Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, số 6 năm 2021

Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, số 6 năm 2021

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

KINH TẾ THẾ GIỚI - KHU VỰC

1. LÊ XUÂN SANG

Tác động của Đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế thế giới và hàm ý chính sách

Tóm tắt: Thế giới đã và đang phải gánh chịu tác động rất tiêu cực của Đại dịch Covid-19. Các nước đã có những phản ứng chính sách khác nhau nhằm phòng ngừa, ngăn chặn Đại dịch và giảm nhẹ tác động tiêu cực của nó. Tuy nhiên, các cách thức phòng chống, giảm nhẹ Đại dịch và kích thích tăng trưởng kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam, vẫn không có tinh khác biệt so với các cách thức thực hiện trong các cuộc khủng hoảng kinh tế “truyền thống” trước đây. Sự coi nhẹ những khác biệt cũng như bản chất của Đại dịch Covid-19 có thể làm giảm hiệu quả các gói kích thích kinh tế, nhất là khi chúng được thực hiện theo cách làm cũ. Nghiên cứu này đánh giá tác động của Đại dịch theo các chiều cạnh khác nhau, bao gồm cả tác động tiêu cực và tác động tích cực, tính đến các nhân tố tác động mới; đồng thời, đưa ra những gợi ý chính sách nói chung và cho Việt Nam nói riêng.

 

2. HOÀNG THỊ HỒNG MINH

Tác động của Đại dịch Covid-19 đến hệ thống tài chính toàn cầu

Tóm tắt: Từ đầu năm 2020 đến nay, Đại dịch Covid-19 diễn ra trên phạm vi toàn cầu đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cả về kinh tế và xã hội, tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cuộc sống của người dân, cũng như gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình giao thương và hoạt động tài chính ngân hàng trên toàn thế giới. Với những diễn biến khó lường của tình hình dịch bệnh, hệ thống tài chính toàn cầu đã ghi nhận một số tác động mạnh mẽ lên hiệu quả vận hành của các thị trường và định chế tài chính trong thời gian qua. Bám sát thực tiễn này, nghiên cứu về các tác động của Đại dịch Covid-19 đến hệ thống tài chính toàn cầu sẽ đem lại những gợi mở hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách trong quá trình dự báo, xây dựng và triển khai các giải pháp chính sách phù hợp nhằm duy trì tính ổn định của hệ thống tài chính quốc gia và ứng phó hiệu quả với những khó khăn mà Đại dịch Covid-19 gây ra.

 

3. PHẠM THỊ MỸ HẠNH

Kinh nghiệm thế giới trong phát triển mô hình cho vay ngang hàng

Tóm tắt: Cho vay ngang hàng là một kênh tín dụng trên thị trường tài chính hiện đại, nhờ vào sự tiến bộ của công nghệ tài chính. Bài viết tổng hợp kinh nghiệm phát triển mô hình cho vay ngang hàng tại ba quốc gia là Mỹ, Đức, Trung Quốc với trình độ phát triển, cách tiếp cận, và các công cụ quản lý hoàn toàn khác nhau trong việc xây dựng, điều tiết, giảm sát thị trường cho vay ngang hàng.

 

CHÍNH TRỊ - AN NINH QUỐC TẾ

4. TRƯƠNG QUANG HOÀN

Asean trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ

Tóm tắt: Khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thực sự gây chú ý khi Tổng thống mỹ vào thời điểm đỏ là Donald Trump phát biểu về “Tầm nhìn của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tại Đà Nẵng, Việt Nam tháng 11 năm 2017. Bài viết cho rằng, với vị thế địa chính trị và kinh tế của mình, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đóng vai trò đáng kể trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở của Mỹ và các quốc gia liên quan. Bài viết đánh giá chiến lược FOIP của Mỹ với những tác động tích cực cũng như thách thức cho ASEAN, đặc biệt liên quan đến tinh trung tâm của Hiệp hội trong các cấu trúc hợp tác khu vực.

 

VIỆT NAM - CẢI CÁCH VÀ HỘI NHẬP

5. NGUYỄN THU NHA TRANG

Tác động của quản trị tri thức khách hàng đến sự thích ứng tổ chức-phân tích đa nhóm với mô hình SEM

Tóm tắt: Bài viết tập trung nghiên cứu tác động của quản trị tri thức khách hàng đến sự thích ứng tổ chức của các doanh nghiệp đang hoạt động tại thành phố Cần Thơ. Số liệu của nghiên cứu được thu thập từ việc điều tra 331 nhân viên đang làm việc tại các doanh nghiệp với quy mô và lĩnh vực hoạt động khác nhau. Các phương pháp phân tích sử dụng trong nghiên cứu là thống kê mô tả, kiểm định Cronbach's Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA), phân tích nhân tố khẳng định (CFA), mô hình cấu trúc (SEM) và phân tích đa nhóm. Kết quả cho thấy quản trị tri thức khách hàng có ảnh hưởng tích cực đến thích ứng tổ chức. Trong đó, tri thức từ khách hàng có sự tác động mạnh nhất đến sự thích ứng tổ chức, khi so sánh với tri thức cho khách hàng và tri thức về khách hàng. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng doanh nghiệp vừa và lớn thực hiện quản trị tri thức khách hàng tốt hơn so với doanh nghiệp nhỏ.

 

6. NGUYỄN THƯỜNG LẠNG

Điều chỉnh cơ cấu xuất khẩu để cải thiện cán cân thương mại của Việt Nam

Tóm tắt: Nghiên cứu phân tích cơ cấu xuất khẩu và tác động đến cán cân thương mại. Quốc gia nghiên cứu là Việt Nam, Singapore và Nhật Bản, với số liệu cơ cấu xuất khẩu và cán cân thương mại giai đoạn 2004 - 2019. Tỷ trọng nhóm 10 sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam cho thấy cơ cấu xuất khẩu tác động đến cán cân thương mại cả tích cực và tiêu cực. Thực tế chỉ ra cơ cấu xuất khẩu trong đó sản phẩm có giá trị cao chiếm tỷ trọng lớn hơn sản phẩm giá trị thấp có thể làm cán cân thương mại thặng dư và ngược lại. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, một số khuyến nghị được đề xuất để Việt Nam điều chỉnh cơ cấu xuất khẩu thích hợp bảo đảm cán cân thương mại bền vững.

 

 

98 lượt xem