Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, số 9 năm 2022

Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, số 9 năm 2022

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

1. KIỀU THANH NGA

Sự thay đổi chính sách hợp tác phát triển của EU và triển vọng ODA của EU cho châu Phi

Tóm tắt: Kể từ Hội nghị Thượng đỉnh EU - châu Phi lần đầu tiên vào năm 2000, sau đó là Chiến lược chung EU - châu Phi (JAES) được thông qua vào năm 2007, quan hệ EU - châu Phi đã vượt ra khỏi mô hình hậu thuộc địa nhằm xây dựng một mối quan hệ đối tác bình đẳng. Giai đoạn 2000 - 2015, hợp tác phát triển của EU với châu Phi chủ yếu nhằm thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG). Ở giai đoạn tiếp theo, từ sau 2015 với Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp quốc, những cơ hội và thách thức từ bối cảnh toàn cầu hóa cũng như sự chia rẽ trong EU, đặt ra cho EU yêu cầu thay đổi chính sách phát triển của mình. Chiến lược EU - châu Phi mới được Nghị viện Châu Âu thông qua vào ngày 25/3/2021 là một trong những chính sách hợp tác phát triển của EU nhằm “thúc đẩy lợi ích và giá trị của châu Âu trên thế giới”. Trọng tâm của Chiến lược EU - châu Phi mới bao gồm: chuyển đổi xanh, chuyển đổi kỹ thuật số, tăng trưởng bền vững và việc làm, hòa bình và quản trị, di cư và tị nạn. Đây là minh chứng cho mối quan hệ mang tính chiến lược hơn trong hợp tác EU - châu Phi, là đối tác bình đẳng, vượt xa viện trợ phát triển.

 

2. NGUYỄN HỒNG QUÂN

Tác động của xung đột vũ trang Nga – Ukraina tới châu Phi

Tóm tắt: Châu Phi nằm cách xa cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraina, nhưng đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ của cuộc xung đột này. Hầu hết các quốc gia Châu Phi đã “không chọn bên” để tránh rủi ro, nhưng đang phải gánh chịu giả lương thực, nhiên liệu leo thang, lạm phát, kinh tế suy thoái trong khi vẫn đang phải vật lộn với hậu quả của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Châu Phi đứng trước cơ hội để khẳng định vị trí độc lập trong trật tự thế giới mới, cũng như mở rộng canh tác lương thực, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tránh những thảm họa trong thời điểm giả lương thực toàn cầu tăng cao; nâng cao năng lực khai thác và sản xuất dầu khi để lấp đầy các khoảng trống phát sinh do gián đoạn chuỗi cung ứng; xóa đói, giảm nghèo và bất bình đẳng.

 

3. NGUYỄN DANH CƯỜNG

Chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ở Morocco

Tóm tắt: Morocco là một trong các quốc gia ở Châu Phi đã sớm có những chính sách phát triển năng lượng tái tạo và đưa năng lượng tái tạo ngày càng có vị trí quan trọng trong chiến lược năng lượng của quốc gia. Bài viết này góp phần làm rõ một số chính sách về cải cách thủ tục hành chính, thương mại hóa các nguồn năng lượng tái tạo, hoàn thiện thể chế và khung pháp lý trong việc phát triển năng lượng tái tạo. Đồng thời, bài viết làm rõ một số thách thức trong thực thi chính sách phát triển năng lượng tái tạo ở Morocco. Qua đó, góp phần gợi ý một số chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam hiện nay.

 

4. TRẦN THỊ THÁI

Truyền thống và những vấn đề đặt ra về nguồn lương thực, thực phẩm của người Chăm ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận trong bối cảnh mới

Tóm tắt: Nguồn lương thực, thực phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu để tạo nên những đặc trưng cơ bản cho các món ăn truyền thống của một tộc người. Đối với đồng bào Chăm ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận cũng vậy, nguồn lương thực, thực phẩm không chỉ để chế biến thức ăn, duy trì đời sống mà còn mang tính văn hóa, gắn liền với đời sống tôn giáo tín ngưỡng. Trong giai đoạn hiện nay, dưới tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, đất đai ngày càng bạc màu đã đặt vấn đề sản xuất nguồn lương thực, thực phẩm của người Chăm ở nơi đây trước những thách thức lớn, đe dọa vấn đề an ninh lương thực và an toàn thực phẩm. Để khắc phục tình trạng này cần phải đưa ra một số giải pháp trong việc sản xuất nguồn lương thực, thực phẩm theo hướng tăng trưởng xanh, đảm bảo vấn đề an ninh lương thực và tạo ra nguồn lương thực, thực phẩm sạch, an toàn, khuyến khích bà con xanh hóa lối sống và xanh hóa trong tiêu dùng, cải thiện chất lượng cuộc sống.

 

5. NGUYỄN THỊ NGỌC MAI

Phát triển nông nghiệp theo hướng tuần hoàn ở Kenya

Tóm tắt: Phát triển nông nghiệp theo hưởng tuần hoàn đang là xu hướng phát triển mới của nền nông nghiệp toàn cầu, trong đó có Kenya, một quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Châu Phi hạ Sahara (Bộ Công thương Kenya, 2021). Là một đất nước nông nghiệp, ngành nông nghiệp Kenya không chỉ cung cấp lương thực chính cho người dân trên cả nước mà còn có những đóng góp quan trọng vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực của hiện tượng biến đổi khí hậu và sự không còn phù hợp của nền nông nghiệp truyền thống theo hướng tuyến tính, nền nông nghiệp Kenya đang có những chuyển biến tích cực theo hưởng tuần hoàn để từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản và hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến môi trường. Để thực hiện mục tiêu phát triển này, trong thời gian qua, Chính phủ Kenya đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp vừa hỗ trợ, vừa thúc đẩy nông dân và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của Kenya phát triển nông nghiệp theo hưởng tuần hoàn, hưởng tới phát triển nông nghiệp bền vững. Bài viết dưới đây sẽ phân tích cụ thể hơn các biện pháp mà Chính phủ Kenya đã thực hiện.

