Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, số 3 năm 2021

Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, số 3 năm 2021

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

1. ĐỒNG THỊ THÙY LINH

Tình hình kinh tế Ấn Độ năm 2020 và một số dự báo năm 2021

Tóm tắt: Đại dịch Covid đã tác động mạnh đến nền kinh tế Ấn Độ trong năm 2020 khiến tăng trưởng tổng thể trong năm tài chính 2020-2021 dự kiến ở mức -7,9%. Kể từ tháng 3/2020, các lô hàng xuất đi của nước này đã ghi nhận mức tăng trưởng âm do đại dịch Covid-19 và do nhu cầu toàn cầu giảm. Tuy nhiên, mặc dù dòng vốn toàn cầu giảm mạnh, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Ấn Độ vẫn tăng 13%. Bên cạnh đó, các đợt đóng cửa do đại dịch Covid-19 đã khiến thâm hụt thu ngân sách của các bang tăng gần 4 lần trong năm tài chính hiện tại. Nhằm phục hồi nền kinh tế, Chính phủ đã đưa ra một loạt chính sách như cắt giảm lãi suất, tung ra các gói kích thích kinh tế, hỗ trợ chi phí cho người lao động nghèo và nhập cư, hướng Ấn Độ đến nền kinh tế tự lực.

 

2. NGUYỄN ĐẮC TÙNG

Ảnh hưởng của Mahatma Gandhi đối với Ấn Độ từ năm 1947 đến nay

Tóm tắt: Mohandas Karamchand Gandhi (2/10/1869 - 30/1/1948), thường được gọi là Mahatma Gandhi hoặc Bapu (Người cha của dân tộc), là nhà lãnh đạo ưu việt của Ấn Độ. Kiên trì nguyên tắc bất tuân dân sự, bất bạo động, Mahatma Gandhi đã dẫn dắt Ấn Độ giành độc lập và truyền cảm hứng cho các phong trào bất bạo động, quyền công dân và tự do trên toàn thế giới. Bài viết phân tích ảnh hưởng của Mahatma Gandhi đến Ấn Độ sau độc lập (từ 1947) đến nay, biểu hiện ở các phương diện: đối với Hiến pháp Ấn Độ, đối với Vinoba Bhave và phong trào cải cách ruộng đất; đối với Sunderlal Bahuguna và phong trào Chipko; đối với Vandana Shiva và phát triển nông nghiệp bền vững; đối với Anna Hazare và phong trào chống tham nhũng.

 

3. ĐINH THỊ TUYẾT

Giáo dục vì hòa bình trong quan điểm của Jiddu Krishnamurti

Tóm tắt: Jiddu Krishnamurti là nhà tư tưởng có tầm ảnh hưởng lớn của thế kỷ XX. Bên cạnh vai trò một hiền nhân, triết gia, ông còn là một nhà giáo dục có ảnh hưởng ở nhiều nước. Sống trong thế kỷ với hàng loạt các cuộc chiến tranh, Krishnamurti cũng như nhiều nhà tư tưởng cùng thời với ông mong muốn có thể kiến tạo một thế giới hòa bình thông qua giáo dục. Kết quả nghiên cứu cho thấy, Krishnamurti đã chỉ ra những nguyên nhân gây ra chiến tranh như lòng tham của con người, sự khác biệt về dân tộc, tôn giáo… Đồng thời, ông cũng chỉ ra cách thức để xóa bỏ những nguyên nhân đó thông qua giáo dục.

 

4. ĐỖ KHƯƠNG MẠNH LINH

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tiếp cận từ lý thuyết phức hệ an ninh khu vực

Tóm tắt: Động lực quan trọng nhất hình thành nên phức hệ an ninh khu vực là sự gia tăng tương tác an ninh giữa các quốc gia, còn siêu cường toàn cầu thông qua cơ chế xâm nhập để tham gia vào các sự vụ an ninh bên trong phức hệ. Cùng với sự trỗi dậy của Ấn Độ và Trung Quốc, khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương đã hội tụ đủ điều kiện cơ bản để hình thành nên phức hệ an ninh khu vực, và nước Mỹ với tư cách là một siêu cường toàn cầu, thông qua mạng lưới liên minh để xâm nhập vào phức hệ, từ đó định hình nên quy tắc và trật tự phức hệ dựa vào thực lực vượt trội của bản thân.

 

5. NGUYỄN VĂN TUẤN

Chủ trương bình thường hóa quan hệ với Mỹ của Việt Nam (1975 - 1995) và quan hệ Việt - Mỹ trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao (1995 - 2020)

Tóm tắt: Với tinh thần gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, “thêm bạn, bớt thù”, ngay sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Việt Nam đã tích cực đàm phán với Mỹ để có thể bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao. Trải qua 20 năm đàm phán, Việt Nam và Mỹ đã tuyên bố bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao. Đến nay, quan hệ giữa hai nước đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử, nhất là về lĩnh vực chính trị và ngoại giao. Bài viết tập trung làm rõ chủ trương của Việt Nam trong qúa trình đàm phán bình thường hóa quan hệ với Mỹ từ năm 1975 đến năm 1995 và những thành tựu đạt được trong quan hệ chính trị và ngoại giao giữa hai nước từ năm 1995 đến nay.

