Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, số 1 năm 2023

Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, số 1 năm 2023

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

1. TRẦN MỸ HẢI LỘC

Ngoại giao quốc phòng Việt Nam Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình - Dương từ năm 2016 đến nay

Tóm tắt: Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ được xem là chìa khóa để duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á nói riêng và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung. Kể từ khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2016, ngoại giao quốc phòng hai nước đã nâng lên tầm cao mới và được mở rộng trong ba lĩnh vực huấn luyện, công nghiệp quốc phòng, tập trận chung. Bài viết tìm hiểu ngoại giao quốc phòng giữa Việt Nam và Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từ năm 2016 đến nay, trên cơ sở đó có thể phần nào đánh giá và chỉ ra các thách thức cho mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước.

 

2. TRẦN NGỌC DIỄM

Hợp tác Ấn Độ - ASEAN trong đại dịch COVID-19 và cơ hội hợp tác Việt Nam - Ấn Độ

Tóm tắt: Đại dịch COVID-19 diễn ra trên phạm vi toàn cầu đã gây nhiều tác động tiêu cực và thách thức cho mọi mặt của đời sống. Mỗi quốc gia đều tìm cách đối phó với cuộc khủng hoảng theo cách riêng của mình. Lúc này, xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã và đang vận hành mạnh mẽ, các quốc gia thiết lập quan hệ đối tác, đối tác chiến lược lâu dài, do đó tạo ra nhiều cơ hội liên kết ứng phó với đại dịch COVID-19 và lên kế hoạch phục hồi. Bài viết nhận định rằng COVID-19 đã ảnh hưởng đến hợp tác giữa Ấn Độ và khối ASEAN, cũng như từng quốc gia trong khu vực. Trên cơ sở phân tích những ảnh hưởng này, tác giả chỉ ra những cơ hội hợp tác cho Việt Nam và Ấn Độ trong bối cảnh mới hậu COVID-19.

 

3. PHẠM VĂN QUỐC

Những vấn đề nổi bật về kinh tế, khoa học công nghệ của Ấn Độ hơn 30 năm qua và hàm ý cho Việt Nam

Tóm tắt: Ấn Độ là một trong số những quốc gia có dân số đông nhất thế giới. Vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Ấn Độ chịu ảnh hưởng lớn bởi sự đối đầu Đông - Tây, nền kinh tế lâm vào khủng hoảng, ng nần nghiêm trọng. Năm 1991, Ấn Độ quyết định cải cách kinh tế, điều chỉnh chính sách, cải cách toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội, hội nhập với khu vực và thế giới. Sự điều chỉnh đó mang lại những thành tựu ấn tượng trên nhiều mặt, đặc biệt là về kinh tế và khoa học công nghệ. Đến nay, Ấn Độ được coi là quốc gia năng động nhất trong nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Bài viết luận giải sâu về thành tựu và tinh đột phá trong chính sách của Ấn Độ, từ đó gợi mở cho quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay.

 

4. BÙI NAM KHÁNH, ĐỖ THỊ THANH BÌNH

Tác động của Đối thoại An ninh Tứ giác (QUAD) đối với khu vực Đông Nam Á

Tóm tắt: Đối thoại An ninh Tứ giác (QUAD) là đối thoại chiến lược không chính thức giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, và Ấn Độ. Ban đầu, QUAD được dự định là một cơ chế ứng phó với trận sóng thần năm 2004 ở Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, nó nhanh chóng bị cuốn vào cuộc cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng trên khắp châu Á và sụp đổ vào năm 2008. Trong Hội nghị cấp cao ASEAN năm 2017 tại Philippines, lãnh đạo Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đã nhất trí khôi phục liên minh tứ giác. QUAD có vị thế quan trọng, được coi là cốt lõi của Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở của Hoa Kỳ nhằm kiềm chế, ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc và giành quyền chủ đạo, khống chế toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sự hồi sinh của Tứ giác Kim cương này đã tác động sâu rộng đến cục diện và an ninh chính trị thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thông qua các phương pháp nghiên cứu phổ biến như phương pháp lịch sử, phân tích chính sách, tổng hợp, thống kê, so sánh, bài viết nghiên cứu về QUAD và cơ hội, thách thức đối với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

