Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, số 8 năm 2022

Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, số 8 năm 2022

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

KINH TẾ THẾ GIỚI - KHU VỰC

1. HOÀNG THẾ ANH

Tác động của quan hệ kinh tế Trung Quốc - Nga đến kinh tế thế giới và Việt Nam

Tóm tắt: Bài viết đặt quan hệ thương mại, đầu tư, tiền tệ, năng lượng giữa Trung Quốc và Nga trong mối tương quan quan hệ kinh tế với thế giới cho thấy: Tác động quan hệ thương mại Trung Quốc - Nga đến thương mại thế giới là nhỏ; Mức độ ảnh hưởng của đồng nhân dân tệ, đồng rúp đối với thanh toán quốc tế là chưa lớn; Do mức đầu tư song phương quá ít, nên không thể có những tác động nhiều đối với dòng vốn đầu tư quốc tế; Tuy nhiên, tác động của xu hướng gia tăng hợp tác năng lượng giữa Trung Quốc và Nga đối với thế giới là lớn. Dựa trên cơ cấu thương mại Trung Quốc - Nga trong bối cảnh hai nước này gia tăng hợp tác, bài viết cho rằng, quan hệ kinh tế Trung Quốc - Nga có thể tác động đến một số lĩnh vực của Việt Nam, cụ thể: Việt Nam giảm xuất khẩu nhiên liệu khoáng sản sang thị trường Trung Quốc, trong khi đó sẽ gia tăng nhập khẩu năng lượng sơ cấp từ Nga, đa dạng hóa nguồn cung khi đốt cho Việt Nam; Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phải cạnh tranh với Trung Quốc tại thị trường Nga.

 

2. NGUYỄN VĂN ĐÁP VÀ PHẠM THỊ THU HUYỀN

Chiến lược của Liên minh Thái Bình Dương hướng tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Tóm tắt: Sự xuất hiện của Liên minh Thái Bình Dương vào năm 2011 đã đánh dấu một sự khác biệt lớn của tổ chức này so với các tổ chức khu vực khác đang có của các nước Mỹ La-tinh về định hướng và chiến lược hội nhập. Một trong những điều làm nên sự khác biệt cho Liên minh Thái Bình Dương là chiến lược hướng ngoại mạnh mẽ với một định hướng rõ ràng hưởng đến châu Á - Thái Bình Dương trong tầm nhìn và hành động của khối này. Bài viết làm sáng tỏ và đánh giá chiến lược hướng đến châu Á - Thái Bình Dương của các nước thành viên Liên minh Thái Bình Dương. Bài viết sẽ bao gồm ba nội dung về định hướng châu Á của liên minh này: Động cơ của các nước thành viên, triển khai và triển vọng.

 

3. PHAN ANH

Bảo vệ người tiêu dùng tài chính tại các quốc gia trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam

Tóm tắt: Bảo vệ người tiêu dùng tài chính nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống tài chính quốc gia. Bài viết làm rõ kinh nghiệm và thông lệ quốc tế về khung khổ pháp lý, việc tổ chức thực thi, giám sát bảo vệ người tiêu dùng tài chính tại một số quốc gia trên thế giới, từ đó, đề xuất một số khuyến nghị cho Việt Nam trong hoạt động bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Theo đó, bài viết gồm ba nội dung chính: i) Khái niệm và nguyên tắc trong hoạt động bảo vệ người tiêu dùng tài chính; ii) Thông lệ quốc tế và khung khổ pháp lý quy định việc bảo vệ người tiêu dùng tài chính; iii) Đề xuất khuyến nghị cho Việt Nam.

