Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, số 12 năm 2022

Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, số 12 năm 2022

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

1. NGUYỄN VĂN LỊCH, NGUYỄN THỊ THU HOÀN, NGUYỄN THỊ KHÁNH LY

Ấn Độ khai thác và sử dụng ngoại giao kinh tế trong và sau đại dịch COVID-19

Tóm tắt: Mặc dù là quốc gia đang phát triển nhưng hiện tại Ấn Độ là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Vào cuối tháng 3/2022, Ấn Độ vượt Anh, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới (hindustantimes.com, 2022). IMF dự báo Ấn Độ sẽ bỏ xa Anh về quy mô nền kinh tế tính bằng USD trong năm 2022; chỉ đứng sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức. Một trong những nhân tố dẫn tới điều đó là do Ấn Độ đã có những chính sách đúng đắn về ngoại giao kinh tế (NGKT). Vì thể, nghiên cứu NGKT của Ấn Độ, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra và những thay đổi chính sách ở giai đoạn hậu khủng hoảng là rất cần thiết, để các quốc gia đang phát triển khác trên thế giới có thể tham khảo kinh nghiệm, nắm bắt xu hướng chính sách và xây dựng chính sách phù hợp cho quốc gia mình. Bài viết này gồm 3 phần chinh: phần 1 khái quát chung về NGKT của Ấn Độ; phần 2 trình bày về NGKT của Ấn Độ trong đại dịch COVID-19; và phần 3, phân tích những thay đổi trong chính sách NGKT của Ấn Độ sau khủng hoảng COVID-19.

 

2. NGUYỄN ĐẮC TÙNG

Hợp tác an ninh Ấn Độ - Mỹ giai đoạn 2014 – 2022

Tóm tắt: Giai đoạn 2014 - 2022, quan hệ Ấn Độ - Mỹ có những phát triển vượt bậc. Mối quan hệ giữa hai nước không những phục vụ lợi ích song phương mà còn đóng góp vào hòa bình và an ninh thế giới. Trong đó, hợp tác an ninh là khía cạnh nổi bật, đạt được nhiều tiến bộ nhất và đem lại các lợi ích chiến lược cho cả hai nước. Bài viết phân tích thực trạng (giai đoạn 2014 - 2022) và triển vọng hợp tác an ninh Ấn Độ - Mỹ trên lĩnh vực hợp tác chia sẻ thông tin tình bảo và hợp tác chống khủng bố.

 

3. ĐÀO THỊ THÙY LINH, BÙI NAM KHÁNH

Thực trạng và triển vọng quan hệ Việt Nam – Australia

Tóm tắt: Quan hệ giữa Việt Nam và Australia là mối quan hệ hợp tác lâu dài và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 26/2/1973. Năm 2018, hai nước nâng cấp khuôn khổ hợp tác lên Đối tác chiến lược. Lãnh đạo cấp cao hai nước cũng bày tỏ mong muốn sớm nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Australia. Thông qua các phương pháp nghiên cứu phổ biến bao gồm phương pháp lịch sử, phân tích chính sách, logic, tổng hợp, hệ thống hóa, thống kê, so sánh, đối chiếu, bài viết nghiên cứu, đánh giá về thực trạng và triển vọng của quan hệ Việt Nam - Australia; đồng thời, kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quan hệ song phương và hưởng tới mục tiêu tiếp tục phát triển quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

 

4. TRẦN NGỌC DŨNG, VŨ THỊ THANH LOAN

Hoạt động của Việt Nam trong Cộng đồng ASEAN (2016-2020)

Tóm tắt: Bài viết khái quát sự tham gia của Việt Nam trong quá trình hoàn thiện cả ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN (AC) giai đoạn 2016-2020. Với việc coi trọng vị trí của ASEAN trong chiến lược ngoại giao đa phương, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia vào quá trình hoàn thiện Cộng đồng ASEAN và đạt được những thành tựu quan trọng, đặc biệt là năm 2020, khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN.

 

5. PHẠM THUỶ NGUYÊN

Phát triển ngành dệt may theo hướng tiếp cận công nghệ xanh: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho Việt Nam

Tóm tắt: Trong xu thế tất yếu về bảo vệ môi trường và phát triển xanh trên thế giới, các ngành công nghiệp được hướng tới cải thiện điều kiện sản xuất cũng như áp dụng công nghệ xanh vào quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Bài viết tìm hiểu kinh nghiệm của một số quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất và tiêu thụ dệt may như Trung Quốc, Ân Độ, Liên minh châu Âu.

