- Sách
- Chính trị (99)
- Xã hội học (22)
- Môi trường (5)
- Quan hệ Ngoại giao (75)
- Văn hóa (10)
- Nông nghiệp (1)
- Kinh tế (74)
- Quản lý Thông tin (1)
- Luật (6)
- Du lịch (2)
- Tôn giáo (5)
- Ngôn ngữ (1)
- Giáo dục (2)
- Sức khỏe (2)
- Lịch sử (5)
- Triết học (1)
- Cách mạng Công nghiệp 4.0 (2)
- Phát triển bền vững (2)
- Khoa học Công nghệ (3)
- Tạp chí
- Những vấn đề kinh tế & chính trị thế giới (28)
- Châu Mỹ ngày nay (27)
- Nghiên cứu Châu Âu (25)
- Nghiên cứu Ấn Độ & Châu Á (26)
- Nghiên cứu Trung Quốc (25)
- Nghiên cứu Đông Nam Á (30)
- Nghiên cứu Đông Bắc Á (28)
- Nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông (24)
- Tài liệu
Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 7 năm 2021
Tác giả:
Thông tin NXB:
Số trang : 0
Loại sách: Tạp chí
1. VĂN NGỌC THÀNH, TRẦN NGỌC DŨNG
Nhân tố Trung Quốc trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tóm tắt: Sau khi trở thành Tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump đã thực hiện Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc cả về kinh tế, chính trị, quân sự trong khu vực. Khác với những đời tổng thống trước đó, Trump đã thực hiện chính sách đối đầu trực diện hơn với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực. Có thể nói, sự phát triển của Trung Quốc và thay đổi trong cách tiếp cận quyền lực thế giới thời Tập Cận Bình đã buộc Donald Trump phải có những chiến lược đối phó mới. Bài viết này chỉ ra rằng Trung Quốc là nhân tố then chốt tác động đến sự hình thành Chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương của Donald Trump trong những năm cầm quyền của ông.
2. NGUYỄN HỮU PHÚC
Quan hệ Việt Nam - Đài Loan trong chính sách hướng Nam mới nhìn từ hợp tác giáo dục - đào tạo
Tóm tắt: Từ năm 2016, Đài Loan đã thực hiện chính sách hướng Nam mới, xoay trục hợp tác trên tất cả các lĩnh vực với khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những đối tác chính của chính sách này. Theo đó, cùng với thương mại, hợp tác phát triển trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo trở thành nhân tố đóng vai trò quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Đài Loan. Những thành tựu đạt được trong giáo dục - đào tạo giữa hai bên từ 2016 đến nay đã bước đầu cho thấy tính hiệu quả của những nỗ lực hợp tác giữa hai chính quyền. Trong phạm vi nghiên cứu này, tác giả muốn làm rõ quan hệ giữa Việt Nam – Đài Loan kể từ khi chính quyền Thái Anh Văn thực thi chính sách hướng Nam mới, đi sâu phân tích những tác động từ sự hợp tác giữa hai bên trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo.
3. NGUYỄN THỊ THẮM
Nền tảng kinh tế thực hiện chính sách mới của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên
Tóm tắt:
Tóm tắt: Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (sau đây gọi là Triều Tiên) chính thức công bố đã hoàn thành chính sách Song tiến và chuyển sang thực hiện chính sách Tập trung tổng lực phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa (사회주의경제 건설총력 집중노선) vào đầu năm 2018. Để có thể thực hiện thành công chính sách mới, ngoài các nền tảng chính trị, quân sự, ngoại giao... thì nền tảng kinh tế rất quan trọng, nhất là khi trọng tâm của chính sách là phát triển kinh tế. Bài viết phân tích, tìm hiểu kinh tế vĩ mô, cơ cấu ngành, tình hình xuất nhập khẩu của Triều Tiên trong thời gian 10 năm (2007-2017) để có được một cái nhìn tổng thể về nền tảng kinh tế khi Triều Tiên bắt đầu thực hiện chính sách mới, cũng như có dự kiến bước đầu về những thay đổi trong kinh tế và các lĩnh vực khác trong thời gian tới.
4. TRẦN THỊ MỸ HOA
Lợi ích của Trung Quốc sau khi RCEP được ký kết
Tóm tắt: Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới, kết nối khu vực kinh tế năng động và phát triển hiện nay, bao gồm 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand. Việc ký kết RCEP thể hiện mong muốn của các nước thành viên về một khuôn khổ thương mại tự do khu vực, mang lại lợi ích cho tất cả các nền kinh tế và là bước ngoặt trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Trung Quốc là quốc gia thành viên và được hưởng lợi nhiều từ RCEP. Bài viết phân tích làm rõ ý nghĩa của hiệp định RCEP đối với Trung Quốc cả về kinh tế và chính trị.
