Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, số 4 năm 2022

Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, số 4 năm 2022

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

KINH TẾ THẾ GIỚI - KHU VỰC

1. PHẠM THÁI QUỐC

Tác động của chiến lược “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” của Trung Quốc tới Nga và hàm ý cho Việt Nam

Tóm tắt: Quá trình kỹ thuật số hoá “Con đường tơ lụa” của Trung Quốc đã có tác động không nhỏ đến Nga. Sự trừng phạt của phương Tây đối với Nga và Trung Quốc trong những năm gần đây khiến hai nước này đang xích lại gần nhau hơn, đặc biệt về công nghệ. Hiện nay Nga đang hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn Trung Quốc như Huawei, ZTE... để phát triển các dự án công nghệ thông tin viễn thông của mình. Phát triển thương mại điện tử nhờ vào Con đường tơ lụa kỹ thuật số cũng sẽ kéo theo tăng đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở Nga như điện thoại, điện báo, mạng định, mạng 4G, 5G... Về tổng thể, con đường tơ lụa số đem tới cho Nga nhiều tác động tích cực, bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng và logistics, phát triển các “thành phố thông minh”, các công viên khoa học, cũng như tăng trao đổi và giới thiệu công nghệ thông tin và truyền thông, dẫn đến tăng trưởng kinh tế tổng thể. Nếu tham gia, Việt Nam sẽ có cơ hội thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực như kết nối chính sách, kết nối hạ tầng kỹ thuật số, kết nối kinh tế số.

 

2. NGUYỄN THỊ HẠ

Chính sách quản lý, phát triển công nghệ tài chính (FinTech) ở Trung Quốc và một số gợi mở cho Việt Nam

Tóm tắt: Công nghệ tài chính (fintech) đã và đang phát triển nhanh chóng và tác động đáng kể đến các sản phẩm tài chính truyền thống, các doanh nghiệp, dịch vụ, người tiêu dùng và cả cơ cấu tổ chức trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng trên toàn cầu. Trung Quốc hiện đang là nhà tiên phong trong lĩnh vực fintech trên thế giới, với hơn 60% người dân tiếp cận dịch vụ fintech, gấp đôi tỷ lệ tại Mỹ, và là thị trường lớn nhất thế giới về thanh toán kỹ thuật số và cho vay ngang hàng (P2P lending), chiếm gần 50% thị phần thanh toán toàn cầu. Nước này cũng thống lĩnh mảng cho vay trực tuyến khi chiếm tới 3/4 thị trường thế giới (PwC, 2020). Sự phát triển nhanh chóng của fintech ở Trung Quốc một phần không nhỏ là nhờ những chính sách thúc đẩy và tạo điều kiện phát triển của Chính phủ nước này. Bài viết tổng hợp và phân tích các chính sách quản lý, phát triển fintech chủ yếu ở Trung Quốc trong thập niên gần đây, tập trung vào những chính sách tổng thể có tính hiệu quả để quản lý và thúc đẩy ngành công nghiệp này nói chung. Từ đó, đưa ra một số gợi mở cho Việt Nam trong phát triển thị trường fintech còn non trẻ của mình.

 

3. PHAN TRỌNG PHỨC

Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc và phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Phi

Tóm tắt: Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) là một chiến lược phát triển ra bên ngoài của Trung Quốc, trong khi, nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng khu vực của châu Phi là rất lớn, xuất phát từ mong muốn hội nhập khu vực của lục địa này. Bài viết này dựa trên lý thuyết hợp tác quốc tế, lập luận rằng Trung Quốc và châu Phi có thể hợp tác trong khuôn khổ BRI cho dù có những mâu thuẫn về nguyện vọng kết nối cơ sở hạ tầng của mỗi bên. Tuy nhiên, hai bên có thể phối hợp các chính sách của mình vì cùng có lợi ích thông qua tăng cường kết nối và thương mại giữa châu Phi và Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy hội nhập khu vực châu Phi và thương mại nội châu Phi ngày càng sâu rộng. Điều này có thể đạt được thông qua các lựa chọn chiến lược từ việc lấy các chương trình khu vực của châu Phi làm cơ sở cho sự hợp tác trong BRI.

