Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 5 năm 2021

Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 5 năm 2021

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

1. HUỲNH TÂM SÁNG, PHAN VĂN TÌM

Về khả năng nâng cấp "Bộ tứ" thành "NATO châu Á"

Tóm tắt: Bài viết phân tích khả năng nâng cấp “Bộ tứ” (The Quad) gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ thành một NATO phiên bản châu Á qua tìm hiểu nhận thức của từng quốc gia thành viên và quan điểm của Trung Quốc về kịch bản này. Trên cơ sở đó, các tác giả chỉ ra những giới hạn đối với khả năng hình thành một liên minh quân sự chính thức tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm đối trọng với Trung Quốc. Dự báo “Bộ tứ” có thể phát triển thành một khuôn khổ hợp tác quốc phòng đa phương kiểu mới, hỗ trợ các quốc gia kiềm chế Trung Quốc, thay vì trở thành một khuôn khổ hợp tác được thể chế hóa chặt chẽ và mang tính ràng buộc như NATO.

 

2. HOÀNG MINH HỒNG

Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Myanmar dưới thời chủ tịch Tập Cận Bình

Tóm tắt: Với vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng, Myanmar từ lâu đã trở thành quốc gia láng giềng ưu tiên trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc. Sau khi Myanmar chính thức tiến hành cải cách chính trị năm 2011, Trung Quốc buộc phải cạnh tranh với các nhân tố khác như Ấn Độ, Mỹ trong việc gia tăng ảnh hưởng tại Myanmar. Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, sự ra đời của Sáng kiến “Vành đai, con đường” (BRI) đã một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của Myanmar trong chính sách đối ngoại cũng như khả năng thành công của BRI của Trung Quốc. Bài viết đi vào phân tích ảnh hưởng của Trung Quốc tại Myanmar trên một số lĩnh vực nổi bật như chính trị - ngoại giao, kinh tế, quân sự... từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lãnh đạo Trung Quốc, đồng thời đưa ra một số đánh giá về quá trình này.

 

3. ĐẬU XUÂN ĐẠT

Nâng cao lợi thế cạnh tranh thông qua công nghệ của các nền kinh tế Đông Á và một số bài học cho Việt Nam

Tóm tắt: Môi trường toàn cầu hóa đang thay đổi, những áp lực cạnh tranh mới đang nổi lên, mạng lưới sản xuất theo chiều dọc đang mau chóng chuyển sang mạng lưới liên kết sản xuất theo chiều ngang. Cạnh tranh thông qua công nghệ đã giúp cho nền kinh tế của các quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Á dễ dàng hơn để tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu trong nhiều năm qua. Bài viết phân tích môi trường cạnh tranh thông qua nền tảng công nghệ và sự vận dụng rất thành công của các nền kinh tế Đông Á trong mạng lưới sản xuất toàn cầu. Từ đó, tác giả đề xuất một số bài học rút ra cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

 

4. LÊ VĂN TUYÊN

Phát triển kinh tế xanh ở Hàn Quốc: Một số kinh nghiệm và gợi ý cho Việt Nam

Tóm tắt: Kinh tế xanh là nền kinh tế nâng cao đời sống của con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái. Những nước dẫn đầu trong phát triển kinh tế xanh có Đức, Nhật Bản, Singapore và đặc biệt là Hàn Quốc. Với xuất phát điểm là một quốc gia nghèo về tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống bị hủy hoại nghiêm trọng do khí thải của các nhà máy, phương tiện giao thông,... Hàn Quốc đã nhận thấy sự cần thiết phải chuyển hướng sang con đường phát triển xanh và bền vững. Chính sách phát triển kinh tế xanh đã trở thành chiến lược phát triển quốc gia và hiện nay, Hàn Quốc gặt hái được nhiều thành công. Trong bài viết này, tác giả phân tích thực trạng và một số bài học kinh nghiệm phát triển kinh tế xanh của Hàn Quốc. Trên cơ sở đó, đưa ra một số gợi ý chính sách nhằm phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam trong thời gian tới.

