- Sách
- Chính trị (99)
- Xã hội học (22)
- Môi trường (5)
- Quan hệ Ngoại giao (75)
- Văn hóa (10)
- Nông nghiệp (1)
- Kinh tế (74)
- Quản lý Thông tin (1)
- Luật (6)
- Du lịch (2)
- Tôn giáo (5)
- Ngôn ngữ (1)
- Giáo dục (2)
- Sức khỏe (2)
- Lịch sử (5)
- Triết học (1)
- Cách mạng Công nghiệp 4.0 (2)
- Phát triển bền vững (2)
- Khoa học Công nghệ (3)
- Tạp chí
- Những vấn đề kinh tế & chính trị thế giới (28)
- Châu Mỹ ngày nay (27)
- Nghiên cứu Châu Âu (25)
- Nghiên cứu Ấn Độ & Châu Á (26)
- Nghiên cứu Trung Quốc (25)
- Nghiên cứu Đông Nam Á (30)
- Nghiên cứu Đông Bắc Á (28)
- Nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông (24)
- Tài liệu
Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, số 3 năm 2022
Tác giả:
Thông tin NXB:
Số trang : 0
Loại sách: Tạp chí
1. ĐỒNG THỊ THÙY LINH, NGUYỄN THỊ HIÊN
Tình hình kinh tế Ấn Độ năm 2021 và triển vọng năm 2022
Tóm tắt: Kinh tế Ấn Độ đang dần phục hồi sau làn sóng COVID-19 thứ 2. Điều đó được thể hiện qua việc Ấn Độ đã duy trì thứ hạng 43 trong Chỉ số Năng lực cạnh tranh thế giới, thâm hụt tài khóa được cải thiện, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục thể hiện niềm tin vào sự phục hồi kinh tế Ấn Độ. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp đã gia tăng, nhu cầu việc làm và số lượng việc làm được tạo ra đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Trước tác động của đại dịch COVID-19, Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra một số giải pháp hỗ trợ như cung cấp gói hỗ trợ trị giá 6,8 tỷ USD, tiến hành đợt tái cơ cấu mới cho đối tượng vay cá nhân và doanh nghiệp nhỏ, tiếp tục gia hạn chính sách ngoại thương đến 30/9/2021, gia hạn thêm 3 năm đối với chương trình Hoàn thuế, lệ phi bang và trung ương (RoSCTL) cho các nhà xuất khẩu hàng dệt may. Bên cạnh đó, Ngân hàng dự trữ Ấn Độ gia hạn thêm chương trình trợ cấp lãi suất tín dụng xuất khẩu.
2. NGUYỄN ĐỨC HOÀNG THỌ, NGUYỄN TRỌNG QUYỀN
Quan hệ kinh tế Việt Nam - Ấn Độ từ năm 1991 đến 2020 và triển vọng hợp tác
Tóm tắt: Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ đã thực hiện triệt để các cải cách kinh tế và có những điều chỉnh mạnh mẽ trong quan hệ đối ngoại. Thông qua “Chính sách Hướng Đông”, quan hệ Ấn Độ - Việt Nam ngày càng được tăng cường, từ hợp tác Toàn diện (sau chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narasimha Rao, tháng 9/1994) đến quan hệ Đối tác Chiến lược (tháng 7/2007), và quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện (tháng 9/2016). Theo đó, quan hệ hợp tác kinh tế cũng đã đạt được những kết quả tích nay, vai trò thành tố cốt lõi của hợp tác kinh tế trong quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Ấn Độ đã ngày càng sáng rõ. Bài viết phân tích quan hệ hợp tác kinh tế (tập trung vào quan hệ đầu tư và quan hệ thương mại) Việt Nam - Ấn Độ từ năm 1991-2020, chỉ ra những kết quả đã đạt được, triển vọng hợp tác và kiến nghị chính sách tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh hiện nay.
