Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, số 12 năm 2021

Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, số 12 năm 2021

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

1. HUỲNH THANH LOAN

Khu vực Đông Bắc Ấn Độ trong chính sách đối ngoại của Thủ tướng Narendra Modi

Tóm tắt: Đông Bắc Ấn Độ là một khu vực có đường biên giới dài với các nước láng giềng quan trọng như Trung Quốc, Nepal, Bhutan,... và Đông Nam Á. Do đó, khu vực này có vai trò quan trọng về thương mại, đầu tư và kết nối giữa các bang Ấn Độ và các nước láng giềng quan trọng, cũng như khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, kể từ khi độc lập, Chính phủ Ấn Độ không đánh giá đúng vai trò của khu vực này. Bài viết hướng đến phân tích tầm quan trọng và vai trò của khu vực Đông Bắc Ấn trong chính sách đối ngoại của Thủ tướng Modi, đã giúp phát triển khu vực Đông Bắc cũng như tăng cường quan hệ kinh tế, văn hóa - xã hội, kết nối giữa Ấn Độ với các quốc gia láng giềng và Đông Nam Á.

 

2. ĐẶNG THÁI BÌNH

Sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô: Nghiên cứu trường hợp Ấn Độ

Tóm tắt: Ngành công nghiệp ô tô là một trong những ngành công nghiệp quan trọng có vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ và là ngành có mức độ tham gia cao vào chuỗi giá trị toàn cầu. Năm 2019, Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu xe thương mại lớn thứ 7; năm 2020, thị trường ô tô Ấn Độ đứng thứ 4 trên thế giới. Để đạt được những thành tựu như ngày nay, ngành công nghiệp ô tô của Ấn Độ đã trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau. Bài viết nhằm đánh giá sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Ấn Độ qua các giai đoạn phát triển cũng như sự phát triển của thị trường ô tô Ấn Độ hiện nay.

 

3. NGUYỄN THỊ LAN ANH

Giải pháp ứng phó trước tác động của đại dịch COVID-19 đến doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa ở Ấn Độ: Kinh nghiệm cho Việt Nam

Tóm tắt: Khó khăn về kinh tế là điều không thể tránh khỏi với bất cứ quốc gia nào chịu tác động của đại dịch COVID- 19. Ấn Độ và Việt Nam là hai nước đang phát triển, có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng. Số lượng các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế. Việc đưa ra những giải pháp đúng đắn, kịp thời, đúng lúc của Chính phủ trong thời điểm dịch kéo dài được coi như liều thuốc “cứu sống” các doanh nghiệp này. Chính phủ Ấn Độ và Việt Nam đều đã thực hiện nhiều chính sách về thuế, lãi suất, thuê đất, gói hỗ trợ... Tuy nhiên, những chính sách đó đã thực sự có tác dụng và bao phủ được toàn bộ các đối tượng mà nó hướng tới hay chưa cũng là những bài học kinh nghiệm để Ấn Độ và Việt Nam cùng nghiên cứu, hoàn thiện trong bối cảnh dịch bệnh chưa có dấu hiệu chấm dứt.

 

4. ĐẶNG THU THỦY

Khung pháp lý về quản lý hoạt động của tổ chức tài chính phi ngân hàng tại Ấn Độ

Tóm tắt: Chính phủ Ấn Độ đã hoàn thiện khung pháp lý nhằm quản lý hiệu quả hoạt động tổ chức tài chính phi ngân hàng (NBFC), giám sát chặt chẽ liên thông giữa các ngân hàng và hệ thống tổ chức này nhằm sớm đưa ra những báo động, cảnh báo rủi ro để hạn chế những tác động, thậm chí là hệ lụy khôn lường. Bài viết đưa ra những khái niệm cơ bản về hoạt động của NBFC cũng như đánh giá sự phát triển cùng các quy định chính sách đối với hoạt động của hệ thống mới trong nền kinh tế Ấn Độ

 

5. NGUYỄN TRUNG ĐỨC

Quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh mới

Tóm tắt: Hiện nay, đại dịch COVID-19 đã và đang lây lan trên toàn cầu, gây nhiều tác động tiêu cực chưa từng có tiền lệ trên nền kinh tế thế giới. Cùng với đó, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng đã tác động thay đổi quan hệ thương mại và đầu tư quốc. Bài viết phân tích bối cảnh, thực trạng quan hệ thương mại đầu tư Việt Nam - Ấn Độ và đưa ra một số cơ hội hợp tác trong những năm tới.

