Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 4 năm 2022

Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 4 năm 2022

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

1. TRẦN NGỌC DŨNG

Cạnh tranh ảnh hưởng của Trung Quốc và Mỹ ở Tiểu vùng sông Mekong trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI

Tóm tắt: Trong những năm gần đây, cả Trung Quốc và Mỹ đều dành sự quan tâm nhất định đến việc tạo lập ảnh hưởng ở tiểu vùng sông Mekong trong bối cảnh chung là cạnh tranh Trung – Mỹ về sức mạnh toàn cầu. Cả hai cường quốc tuy có cách thức tiếp cận khác nhau nhưng đều hướng đến một mục tiêu là tạo lập, duy trì ảnh hưởng ở một trong những khu vực địa chiến lược quan trọng ở Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung. Hành động của hai nước trong khu vực ngày càng đáng chú ý trong giai đoạn cầm quyền của ông Tập Cận Bình và trong chính sách cứng rắn của Tổng thống D. Trump. Cạnh tranh ảnh hưởng của Trung Quốc và Mỹ tại tiểu vùng sông Mekong do đó đặt ra những bài toán quan trọng cho Việt Nam và các quốc gia trong khu vực về việc cân bằng hợp tác với hai cường quốc này để đảm bảo những lợi ích quốc gia và sự phát triển bền vững.

 

2. ĐẶNG THU THỦY

Hợp tác thương mại và đầu tư giữa Ấn Độ và Hàn Quốc từ sau Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA)

Tóm tắt: Quan hệ Ấn Độ - Hàn Quốc đã có những bước tiến dài trong những năm gần đây. Hai nước đã có nhiều hoạt động hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực như: năng lượng, thương mại, điện tử, đóng tàu, công nghệ thông tin và an ninh mạng. Mặc dù hai nước đã thiết lập quan hệ lãnh sự từ năm 1962 và nâng cấp quan hệ ngoại giao năm 1973 nhưng mối quan hệ này chỉ thực sự ấm lên khi hai quốc gia tích hợp được hai chiến lược, cụ thể: Ấn Độ với “Chính sách hành động hướng Đông” và Hàn Quốc với “Chính sách hướng Nam mới”. Trong cùng một mục tiêu theo đuổi, cả hai bên đã cam kết tăng cường hợp tác thông qua Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) vào năm 2009 (có hiệu lực từ 1/1/2010) cho phép dỡ bỏ hoặc cắt giảm thuế suất đối với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu giữa hai bên. Bài viết tập trung đánh giá khách quan mối quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa Ấn Độ và Hàn Quốc từ sau khi hai nước ký kết CEPA.

 

3. NGUYỄN THỊ THANH LAM – NGUYỄN THỊ ÁNH

Hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản: Cơ hội và thách thức

Tóm tắt: Là một trong những quốc gia có nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất của Việt Nam, Nhật Bản thường xuyên ủng hộ và hỗ trợ nước ta trong các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng dành nhiều sự quan tâm tới lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam. Với lợi thế về điều kiện phát triển nông nghiệp ở Việt Nam và ưu thế về tiến bộ công nghệ trong sản xuất nông nghiệp của Nhật Bản, hai quốc gia đã đạt được nhiều thành tựu trong hợp tác nông nghiệp. Bài viết đề cập tới thực trạng hợp tác phát triển nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản, đánh giá hiệu quả hợp tác cùng cơ hội và thách thức cho hợp tác nông nghiệp giữa hai quốc gia.

 

4. ĐOÀN THỊ TRÀ THU

Những đóng góp nổi bật của Tập đoàn SAMSUNG, Hàn Quốc đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam

Tóm tắt: Samsung là một tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc, hoạt động ở nhiều quốc gia, trong đó Việt Nam là một địa bàn trọng điểm. Từ năm 2008 đến nay, Samsung đã mở nhiều nhà máy lớn ở Bắc Ninh, Thái Nguyên và Thành phố Hồ Chí Minh sản xuất điện thoại, máy vi tính cũng như nhiều thiết bị điện tử khác. Là nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam, với số vốn lên tới hàng chục tỷ USD, thu hút hàng chục nghìn lao động, Samsung đã góp phần quan trọng làm chuyển biến tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên nói riêng, trên phạm vi toàn quốc nói chung.

