Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 7 năm 2022

Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 7 năm 2022

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

1. TRẦN HOÀNG LONG, TRẦN THỊ HẢI YẾN

Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Tóm tắt: Trải qua tròn 30 năm từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (22/12/1992), quan hệ”Đối tác chiến lược” Việt Nam – Hàn Quốc ngày càng phát triển nhanh chóng và toàn diện. Từ khi bùng phát đại dịch COVID-19, cả hai nước đối mặt với nhiều khó khăn, quan hệ trên nhiều lĩnh vực giữa hai bên chịu ảnh hưởng không nhỏ. Hai bên phải hủy/hoãn một số hoạt động đối ngoại; hợp tác lao động, du lịch chịu tác động mạnh mẽ hầu như bị ngưng trệ. Tuy nhiên, hai quốc gia vẫn duy trì trao đổi các cấp bằng nhiều hình thức linh hoạt, quan hệ chính trị- ngoại giao, kinh tế giữa hai nước vẫn được củng cố và tăng cường. Trên cơ sở những tác động của đại dịch COVID-19 và lợi ích chiến lược của hai bên, bài viết phân tích thực trạng quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc trên một số lĩnh vực chính, đưa ra một số đánh giá về mối quan hệ này.

 

2. NGUYỄN ĐỨC TÂM

Hợp tác an ninh của Nhật Bản với các nước Đông Nam Á từ năm 2012 đến nay

Tóm tắt: Bài viết giới thiệu khái quát về tình hình khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng từ năm 2012 đến nay, qua đó phân tích những điều chỉnh mang tính chiến lược của Nhật Bản nhằm tăng cường hợp tác an ninh với các nước Đông Nam Á. Trong đó, đi sâu phân tích hợp tác an ninh của Nhật Bản với các nước Đông Nam Á trên cả hai phương diện đa phương và song phương. Cuối cùng, bài viết trình bày những tác động của sự hợp tác này đến tình hình an ninh trong khu vực.

 

3. NGUYỄN THỊ THANH TÚ

Hợp tác giáo dục Việt Nam - Nhật Bản từ năm 2000 đến nay

Tóm tắt: Kể từ khi đặt quan hệ hợp tác chính thức năm 1973, mối quan hệ giữa Việt Nam - Nhật Bản ngày càng mở rộng về nhiều mặt, đạt được những thành tựu rực rỡ trên nhiều phương diện kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học kỹ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Chính phủ hai nước đã và đang xúc tiến những chương trình, dự án hợp tác như: liên kết đào tạo, trao đổi sinh viên, giảng viên, các chương trình học bổng của hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản... Bài viết phân tích nhu cầu hợp tác về giáo dục của Việt Nam và Nhật Bản, trình bày và thành tựu hợp tác giáo dục Việt Nam – Nhật Bản trong hơn 20 năm qua, từ đó đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam để tăng cường hợp tác giáo dục giữa hai nước trong tương lai.

 

4. NGUYỄN THU TRANG, NGUYỄN XUÂN TRUNG, NGUYỄN THỊ RÀNG

Lao động di cư ở Trung Quốc giai đoạn 2000 – 2020

Tóm tắt: Di cư là một hiện tượng kinh tế – xã hội khách quan, là kết quả của quá trình phát triển trình độ của một quốc gia. Để đáp ứng nhu cầu việc làm cho quốc gia đông dân nhất thế giới, việc lao động Trung Quốc di chuyển từ nông thôn ra thành thị hay từ trong nước ra nước ngoài làm việc đã diễn ra từ khá lâu. Bài viết* tập trung phân tích bối cảnh lao động thị trường Trung Quốc hiện nay; di cư lao động của Trung Quốc trong giai đoạn 2000-2020; đánh giá chính sách quản lý di cư lao động ở Trung Quốc.