 

6. NGUYỄN MINH GIANG, NGUYỄN VIẾT LAN ANH, NGUYỄN VŨ THIÊN LONG, NGUYỄN YẾN VY, TRẦN THỊ THANH TRÚC

Tính lưỡng phân trong bản sắc quốc gia của Australia dưới góc nhìn lịch sử

Tóm tắt: Bản sắc của một quốc gia thể hiện lợi ích và ưu tiên của quốc gia ấy, từ đó dễ dàng định vị được vị thế và trở nên hấp dẫn hơn trên chính trường quốc tế. Kể từ khi quá trình toàn cầu hóa tiến vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, Australia đã cố gắng giũ bỏ "tính trắng" cùng tư tưởng phân biệt chủng tộc từng gắn bó từ khi được khai sinh vào năm 1901 để tái định hình lại chính mình. Nghiên cứu này không đưa ra một khẳng định cuối cùng về bản sắc hiện tại của Australia. Bởi lẽ, định hình bản sắc là một quá trình mà trong đó các nhân tố văn hóa, xã hội và chính trị chi phối mạnh mẽ. Tuy nhiên, thông qua các giai đoạn định hình, tái cấu trúc, trở về tình huống lưỡng phân bản sắc, công trình nghiên cứu làm sáng tỏ xu thế lưỡng phân bản sắc của Australia khi mà bản sắc quốc gia Australia đang rơi vào thế khó xác định giữa nguồn gốc xã hội phương Tây và vị trí địa lý kề cận châu Á. Ngoài ra, những tàn dư của tư tưởng “nước Australia trắng” vẫn đặt ra nhiều thách thức trong việc định hình bản sắc của nước này sao cho phù hợp với xu thế toàn cầu hóa.

 

7. NGUYỄN THU TRANG

Tiếp biến Phật giáo tại Việt Nam: Từ góc nhìn so sánh với Phật giáo Sri Lanka và Trung Quốc

Tóm tắt: Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới, với hệ thống giáo lý đồ sộ và số lượng tín đồ đông đảo. Phật giáo được truyền bá vào Việt Nam từ thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên; ngoài ra còn có Nho giáo, Lão giáo và Thiên Chúa giáo. Trên cơ sở so sánh Phật giáo ở Sri Lanka, Trung Quốc và Việt Nam, bài viết mong muốn có thể nhận thức rõ hơn về quá trình giao lưu, tiếp nhận các giá trị văn hóa Phật giáo vào văn hóa Việt Nam.

 

8. NGUYỄN THẾ HỒNG

Đạo đức trong văn hóa kinh doanh của tư sản người Việt ở Nam Kỳ đầu thế kỷ XX

Tóm tắt: Văn hóa kinh doanh của một bộ phận tư sản người Việt ở Nam Kỳ đầu thế kỷ XX chú trọng tư tưởng yêu nước và trả lời cho câu hỏi: Mục đích kinh doanh để làm gì? Đạo đức kinh doanh là yếu tố cấu thành nên văn hóa kinh doanh; đó chính là đạo đức được vận dụng vào hoạt động kinh doanh. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đạo đức kinh doanh của tư sản người Việt ở Nam Kỳ gồm: lên án hành vi gian dối; đề cao chữ tín trong kinh doanh; chia sẻ lợi nhuận với xã hội và cộng đồng.

 

9. BÙI THỊ ÁNH VÂN

Một mô hình nhân văn trong hoạt động từ thiện của Phật giáo Việt Nam

Tóm tắt: “Trẻ vui nhà, già vui chùa”, câu nói này như một lời tổng kết về cách sống của các thế hệ người Việt. Trong đời sống văn hóa truyền thống của dân tộc, chốn thiền định luôn là một trong những địa danh được người già quan tâm và tìm đến lúc thảnh thơi. Được lắng nghe tiếng chuông chùa ngân nga trong gió, được ngắm nhìn tôn tượng Phật, Bồ tát với vẻ mặt hiền từ, dường như họ đã thu về những cảm nhận tuyệt vời, được sống trong thế giới đầy an lạc. Có thể vì lẽ này, người cao tuổi là một trong những đối tượng mà ngôi chùa Phật giáo Việt Nam ưu tiên hướng tới trong các hoạt động từ thiện nhân đạo. Mấy thập niên gần đây, tại một số chùa Việt đã xuất hiện khu nhà dưỡng lão. Ngôi nhà tình thương nơi cửa Thiền là một mô hình an sinh xã hội khá mới mẻ và đang nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng xã hội. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả đề cập đến hai vấn đề chính: (i) Nhà dưỡng lão - một mô hình chăm sóc người cao tuổi mới mẻ ở Việt Nam; và (ii) Mái ấm tình thương trong các ngôi chùa Việt.

 

10. ĐỖ THỊ THU PHƯƠNG

Xây dựng Đảng về đạo đức theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam

Tóm tắt: Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm tới công tác xây dựng Đảng về đạo đức. Tại Đại hội XIII, vấn đề “đạo đức” trong công tác xây dựng Đảng được đặt ở một vị trí mới, lên trước cụm từ “tổ chức” và “cán bộ”. Điều này cho thấy, xây dựng Đảng về đạo đức là vấn đề đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức sống và sức chiến đấu của Đảng ta. Trong phạm vi bài viết, tác giả làm rõ hơn một số vấn đề liên quan đến việc xây dựng Đảng về đạo đức theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

 

38 lượt xem