 

5. NGUYỄN XUÂN QUỲNH

Ảnh hưởng của Phật giáo trong sự hình thành và phát triển Thần đạo Nhật Bản

Tóm tắt: Nhật Bản là quốc gia thuộc Đông Bắc Á. Tại đây có sự xuất hiện của Phật giáo, một trong những tôn giáo lớn, phổ biến ở các nước châu Á nói chung. Bên cạnh đó, Nhật Bản vẫn duy trì được tôn giáo bản địa của mình là Thần đạo. Giữa hai tôn giáo này có mối quan hệ khăng khít. Một trong những nguyên nhân giúp Phật giáo đứng vững tại Nhật Bản là nhờ vào Thần đạo; mặt khác, cũng không thể phủ nhận vai trò của Phật giáo trong quá trình hình thành và phát triển Thần đạo. Bài viết tóm lược về những ảnh hưởng của Phật giáo đối với Thần đạo, từ đó cho thấy đặc trưng của văn hóa nói chung và tư tưởng, tôn giáo nói riêng tại đất nước này.

 

6. NGUYỄN VĂN PHƯỢNG

Nguồn gốc xuất thân của tư sản người Việt ở Trung Kì thời Pháp thuộc

Tóm tắt: Hoàn cảnh lịch sử - xã hội những năm đầu thế kỷ XX đã thúc đẩy sự ra đời của tầng lớp tư sản người Việt trên cả nước. Tìm hiểu về tư sản người Việt ở Trung Kì, nghiên cứu chỉ ra những nét khác biệt về nguồn gốc xuất thân của bộ phận tư sản này so với các khu vực khác thời Pháp thuộc. Qua đó, góp phần lý giải cơ sở lịch sử dẫn đến những đặc điểm riêng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoạt động chính trị, xã hội của tư sản người Việt ở khu vực Trung Kì thời Pháp thuộc.

 

7. NGUYỄN THẾ TRUNG

Phòng chống thuốc phiện ở Việt Nam dưới thời vua Minh Mệnh (1820-1840)

Tóm tắt: Từ cuối thế kỷ XVIII, thuốc phiện, do các công ty Đông Ấn Anh mang từ Ấn Độ vào Trung Quốc và Đông Nam Á, gia tăng nhanh chóng. Vì lợi nhuận và để thỏa mãn cơn nghiện, một bộ phận quan lại nhà Nguyễn tham gia hút và buôn lậu thuốc phiện. Điều này đi ngược lại những chuẩn mực đạo đức theo hệ tư tưởng Nho giáo gồm Tam cương và Ngũ thường mà các vua nhà Nguyễn muốn người dân tuân thủ. Bài viết tìm hiểu (i) Tệ hút và buôn lậu thuốc phiện ở Việt Nam dưới thời vua Minh Mệnh; (ii) Nhận thức của vua Minh Mệnh về tác hại của thuốc phiện và các biện pháp phòng chống thuốc phiện do ông ban hành.

 