3. CHÂU KHÁNH TÂM, TRẦN THỊ YẾN VÂN
Những đóng góp của Tiến sĩ B.R. Ambedkar đối với Hiến pháp Ấn Độ
Tóm tắt: Tiến sĩ Bhimrao Ramji Ambedkar (B. R. Ambedkar) hay còn được gọi là Babasaheb Ambedkar, là một học giả, luật sư, nhà cải cách xã hội, chính trị gia nổi tiếng của Ấn Độ. Xuất thân từ tầng lớp Dalit' và từng chịu sự phân biệt đẳng cấp từ khi còn rất nhỏ, Tiến sĩ B. R. Ambedkar đã dành cả cuộc đời mình để xóa bỏ chế độ đẳng cấp tồn tại ngàn đời trong xã hội Ấn Độ cũng như đấu tranh cho quyền lợi của những con người cùng khổ dưới đáy xã hội. Đặc biệt, với vai trò là Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên của nước Cộng hòa Ấn Độ kiêm Chủ tịch Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp trong chính phủ của Thủ tướng Jawaharlal Nehru, ông đã đóng góp rất lớn vào việc soạn thảo Hiến pháp Ấn Độ, trong đó nổi bật nhất là tư tưởng và nỗ lực của ông nhằm cải thiện vị thế của những người thuộc tầng lớp cùng đinh trong xã hội.
4. ĐẶNG THU THỦY
Phát triển kinh tế số tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Tóm tắt: Trong vài thập kỷ qua, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AĐD - TBD) đã có những bước chuyển mình và phát triển chưa từng có với ba nền kinh tế lớn nhất toàn cầu (Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản) và một số nền kinh tế đang phát triển nhất trên thế giới. Sự thịnh vượng của khu vực được thúc đẩy bởi các hệ thống kinh tế thị trường, khu vực tài chính tư nhân, kết nối kinh tế số và môi trường đầu tư cởi mở. Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy xu hướng số hóa xã hội cũng như nỗ lực cải thiện các quy tắc, tiêu chuẩn và định hình chính sách. Đối với khu vực AĐD - TBD, khả năng cạnh tranh kinh tế, kết nối an toàn và phát triển kỹ thuật số (KTS) bao trùm là trọng tâm của những nỗ lực này. Bài viết tìm hiểu các nhân tố thúc đẩy phát triển KTS cũng như hợp tác toàn diện hưởng đến chiến lược phát triển KTS ở khu vực AĐD - TBD.
5. LẠI THÁI BÌNH, NGUYỄN THÙY ANH
Quan hệ Mỹ - Trung trong vấn đề Biển Đông: Nhìn từ góc độ chính sách của Mỹ
Tóm tắt: Cho đến nay, Biển Đông không chỉ liên quan đến các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán giữa các quốc gia có yêu sách trực tiếp mà có xu hướng trở thành một trong những địa bàn của cạnh tranh chiến lược nước lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc (nhất là từ thời Chính quyền Trump). Bài viết nhìn lại lịch sử quan hệ Mỹ - Trung liên quan đến Biển Đông, rút ra những đặc điểm xuyên suốt làm cơ sở dự báo chiều hướng quan hệ hai nước trong vấn đề này, từ đó đưa ra một số gợi ý chính sách cho Việt Nam. Bài viết cũng giới hạn đối tượng nghiên cứu chủ yếu được nhìn dưới góc độ chính sách và cách tiếp cận của Mỹ với vấn đề Biển Đông.
6. NGUYỄN THỊ THÌN
Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Thủ tướng Angela Merkel
Tóm tắt: Đông Nam Á là khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương. Trong những năm gần đây, Đông Nam Á trở thành trung tâm cho việc triển khai chính sách đối ngoại của các nước lớn trong khu vực và trên thế giới. Trong bối cảnh các cường quốc đang gia tăng ảnh hưởng, tăng cường tập hợp lực lượng ở Đông Nam Á, chính sách đối ngoại của Đức đối với khu vực này như thế nào? Vấn đề nghiên cứu này càng có ý nghĩa hơn khi Olaf Scholz vừa thay thế Angela Merkel làm Thủ tướng Đức. Thông qua các phương pháp nghiên cứu phổ biến như phương pháp lịch sử, phân tích chính sách, tổng hợp, thống kê, so sánh, bài viết nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Đức đối với khu vực Đông Nam Á dưới thời Thủ tướng Angela Merkel, từ đó kiến nghị chính sách với Việt Nam.
