- Sách
- Chính trị (99)
- Xã hội học (22)
- Môi trường (5)
- Quan hệ Ngoại giao (75)
- Văn hóa (10)
- Nông nghiệp (1)
- Kinh tế (74)
- Quản lý Thông tin (1)
- Luật (6)
- Du lịch (2)
- Tôn giáo (5)
- Ngôn ngữ (1)
- Giáo dục (2)
- Sức khỏe (2)
- Lịch sử (5)
- Triết học (1)
- Cách mạng Công nghiệp 4.0 (2)
- Phát triển bền vững (2)
- Khoa học Công nghệ (3)
- Tạp chí
- Những vấn đề kinh tế & chính trị thế giới (28)
- Châu Mỹ ngày nay (27)
- Nghiên cứu Châu Âu (25)
- Nghiên cứu Ấn Độ & Châu Á (26)
- Nghiên cứu Trung Quốc (25)
- Nghiên cứu Đông Nam Á (30)
- Nghiên cứu Đông Bắc Á (28)
- Nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông (24)
- Tài liệu
Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, số 2 năm 2021
Tác giả:
Thông tin NXB:
Số trang : 0
Loại sách: Tạp chí
KINH TẾ THẾ GIỚI - KHU VỰC
1. HOÀNG HUỆ ANH
Sáng kiến “Vành đai và con đường” với an ninh quốc gia Trung Quốc
Tóm tắt: Sáng kiến “Vành đai và con đường” có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh quốc gia Trung Quốc trong bối cảnh khái niệm An ninh Quốc gia tổng thể gồm 11 lĩnh vực trở thành cách tiếp cận mới được áp dụng từ sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay. Trong khuôn khổ của bài viết này tác giả giới hạn trong những nội dung đang liên quan tới lợi ích an ninh của Trung Quốc ở nước ngoài bao gồm: Mục tiêu an ninh quốc gia Trung Quốc muốn thực hiện thông qua Sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Đánh giá những kết quả bước đầu của Sáng kiến này từ góc độ lợi ích an ninh bên ngoài Trung Quốc; Những rủi ro an ninh quốc gia mà Trung Quốc gặp phải trong quá trình triển khai.
2. NGUYỄN THANH NHÃ
Phát triển đặc khu kinh tế: Kinh nghiệm của một số nước Châu Á
Tóm tắt: Những đặc khu kinh tế thành công một phần nhờ những đột phá chính sách, hệ thống ưu đãi có trọng tâm, trọng điểm, thế chế vượt trội, trao quyền tự chủ cao, thủ tục hành chính tinh gọn, môi trường đầu tư thông thoáng, cơ sở hạ tầng hiện đại, tập trung phát triển công nghệ cao... Trong khi đó, một số đặc khu kinh tế chưa thành công do tổ chức bộ máy cồng kềnh, ưu đãi dàn trải gây thất thu thuế, chính sách đất đai và chính sách xã hội liên quan thiếu đồng hộ, ảnh hưởng tiêu cực về xã hội - môi trường... Bài viết nghiên cứu kinh nghiệm thành công và thất bại của một số nước châu Á, từ đó rút ra một số gợi ý cho những quốc gia đi sau.
3. ĐẶNG NGUYÊN ANH
Thương mại và đầu tư toàn cầu dưới tác động của đại dịch Covid-19 và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam
Tóm tắt: Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đến nay, con đường tăng trưởng của kinh tế thế giới trở nên bấp bênh hơn. Năm 2020, kinh tế thế giới chứng kiến sự lao dốc bởi những tác động xuyên quốc gia của đại dịch COVID-19. Bài viết xem xét thực trạng thương mại và đầu tư quốc tế, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay. Đây là những lĩnh vực chịu tác động mạnh của đại dịch COVID-19, để lại hệ lụy nặng nề đối với nền kinh tế toàn cầu năm 2020 và các năm tiếp theo. Trong phần cuối bài, một số hàm ý cho Việt Nam được thảo luận nhằm đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch.
CHÍNH TRỊ - AN NINH QUỐC TẾ
4. NGUYỄN HỒNG QUÂN
“Vấn đề Đài Loan” trong quan hệ Mỹ-Trung
Tóm tắt: Đài Loan vốn không nằm trong phạm vi an ninh châu Á của Mỹ, nhưng từ khi bùng nổ chiến tranh Triều Tiên năm 1950, Mỹ thay đổi chỉnh sách đối với Đài Loan, coi đây là mắt xích quan trọng để duy trì quan hệ đồng minh với một số quốc gia Đông Bắc Á. Tuy không duy trì quan hệ ngoại giao chính thức, nhưng Mỹ tăng cường tối đa viện trợ quân sự cho Đài Loan và dùng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc. Gần đây, Trung Quốc coi Đài Loan là “lợi ích cốt lõi“ và mong muốn thu hồi Đài Loan, nhưng luôn sẵn sàng phương án thống nhất bằng vũ lực. Mỹ tiếp tục dùng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc.