8. PHẠM SĨ NGUYÊN

An ninh mạng tại Việt Nam từ năm 2011 đến nay: Thực trạng và chính sách Trần

Tóm tắt: Từ khi cả thế giới bước vào kỷ nguyên công nghệ số, an ninh mạng nổi lên thành vấn đề toàn cầu (phi truyền thống) mà sức ảnh hưởng của nó có thể tác động đến bất kỳ chủ thể nào trên không gian mạng. Về mặt vĩ mô, an ninh mạng, với tư cách là một bộ phận không thể tách rời của an ninh quốc gia, đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi cần có các chính sách, biện pháp nhằm dự đoán, ngăn ngừa, điều chỉnh, ứng phó, xử lý kịp thời từ các cơ quan chuyên trách trực thuộc chính phủ các nước cũng như các tổ chức quốc tế. Bài viết khái quát về tình hình an ninh mạng tại Việt Nam từ năm 2011 đến nay, đồng thời phân tích các chính sách của Chính phủ đối với an ninh mạng, từ đó cung cấp một góc nhìn về thực trạng an ninh mạng Việt Nam cũng như một số khuyến nghị giúp nâng cao mức độ bảo đảm an ninh mạng trong thời gian sắp tới.

 

9. NGUYỄN CÔNG ĐỨC

Định hướng phát triển đội ngũ công nhân tỉnh Bắc Ninh trong xu hướng biến đổi của giai cấp công nhân thế giới hiện nay

Tóm tắt: Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, giai cấp công nhân Việt Nam đã khẳng định được vai trò, sứ mệnh lịch sử cả mình với dân tộc, là một bộ phận của phong trào công nhân thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, phát triển kinh tế tri thức hiện nay, giai cấp công nhân thế giới đang có những biến đổi theo xu hướng mới, qua đó tác động đến giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và đội ngũ công nhân (ĐNCN) tỉnh Bắc Ninh nói riêng. Là một tỉnh đang đi đầu trong phát triển công nghiệp, yêu cầu đặt ra cho ĐNCN tỉnh Bắc Ninh hiện nay là cần có định hướng phát triển để đáp ứng được xu thế đó. Trong phạm vi bài viết, tác giả nghiên cứu xu hướng phát triển của giai cấp công nhân trên thế giới; từ đó, đưa ra định hướng, giải pháp phát triển ĐNCN tỉnh Bắc Ninh hiện nay.

 

10. HOÀNG NGUYÊN KHAI

Sử dụng ngân hàng chính sách làm công cụ điều tiết phát triển kinh tế: Kinh nghiệm từ Trung Quốc

Tóm tắt: Bài viết khái quát kinh nghiệm của Trung Quốc về việc thành lập và đưa vào hoạt động 3 ngân hàng chính sách. Liên hệ với thực tiễn Việt Nam, ngay từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới kinh tế - xã hội, Đảng, Quốc hội và Chính phủ cũng thành lập một số định chế tài chính hoạt động có tính chất chính sách. Đến nay, hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội đã thể hiện rất rõ vai trò của định chế tài chính này. Tuy nhiên, vẫn còn có một số định chế tài chính hoạt động chính sách khác thể hiện vai trò rất mờ nhạt, thậm chí tốn kém khá lớn chi tiêu công cho hoạt động. Sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, dựa trên tài liệu, số liệu thứ cấp của một số cơ quan, tổ chức khác nhau, bài viết tiến hành phân tích, đánh giả, tập trung làm rõ các nội dung nói trên, đưa ra khuyến nghị hàm ý chính sách.

 

11. NGUYỄN ĐẮC TÙNG

Ni trưởng Huỳnh Liên và phong trào đấu tranh ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1963 - 1975

Tóm tắt: Ni trưởng Huỳnh Liên (1923-1987) là vị giáo phẩm Ni đã được Tổ ủy thác lãnh đạo, hướng dẫn Giáo đoàn Ni. Ni trưởng Huỳnh Liên là bậc nữ lưu xuất chúng, có thiên phú về thơ văn và nổi bật với chí nguyện phụng sự nhân sinh rất mạnh mẽ. Trong giai đoạn 1963-1975, Ni trưởng Huỳnh Liên đã tích cực lãnh đạo Ni sư ở miền Nam Việt Nam tham gia phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Bài viết giới thiệu những nét chính trong cuộc đời của Ni trưởng Huỳnh Liên, đồng thời khái lược quá trình tham gia phong trào đấu tranh của Người. 

 

 

47 lượt xem