- Sách
- Chính trị (99)
- Xã hội học (22)
- Môi trường (5)
- Quan hệ Ngoại giao (75)
- Văn hóa (10)
- Nông nghiệp (1)
- Kinh tế (74)
- Quản lý Thông tin (1)
- Luật (6)
- Du lịch (2)
- Tôn giáo (5)
- Ngôn ngữ (1)
- Giáo dục (2)
- Sức khỏe (2)
- Lịch sử (5)
- Triết học (1)
- Cách mạng Công nghiệp 4.0 (2)
- Phát triển bền vững (2)
- Khoa học Công nghệ (3)
- Tạp chí
- Những vấn đề kinh tế & chính trị thế giới (28)
- Châu Mỹ ngày nay (27)
- Nghiên cứu Châu Âu (25)
- Nghiên cứu Ấn Độ & Châu Á (26)
- Nghiên cứu Trung Quốc (25)
- Nghiên cứu Đông Nam Á (30)
- Nghiên cứu Đông Bắc Á (28)
- Nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông (24)
- Tài liệu
Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, số 1 năm 2022
Tác giả:
Thông tin NXB:
Số trang : 0
Loại sách: Tạp chí
50 NĂM QUAN HỆ NGOẠI GIAO VIỆT NAM - ẤN ĐỘ
1. NGUYỄN CẢNH HUỆ
Quan hệ chính trị - ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ sau Chiến tranh Lạnh
Tóm tắt: Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ có truyền thống hữu nghị lâu đời, ngày càng tốt đẹp và đặc biệt phát triển nhanh chóng kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Vậy, biểu hiện của mối quan hệ này ra sao? Những yếu tố (chủ quan và khách quan) nào đã tác động đến mối quan hệ chính trị - ngoại giao giữa hai nước và những kinh nghiệm nào được rút ra? Đó là những câu hỏi mà bài viết cố gắng tập trung làm rõ. Bài viết cũng là một hành động thiết thực góp vào việc kỷ niệm lần thứ 50, ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ (1972-2022).
2. PHAN CAO NHẬT ANH
Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Phát triển và kỳ vọng
Tóm tắt: Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ chính thức được thiết lập từ năm 1972 và liên tục phát triển trên tinh thần hữu nghị. Dưới thời Thủ tướng Modi, quan hệ hai nước được nâng cấp thành Đối tác Chiến lược Toàn diện và hiện đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử. Hai nước có nhiều động lực mới để phát triển quan hệ ngoại giao vững chắc hơn trong tương lai và được kỳ vọng sẽ đóng góp cho hòa bình trong khu vực cũng như trên thế giới, duy trì ổn định và thịnh vượng vì lợi ích của cả hai dân tộc.
3. PHÙNG THỊ THẢO
Quan hệ đối ngoại của Ấn Độ với Việt Nam dưới thời Thù tướng Indira Gandhi (1966-1984)
Tóm tắt: Indira Gandhi là nữ thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ. Trong suốt thời gian nắm quyền lãnh đạo Ấn Độ, Indira Gandhi đã thực thi những chính sách được đánh giá là có sự bién chuyển so với những chính quyền giai đoạn trước. Điều này được thể hiện trong mối quan hệ với Việt Nam. Bài viết sẽ thực hiện đồng thời ba nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể: (i) phân tích những thay đổi trong quan hệ đối ngoại của Ấn Độ với Việt Nam giai đoạn 1966-1977 so với giai đoạn 1947-1965; (ii) làm nổi bật những thay đổi trong quan hệ đối ngoại của Ấn Độ với Việt Nam trong giai đoạn 1980-1984 so với giai đoạn 1977-1979; cuối cùng, (iii) đưa ra những nhân tố lý giải nội dung, đặc điểm của mối quan hệ đối ngoại Ấn Độ - Việt Nam trong các giai đoạn kể trên. Qua đó, góp phần đánh giá một cách đầy đủ hơn về vai trò của Indira Gandhi trong mối quan hệ đối ngoại với Việt Nam cũng như bản chất của mối quan hệ đối ngoại Ấn Độ - Việt Nam trong giai đoạn này.
