Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 11 năm 2022

Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 11 năm 2022

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

1. NGUYỄN NGỌC NGHIỆP

Tứ giác kim cương và tác động của nó đến an ninh châu Á

Tóm tắt: “Tứ giác kim cương” hay còn gọi là “Bộ tứ” được hình thành từ ý tưởng về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo vào năm 2007. Bộ tứ bao gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ hợp tác với nhau trên các lĩnh vực an ninh truyền thống và phi truyền thống nhằm mang lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực. Các hoạt động của Bộ tứ như tập trận chung, hợp tác an ninh giữa các thành viên, đảm bảo tự do hàng hải hay bàn thảo về cơ chế hợp tác ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, hợp tác sản xuất, phân phối vắc xin, cứu trợ thảm họa, chống khủng bố... đã có tác động ở một mức độ nhất định đến an ninh châu Á. Trong phạm vi bài viết này tác giả đề cập đến sự hình thành, mục tiêu, các hoạt động của Bộ tứ trên các lĩnh vực và đánh giá tác động của Bộ tứ đến an ninh khu vực châu Á.

 

2. NGUYỄN PHƯƠNG THỦY

Chế độ nhãn hiệu tập thể địa phương và chế độ chỉ dẫn địa lý hiện hành của Nhật Bản

Tóm tắt: Từ năm 2002, Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu nghiên cứu chiến lược thương hiệu hóa địa phương nhằm phát triển kinh tế các địa phương dựa trên việc phát huy các nguồn lực kinh tế của chính địa phương. Bài viết giới thiệu định nghĩa, cấu thành và điều kiện bảo hộ/đăng ký nhãn hiệu tập thể địa phương và chỉ dẫn địa lý hiện hành của Nhật Bản, so sánh sự khác biệt giữa hai chế độ này. Đặc biệt, bài viết sẽ dựa trên một số trường hợp đăng ký “kép” cả hai hình thức bảo hộ này để chỉ ra một số lưu ý đối với những người nộp đơn, với kỳ vọng sẽ là những kiến thức có giá trị tham khảo hữu ích đối với các địa phương và các doanh nghiệp, người sản xuất nông lâm thủy sản của Việt Nam khi muốn thâm nhập thị trường Nhật Bản và đang tìm kiếm một hình thức bảo hộ hữu hiệu đối với sản phẩm gắn liền với địa phương mình tại thị trường Nhật Bản.

 

3. BÙI ĐÔNG HƯNG

Phát triển sản xuất thông minh trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc

Tóm tắt: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 những năm gần đây tập trung chủ yếu vào sản xuất thông minh. Nhằm nắm bắt xu hướng thời đại mới, Chính phủ Hàn Quốc đang tích cực định hướng khu vực sản xuất thực hiện sản xuất thông minh để có thể tự động đáp ứng nhu cầu thị trường. Chính phủ Hàn Quốc hiện đang thúc giục các doanh nghiệp thích ứng với hướng đi mới bằng chiến lược “Đổi mới công nghiệp sản xuất 3.0” tập trung vào việc ứng dụng nhà máy thông minh giúp doanh nghiệp cải thiện quá trình tự động hóa, trao đổi dữ liệu và công nghệ sản xuất. Bài viết làm rõ thực trạng phát triển sản xuất thông minh trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc và đưa ra một số hàm ý chính sách cho Việt Nam.

 

4. NGUYỄN NGỌC MAI

Thực trạng phát triển thương mại điện tử ở Hàn Quốc

Tóm tắt: Bài viết nêu một số khái niệm cơ bản về thương mại điện tử của Hàn Quốc, Việt Nam và các tổ chức quốc tế, đồng thời chỉ ra sự khác biệt giữa thương mại điện tử và thương mại truyền thống. Tác giả đi sâu vào phân tích thực trạng phát triển thương mại điện tử của Hàn Quốc trên các khía cạnh như: quy mô thị trường mua sắm qua di động, quy mô và tốc độ tăng trưởng theo ngành của thị trường thương mại điện tử mô hình B2B, quy mô và tỷ lệ tăng trưởng của giao dịch mua sắm trực tuyến theo từng sản phẩm. Tiếp đến, người viết đưa ra một vài xu hướng phát triển của mô hình thương mại này trong tương lai.