 

5. NGUYỄN THỊ ÁNH XUÂN

Tiến trình phát triển thương hiệu quốc gia của Nhật Bản và hàm ý cho Việt Nam

Tóm tắt: Từ năm 1945 đến nay, vấn đề phát triển thương hiệu quốc gia ở Nhật Bản luôn được đề cao và quá trình triển khai thực hiện thường gắn với các mục tiêu, phương thức cụ thể phù hợp với từng giai đoạn, thời kỳ lịch sử. Do đó, tiến trình này được duy trì cùng với những cải cách, đổi mới không ngừng và đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển thương hiệu quốc gia. Bài viết phân tích, đánh giá tiến trình phát triển thương hiệu quốc gia ở Nhật Bản qua các giai đoạn khác nhau; từ đó đưa ra những gợi mở hữu ích cho Việt Nam trong việc hoạch định và thực thi chính sách phát triển thương hiệu quốc gia ở hiện tại và tương lai.

 

6. PHẠM THỊ THU GIANG

Tư tưởng và hoạt động cổ súy chiến tranh trong giới Phật giáo Nhật Bản thời kỳ Meiji (1868-1912)

Tóm tắt: Vào thời kỳ Meiji (1868-1912), cùng với chính sách khai hóa văn minh, thực sản hưng nghiệp, phú quốc..., chính phủ mới đã thực hiện phương châm Vương chính phục cổ, khẳng định tính ưu việt của dân tộc Nhật Bản so với các nước châu Á “lạc hậu” khác. Với tư tưởng đó, chính phủ Meiji đã thúc đẩy chính sách cường binh, từng bước bành trướng ra các khu vực, quốc gia láng giềng bằng các cuộc chiến tranh xâm lược. Mặc dù có những ý kiến phản đối nhưng nhiều tông phái, tăng ni Phật giáo Nhật Bản thời kỳ này đã bày tỏ quan điểm ủng hộ chính phủ trong các cuộc chiến tranh đó mà trước hết là Chiến tranh Nhật - Thanh (1894-1895). Vì vậy, việc khảo cứu về lý do, động cơ khiến giới tăng ni Nhật Bản thời kỳ Meiji đi ngược lại tinh thần từ bi, hỷ xả, cấm sát sinh... của Phật giáo, hợp tác với chính phủ đương thời là vô cùng cần thiết.

 

7. PHAN THI ANH THƯ

Hợp tác văn hóa của Hàn Quốc với ASEAN trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI

Tóm tắt: Bài viết tập trung luận giải về tiến trình và kết quả hợp tác văn hóa của Hàn Quốc với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI. Nội dung của bài viết đề cập đến cơ sở thúc đẩy nỗ lực hợp tác của Hàn Quốc với ASEAN, chiến lược và định hướng chính sách giao lưu văn hóa của Hàn Quốc với ASEAN trong thời kỳ cầm quyền của các tổng thống Roh Moo-huyn, Lee Myung-bak, Park Geun-hee và Moon Jae-in. Trên cơ sở đó, bài viết đánh giá những thành công, hạn chế của tiến trình này và gợi mở những hàm ý thực tiễn cho Hàn Quốc trong bối cảnh triển khai “Chính sách hướng Nam mới” ở Đông Nam Á.

 

8. HOÀNG THỊ YẾN, VŨ HOÀNG HÀ

Yếu tố Phật giáo trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Hàn và tiếng Việt

Tóm tắt: Bài viết sử dụng phương pháp miêu tả, tiếp cận theo hướng nghiên cứu đồng đại kết hợp với thao tác thống kê, phân loại, phân tích và tổng hợp nhằm phác họa một số yếu tố Phật giáo trong thành ngữ và tục ngữ tiếng Hàn. Giáo lí về nhân quả và luân hồi, triết lí vô thường, khổ đế và từ bi cũng như cách thức tu hành, hình ảnh chùa chiền và các vật dụng liên quan cho chúng ta thấy một phần diện mạo của Phật giáo Hàn Quốc. Cũng có thế thấy rõ những nét tương đồng và dị biệt của Phật giáo trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ tiếng Hàn và tiếng Việt.

 

76 lượt xem