Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, số 11 năm 2021

Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, số 11 năm 2021

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

1. HOÀNG THẾ ANH

Chuyển đổi số ở Trung quốc: Thực trạng và gợi mở đối với Việt Nam

Tóm tắt: Cùng với trào lưu chuyển đổi số trên thế giới từ những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, việc chuyển đổi số đã diễn ra và phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc. Một trong những điểm mấu chốt tạo ra những thành công ở Trung Quốc là việc từng bước xây dựng được nền tảng số phù hợp với sự phát triển của đất nước và có thị trường lớn. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân dẫn đến thành công nữa là do hành động tập thể của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân cùng học tập, sáng tạo phát triển, đồng thời môi trường bên trong bên ngoài đã tạo ra những bước ngoặt cho chuyển đổi số ở Trung Quốc. Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn còn có những hạn chế nhất định như năng lực nghiên cứu nền tảng còn yếu, doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi số, hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện và câu chuyện thay thế, nâng cấp ngành nghề ảnh hưởng đến đời sống người dân đang đặt ra.

 

2. NGUYỄN ANH TUẤN

Tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương và sự thử nghiệm của Trung Quốc

Tóm tắt: Dịch bệnh Covid-19 là một trong những nguyên nhân thúc đẩy chuyển đổi số. Trong bối cảnh đó, nhiều ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang tăng cường nghiên cứu phát hành đồng tiền kỹ thuật số của mình. Trong số đó, Trung Quốc nổi lên, đóng vai trò tiên phong trong việc thử nghiệm phát hành và sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Nhân dân Trung ương Trung Quốc (Ngân hàng trung ương). Trong tiến trình đó, nhiều người nói về việc đồng tiền số này sẽ trở thành động lực thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ trong các giao dịch thanh toán và trở thành phương tiện cất trữ quốc tế. Điều này có thể tạo ra tác động lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Bài viết tập trung nghiên cứu về bản chất, tác động của tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành, đánh giá quá trình thử nghiệm sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số tại Trung Quốc và phản ứng của các nước.

 

3. VÕ THỊ MINH LỆ, NGUYỄN BÌNH GIANG

Bảo vệ môi trường biển, ven biển của Nhật Bản

Tóm tắt: Sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, Nhật Bản đã ưu tiên tập trung phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp làm bàn đạp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, với tham vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng nhanh kéo dài, Nhật Bản đã phải trả giá cho những vấn đề môi trường, đặc biệt là môi trường biển và ven biển. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu tác động đến biển, ven biển khiến cho môi trường sống của nhiều loài sinh vật biển bị thay đổi, nhiều loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, gây xói mòn ven biển... Trên cơ sở chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng đến môi trường biển, ven biển của Nhật Bản, bài viết này sẽ chỉ ra kinh nghiệm của Nhật Bản trong triển khai các chính sách góp phần bảo vệ môi trường biển, ven biển bền vững.

 

4. PHẠM MẠNH HÙNG, BÙI KHẮC LINH

Chuyển đổi số ở Singapore và hàm ý đối với Việt nam

Tóm tắt: Việc đào tạo nguồn nhân lực, nhân tài của Singapore được xem là yếu tố quyết định đưa đảo quốc này từ thế giới thứ ba lên thế giới thứ nhất chi trong một thế hệ. Ngày nay, truyền thống quý báu đó tiếp tục được Singapore phát huy triệt để trong cuộc cách mạng 4.0. Singapore đã đặc biệt chú trọng và có tầm nhìn và cách giải quyết vấn đề đảm bảo nguồn nhân lực kỹ năng, nhân tài sẵn sàng cho chuyển đổi số rất thực tế, khoa học và hiệu quả. Một mặt, nhanh chóng trang bị kỹ năng cho số đông dân chúng để thích ứng với thời chuyển đổi số. Mặt khác, dồn lực phát triển đội ngũ nhân tài cốt cán với tinh thần đổi mới sáng tạo để dẫn dắt hành trình chuyển đổi số. Cùng với đó, Singapore khai thác triệt để công nghệ số, không ngừng đổi mới sáng tạo, nhanh chóng phát triển hệ sinh thái tích hợp để gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Kết quả là, Singapore dù với số dân chỉ hơn 5,8 triệu người nhưng vẫn đảm bảo tốt nguồn nhân lực kỹ năng, nhân tài sẵn sàng cho chuyển đổi số trong khi nhiều nước châu Á có dân số lớn nhưng đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn nhân lực kỹ năng, nhân tài sẵn sàng cho chuyển đổi số. Singapore luôn thuộc nhóm các nước dẫn đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số, về mức độ sẵn sàng cho CMCN 4.0...