 

4. NGUYỄN VIỆT HÀ

Ảnh hưởng của truyền miệng điện tử đến hành vi sử dụng ngân hàng số của khách hàng và một số ứng dụng trong lĩnh vực ngân hàng

Tóm tắt: Cùng với sự phát triển của thiết bị điện tử thông minh, internet và mạng xã hội, thông tin truyền miệng điện tử (eWOM) trên các mạng xã hội đang ngày càng phổ biến. eWOM đang trở thành một trong những nguồn thông tin hữu ích nhất tác động đến hành vi của người tiêu dùng. Việc đẩy mạnh phát triển ngân hàng số như một kênh cung dịch vụ ngân hàng chủ yếu, do vậy eWOM có ảnh hưởng lớn đến hành vi sử dụng ngân hàng số của khách hàng. Dựa trên tổng hợp các nghiên cứu đã có, bài viết này tập trung vào: i) Làm rõ bản chất của eWOM và cơ chế khởi phát, lan truyền eWOM trên mạng xã hội; ii) Khám phá ảnh hưởng của eWOM đến hành vi chấp nhận sử dụng ngân hàng số của các khách hàng và iii) Đề xuất một số giải pháp sử dụng eWOM hiệu quả hơn trong các chiến dịch truyền thông thuyết phục khách hàng sử dụng ngân hàng số cho các ngân hàng thương mại Việt Nam.

 

CHÍNH TRỊ - AN NINH QUỐC TẾ

5. NGUYỄN HỒNG QUÂN

Tác động của xung đột vũ trang Nga - Ukraine

Tóm tắt: Cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine bùng phát từ ngày 24/02/2022, đến cuối tháng 7/2022 đã vượt qua năm tháng. Tuy là xung đột trực tiếp giữa Nga và Ukraine, nhưng Mỹ và NATO tích cực hỗ trợ Ukraine vũ khí sát thương nhằm làm Nga suy yếu lâu dài. Trong cuộc chiến này, một số chiến thuật mới, vũ khí mới đã được sử dụng và thử nghiệm, gây ra những tác động cho hai nước và khu vực, cũng như để lại những bài học kinh nghiệm về quân sự, quốc phòng cũng như các lĩnh vực có liên quan khác.

 

VIỆT NAM - CẢI CÁCH VÀ HỘI NHẬP

6. NGUYỄN TIẾN HOÀNG, TRẦN THANH TÂM, PHẠM THỊ ANH THƯ

Các nhân tố tác động đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường các nước thành viên Hiệp định CPTPP

Tóm tắt: Nghiên cứu này được thực hiện nhằm nhận diện và đo lường mức độ tác động của các nhân tố đến xuất khẩu mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang thị trường các nước thành viên của Hiệp định Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bằng cách sử dụng mô hình trọng lực với dữ liệu bảng của 11 quốc gia trong giai đoạn 2011 - 2020, so sánh và lựa chọn các phương pháp Pooled OLS, REM, FEM, FGLS để hồi quy và ước lượng mô hình. Kết quả hồi quy cho thấy GDP của nước nhập khẩu, dân số của Việt Nam, tỷ giá hối đoái thực và việc tham gia các FTA có tác động tích cực đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP, trong đó, quy mô dân số có tác động mạnh nhất trong khi tỷ giá hối đoái thực cũng có tác động nhưng không đáng kể. Ngược lại, khoảng cách địa lý là nhân tố gây cản trở, tác động ngược chiều với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Từ đó, tác giả đưa ra các hàm ý nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP trong thời gian tới.

 

7. LÊ HỒNG QUANG

Quan hệ thương mại Việt Nam - Brazil: Đánh giá từ chỉ số bổ sung thương mại

Tóm tắt: Nghiên cứu này đánh giá thực trạng quan hệ thương mại hàng hóa song phương giữa Việt Nam và Brazil trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Brazil tiến triển, là các đối tác thương mại tiềm năng, có dung lượng thị trường lớn. Bằng việc tính toán và phân tích định lượng thông qua chỉ số bổ sung thương mại giữa Việt Nam với Brazil, cũng như một số đối tác so sánh được lựa chọn, nghiên cứu này làm rõ hơn những tiềm hiện năng, xu hướng chủ đạo của phát triển thương mại giữa hai nước làm cơ sở để đưa ra khuyến nghị chính sách hữu ích và có tính khả thi.

 

 

103 lượt xem