Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 11 năm 2021

Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 11 năm 2021

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

1. NGUYỄN TRƯỜNG SƠN, HÀ VIỆT ANH

Nhìn lại chính sách đối ngoại với Đông Nam Á của Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Suga Yoshihide

Tóm tắt: Chính sách Đông Nam Á hiện đại của Nhật Bản được đặt nền tảng bởi Học thuyết Fukuda năm 1977 và được các Thủ tướng Nhật Bản sau đó tiếp tục phát triển. Tăng cường quan hệ với Đông Nam Á phù hợp với lợi ích chiến lược của Nhật Bản trong bối cảnh nước này đang triển khai ngoại giao “tầm nhìn toàn cầu”, tăng cường vai trò, vị thế và tiếng nói trên trường quốc tế. Bằng phương pháp phân tích tài liệu, so sánh và tổng hợp, bài viết tập trung phân tích và đánh giá một năm cầm quyền của Thủ tướng Suga Yoshihide với những dấu ấn riêng trong quan hệ với Đông Nam Á, khi sớm đi thăm Việt Nam và Indonesia, có bài phát biểu chính sách về khu vực, cũng như thúc đẩy những thành quả cụ thể trong hợp tác trên các lĩnh vực. Thủ tướng mới Kishida Fumio, từng là ngoại trưởng tại vị lâu nhất Nhật Bản, được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với Đông Nam Á trong thời gian tới.

 

2. VÕ MINH HÙNG, TRẦN THỊ HẢI YẾN

Trung Quốc và Đài Loan xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương

Tóm tắt: Ngày 16/9/2021, Trung Quốc chính thức đệ đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây được xem là một trong những bước đi quan trọng của Trung Quốc nhằm gia tăng ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Chưa đầy một tuần sau đó, Đài Loan cũng chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP. Đài Loan thực chất đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia hiệp định này ngay từ khi nó còn là TPP với sự dẫn dắt của Mỹ. Tuy nhiên, sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi hiệp định, Đài Loan gặp nhiều khó khăn hơn trong việc gia nhập vì thiếu đi nhân tố ủng hộ có ảnh hưởng nhất. Hiện nay, với tên gọi CPTPP, Đài Loan đã thể hiện quyết tâm gia nhập tổ chức thương mại này một lần nữa. Bài viết phân tích nguyên nhân xin gia nhập CPTPP của Trung Quốc và Đài Loan, phản ứng của các nước, khả năng tham gia thành công của hai nhân tố và bước đầu đưa ra những khuyến nghị trong ứng xử của Việt Nam.

 

3. PHAN THỊ DIỄM HUYỀN

Chính sách "Ngoại giao vaccine" của Trung Quốc và sự tác động của nó đến Đài Loan

Tóm tắt: Cuối năm 2019, “cơn địa chấn” mang tên Covid-19 đã khiến Trung Quốc cũng như cả thế giới chao đảo. Mặc dù không phải là quốc gia đầu tiên thử nghiệm thành công vaccine Covid-19, nhưng Trung Quốc đã và đang đẩy nhanh tốc độ sản xuất vaccine, cung cấp số lượng lớn vaccine cho các nước đang phát triển thông qua chính sách “ngoại giao vaccine”. Chính sách ấy trên thực tế đã mang lại nhiều lợi ích cho các nước khác cũng như nâng cao vị thế của Trung Quốc trên bản đồ thế giới. Tuy nhiên, trong quan hệ với Đài Loan, việc Trung Quốc thúc đẩy “ngoại giao vaccine” đã phần nào tác động đến tình hình chính trị và ngoại giao của vùng lãnh thổ này.

 

4. LÊ MINH HIẾU, HOÀNG MINH LỢI

Thành tựu của chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia tại Nhật Bản từ đầu thế kỷ XXI đến nay

Tóm tắt: Cho đến nay, chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia của Nhật Bản đã và đang đạt nhiều thành tựu và có vai trò quan trọng trong phát triển đất nước. Bên cạnh những thành tựu chung về chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia, Nhật Bản cũng thu được thành tựu lớn trong nhiều lĩnh vực tiêu biểu như: khoa học - công nghệ, văn hóa, y học, du lịch... Những thành tựu này không chỉ tạo nên thương hiệu quốc gia Nhật Bản, mà còn tác động mạnh mẽ tới khu vực và thế giới hiện nay.

