- Sách
- Chính trị (99)
- Xã hội học (22)
- Môi trường (5)
- Quan hệ Ngoại giao (75)
- Văn hóa (10)
- Nông nghiệp (1)
- Kinh tế (74)
- Quản lý Thông tin (1)
- Luật (6)
- Du lịch (2)
- Tôn giáo (5)
- Ngôn ngữ (1)
- Giáo dục (2)
- Sức khỏe (2)
- Lịch sử (5)
- Triết học (1)
- Cách mạng Công nghiệp 4.0 (2)
- Phát triển bền vững (2)
- Khoa học Công nghệ (3)
- Tạp chí
- Những vấn đề kinh tế & chính trị thế giới (28)
- Châu Mỹ ngày nay (27)
- Nghiên cứu Châu Âu (25)
- Nghiên cứu Ấn Độ & Châu Á (26)
- Nghiên cứu Trung Quốc (25)
- Nghiên cứu Đông Nam Á (30)
- Nghiên cứu Đông Bắc Á (28)
- Nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông (24)
- Tài liệu
Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 6 năm 2022
Tác giả:
Thông tin NXB:
Số trang : 0
Loại sách: Tạp chí
1. CAO NGUYỄN KHÁNH HUYỀN, NGUYỄN TUẤN BÌNH
Quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI: Thực trạng và triển vọng
Tóm tắt: Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản được biết đến không chỉ là ba quốc gia nằm ở khu vực Đông Bắc Á, có nền kinh tế phát triển, mà còn là những chủ thể có những đóng góp quan trọng trong các thiết chế khu vực và thế giới. Có một sự thật là quan hệ giữa ba nước này là khá phức tạp, luôn tồn tại đan xen mâu thuẫn, xung đột và nhu cầu hợp tác cùng phát triển. Trạng thái của mối quan hệ tay ba này không chỉ ảnh hưởng tới tiến trình hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực Đông Bắc Á nói riêng mà còn của châu Á nói chung, vừa có thể mở ra những triển vọng mới, nhưng đồng thời cũng có thể tạo nên những bất đồng trong các kênh hợp tác đa phương, đặc biệt trên các lĩnh vực chủ yếu như chính trị, ngoại giao, an ninh, kinh tế. Bài viết tiếp cận quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc dưới góc nhìn lịch sử và quan hệ quốc tế, qua đó phân tích thực trạng mối quan hệ này trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, đồng thời đánh giá thành tựu, hạn chế và dự báo một số triển vọng trong tương lai gần.
2. NGUYỄN VĂN TUẤN
Nhìn lại 20 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản (2002-2022)
Tóm tắt: Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia gần nhau về địa lý, có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa... và có mối quan hệ từ rất sớm. Hai nước đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 21/9/1973 song từ năm 2002 đến nay, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản mới thực sự phát triển mạnh mẽ, thực chất và toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Trên cơ sở làm rõ những thành tựu đạt được trong quan hệ Việt - Nhật giai đoạn 2002-2022 trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế và an ninh - quốc phòng, bài viết chỉ ra một số khó khăn và vấn đề đặt ra, từ đó dự báo triển vọng của mối quan hệ này trong thời gian tới.
3. NGUYỄN ĐỨC CHIỆN
Kinh nghiệm phát triển cộng đồng nông thôn Hàn Quốc và hàm ý chính sách cho Việt Nam
Tóm tắt: Được khởi xướng vào thập niên 70 của thế kỷ XX, chỉ sau vài thập kỷ phong trào “Làng mới” của Hàn Quốc đã tạo thay đổi toàn diện đời sống cộng đồng nông thôn. Việc đề ra hệ giá trị phù hợp đã phát huy vai trò của các chủ thể, nhất là phẩm chất cần cù, tự chủ, đồng thuận của nông dân trong cộng đồng. Thành công trong xây dựng làng mới không chỉ là nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất mà còn giúp quốc gia này công nghiệp hóa, hiện đại hóa cộng đồng nông thôn, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn. Dựa vào nguồn tài liệu thứ cấp, bài viết phân tích kinh nghiệm phát triển cộng đồng nông thôn của Hàn Quốc và đưa ra hàm ý chính sách phát triển tam nông ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
4. HOÀNG MINH LỢI
Thành tựu của chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia tại Hàn Quốc từ đầu thế kỷ XXI đến nay
Tóm tắt: Cho đến nay, chiến lược phát triển thương hiệu tại Hàn Quốc đã và đang đạt nhiều thành tựu và có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển đất nước. Bên cạnh những thành tựu chung về chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia, Hàn Quốc cũng thu được thành tựu lớn trong nhiều lĩnh vực tiêu biểu như: kinh tế, khoa học - công nghệ, văn hóa, quyền lực mềm... Những thành tựu này không chỉ tạo nên thương hiệu quốc gia Hàn Quốc mà còn tác động mạnh mẽ tới khu vực và thế giới hiện nay.