 

5. LÊ THỊ THU HƯƠNG

Thu hút lao động kỹ năng của các nước Liên minh Châu Âu: Thực trạng và chính sách

Tóm tắt: Bài viết phân tích thực trạng, đặc điểm và xu hướng chính sách chủ yếu hiện nay của các nước Liên minh châu Âu (EU) trong thu hút lao động kỹ năng. Ngoài phần giới thiệu và kết luận, các phần chính của bài viết tập trung vào thực trạng di chuyển lao động kỹ năng ở EU. Các chính sách chủ chốt được áp dụng bao gồm chính sách nhập cư chung, chính sách thu hút qua nới lỏng các quy định, giảm các rào cản hành chính và thu hút qua các ưu đãi tài chính, đặc biệt thông qua công си + thuế như giảm thuế thu nhập cá nhân và công ty ở cấp thu nhập cao và giảm thuế thu nhập cá nhân từng phần trực tiếp cho đối tượng lao động kỹ năng cao.

 

6. PHẠM TIẾN

Chuyển động Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh APEC 11/2017

Tóm tắt: Việc thành lập Liên minh ba nước Australia, Anh và Mỹ (AUKUS) mới đây, cùng những sự kiện quốc tế quan trọng diễn ra dồn dập liền sau đó tại các địa điểm khác nhau trên thế giới, nhưng đều có nội dung liên quan trực tiếp tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, là minh chứng về sự dịch chuyển trọng tâm địa chiến lược của thế giới từ Tây sang Động trong thế kỷ XXI, phản ảnh cuộc cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị - kinh tế toàn cầu giữa các trung tâm quyền lực thế giới đang được đẩy lên mức độ gay gắt hơn.

Bài viết phân tích bối cảnh quốc tế đưa đến sự ra đời của AUKUS; trên cơ sở đó, bài viết đưa ra những nhận định bước đầu về tác động của Liên minh tới cấu trúc an ninh hiện hữu của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Việc xử lý các mối quan hệ quốc tế trong một khu vực đan xen và chồng lần lợi ích cũng sẽ đòi hỏi các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, phải tinh tường, nhạy bén, uyển chuyển và quyết liệt hơn trong việc định vị chỗ đứng của mình trong khu vực.

 

7. NGUYỄN VĂN ĐÁP

Sáng kiến Vành đai và Con đường ở khu vực Mỹ Latinh: Hiện trạng và triển vọng

Tóm tắt: Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) được Trung Quốc khởi xướng vào năm 2013 hiện đã đạt đến quy mô toàn cầu. Nhằm góp phần đánh giá đầy đủ và cập nhật về Sáng kiến Vành đai và Con đường trên thế giới, bài viết tập trung nghiên cứu việc triển khai sáng kiến này ở Mỹ La-tinh, khu vực vốn ít nhận được sự quan tâm đầy đủ khi nghiên cứu về sáng kiến này. Thông qua việc phân tích toàn diện về Sáng kiến Vành đai và Con đường tại khu vực Mỹ La-tinh, bài viết hưởng đến làm sáng tỏ động cơ của Trung Quốc và Mỹ La-tinh khi triển khai/tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường; nội dung và đặc điểm của Sáng kiến tại khu vực Mỹ La-tinh trong tương quan với tổng thể sáng kiến này và so với các khu vực khác cũng như đánh giá triển vọng của Sáng kiến dựa trên các phân tích theo khung “Điểm mạnh - Điểm yếu - Cơ hội - Thách thức” (SWOT).

 

8. LẠI LÂM ANH

Tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP): Cơ hội và thách thức cho Việt Nam

Tóm tắt: RCEP bao gồm mười nước ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand hình thành một thị trường rộng lớn với quy mô dân số lên tới 2,3 tỷ, chiếm 30% dân số thế giới, tổng giá trị GDP đạt 25,9 tỷ USD bằng 44% GDP thế giới. Đây là hiệp định mà trong đó Việt Nam cam kết mở cửa hầu hết các thị trưởng như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ, đầu tư, thương mại điện tử... Việc tham gia RCEP mở ra cho Việt Nam một số cơ hội nhưng cũng có không ít những thách thức. Bài viết này sẽ khái quát về quá trình hình thành Hiệp định RCEP, chỉ ra những cơ hội, thách thức và một số gợi mở chính sách cho Việt Nam.

 

41 lượt xem