 

5. TRẦN NGỌC NHẬT

Một số chính sách phát triển cụm liên kết ngành ở Nhật Bản giai đoạn 2011-2020

Tóm tắt: Trước thực trạng nền kinh tế trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng qua từng năm, đầu tư tư nhân giảm, nợ đọng kéo dài, nhằm ngăn chặn sự suy yếu của nền kinh tế và thúc đẩy các lĩnh vực ngành nghề mới, Chính phủ Nhật Bản đã tập trung hỗ trợ toàn diện các ngành kinh doanh cạnh tranh mới trong bối cảnh toàn cầu hóa, đặc biệt là chương trình cụm liên kết ngành. Các cụm liên kết ngành ở Nhật Bản chủ yếu tập trung vào các hoạt động sáng tạo đổi mới, như là các nghiên cứu, phát triển, hình thành lĩnh vực kinh doanh mới trong ngành công nghiệp. Hiện nay, Nhật Bản đang ở giai đoạn thứ ba – giai đoạn phát triển bền vững của dự án cụm liên kết ngành (từ 2011-2020) với những khái niệm, chính sách phát triển cụ thể của từng khu vực.

 

6. TRẦN KIM ANH

Thúc đẩy xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Nhật Bản

Tóm tắt: Xuất khẩu rau quả được coi là một trong những ngành hàng triển vọng của Việt Nam và đang đạt được những thành công trên một số thị trường khó tính như Nhật Bản. Bài viết tập trung phân tích tình hình xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản trong thời gian qua, đặc biệt dưới tác động của đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu; đồng thời đánh giá những kết quả đạt được và những hạn chế còn tồn tại, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp tăng cường hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam nhằm đáp ứng những yêu cầu của thị trường tiềm năng nhưng khó tính này, cũng như vượt qua được cuộc khủng hoảng kinh tế y tế Covid-19.

 

7. HOÀNG THỊ YẾN

Thời tiết trong tục ngữ tiếng Hàn, tiếng Việt (trên ngữ liệu tục ngữ có yếu tố chỉ con giáp)

Tóm tắt: Bài viết* sử dụng phương pháp miêu tả, phân tích thành tố nghĩa, thủ pháp đối chiếu một chiều với tiếng Hàn là ngôn ngữ cơ sở. Kết quả nghiên cứu cho thấy các hiện tượng tự nhiên dự báo thời tiết chỉ xuất hiện ở các đơn vị tục ngữ có yếu tố chỉ con trâu/bò. Các hành động của các con giáp được cho là dấu hiệu dự báo thời tiết xuất hiện nhiều ở tục ngữ có yếu tố chỉ con trâu/bò và lợn; ý nghĩa dự báo thời tiết chủ yếu liên quan đến mưa, gió hoặc nước; thời tiết bốn mùa và các hiện tượng tự nhiên không chỉ có ảnh hưởng tích cực mà còn có tác động tiêu cực đến các loài vật, đặc biệt là vật nuôi. Điều này cho thấy sự quan tâm, mức độ gần gũi và vai trò quan trọng của chúng trong đời sống sinh hoạt và lao động sản xuất của người dân Hàn Quốc. Những nét tương đồng và khác biệt về thời tiết cho thấy sự gần gũi cũng như những nét đặc trưng riêng về ngôn ngữ và văn hóa của hai dân tộc Hàn - Việt.

 

8. PHAN NGUYỄN PHƯỚC TIÊN

Đối chiếu kaidan Botan Doro (Asai Ryoi) với nguyên tắc Mẫu đơn đăng ký (Cù Hựu)

Tóm tắt: Botan Dīrõ được rút từ tuyển tập Otogi Boko gồm 68 mẫu kaidan do tu sĩ Phật giáo Asai Ryoi biên khảo xuất hiện ở Nhật Bản vào thế kỷ XVII. Hầu hết các kaidan trong tập này đều có nguồn gốc từ tiểu thuyết truyền kỳ Trung Quốc hoặc từ tích truyện dân gian Nhật Bản, nhưng khác với nguyên tác, nó thể hiện rõ hơn quan điểm cá nhân của tác giả với những chi tiết được lược bỏ hoặc thêm vào. Bằng những so sánh, đối chiếu tác phẩm Botan Dārõ với nguyên tác Mẫu đơn đăng ký (Trung Quốc), bài viết hướng đến làm rõ quá trình hình thành thể kaidan Nhật Bản. Theo tiếng Nhật, “kai” nghĩa là bí ẩn, kỳ lạ, hoang đường và “dan” là chuyện. Nhiều người đồng nhất kaidan với tiểu thuyết truyền kỳ, song kaidan là kết quả của sự tiếp biến thể loại văn học đầy chủ động và sáng tạo của người Nhật.

 

 

80 lượt xem