 

4. MAI NGỌC ANH

Vai trò của các chủ thể trong thúc đẩy gắn kết giữa giáo dục đại học với phát triển kinh tế: So sánh giữa Phần Lan và Hàn Quốc

Tóm tắt: Giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Phần Lan và Hàn Quốc. Tuy nhiên, vai trò của chính phủ, của cơ sở giáo dục đại học, người học, doanh nghiệp trong thúc đẩy gắn kết giữa giáo dục đại học và phát triển kinh tễ có nhiều điểm khác biệt, thậm chí mang tính đối lập ở hai quốc gia này. Kết quả nghiên cứu là bài học có giá trị đáng để Việt Nam tham khảo trong lựa chọn hướng đi phù hợp nhằm thúc đẩy gắn kết giữa giáo dục đại học với phát triển kinh tế trong giai đoạn tới.

 

CHÍNH TRỊ - AN NINH QUỐC TẾ

5. LỤC MINH TUẤN VÀ BÙI HẢI ĐĂNG

Việt Nam trong quan hệ với nhóm Bộ tứ từ năm 2020 đến nay

Tóm tắt: Tại Hội nghị các Bộ trưởng ngoại giao năm 2020 của Nhóm Đối thoại an ninh Bộ tứ, gồm: Ausralia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ, Việt Nam là một bên được mời tham gia một số hoạt động bên lề Hội Nghị, song Việt Nam chỉ hạn chế trong một số cuộc trao đổi trực tuyến không chính thức. Tuy nhiên vấn đề này cũng đặt ra mối quan tâm của giới quan sát trong khu vực. Bài viết phân tích: i) Những động thái của các thành viên Nhóm Bộ tứ trong và sau Hội nghị; ii) Làm rõ lập trường của Việt Nam trong mối All tương tác với nhóm đối thoại này.

 

VIỆT NAM - CẢI CÁCH VÀ HỘI NHẬP

6. NGUYỄN CẢNH HIỆP

Mở rộng tiếp cận tín dụng nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay

Tóm tắt: Bài viết khái quát chính sách tín dụng của Nhà nước đối với nông nghiệp và thực trạng triển khai của hệ thống ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp ở Việt Nam trong giai đoạn 2010-2020. Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân cơ bản của những hạn chế trong hoạt động cho vay của các ngân hàng để đầu tư vào nông nghiệp, bài viết đề xuất một số kiến nghị nhằm mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh nông nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành này trong thời gian tới.

 

7. PHAN TRẦN MINH HƯNG

Điều chỉnh cấu trúc kỳ hạn nợ của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Tóm tắt: Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định tốc độ điều chỉnh cấu trúc kỳ hạn nợ của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Khung phân tích này sử dụng phương pháp ước lượng DPF được phát triển gần đây với dữ liệu bảng động không cân bằng là các công ty niêm yết trên cả hai sở giao dịch là Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội từ năm 2006 đến 2020. Nghiên cứu này tìm thấy sự tồn tại của cấu trúc kỳ hạn nợ mục tiêu và tốc độ trung bình điều chỉnh cấu trúc kỳ hạn nợ thực tế hướng về cấu trúc kỳ hạn nợ mục tiêu của các công ty phù hợp với các bằng chứng thực nghiệm của nhiều nghiên cứu quốc tế. Sự tồn tại của cấu trúc kỳ hạn nợ mục tiêu trong điều kiện thực tiễn Việt Nam hỗ trợ cho lý thuyết đánh đổi. Từ khóa: Công ty niêm yết, điều chỉnh cấu trúc kỳ hạn nợ, phương pháp ước lượng DPF, mô hình động, thị trường chứng khoán Việt Nam.

 

 

 

74 lượt xem