 

5. NGUYỄN TIẾN LỰC

Ito Hirobumi - nhà lãnh đạo xuất sắc của Minh Trị duy tân

Tóm tắt: Tóm tắt: Ito Hirobumi (伊藤 博文/1841-1909) là nhà lãnh đạo nổi bật nhất trong giai đoạn thứ hai của Minh Trị duy tân. Sau khi “Duy tân tam kiệt” là Saigo Takamori, Okubo Toshimichi và Kido Takayoshi mất, Ito Hirobumi trở thành nhân vật trung tâm của nền chính trị Nhật Bản cận đại. Ông là kiến trúc sư trưởng của Hiến pháp Minh Trị, là người từng 4 lần giữ chức Thủ tướng, là nhà ngoại giao tài ba của Nhật Bản. Hội tụ nhiều công tích như vậy trong một con người, Ito Hirobumi là một hình mẫu chính trị gia chưa từng có trong lịch sử Nhật Bản. Khác với ở Nhật Bản, phương Tây và ngay cả Trung Quốc, sách báo viết về ông ở Việt Nam không nhiều. Trong bài viết này, tác giả muốn giới thiệu một cách đầy đủ về thân thế và sự nghiệp của ông và dựa trên phương pháp lịch sử, đánh giá một cách đầy đủ và khách quan về vai trò của ông trong lịch sử cận đại Nhật Bản.

 

6. NGUYỄN THẾ TRUNG

Hợp tác kỹ thuật nông nghiệp giữa Việt Nam Cộng hòa và Trung Hoa Dân quốc (1959-1963)

Tóm tắt: Trong giai đoạn 1955-1972, Việt Nam Cộng hòa và Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) thiết lập quan hệ ngoại giao trên nhiều lĩnh vực như chính trị, văn hóa, giáo dục và kinh tế... Những kinh nghiệm xây dựng, phục hồi và phát triển kinh tế sau nội chiến của Trung Hoa Dân quốc luôn được Việt Nam Cộng hòa đánh giá cao và học hỏi. Thực hiện thỏa thuận giữa hai bên, Trung Hoa Dân quốc đã gửi các chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp sang miền Nam Việt Nam để giúp Việt Nam Cộng hòa phát triển nông nghiệp nông thôn. Bài viết phân tích (1) những vấn đề nông nghiệp nông thôn miền Nam Việt Nam sau năm 1954, (2) hoạt động và (3) những đóng góp tích cực của các chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp Trung Hoa Dân quốc đối với sự phát triển nông nghiệp, nông thôn miền Nam Việt Nam giai đoạn 1959-1963.

 

7. HA THI LAN PHI

Vấn đề manga “độc hại” ở Nhật Bản: Nhìn từ góc độ giáo dục

Tóm tắt: Sang những năm 1980, manga Nhật Bản đã phát triển đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật biểu hiện, lẫn sự đa dạng về chủng loại, phong phú về nội dung. Sự pha trộn giữa văn hóa truyền thống với văn hóa hiện đại, giữa văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây, cùng với công nghệ hiện đại đã tạo nên một loại hình văn hóa đại chúng đặc sắc của Nhật Bản. Song cũng chính vì sự đa dạng cả về nội dung, chủ đề, hình thức thể hiện mà manga đã chứa đựng cả trong đó sự “hỗn tạp”, sự tiêu cực và thiếu chuẩn mực. Nguyên nhân của nhiều vụ án hình sự, nhiều hành vi phạm tội được cho là có liên quan đến việc đọc manga. Nội dung bài viết đề cập loại hình “manga độc hại” được cho là có những ảnh hưởng tiêu cực đến sự trưởng thành của thế hệ thanh, thiếu niên và những nỗ lực của chính phủ và các tổ chức, ban ngành liên quan ở Nhật Bản trong việc quản lý loại hình ấn phẩm này.

 

8. VŨ THỊ PHƯƠNG HOA

Bạo hành trong gia đình Nhật Bản hiện nay

Tóm tắt: Bạo hành gia đình đã trở thành vấn đề xã hội đặc biệt nghiêm trọng ở Nhật Bản trong khoảng ba mươi năm trở lại đây. Từ năm 2001, Nhật Bản đã ban hành đạo luật về phòng chống bạo hành gia đình và bảo vệ nạn nhân, song số lượng và mức độ các vụ bạo hành trong gia đình tại Nhật Bản không có dấu hiệu suy giảm. Bạo hành gia đình vẫn là loại tội phạm ít được trình báo nhất mặc dù nó chiếm tới 1/5 trong số các loại tội phạm. Bài viết phân tích thực trạng bạo hành trong gia đình Nhật Bản giữa vợ và chồng; tìm hiểu một số giải pháp phòng chống bạo hành gia đình của Chính phủ Nhật Bản. Từ đó đưa ra một vài nhận xét, lý giải nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên.

 

 

 

61 lượt xem