- Sách
- Chính trị (99)
- Xã hội học (22)
- Môi trường (5)
- Quan hệ Ngoại giao (75)
- Văn hóa (10)
- Nông nghiệp (1)
- Kinh tế (74)
- Quản lý Thông tin (1)
- Luật (6)
- Du lịch (2)
- Tôn giáo (5)
- Ngôn ngữ (1)
- Giáo dục (2)
- Sức khỏe (2)
- Lịch sử (5)
- Triết học (1)
- Cách mạng Công nghiệp 4.0 (2)
- Phát triển bền vững (2)
- Khoa học Công nghệ (3)
- Tạp chí
- Những vấn đề kinh tế & chính trị thế giới (28)
- Châu Mỹ ngày nay (27)
- Nghiên cứu Châu Âu (25)
- Nghiên cứu Ấn Độ & Châu Á (26)
- Nghiên cứu Trung Quốc (25)
- Nghiên cứu Đông Nam Á (30)
- Nghiên cứu Đông Bắc Á (28)
- Nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông (24)
- Tài liệu
Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 1 năm 2022
Tác giả:
Thông tin NXB:
Số trang : 0
Loại sách: Tạp chí
1. NGUYỄN NGỌC NGHIỆP
Liên minh Nhật - Mỹ giai đoạn 2000 - 2001 và những tác động đối với Nhật Bản
Tóm tắt: Liên minh Nhật - Mỹ được hình thành từ năm 1951. Sau khi thành lập, liên minh đã mang lại lợi ích cho cả hai phía Nhật Bản và Mỹ. Với Mỹ, Nhật Bản như cánh tay nối dài ở khu vực châu Á. Sự hiện diện của lực lượng quân sự Mỹ ở Nhật Bản tạo điều kiện cho Mỹ có thể can thiệp kịp thời vào các vấn đề trong khu vực. Với Nhật Bản đó là một sự đảm bảo an ninh vững chắc, đặc biệt là trong bối cảnh có nhiều bất ổn trong khu vực trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đi sâu phân tích về sự hình thành và những chuyển biến của liên minh Nhật - Mỹ từ năm 2000 đến hết nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, đồng thời đánh giá những tác động của liên minh này đối với Nhật Bản trên cả hai phương diện tích cực và tiêu cực.
2. TRẦN THU MINH, NGUYỄN MAI PHƯƠNG
Mục tiêu "cùng giàu có" của Trung Quốc - Quan điểm và các biện pháp thúc đẩy
Tóm tắt: Hội nghị lần thứ 10 Ủy ban Tài chính Kinh tế Trung ương Trung Quốc (ngày 17/8/2021) đã chính thức đưa mục tiêu “cùng giàu có” trở thành ưu tiên chính của Bắc Kinh trong giai đoạn hiện nay. Việc xác định ưu tiên chính sách này của Bắc Kinh ngay lập tức đã tác động thay đổi nhận thức và hành động của một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp và thương nhân. Bài viết sẽ phân tích quan điểm của Trung Quốc về “cùng giàu có”, lý giải nguyên nhân chính quyền Bắc Kinh đẩy mạnh mục tiêu này từ năm 2021; phân tích một số biện pháp Trung Quốc đang triển khai nhằm thúc đẩy mục tiêu chiến lược này; qua đó đưa ra một số nhận định bước đầu về động thái chính sách mới này của Bắc Kinh.
3. TRẦN THỊ HẢI YẾN, HOÀNG MINH HỒNG
Nền công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc giai đoạn hiện nay
Tóm tắt: Trong những năm qua, cùng với sự phát triển vượt bậc về kinh tế, gia tăng vị thế về ngoại giao, Trung Quốc đang nổi lên là một trong những quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng hiện đại trên thế giới và đang thách thức vị trí của các siêu cường quân sự. Bài viết tìm hiểu thực trạng phát triển của nền công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc hiện nay. Nhóm tác giả cũng phân tích nhân tố hợp tác của Trung Quốc với Nga trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và bước đầu đưa ra những khuyến nghị cho Việt Nam trong phát triển công nghiệp quốc phòng.
4. ĐỖ THỊ ÁNH
Thoả thuận thương mại Nhật - Mỹ và tác động đối với khu vực Đông Nam Á
Tóm tắt: Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thúc giục Nhật Bản cùng đàm phán thỏa thuận thương mại song phương giữa hai nước. Mặc dù muốn Mỹ quay trở lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng trước đe dọa tăng thuế với ô tô Nhật Bản mà Tổng thống Trump đưa ra, Nhật Bản cuối cùng cũng đã thay đổi lập trường. Sau một quá trình đàm phán, tháng 9/2019 Nhật Bản và Mỹ đã đạt được thỏa thuận cuối cùng. Thỏa thuận giữa hai nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ ba thế giới, chiếm tới hơn 30% (25,5 nghìn tỷ USD) GDP của thế giới như Nhật Bản và Mỹ rõ ràng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế toàn cầu nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Nghiên cứu này sẽ làm rõ về nội hàm của thỏa thuận thương mại Nhật – Mỹ, đồng thời chỉ ra những tác động chủ yếu của thỏa thuận này đối với khu vực Đông Nam Á.