 

6. BÙI NAM KHÁNH

Hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy của Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

Tóm tắt: Tội phạm ma túy đã và đang là một trong những thách thức an ninh phi truyền thống hàng đầu, đòi hỏi sự chung tay giải quyết của cộng đồng quốc tế. Không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết mà không cần đến sự hợp tác của quốc gia khác. Vì vậy, hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy đang là một đòi hỏi mang tính cấp thiết, thời sự và đặc biệt quan trọng. Xác định vai trò quan trọng của vấn đề này, Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm ma túy nói riêng và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bài viết tập trung phân tích thực trạng hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy của Việt Nam và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

 

7. HOÀNG XUÂN LONG, HOÀNG LAN CHI

Phát triển tuần tự, đi tắt và đón đầu trong chiến lược khoa học và công nghệ ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030

Tóm tắt: Cơ cấu theo các dạng phát triển tuần tự, đi tắt và đón đầu là một nội dung cần chú ý trong chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN). Vấn đề này cần được phân tích trên các mặt: tạo ra kết quả KH&CN và ứng dụng KH&CN vào đời sống; phát triển chín muồi và phát triển quá độ; thước đo trình độ phát triển; tính toán tỷ lệ giữa phát triển tuần tự, đi tắt và đón đầu. Cơ cấu theo các dạng phát triển kiểu này có ý nghĩa giúp nhìn nhận rõ hơn và thực chất hơn về mục tiêu, định hướng và trạng thái phát triển… trong chiến lược phát triển KH&CN nước ta giai đoạn tới. Đồng thời, đây là một vấn đề phức tạp cần được tiếp tục nghiên cứu.

 

8. LÊ XUÂN DIỆU

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở vùng Đồng bằng sông Hồng: Thực trạng và giải pháp

Tóm tắt: Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) là khu vực năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và là vùng có nhiều tiềm năng, thế mạnh cho phát triển nông nghiệp nói chung, nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) nói riêng. Trong những năm gần đây, các địa phương trong vùng đều xác định NNCNC là chìa khóa thành công và được coi là một trong những giải pháp đột phá để phát triển nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản và nâng cao đời sống của nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Bài viết phân tích thực trạng phát triển NNCNC ở vùng ĐBSH trong xu thế phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN), hội nhập quốc tế sâu rộng và sự biến đổi khí hậu hiện nay. Từ đó, xác định những khó khăn, vướng mắc và đề xuất một số giải pháp phát triển NNCNC gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong vùng.

 

9. NGUYỄN THỊ THANH HUYỀN

Phát triển mô hình chuỗi cung ứng rau quả Hà Nội do nhà bán lẻ dẫn dắt

Tóm tắt: Chuỗi cung ứng rau quả do nhà bán lẻ dẫn dắt hiện chiếm khoảng 8,8% thị phần Hà Nội và có tốc độ gia tăng rất cao, tới 3% mỗi năm. Phát triển mô hình chuỗi này là một chiến lược tốt, hợp xu thế và góp phần phát triển thị trường rau quả theo hướng an toàn, tiện lợi, giá trị gia tăng cao. Tuy vậy, để phát triển, lãnh đạo chuỗi cần giải quyết tốt các bài toán liên quan đến chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… của rau quả. Giải pháp phát triển mô hình chuỗi cung ứng rau quả Hà Nội do nhà bán lẻ dẫn dắt đặt trọng tâm vào: (1) Hoàn thiện cơ cấu tổ chức chuỗi; (2) Thay đổi cơ chế vận hành chuỗi; (3) Thiết lập các hệ thống giám sát nghiêm ngặt bên trong và ngoài chuỗi; (4) Tăng cường các liên kết dọc - ngang toàn bộ chuỗi.

 

10. NGUYỄN THỊ MỸ LAN

Giải pháp nâng cao năng lực công chức văn phòng: thống kê cấp xã trên địa bàn huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh

Tóm tắt: Trên cơ sở sử dụng nguồn các báo cáo, văn bản của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, kết quả nghiên cứu của các công trình đã công bố có liên quan đến năng lực của công chức Văn phòng - Thống kê cấp xã, đồng thời sử dụng kết hợp các phương pháp điều tra, thống kê, bài viết tập trung làm rõ thực trạng năng lực công chức Văn phòng - Thống kê cấp xã trên địa bàn huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Qua đó, đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao năng lực công chức Văn phòng - Thống kê cấp xã trên địa bàn huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh để đáp ứng yêu cầu phát triển tại địa phương.

 

11. NINH THỊ SINH, NINH THỊ HẠNH, NINH THỊ HỒNG

Nhà trẻ Tế Sinh của bà Cả Mọc: Một mô hình chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ đầu thế kỷ XX

Tóm tắt: Bài viết giới thiệu về nhà trẻ Tế Sinh của bà Cả Mọc, một nhà trẻ từ thiện, tồn tại khoảng hơn 10 năm ngay giữa khu phố lao động ở Hà Nội. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhà trẻ ra đời không chỉ thỏa mãn “tâm huyết” của người sáng lập, mà còn trở thành “điểm sáng” của Hà Nội nói riêng và Bắc kỳ nói chung bởi phương pháp giáo dục trẻ hiện đại. 

 

121 lượt xem