5. NGUYỄN THANH MINH
Tội phạm xuyên quốc gia trên biển Đông trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI
Tóm tắt: Ở hầu hết các quốc gia giáp biển trên thế giới hiện nay, vấn đề an ninh trên biển gắn liền và là một bộ phận không tách rời với an ninh đảm bảo , trong bối cảnh các nước lớn liên tục tăng cường đầu tư chạy đua vũ trang, đặc biệt là hải quân thì các mối đe dọa từ biển luôn là vấn đề nóng và là một phần đáng quan tâm trong chính sách quốc phòng - an ninh của các quốc gia hiện nay. Trong những thập niên đầu thế kỷ XXI, biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng bậc nhất thế giới về địa kinh tế, địa chính trị và địa quân sự, có liên quan trực tiếp đến các hoạt động kinh tế biển của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực và thế giới. Do vậy, đàm bảo an ninh biển Đông được dư luận thế giới đặc biệt quan tâm. Biển Đông đem lại cho các nước nhiều cơ hội nhưng đồng thời không ít thách thức. Một trong những thách thức lớn đó là tình trạng tội phạm xuyên quốc gia trên biển đang ngày càng gia tăng dưới nhiều hình thức hoạt động phức tạp. Bài viết phân tích các loại hình tội phạm trên biển Đông thời gian gần đây, mức độ nghiêm trọng và xu hướng của các loại tội phạm này. Đồng thời, bài viết cũng để xuất những giải pháp nhằm ngăn chặn sự gia tăng tội phạm.
VIỆT NAM - CẢI CÁCH VÀ HỘI NHẬP
6. TRẦN VĂN HƯNG
Thực trạng và giải pháp cho vấn đề hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long nhìn từ góc độ hợp tác quốc tế
Tóm tắt: Mê Công là một trong những con sông xuyên biên giới quan trọng nhất ở châu Á. Sông Mê Công đang đối mặt với hai thách thức lớn đối với tài nguyên nước trong thế kỷ 21: biến đổi khí hậu tiềm năng và các hoạt động nhân tạo như xây dựng đập thuỷ điện, hồ chứa nhân tạo. Bài viết tìm hiểu tác động của biến đổi khí hậu và các hoạt động nhân tạo trên dòng sông nhằm làm rõ những nguyên nhân dẫn đến hạn hán và ngập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long. Với những nhóm nguyên nhân được chỉ ra, bài viết đề xuất một số giải pháp làm cơ sở để lập kế hoạch và quản lý tài nguyên của con sông nhằm ứng phó với vấn đề hạn mặn ngày càng gay gắt hiện nay. Hai giải pháp chính để hạn chế những thiệt hại là quản lý bền vững các hồ đập trên sông Mê Công và sự hợp tác chặt chẽ có trách nhiệm giữa các quốc gia trong lưu vực.
7. BIỆN THANH HUYỀN
Tín dụng phi chính thức và hoạt động tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam
Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu về việc sử dụng tín dụng phi chính thức và tác động của nó tới hoạt động tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015. Tín dụng phi chính thức bao gồm tín dụng mang tính xây dựng và tín dụng đen. Hoạt động tài chính được đo bằng chỉ số lợi nhuận trên tài sản. Kết quả hồi quy cho thấy xác suất của doanh nghiệp sử dụng tín dụng phi chính thức tăng lên khi hoạt động trong ngành có cạnh tranh, có kiểm toán bên ngoài, và doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng. Sử dụng tín dụng phi chính thức có tác động tích cực tới hoạt động tài chính của doanh nghiệp, tuy nhiên số lượng tín dụng phi chính thức có mối quan hệ hình u ngược với hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Lãi suất khoản vay này có tác động tiêu cực tới hoạt động tài chính trong khi thời hạn vay lại không có ảnh hưởng. Giữa hai loại hình tín dụng phi chính thức, tác động của tín dụng mang tính xây dựng đối với hoạt động tài chính rõ ràng hơn so với tín dụng đen. Kết quả này có hàm ý quan trọng cho các doanh nghiệp trong việc sử dụng tín dụng phi chính thức một cách hiệu quả.