 

6. ĐỖ VĂN DUNG, PHẠM QUANG NGỌC, NGUYỄN CAO SƠN, NGUYỄN CAO TẤN, LÊ BỘ LĨNH, LÊ XUÂN BÁ, TẠ HOÀNG HÙNG, VŨ VĂN TRƯỜNG, ĐỖ THỊ MINH NGỌC, TÔ THỊ THANH MAI

Một số giải pháp ưu tiên phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2030

Tóm tắt: Với mục tiêu phân tích thực trạng và đề xuất một số giải pháp ưu tiên phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình từ nay đến 2030, nhóm tác giả đã sử dụng phương pháp phân tích SWOT kết hợp với khảo sát xã hội học trong nghiên cứu này. Kết quả nghiên cứu đã xác định được tầm quan trọng cũng như tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch, định hướng đến năm 2030; Giai đoạn 2009-2019, ngành du lịch duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân hằng năm số khách du lịch tăng 13,1%, doanh thu du lịch tăng 30,7%. Du lịch phát triển có những đóng góp không nhỏ trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh, bước đầu tạo được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tăng tỷ trọng khối dịch vụ và thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực phát triển. Đồng thời, kết quả nghiên cứu cho thấy tỉnh Ninh Bình có đầy đủ các nguồn lực và lợi thế để ngành du lịch phát triển. Trong giai đoạn đầu mới tách tỉnh (1992), Ninh Bình là tỉnh nông nghiệp lạc hậu, sau 30 năm, đặc biệt từ sau năm 2016 đến nay, tỷ trọng cơ cấu du lịch luôn được đẩy mạnh, tăng trưởng ổn định, đóng góp quan trọng cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Nghiên cứu đề xuất năm giải pháp ưu tiên đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2030.

 

7. NGUYỄN THỊ HẰNG

Một số cải cách giáo dục đại học tại Nam Phi

Tóm tắt: Cải cách giáo dục là một nhu cầu cấp thiết của xã hội hiện đại, do đó mỗi quốc gia đều lựa chọn cho mình một mô hình, hay một phương thức giáo dục nhất định với mục tiêu thay đổi nền giáo dục đã lỗi thời, không còn phù hợp. Trong lịch sử, những cuộc cải cách giáo dục với những hình thức khác nhau bởi vì động lực của các nhà cải cách khác nhau. Nam Phi được xem là quốc gia đầu tư cho giáo dục nhiều nhất so với các nước châu Phi nhưng chất lượng giáo dục lại đang bị xếp hạng thấp trong châu lục, những người da đen vẫn chịu nhiều thiệt thòi trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học. Bài viết bàn về các nội dung chính gồm: tổng quan giáo dục đại học ở Nam Phi trước khi chế độ Apartheid sụp đổ năm 1993. Tiếp đến là một số nội dung cải cách giáo dục đại học cụ thể của xã hội dân chủ như: chương trình dạy và học, ngôn ngữ giảng dạy; nguồn đầu tư tài chính (tài chính công). Cuối cùng bài viết đưa ra một số nhận xét về các nội dung cải cách kể trên nhằm đưa ra những mặt được, mặt hạn chế của nền giáo dục đại học sau khi chế độ Apartheid sụp đổ.

 

8. NGUYỄN LÊ THY THƯƠNG

Ngoại giao giáo dục của Trung Quốc và Ấn Độ ở châu Phi từ đầu thế kỷ XXI đến nay

Tóm tắt: Giáo dục là một trong những lĩnh vực mà Trung Quốc và Ấn Độ đang tranh giành ảnh hưởng ở châu Phi. Cả hai quốc gia đang tăng cường viện trợ cho giáo dục và giai đoạn từ đầu thế kỷ XXI đến nay ghi lại dấu ấn đậm nét của Trung Quốc và Ấn Độ trong hệ thống giáo dục của các quốc gia tại châu lục này. Bài viết mô tả chính sách ngoại giao giáo dục của Trung Quốc thông qua các viện văn hóa; sự nổi lên của đất nước này như một điểm đến học tập cho sinh viên châu Phi và những hoạt động hỗ trợ của nước này cho việc nâng cao năng lực trong lĩnh vực giáo dục của các chính phủ tại đây. Bài viết cũng làm rõ các lợi ích và sáng kiến giáo dục của Ấn Độ ở châu Phi và đánh giá lợi ích của việc gia tăng hợp tác “Nam-Nam” với châu lục này. Trong quá trình phân tích, bài viết đưa ra những nhận được về sự tương đồng và khác biệt trong hoạt động ngoại giao giáo dục của Trung Quốc và Ấn Độ ở châu Phi, chỉ ra sự cạnh tranh quyết liệt giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục đồng thời đánh giá về những lợi ích và cả những hậu quả mà các nước châu Phi nhận được từ những hoạt động này.

 

57 lượt xem