Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, số 6 năm 2022

Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, số 6 năm 2022

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

KINH TẾ THẾ GIỚI - KHU VỰC

1. PHẠM THÁI QUỐC

Chủ nghĩa tư bản hiện đại và cục diện thế giới giai đoạn 1950 - 2021

Tóm tắt: Bài viết phân tích chủ nghĩa tư bản hiện đại, xem đây như nhân tố chính làm biến đổi Cục diện thế giới trong 70 năm qua. CNTB hiện đại có những đóng góp vào sự phát triển của nhân loại, nhưng cũng là cội nguồn của không ít những vấn đề mà nhân loại phải đối mặt như chiến tranh, khủng bố. Biến đổi của chủ nghĩa tư bản hiện đại làm thay đổi tương quan lực lượng giữa các nước tư bản chủ nghĩa và các nước xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn trước năm 1991 cũng như dẫn đến thay đổi cục diện thế giới thông qua thay đổi tương quan lực lượng giữa các cường quốc. Cuối cùng, bài viết đưa ra một số hàm ý chính sách cho Việt Nam.

 

2. NGUYỄN THỊ BÌNH

Nghiên cứu bộ chỉ số đánh giá năng lực hệ thống logistics trên thế giới và hàm ý cho Việt Nam

Tóm tắt: Mục tiêu của bài viết là phân tích thực trạng bộ chỉ số đánh giá năng lực logistics của các quốc gia trên thế giới, từ đó đề xuất kiến nghị hoàn thiện bộ chỉ số đánh giá năng lực hoạt động hệ thống logistics hướng tới phát triển bền vững cho ngành dịch vụ logistics của Việt Nam. Trên cơ sở tổng quan các tài liệu liên quan chỉ số đo lường năng lực hoạt động logistics thế giới, nghiên cứu sử dụng phương pháp phân và phân loại dữ liệu theo mẫu nhập liệu đã được thiết kế dựa trên mô hình nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu được kỳ vọng sẽ cung cấp một số hiểu biết sâu sắc cho các nhà hoạch định chính sách trong đề xuất giải pháp nâng cao năng lực hoạt động logistics tại Việt Nam.

 

3. TRẦN THẾ TUÂN

Kinh nghiệm phát triển cơ sở hạ tầng logistics ở Cộng hòa Liên bang Đức và gợi ý cho Việt Nam

Tóm tắt: Cơ sở hạ tầng và phát triển cơ sở hạ tầng logistics được xem là một trong những vấn đề then chốt của mọi nền kinh tế, Cộng hòa Liên bang Đức là quốc gia có kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ, hiện đại và có tính kết nối nhất châu Âu và thế giới. Bài viết chỉ ra những ảnh hưởng chủ yếu của cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics đến vị thế và đời sống kinh tế, xã hội cùng các nhân tố chủ yếu tác động đến quá trình phát triển hạ tầng logistics của Đức cho đến nay. Trên cơ sở kinh nghiệm của Đức, bài viết đưa ra một số gợi ý chính sách giúp Việt Nam có thể định hướng, quy hoạch, xây dựng và phát triển tốt hơn một cơ sở hạ tầng logistics trong tương lai.

 

CHÍNH TRỊ - AN NINH QUỐC TẾ

4. NGUYỄN VĂN LỊCH VÀ PHẠM THỊ KIM DUNG

Những hoạt động của Bộ tứ trong năm 2021 và xu hướng sau xung đột quân sự Nga - Ukraina

Tóm tắt: Đối thoại Tứ giác An ninh (còn gọi là Bộ tứ) là một diễn đàn chiến lược không chính thức giữa Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia, để phối hợp giải quyết các vấn đề trọng yếu, cũng như duy trì trật tự an ninh của các nước thành viên và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; Thiết lập một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở và hòa nhập. Trước tình hình phức tạp của thế giới trong năm 2021, Bộ tứ đã có nhiều cam kết quan trọng, cũng như vạch ra kế hoạch rõ ràng cho tương lai.

 

VIỆT NAM - CẢI CÁCH VÀ HỘI NHẬP

5. BÙI HỒNG QUÝ, NGUYỄN VIẾT LÂM VÀ TRẦN HỮU CƯỜNG

Nghiên cứu lý thuyết về các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng mối quan hệ trong bán lẻ trực tuyến ở Việt Nam

Tóm tắt: Nội dung của nghiên cứu này là khám phá các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng mối quan hệ trong bán lẻ trực tuyến ở Việt Nam. Bài viết cung cấp nền tảng cho ở nghiên cứu trong tương lai bằng cách phát triển khung lý thuyết và mô hình dựa trên các tài liệu tổng quan. Việc nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng mối quan hệ sẽ là cơ sở giúp nhà bán lẻ trực tuyến hiểu và đưa ra các giải pháp để thiết lập và duy trì mối quan hệ với khách hàng, từ đó cải thiện được kết quả kinh doanh của họ.

 

6. PHAN TRẦN MINH HƯNG

Đòn bẩy tài chính và nắm giữ tiền mặt: Bằng chứng thực nghiệm từ các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Tóm tắt: Nghiên cứu này phân tích mối quan hệ giữa đòn bẩy tài chính và nắm giữ tiền mặt trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Nghiên cứu sử dụng mô hình động với phương pháp ước lượng mô-men tổng quát dạng hệ thống (SGMM) và dữ liệu là các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2007 đến năm 2019 để chỉ ra đòn bẩy tài chính có tác động nghịch chiều đến nắm giữ tiền mặt. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu này cũng phù hợp với các đại diện của đòn bẩy tài chính và nắm giữ tiền mặt, phương pháp ước lượng và mô hình thực nghiệm, đồng thời, hỗ trợ cho lập luận liên quan đến lý thuyết dòng tiền tự do và lý thuyết trật tự phân hạng.

 

7. NGUYỄN MẠNH DŨNG, TRẦN ĐỨC HIỆP VÀ TÔ THẾ NGUYÊN

Phân tích nghèo đa chiều bằng phương pháp tiếp cận sinh kế bền vững tại tỉnh Hà Giang

Tóm tắt: Nghiên cứu này sử dụng tiêu chí đánh giá nghèo đa chiều theo hướng tiếp cận sinh kế bền vững để đánh giá thực trạng nghèo đa chiều của các hộ nghèo và cận nghèo tại ba huyện - Đồng Văn, Hoàng Su Phì và Bắc Quang thuộc tỉnh Hà Giang. Két quá chỉ ra rằng các hộ gia đình thiếu hụt ở tất cả các nguồn vốn sinh kế, trong đó ba nguồn vốn thiếu hụt nhiều nhất là vốn tự nhiên, vốn xã hội và vốn tài chính. Từ kết quả phân tích, bài viết đề xuất một số biện pháp giảm nghèo bền vững, trong đó lấy gốc là tinh thân tự vươn lên thoát nghèo của hộ gia đình.

 

 

 

94 lượt xem