5. NGUYỄN THỊ NGỌC ANH
Chính sách hỗ trợ hoạt động kinh doanh hàng thủ công truyền thống ở Nhật Bản thời kì đại dịch COVID-19
Tóm tắt: Sự lây lan không ngừng của đại dịch COVID-19 từ cuối năm 2019 đến nay đã khiến nền kinh tế nói chung và toàn bộ hệ thống sản xuất, kinh doanh nghề thủ công truyền thống Nhật Bản nói riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước tình hình đó, chính phủ và chính quyền các địa phương tại quốc gia này đã ngay lập tức nhìn nhận những khó khăn và thi hành các biện pháp kích thích sản xuất, hỗ trợ quảng bá nhằm đưa nghề thủ công thoát khỏi những bế tắc chồng chất. Để tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm quản lý từ Nhật Bản, bài viết tập trung chỉ ra những chính sách, biện pháp khắc phục khó khăn trong nghề thủ công truyền thống Nhật Bản trong bối cảnh đại dịch COVID-19, từ đó đưa ra một vài kinh nghiệm thích hợp với nghề thủ công truyền thống tại Việt Nam.
6. TRẦN NGỌC NHẬT
Một số giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng sạch ở Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Park Geun-hye
Tóm tắt: Tổng thống Park Geun-hye lên nắm quyền vào tháng 2 năm 2013, khi đó nhiều người cho rằng bà sẽ tiếp tục thực hiện đường lối chính sách của người tiền nhiệm, bao gồm cả chính sách năng lượng, bởi vì Tổng thống Park và Tổng thống Lee đều cùng một đảng phái chính trị. Tuy nhiên, một số chính sách cơ bản về năng lượng dưới thời Tổng thống Park có nhiều thay đổi so với thời Tổng thống Lee, do bối cảnh thế giới và nhu cầu năng lượng trong nước thay đổi.
7. LÝ HOÀNG PHÚ
Kinh nghiệm phát triển du lịch ẩm thực của Nhật Bản, Hàn Quốc và hàm ý chính sách cho Việt Nam
Tóm tắt: Trong những năm gần đây, trải nghiệm du lịch và các điểm tham quan liên quan đến ẩm thực ngày càng được chú trọng. Âm thực có một vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ vì thức ăn là trung tâm của trải nghiệm du lịch, mà còn bởi vì ẩm thực đã trở thành một nguồn gốc quan trọng của sự hình thành bản sắc trong các xã hội hiện đại. Âm thực được xem là một yếu tố tạo nên giá trị cho điểm đến và do đó cũng trở thành mối quan tâm trong quyết định lựa chọn điểm đến của du khách. Có thể nói, du lịch ẩm thực ra đời và phát triển như là một nhu cầu tất yếu của xã hội ngày nay. Tuy nhiên, tại Việt Nam, du lịch ẩm thực chưa trở thành một loại hình sản phẩm riêng biệt để khai thác mà chỉ được xem như một hoạt động đi kèm trong du lịch. Trên cơ sở phân tích một số kinh nghiệm điển hình về phát triển du lịch ẩm thực tại Nhật Bản và Hàn Quốc, bài viết đưa ra một số hàm ý chính sách cho Việt Nam.
8. TẠ THANH LOAN
Diễn ngôn nữ quyền trong tiểu thuyết của Shin Kyung Sook
Tóm tắt: Diễn ngôn nữ quyền ra đời như một hệ quả tất yếu từ quá trình đấu tranh của lịch sử thể hiện sự chi phối bởi các cơ chế quyền lực nhất định trong xã hội. Mục đích của bài viết là thông qua nghiên cứu lý thuyết về diễn ngôn nữ quyền trong văn học tiến tới định hình những đặc điểm diễn ngôn nữ quyền thể hiện trong tiểu thuyết của Shin Kyung Sook (Cô gái viết nỗi cô đơn, Hãy chăm sóc mẹ) để từ đó khám phá ra những yếu tố góp phần hình thành nên phong cách sáng tác của nữ nhà văn cũng như tiếng nói của họ về xã hội đương thời. Qua việc định hình vấn đề diễn ngôn nữ quyền, bài viết mong muốn có thể mở ra một cách thức tiếp cận mới cho tiểu thuyết của Shin Kyung Sook dựa trên những kiếm tìm nét độc đáo, mới mẻ của lối viết từ chủ thể sáng tạo nữ trong việc thể hiện tiếng nói của người phụ nữ về chính họ và thế giới của họ.