 

5. VÕ HẢI THANH

Chiến lược thúc đẩy Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Đài Loan

Tóm tắt: Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nó đem đến cơ hội cũng như thách thức đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia. Vì vậy, để tiếp cận, bắt nhịp và thúc đẩy cuộc cách mạng này, các quốc gia trên thế giới nói chung cũng như vùng lãnh thổ Đài Loan nói riêng đã hoạch định các chiến lược, chính sách của riêng mình. Bài viết đề cập đến bối cảnh ra đời, tầm nhìn, mục tiêu và định hướng chiến lược, chính sách thúc đẩy Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Đài Loan, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm hữu ích cho các nền kinh tế đi sau trong đó có Việt Nam.

 

6. TRẦN NGỌC DIỄM

Phát triển thành phố thông minh bền vững: Nghiên cứu trường hợp một số thành phố ở Nhật Bản

Tóm tắt: Vai trò quan trọng của các thành phố trong lĩnh vực kinh tế và sự cấp thiết phải giải quyết các vấn đề môi trường đã thúc đẩy sự phát triển nhanh và mạnh của các thành phố thông minh trong giai đoạn hiện nay. Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu trường hợp để phân tích sự phát triển của thành phố thông minh bền vững ở một số thành phố của Nhật Bản. Các thành phố này đều đang triển khai các biện pháp nhằm hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn về đánh giá đô thị thông minh dựa trên các trụ cột bền vững. Các thành phố thông minh ở Nhật Bản gắn yếu tố “tính bền vững” vào những mục tiêu phát triển trong nước và ở khu vực. Tác giả đưa ra khung phân tích đô thị thông minh và lựa chọn những tiêu chí nổi bật để đánh giá và đưa ra kết luận rằng, hiện nay một số thành phổ của Nhật Bản đã triển khai một số hoạt động nhằm đóng góp vào quá trình phát triển đô thị thông minh theo hướng bền vững.

 

7. PHAN THỊ OANH

Du lịch thông minh ở Hàn Quốc hiện nay

Tóm tắt: Trong thời đại khoa học và công nghệ hiện đại được ứng dụng mạnh mẽ vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, phát triển du lịch thông minh là xu hướng tất yếu. Là một trong những nước tiên phong sử dụng công nghệ thông tin tiên tiến vào ngành du lịch, thúc đẩy du lịch thông minh phát triển và gặt hái được nhiều thành công, Hàn Quốc đã trở thành một trong những điểm đến du lịch thông minh trên thế giới. Bài viết khái quát tiến trình phát triển du lịch thông minh tại Hàn Quốc hiện nay, từ đó liên hệ với việc phát triển du lịch thông minh của Việt Nam.

 

8. HẠ THỊ LAN PHI

Ảnh hưởng của văn hóa đại chúng đến trào lưu Rekijo của phụ nữ trẻ ở Nhật Bản hiện nay

Tóm tắt: Vào những năm của thập niên 2000, do ảnh hưởng của trò chơi hành động (game), truyện tranh (manga), phim hoạt hình (anime) và các bộ phim dài tập về đề tài lịch sử trình chiếu trên kênh của Đài Truyền hình quốc gia NHK, nhiều phụ nữ trẻ ở độ tuổi 20 ~30 ở Nhật Bản đã đến thăm các di tích lịch sử liên quan đến các sự kiện và nhân vật lịch sử ở thời kỳ Sengoku (từ cuối thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVI) và thời kỳ Bakumatsu (1853-1868). Mặc dù còn có nhiều tranh luận xung quanh trào lưu này, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ như hiện nay thì không thể phủ nhận những tác động tích cực, góp phần “hồi sinh” hoạt động du lịch di sản văn hóa của các cộng đồng địa phương ở Nhật Bản.

 

 

34 lượt xem