 

6. NGUYỄN THU TRANG

Hợp tác du lịch Việt Nam - Ấn Độ: Thực trạng và giải pháp

Tóm tắt: Trước giai đoạn đại dịch COVID-19, nhu cầu du lịch lữ hành trên toàn cầu bùng nổ, đặc biệt khi tầng lớp trung lưu của Ấn Độ lớn mạnh, tạo ra những cơ hội cho phát triển du lịch ở Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Bài viết làm rõ việc quảng bá hình ảnh cũng như thế mạnh về du lịch giữa hai nước đồng thời đưa ra giải pháp thiết thực nhằm xúc tiến hợp tác du lịch Việt Nam - Ấn Độ

 

7. NGUYỄN HOÀNG HUẾ

Việt Nam tham gia hợp tác trong Hành lang kinh tế Đông - Tây (1998-2015) và tác động đến quan hệ kinh tế Việt Nam - Ấn Độ

Tóm tắt: Trong tiến trình hợp tác kinh tế trong Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) (1998-2015), Việt Nam đã có những đóng góp tích cực và đạt được một số kết quả rất đáng ghi nhận, góp phần thúc đẩy sự phát triển của EWEC, đồng thời thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam - Ấn Độ trong những năm đầu thế kỷ XXI. Bài viết làm rõ vị trí, vai trò và kết quả hợp tác của các địa phương Việt Nam thuộc EWEC

 

8. BÙI GIA KHÁNH

Quá trình tiếp thu kỹ thuật đóng tàu chiến từ phương Tây dưới Triều Nguyễn

Tóm tắt: Kỹ thuật đóng tàu chiến theo kiểu phương Tây vốn được tiếp thu khá sớm ở Việt Nam, nhất là trong bối cảnh chiến tranh cuối thế kỷ XVIII. Người đã tạo dựng nền tảng kỹ thuật cho quá trình học tập kỹ thuật mới này chính là vị vua mở đầu vương triều Nguyễn - Gia Long. Bài viết tìm hiểu quá trình tiếp thu kỹ thuật đóng tàu chiến phương Tây dưới triều Nguyễn.

 

9. ĐỖ THỊ MINH THẢO

Hội nhập văn hóa về biểu tượng Phật giáo ở Đồng bằng Bắc Bộ

Tóm tắt: Bài viết hướng đến mục tiêu làm sáng tỏ các vấn đề từ sáu đặc trưng chính của hội nhập văn hóa về biểu tượng Phật giáo ở Đồng bằng Bắc bộ như: Tiến trình hội nhập văn hóa về biểu tượng Phật giáo đã diễn ra như thế nào ở Đồng bằng Bắc bộ? Đặc trưng của sự hội nhập này là dung hợp hay hỗn dung? Đặc trưng của sự hội nhập biểu tượng tam giáo có phải nằm ở sự hòa hợp về thế giới quan và nhân sinh quan?...

 

10. NGUYỄN THỊ THÙY LINH

Một số khía cạnh về an toàn xã hội ở cộng đồng nông thôn Việt Nam hiện nay

Tóm tắt: Bài viết phân tích một số khía cạnh về an toàn xã hội ở cộng đồng nông thôn, chỉ ra đóng góp bước đầu và khoảng trống cần nghiên cứu, làm rõ để hướng đến đề xuất giải pháp khoa học, nhằm giảm thiểu các vấn nạn gây mất an toàn xã hội ở cộng đồng nông thôn hiện nay trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

 

44 lượt xem