 

5. NGUYỄN NGỌC PHƯƠNG TRANG

Thực trạng lao động không chính thức ở Nhật Bản

Tóm tắt: Những ai quan tâm tới tình hình thị trường lao động Nhật Bản đều có thể nhận thấy xu hướng gia tăng lao động không chính thức những thập niên gần đây. Xu hướng này một phần do người lao động cần những hình thức tuyển dụng linh hoạt, những nguyên nhân chủ yếu là do các công ty muốn cắt giảm chi phí lao động để trụ vững trong quá trình suy thoái kinh tế. Bên cạnh đó, sự đãi ngộ giữa lao động chính thức và không chính thức còn mất cân đối, cơ chế chuyển đổi lao động tại các công ty còn chưa hoàn thiện. Từ năm 2009, trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, nền kinh tế Nhật Bản lún sâu vào khủng hoảng. Thị trường lao động sa sút, nhiều tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản phải cho nhân viên nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng, dẫn tới sự gia tăng lao động không chính thức. Lao động không chính thức hiện nay có rất nhiều tầng lớp như thanh niên, người làm nội trợ, người có tuổi.

 

6. TRẦN NGỌC NHẬT

Kinh nghiệm thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái ở Nhật Bản

Tóm tắt: Trong các hoạt động du lịch, các hoạt động hướng tới thiên nhiên và du lịch sinh thái đang là mối quan tâm lớn của khách du lịch Nhật Bản. Nhu cầu du lịch sinh thái của người Nhật bắt nguồn từ ý thức bảo vệ môi trường rất cao của người dân. Tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường, trong đó có cả sản phẩm du lịch đã trở thành một phần trong giá trị sống. Nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái đã được chính phủ, cộng đồng địa phương, các công ty du lịch... đưa ra và thực hiện khá hiệu quả. Nhờ đó, ngành du lịch sinh thái ở Nhật Bản đã có sự khởi sắc, đem lại thêm nguồn thu cho đất nước, quảng bá và tạo dựng uy tín và vị thế của Nhật Bản ra nước ngoài.

 

7. PHAN THỊ OANH

Giáo dục văn hóa truyền thống trong trưởng phổ thông ở Hàn Quốc từ năm 2000 đến nay

Tóm tắt: Hàn Quốc được đánh giá là một trong những nước thành công trong công tác bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống ở khu vực và trên thế giới. Với chiến lược ưu tiên bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc, gia tăng năng lực cạnh tranh văn hóa quốc gia trong thế kỷ XXI, Hàn Quốc chú trọng đến công tác giáo dục văn hóa truyền thống cho các giai tầng xã hội, đặc biệt là học sinh trong trường phổ thông. Bài viết tập trung phân tích, đánh giá hoạt động giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh trong trường phổ thông trên các mặt: chính sách, tình hình giáo dục văn hóa truyền thống trong trường phổ thông theo chương trình giáo dục quốc gia và giáo dục di sản văn hóa, từ đó rút ra một số nhận xét, đánh giá.

 

8. VŨ THỊ PHƯƠNG HOA

Đôi nét về giáo dục mầm non Nhật Bản và liên hệ với Việt Nam

Tóm tắt: Nhật Bản là một trong những quốc gia có nền giáo dục được đánh giá cao trên thế giới. Chính phủ Nhật Bản đã và đang cố gắng xây dựng một nền tảng vững chắc trong lĩnh vực giáo dục bằng cách tạo ra và phát triển một hệ thống giáo dục có năng lực bắt đầu từ giáo dục mầm non. Hệ thống giáo dục mầm non ở Nhật Bản có rất nhiều điểm độc đáo mà chúng ta không thể tìm thấy ở các nước khác. Bài viết tìm hiểu lịch sử ra đời của giáo dục mầm non Nhật Bản; các loại hình và nét độc đáo của giáo dục mầm non Nhật Bản. Trên cơ sở đó đưa ra một vài nhận xét, đánh giá và so sánh đối với giáo dục mầm non ở Việt Nam hiện nay.

 

32 lượt xem