Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, số 2 năm 2021

Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, số 2 năm 2021

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

ẤN ĐỘ

1. NGUYỄN TUẤN BÌNH, TRẦN XUÂN HIỆP

Quan hệ chính trị, an ninh Ấn Độ - Myanmar: Nhìn từ tác động của chính sách đối ngoại dưới thời Thủ tướng Narendra Modi

Tóm tắt: Từ khi lên nhậm chức Thủ tướng Ấn Độ (năm 2014) đến nay, Narendra Damodardas Modi đã có nhiều chính sách, sáng kiến làm thay đổi đất nước, ghi dấu ấn cá nhân đậm nét thông qua các chính sách đối nội và đối ngoại. Với chiến lược “Hành động phía Đông” và chính sách “Láng giềng trước tiên”, các nước láng giềng Nam Á và đặc biệt là Myanmar đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Thủ tướng Ấn Độ N. Modi. Mối quan hệ của Ấn Độ với Myanmar đã được định hình từ trước do có chung nền văn hóa, lịch sử và gần gũi về địa lý. Dưới thời Thủ tướng Modi, quan hệ Ấn Độ - Myanmar có thêm chất xúc tác để phát triển toàn diện và mạnh mẽ hơn so với thời kỳ trước.

 

2. LÊ ĐỨC HẠNH

Yếu tố Ấn giáo trong các tôn giáo trên đất Phù Nam xưa

Tóm tắt: Trên vùng đất cổ Phù Nam với sự phát triển rực rỡ của văn hóa Óc Eo đã tồn tại 5 trung tâm tôn giáo. Các trung tâm tôn giáo này được hình thành từ sự kết hợp của Hindu giáo, Phật giáo với tín ngưỡng bản địa. Các phát hiện khảo cổ học, các tư liệu lịch sử cho thấy, Hindu giáo và Phật giáo - những tôn giáo nguồn gốc Ấn Độ, có vai trò quan trọng trong đời sống cư dân Phù Nam.

 

3. TRẦN THỊ QUẾ CHÂU, NGUYỄN THỊ TY

Tiếp biến văn hóa Ấn Độ của Philippines thời kỳ tiền thuộc địa Tây Ban Nha

Tóm tắt: “Ấn Độ hóa” là thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến để nói đến ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đối với khu vực Đông Nam Á. Tuy vậy, trong hầu hết các công trình liên quan đến chủ đề này, dữ liệu về Philippines lại hết sức mờ nhạt. Điều này có thể lý giải bởi nhiều nguyên nhân nhưng quan trọng nhất là do hệ quả của chính sách cô lập Philippines trong suốt 4 thế kỷ cai trị của Tây Ban Nha và Mỹ, cũng như sự ít ỏi của những bằng chứng về sự thâm nhập của văn hóa Ấn Độ dưới dạng một số yếu tố thường thấy ở các quốc gia Đông Nam Á khác. Qua bài viết này, tác giả muốn đề xuất rằng, mặc dù cách xa Ấn Độ, nhưng thực tế Philippines không phải hoàn toàn tách biệt với thương mại và văn hóa khu vực. Thông qua các thương cảng ở miền Nam, Philippines đã tiếp thu và biến đổi các yếu tố văn hóa Ấn Độ trên cơ sở văn hóa bản địa trước khi chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn minh phương Tây.

 

CHÂU Á

4. LÊ THỊ THÚY HIỀN

Tranh chấp biên giới, lãnh thổ giữa các nước ASEAN và một số khuyến nghị đối với Việt Nam

Tóm tắt: Tranh chấp, bất đồng về biên giới, lãnh thổ giữa các nước ASEAN, trong đó có một số tranh chấp phức tạp, kéo dài không chỉ thách thức trực tiếp đến sự đoàn kết, thống nhất của ASEAN mà còn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa môi trường an ninh tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Bài viết khảo sát, đánh giá tình hình tranh chấp song phương và đa phương về biên giới, lãnh thổ trên bộ và trên biển giữa các nước ASEAN; phân tích nguyên nhân và các biện pháp đã được các bên liên quan sử dụng để giải quyết vấn đề, đồng thời dự báo về xu hướng và khả năng giải quyết tranh chấp, bất đồng về biên giới, lãnh thổ trong nội bộ ASEAN thời gian tới. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra một số khuyến nghị góp phần giúp Việt Nam có thể phát huy hiệu quả vai trò một thành viên ASEAN tích cực, chủ động tham gia bảo vệ hòa bình, ổn định tại khu vực cũng như bảo đảm lợi ích chính đáng của mình liên quan đến các tranh chấp, bất đồng về biên giới, lãnh thổ với các nước láng giềng.

 

5. NGUYỄN VIỆT DŨNG

Phát triển các khu kinh tế ở châu Á và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Tóm tắt: Trước làn sóng toàn cầu hóa, khu vực hóa và xu hướng liên kết, hội nhập, các khu kinh tế (KKT) đã phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia. Châu Á được xem là khu vực năng động, với nhiều KKT được hình thành. Việc phát triển các KKT là bước đi quan trọng để giúp các nước đẩy mạnh tự do hóa kinh tế, hội nhập vào nền kinh tế thế giới và khu vực. Trong bài viết, tác giả phân tích thực trạng phát triển 3 KKT điển hình ở châu Á là: Đặc khu kinh tế Thâm Quyến, Trung Quốc; Khu kinh tế tự do Incheon, Hàn Quốc; và Đặc khu kinh tế Iskandar, Malaysia. Từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm cho phát triển KKT ở Việt Nam trong thời gian tới.