5. NGUYỄN DƯƠNG ĐỖ QUYÊN
Luật cơ bản về văn hóa nghệ thuật của Nhật Bản: Nội dung và một số vấn đề đặt ra
Tóm tắt: Năm 2001, Nghị viện Nhật Bản ban hành Luật cơ bản về chấn hưng văn hóa nghệ thuật- văn bản luật có tính chất nền tảng nhằm xây dựng quốc gia văn hóa – nghệ thuật. Sau 16 năm, luật được sửa đổi để đáp ứng những chuyển biến của xã hội Nhật Bản và quốc tế, thể hiện nhận thức chung của xã hội Nhật Bản về tầm quan trọng của chính sách văn hóa nghệ thuật cũng như nỗ lực tham gia của các nguồn lực trong phát triển văn hóa nghệ thuật trong sự kết nối mật thiết với các lĩnh vực đời sống. Trên cơ sở phân tích và tổng hợp nghiên cứu của các nhà chuyên môn Nhật Bản, bài viết trình bày những nội dung quan trọng của Luật cơ bản về chấn hưng văn hóa nghệ thuật năm 2001, Luật sửa đổi năm 2017, những hạn chế và vấn đề đặt ra trong thực thi luật nhằm cung cấp một góc nhìn khái quát về trường hợp Nhật Bản và gợi mở những vấn đề chính sách liên quan của Việt Nam.
6. NGUYỄN NGỌC NGHIỆP
Quyền con người, Quyền công dân trong Hiến pháp Nhật Bản và Hiến pháp Việt Nam: Phân tích so sánh
Tóm tắt: Hiến pháp 2013 của Việt Nam có nhiều đổi mới liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Việc thay đổi tên chương quyền con người, vị trí của chương, bổ sung thêm một số quyển mới và thay đổi cách thức hiến định đã làm cho những quy định về quyền con người trong Hiến pháp 2013 tiệm cận với những quy định về nhân quyền quốc tế. Cũng như Hiến pháp 2013, Hiến pháp Nhật Bản năm 1946 có nhiều đổi mới so với hiến pháp trước đó là Hiến pháp Minh Trị. Những quy định mới về quyền con người và quyền công dân đã làm cho Hiến pháp Nhật Bản không những có tính tiến bộ mà thậm chí còn có tính vượt trước so với luật nhân quyền quốc tế. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đi sâu phân tích những điểm tương đồng và khác biệt trong việc hiến định quyền con người, quyền công dân ở hai bản hiến pháp hiện hành của Nhật Bản và Việt Nam.
7. NGUYỄN TIẾN LỰC
Hoạt động của hội Meirokusha (Minh lục xã) ở Nhật Bản cuối thế kỷ XIX
Tóm tắt: Hội Meirokusha (Minh Lục xã) là một tổ chức trí thức khai sáng ở Nhật Bản cuối thế kỷ XIX. Trong thời gian tồn tại ngắn ngủi, Hội Meirokusha đã tổ chức các hoạt động có tính học thuật: dịch, viết các tác phẩm khai sáng, phổ biến tư tưởng đó trong nhân dân; tổ chức các cuộc tranh luận tạo ra không khí sinh hoạt học thuật mang tính tự do, dân chủ, đặt nền móng cho sự phát triển của học thuật thời cận đại (1868-1945). Những hoạt động đó góp phần to lớn vào sự nghiệp văn minh hóa, hiện đại hóa của Nhật Bản cuối thế kỷ XIX. Bài viết này là sự nối tiếp bài viết “Quá trình thành lập hội Meirokusha (Minh Lục xã) ở Nhật Bản cuối thế kỷ XIX” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 5 (231), 2020, trong nỗ lực nghiên cứu có hệ thống và toàn diện về hội trí thức khai sáng này.
8. NGUYỄN THỊ HỒNG NGA, USHIYAMA RYUICHI
Bảo tồn và phát huy văn hóa biển ở Nhật Bản
Tóm tắt: Nhật Bản là một quốc gia hải đảo, bao quanh bốn bề là biển khơi, vì vậy, biển có ý nghĩa quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa của người dân nơi đây. Trong suốt tiến trình lịch sử của Nhật Bản, các giá trị văn hóa biển không ngừng được lưu giữ và phát huy, mối liên kết xã hội với biển cũng không ngừng được hun đúc và phát triển. “Xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển” cũng là một trong sáu nhóm giải pháp đã được đưa ra trong “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Với tầm quan trọng này, bài viết sẽ phân tích kinh nghiệm của Nhật Bản trong quá trình xây dựng và bảo tồn văn hóa biển, qua đó rút ra một số bài học cho Việt Nam để góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của đất nước.