4. NGUYỄN ĐẮC TÙNG
Hợp tác an ninh - quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ (1972 - 2021)
Tóm tắt: Quan hệ Việt Nam và Ấn Độ là mối quan hệ truyền thống và hữu nghị do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng J. Nehru tạo dựng, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp ngày càng phát triển. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 7/1/1972, quan hệ hai nước hiện đang phát triển toàn diện trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, đặc biệt là hợp tác về quốc phòng. Hiện nay, do tác động của bối cảnh thế giới và khu vực cùng nhu cầu bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, quan hệ hợp tác an ninh - quốc phòng được xem là trụ cột và là lĩnh vực hợp tác quan trọng, hiệu quả nhất giữa Việt Nam và Ấn Độ. Bài viết phân tích thực trạng hợp tác an ninh - quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1972) đến nay (2021).
5. VÕ XUÂN VINH
Việt Nam trong Chính sách Hướng Đông/ Hành động phía Đông của Ấn Độ
Tóm tắt: Phải đối mặt với những khó khăn từ môi trường quốc tế, khu vực và trong nước sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, song song với cải cách toàn diện nền kinh tế, Ấn Độ đã triển khai Chính sách Hướng Đông, hướng đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương để đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ bất ổn an ninh - chính trị, rối loạn xã hội và sụp đổ kinh tế. Sau hơn 20 năm triển khai, Chính sách Hướng Đông đã góp phần nâng tầm thế và lực của Ấn Độ. Quốc gia rộng lớn nhất Nam Á thấy phải đảm nhiệm vai trò quốc tế và khu vực lớn hơn. Tháng 11/2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã công bố nâng cấp Chính sách Hướng Đông lên Chính sách Hành động phía Đông. Là đối tác truyền thống và là nhân tố khu vực đang lên ở châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chính sách của Ấn Độ đối với khu vực. Trên cơ sở làm rõ nội hàm của Chính sách Hướng Đông/Hành động phía Đông, bài viết sẽ phân tích vai trò của Việt Nam trong chính sách này ở các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, an ninh - quốc phòng, thương mại hàng hóa và đầu tư.
75 NĂM ĐỘC LẬP ẤN ĐỘ
6. VĂN NGỌC THÀNH
Cuộc đấu tranh đòi quyền tự trị của Đảng Quốc Đại Ấn Độ (1916 - 1920)
Tóm tắt: Trong những năm 1916-1920, cuộc đấu tranh đòi quyền tự trị của Đảng Quốc Đại có một vị trí đặc biệt đối với phong trào dân tộc Ấn Độ cận hiện đại. Cuộc đấu tranh này là kết quả, đồng thời cũng là biểu hiện của sự phát triển ý thức dân tộc và của những tác động do Đế quốc Anh tạo ra, mang nhiều nội dung mới, có ý nghĩa quan trọng, căn cốt đối với tiến trình người Ấn Độ đi đến tự do. Trong khuôn khổ bài viết này, với những tư liệu có được, chúng tôi bước đầu phác dựng lại diễn trình trên theo những vấn đề chủ yếu: Tác động của Chiến tranh Thế giới thứ Nhất đến cuộc đấu tranh đòi quyền tự trị của Đảng Quốc Đại Ấn Độ; Đảng Quốc Đại tiến hành xiết chặt đội ngũ, đoàn kết các lực lượng chính trị theo thỏa thuận ở Hội nghị Lucknow năm 1916 để tiến hành cuộc đấu tranh; Cũng chính trong quá trình triển khai cuộc đấu tranh đòi quyền tự trị này, Đảng bắt đầu có những biến đổi lớn, tiêu biểu nhất là Tiếp nhận đường lối đấu tranh của Mahatma Gandhi. Tất cả những vấn đề trên đều đòi hỏi được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nữa và đó cũng là những chủ đề mà chúng tôi muốn tiếp tục tìm hiểu ở những bài viết tiếp theo.
