân biệt chủng tộc. Kể từ khi xuất hiện cho đến nay, phân biệt chủng tộc ở Mỹ chưa bao giờ mất đi, nó chỉ tạm thời lắng xuống và chờ một thời cơ để có thể bùng phát trở lại. Cùng với tình trạng phân biệt chủng tộc chưa bao giờ chấm dứt thì người da màu ở Mỹ cũng chưa bao giờ ngơi nghỉ trong công cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc. Xã hội Mỹ đã đạt được nhiều tiến bộ trong công cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc. Trên cơ sở khái quát lịch sử và nguồn gốc phân biệt chủng tộc trong xã hội Mỹ, bài viết đưa ra một số phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc và ý nghĩa của các phong trào này.

 

THÔNG TIN:

Kinh tế Mỹ sáu tháng đầu năm 2022


 

74 lượt xem