 

6. HOÀNG CẨM THANH

Nền tảng hợp tác quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ

Tóm tắt: Kể từ khi kết thúc chiến tranh đến nay, quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ đã trải qua nhiều thay đổi và chuyển hóa từ quan hệ thù địch sang đối tác. Nhận định về tính chất và mức độ quan hệ song phương hai nước thì quan hệ quốc phòng luôn là dấu chỉ quan trọng. Bài viết phân tích nền tảng cho việc hợp tác song phương quốc phòng kể từ những năm đầu tiên của giai đoạn bình thường hóa đến năm 2000. Qua đó có thể thấy tính chất quan hệ quốc phòng hai nước xuyên suốt từ thời kỳ đầu là: hợp tác trên những lĩnh vực nhân đạo và an ninh phi truyền thống; hai bên đều giữ mối quan hệ ở mức độ vừa phải, tránh gây sự chú ý của các nước xung quanh vì có thể gây hiểu lầm về ý định mỗi bên.

 

VIỆT NAM

7. LÊ THỊ HỒNG GÁI

Nhận diện vai trò của vốn xã hội trong chuyển đổi nghề của lao động vùng ven đô thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk

Tóm tắt: Chuyển đổi nghề là hoạt động thường xuyên mà người lao động luôn hướng tới để có công việc phù hợp, đáp ứng điều kiện sống của cá nhân và gia đình. Trong quá trình tìm kiếm việc làm để thay đổi nghề nghiệp, người lao động cần sự hỗ trợ của vốn xã hội; đó là sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè và các mạng lưới xã hội khác. Dựa trên kết quả nghiên cứu định lượng 100 người lao động đã chuyển đổi nghề và 10 trường hợp phỏng vấn sâu tại vùng ven đô thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, bài viết tập trung làm rõ vai trò của vốn xã hội trong chuyển đổi nghề qua ba khía cạnh: cung cấp thông tin, giới thiệu việc làm; huy động nguồn lực trong tư vấn, hỗ trợ đào tạo nghề, chia sẻ kinh nghiệm.

 

8. PHẠM VĂN QUỐC, PHẠM LÊ HÙNG

Phát triển nhân lực ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Tóm tắt: Phát triển nhân lực ngành công nghiệp là mục tiêu lớn của quốc gia trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang bùng nổ như hiện nay. Quá trình nghiên cứu, chúng tôi thấy: Đồng Nai là địa phương có ngành công nghiệp phát triển mạnh trong khu vực; nhu cầu lao động phục vụ ngành công nghiệp lớn so với nhân lực cơ hữu của địa phương. Những năm qua, tỉnh có nhiều đột phá trong phát triển nhân lực. Tuy nhiên, vấn đề phát triển nhân lực ngành công nghiệp còn những bất cập nhất định, cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Bài viết phân tích thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển nhân lực ngành công nghiệp Đồng Nai trong những năm tới.

 

9. NGUYỄN TUẤN ĐẠT

Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

Tóm tắt: Tính đến hết ngày 31/12/2018, doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) Việt Nam chiếm khoảng 97,2% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Điều này khẳng định DNVVN đang là trụ cột chính trong nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, các DNVVN hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề làm ảnh hưởng đến hiệu quả, sức cạnh tranh như: vẫn đang sử dụng các công nghệ lạc hậu, tập trung vào gia công, sơ chế hoặc sản xuất các sản phẩm đơn giản, trình độ, năng lực tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế trong quản trị doanh nghiệp còn nhiều hạn chế… Bên cạnh đó, tình trạng thiếu vốn, khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn, đang là rào cản lớn nhất cho sự phát triển của DNVVN Việt Nam. Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNVVN trong thời gian tới, bài viết đề xuất một số giải pháp như sau: nâng cao năng suất lao động, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ tài chính, tín dụng doanh nghiệp; phát triển các mối liên kết kinh doanh; áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; khuyến khích DNVVN ứng dụng thương mại điện tử, khai thác cơ hội của Cách mạng Công nghiệp 4.0.

 

10. NGUYỄN THỊ ĐAN THỤY

Giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp

Tóm tắt: Thanh niên là lực lượng xã hội đông đảo và đặc biệt, tham gia vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội với những ước mơ, hoài bão lớn, ý chí và hành động sáng tạo, đầy nhiệt huyết và sức trẻ. Tương lai của đất nước, dân tộc nằm trong tay thanh niên. Chính vì thế, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đã không ngừng thực hiện công tác giáo dục thanh niên, trong đó có giáo dục đạo đức, lối sống. Bài viết phân tích thực trạng công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên Việt Nam hiện nay; từ đó đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm góp phần nâng cao hiệu quả của công tác này.

 

11. NGUYỄN TRƯỜNG SƠN

Hoạt động trồng cây công nghiệp ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ từ năm 1930 đến năm 1945

Tóm tắt: Huyện Lâm Thao có khu vực gò đồi thấp rộng lớn ở phía Bắc, cùng với khí hậu nhiệt đới gió mùa, dân cư thuần người Việt, có kinh nghiệm trồng cây công nghiệp, đặc biệt là những cây công nghiệp đặc chủng, truyền thống. Do vậy, trồng trọt cây công nghiệp được thực dân Pháp chú trọng phát triển, đem lại nguồn lợi nhuận rất lớn. Một số mặt hàng cây công nghiệp trở thành trọng điểm buôn bán với ngoại tỉnh và nước ngoài, đặc biệt là cây sơn. Bài viết khái quát những điều kiện để phát triển và thực trạng trồng cây công nghiệp trên địa bàn trong khoảng thời gian từ thập niên 30 đến những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ XX.

 

 

127 lượt xem