7. LÊ THỊ HẰNG NGA
TS. B.R. Ambedkar: Người xây dựng Ấn Độ hiện đại
Tóm tắt: Từ thời cổ đại đến nay, đất nước Ấn Độ đã sinh ra một danh sách dài vô tận những nhân vật nam, nữ hiền triết, thánh nhân. Trong lịch sử Ấn Độ hiện đại, TS. B R Ambedkar (1891 - 1956) được xem là một trong những con người vĩ đại và có ảnh hưởng lớn. Ông được gọi là Babasaheb, có nghĩa là “Người cha Đáng kính” trong tiếng Marathi, ngôn ngữ mẹ đẻ của quê hương nơi ông sinh ra. Bài viết sau đây tìm hiểu di sản của TS. B.R. Ambedkar và đánh giá những đóng góp của ông trong vai trò của “Người xây dựng” quốc gia Ấn Độ hiện đại. Bài viết khái quát về tuổi thơ của TS. Ambedkar khi ông sinh ra là một đứa trẻ trong một gia đình thuộc tầng lớp “không thể đụng chạm ” - đẳng cấp “tiện dân”; sau đó, phân tích di sản của TS. B.R. Ambedkar trên cương vị người xây dựng quốc gia ở những khía cạnh: “Kiến trúc sư trưởng” của Hiến pháp Ấn Độ; Anh hùng của tầng lớp “không thể đụng chạm” và “Người chấn hưng” (Revivalist) Phật giáo Ấn Độ; cuối cùng, bài viết đánh giá một số ảnh hưởng của TS. Ambedkar trong lịch sử Ấn Độ hiện đại.
8. LÊ THỊ SINH HIỀN
Jemsetji Nusserwanji Tata và nền công nghiệp hiện đại Ấn Độ
Tóm tắt: Bài viết phân tích và đánh giá những đóng góp của Jamsetji Nusserwanji Tata đối với nền công nghiệp hiện đại của Ấn Độ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mặc dù không phải là người tiên phong trong lĩnh vực công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhưng Jamsetji đã góp phần xây dựng một nền công nghiệp hiện đại ở Ấn Độ vào thời kỳ Ấn Độ chính thức trở thành một nước thuộc địa của Anh quốc. Jamsetji đã có công giúp ngành công nghiệp sợi dệt phát triển ở Mumbai, sản suất điện để dùng và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và có thể cạnh tranh với sản phẩm của Anh. Jamsetji đã xây dựng nhà máy thép, giúp ngành công nghiệp nặng Ấn Độ phát triển và tạo tiền đề cho các ngành công nghiệp khác ra đời. Jamsetji có tầm nhìn xa và chiến lược khi lên kế hoạch xây dựng một viện đại học đẳng cấp quốc tế đào tạo và nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, góp phần phát triển kinh tế vững mạnh, tiến tới độc lập và tự lực, tự cường, đưa Ấn Độ thoát khỏi nước nông nghiệp lạc hậu, trở thành một nước công nghiệp hiện đại của thế giới.
9. ĐẶNG THÁI BÌNH
Chính sách phát triển công nghiệp ô tô của Ấn Độ từ 1947 đến nay
Tóm tắt: Xác định là ngành công nghiệp “trụ cột” của quốc gia, Ấn Độ đã đưa ra nhiều chính sách nhằm tập trung phát triển ngành công nghiệp ô tô. Tiêu biểu là chính sách về đổi mới sáng tạo, chính sách về phát triển công nghiệp phụ trợ, chính sách về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chính sách thúc đẩy xuất khẩu và nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ khác. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhờ việc ban hành các chính sách như vậy nên ngành công nghiệp ô tô ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của Ấn Độ và có vị thế ngày càng cao so với thế giới. Cụ thể, năm 2019, Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu xe thương mại lớn thứ 7; và năm 2020, thị trường ô tô Ấn Độ đã đứng thứ 4 trên thế giới.
10. ĐẶNG THU THỦY
Sự phát triển của hệ thống ngân hàng tại Ấn Độ từ sau Độc lập đến nay
Tóm tắt: Ngành ngân hàng được xem là huyết mạch và trụ cột tài chính quan trọng trong hoạt động kinh tế của mỗi quốc gia (John L. Douglas, 2008). Ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong huy động nguồn vốn và giải ngân tín dụng đối với các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Sự phát triển của ngành ngân hàng phản ánh sức khỏe của quốc gia. Sức mạnh của nền kinh tế phụ thuộc vào hiệu quả của hệ thống tài chính. Vì vậy, ngân hàng vừa là nguồn lực, vừa là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bài viết phác họa bức tranh tổng thể quá trình xây dựng, cải cách và phát triển toàn hệ thống ngân hàng của Ấn Độ từ sau Độc lập đến nay.