5. NGUYỄN HOÀNG YẾN
Cống phẩm của triều đình nhà Nguyễn, Việt Nam dành cho triều đình nhà Thanh, Trung Quốc trước năm 1885
Tóm tắt: Trước thế kỷ XX, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc thực hiện qua cơ chế triều cống – sắc phong. Qua đó, nhà Nguyễn sẽ cử sứ giả sang nhà Thanh để thực hiện những nhiệm vụ ngoại giao khác nhau. Một trong những hoạt động quan trọng của đoàn sứ là mang phương vật của Việt Nam tiến cống cho Trung Quốc để duy trì và củng cố mối quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, cho các nghiên cứu quan tâm đến những vật phẩm này cũng như hành trình của chúng đến Trung Quốc còn rất ít. Bài viết này căn cứ vào tư liệu của hai nước để tiến hành khảo sát danh sách cống vật của nhà Nguyễn, gồm những cống vật theo quy định, và những cống phẩm đặc biệt khác, đồng thời đưa ra tiêu chuẩn lựa chọn cũng như quá trình chuẩn bị, vận chuyển các vật phẩm này sang Trung Quốc. Qua đó, bài viết muốn chỉ ra ý nghĩa lịch sử, văn hóa của các cống vật và khẳng định vai trò của chúng trong quan hệ ngoại giao và giao lưu văn hóa vật chất giữa hai nước Việt - Trung trước thế kỷ XX.
6. TRẦN THỊ QUẾ CHÂU
Quan hệ thương mại giữa Philippines với Trung Quốc thời thuộc địa Tây Ban Nha (thế kỷ XVI - XIX)
Tóm tắt: Với mục tiêu tìm kiếm chỗ đứng vững chắc ở Viễn Đông để tiếp cận thị trường rộng lớn Trung Quốc, tiến tới thiết lập hệ thống thương mại nối châu Á - châu Mỹ - châu Âu, Tây Ban Nha đã tiến hành chinh phục Philippines từ năm 1564. Vào thời điểm này (năm 1567), triều Minh cũng bắt đầu thực hiện các bước nhằm nới lỏng chính sách “Hải cấm”, cho phép thuyền mành (junk) từ các hải cảng miền Nam Trung Quốc đi lại buôn bán trên con đường tơ lụa một cách hợp pháp. Bối cảnh này được xem là môi trường thuận lợi cho sự phát triển một cách ổn định thương mại giữa Trung Quốc với Philippines. Tuy nhiên, sự cạnh tranh của Bồ Đào Nha cộng với những áp lực về an ninh chính trị và đặc biệt là tư tưởng trọng thương đã cản trở chính quyền Tây Ban Nha trong việc tiếp cận với thị trường Trung Quốc rộng lớn cũng như tận dụng vai trò tiên phong để xây dựng đế chế thương mại ở châu Á. Bài viết cung cấp cái nhìn tổng quan về quan hệ thương mại giữa Philippines với Trung Quốc trong hơn ba thế kỉ dưới sự cai trị của Tây Ban Nha.
7. NGUYỄN THỊ TRANG
Hình ảnh người phụ nữ thời kỳ hậu Joseon trong tranh phong tục của Shin Yun Bok
Tóm tắt: Hội họa là một trong những hướng tiếp cận đa chiều khi nghiên cứu về đời sống kinh tế- xã hội của một thời đại từng tồn tại trong lịch sử. Trong dòng chảy lịch sử hội họa của Joseon. tranh phong tục thời hậu kỳ đóng một vai trò quan trọng vào việc góp phần truyền tải những nét đẹp truyền thống dân tộc, phác họa đời sống con người ở nhiều phương diện khác nhau. Bài viết chọn lọc và phân tích một số bức tranh của Shin Yun Bok - một người vẽ tranh phong tục đại tài - để khái quát hình ảnh người phụ nữ thời hậu kỳ Joseon ở các tầng lớp khác nhau, giúp độc giả hiểu thêm đời sống vật chất cũng như tinh thần của họ dưới sự chi phối của tư tưởng Nho giáo.
8. NGUYỄN THỊ THU HÀ
Kỹ phòng, kỹ nữ Joseon trong tranh phong tục của Shin Yun Bok (1758 ~ ?)
Tóm tắt: Hội họa là một trong những loại hình nghệ thuật quan trọng và phổ biến nhất. Nó không chỉ là đối tượng để cảm thụ đơn thuần mà còn là tư liệu thể hiện nền văn hóa của địa phương, một đất nước, một châu lục... Do đó, khi nghiên cứu Hàn Quốc, tranh vẽ Hàn Quốc được xem là tư liệu nghiên cứu cụ thể và đảm bảo độ tin cậy cao. Tranh phong tục là tranh vẽ cảnh sinh hoạt của con người đúng với thời đại đó. Bài viết' khảo sát một số bức tranh phong tục của họa sĩ Shin Yun Bok (1758–?) nhằm tìm hiểu đời sống của giới quý tộc và kỹ nữ và từ đó nhận biết về văn hóa giải trí của Hàn Quốc giai đoạn hậu kỳ Joseon (1700~1850).