7. NGUYỄN VĂN ĐIỆP
Ảnh hưởng của trí tuệ thông minh đến doanh thu thuế tại các nước BRICS
Tóm tắt: Bài viết phân tích tác động của trí tuệ thông minh con người đến doanh thu thuế của các nước BRICS trong giai đoạn 2002 - 2019. Kết quả bằng phương pháp hồi quy tuyến tính Bayes cho thấy bằng chứng mạnh mẽ về mối quan hệ chữ U ngược giữa tri tuệ thông minh và doanh thu thuế của các nước BRICS. Cụ thể, ban đầu tác động của sự gia tăng trí tuệ thông minh của con người làm tăng doanh thu thuế nhưng khi nó vượt qua điểm ngoặt thì doanh thu thuế sẽ giảm. Bên cạnh đó, kết quả của bài viết cũng cho thấy ảnh hưởng mạnh mẽ của tỷ lệ lạm phát, chi tiêu công, độ mở thương mại, tỷ trọng lĩnh vực nông nghiệp, mật độ dân số, dân số đô thị, chính phủ hiệu quả, kiểm soát tham nhũng và ổn định chính trị đến doanh thu thuế. Tuy nhiên, ảnh hưởng của GDP bình quân đầu người và nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức đến doanh thu thuế của các nước BRICS là không rõ ràng. SORO 80
8. LÊ QUỐC BẢO
Ngoại giao giáo dục: Một số vấn đề lý thuyết
Tóm tắt: Sau hơn 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã dần khẳng định năng lực, vị thế của một quốc gia tầm trung trên trường quốc tế. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, xu thế toàn cầu hóa cùng sự gia tăng của các thách thức an ninh phi truyền thống, Việt Nam cần xác định những hướng đi, ưu tiên mới cho chính sách đối ngoại để phù hợp với bối cảnh mới. Bài viết tiếp cận các khái niệm về ngoại giao giáo dục, đi sâu phân tích nội hàm của ngoại giao giáo dục; qua đó, đưa ra một số gợi ý mở về phương thức tiếp cận ngoại giao giáo dục hiệu quả nói chung và áp dụng cho trường hợp của Việt Nam nói riêng. Bài viết sử dụng cách tiếp cận của Chủ nghĩa hiện thực, Chủ nghĩa tự do và Chủ nghĩa kiến tạo để xem xét vai trò của phạm trù lòng tin và hợp tác trong việc triển khai ngoại giao giáo dục. Ngoài ra, các phương pháp phổ biến trong nghiên cứu khoa học xã hội như phương pháp lịch sử, phương pháp logic, phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh... cũng được lồng ghép linh hoạt nhằm làm nổi bật vấn đề nghiên cứu và tăng tính khoa học cho đề tài.
9. LÝ THỊ BÉ LUYỄN
Tiếp cận giáo dục của trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
Tóm tắt: Trong quá trình phát triển của xã hội, một số nhóm yếu thể vẫn gặp khó khăn để hòa nhập và phát triển bình thường, trong đó có trẻ em mồ côi. Trẻ em mồ côi là một hiện tượng xã hội đặc biệt và cần sự quan tâm đặc biệt từ các cơ quan chức năng. Tác giả đã tiến hành khảo sát 20 công chức cấp xã phụ trách việc thực hiện các chính sách hỗ trợ trẻ em mồ côi và 101 trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh Trà Vinh để thu thập thông tin về quá trình tiếp cận giáo dục của các em. Kết quả cho thấy, các em đã được tiếp cận khá tốt các dịch vụ giáo dục; tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần được quan tâm, đặc biệt là việc tham gia các hoạt động nhóm trong trường học.
10. ĐỖ ANH ĐẠT
Vấn đề bố trí, sử dụng cán bộ, công chức làm công tác văn thư tại Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh
Tóm tắt: Công tác văn thư (CTVT) giữ vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động của UBND cấp xã, vì thế, khi bố trí người làm CTVT, ngoài việc phải đáp ứng chuyên môn, nghiệp vụ thì cũng cần đảm bảo vấn đề chuyên trách. Cần phải bố trí, sắp xếp nhân sự làm CTVT tại UBND cấp xã đúng với quy định của pháp luật, phù hợp với vị trí việc làm để có thể đáp ứng tốt yêu cầu công việc cũng như bắt kịp xu hướng phát triển không ngừng của thời đại. Bài viết đánh giá hoạt động quản lý công tác bố trí, sử dụng và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức làm CTVT tại UBND cấp xã trên địa bàn thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
11. VƯƠNG BÁ THÀNH
Nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy đảng ở cơ sở
Tóm tắt: Chất lượng sinh hoạt cấp ủy đảng ở cơ sở gắn liền với chất lượng sinh hoạt của các tổ chức đảng ở cơ sở. Sinh hoạt đảng ở cơ sở là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt giúp đảng viên nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản thân, thực hiện tốt nhiệm vụ đảng viên và nhiệm vụ do cấp ủy giao. Vì vậy, chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy đảng ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ cấp thiết hiện nay. Thời gian qua, nề nếp, chế độ sinh hoạt của cấp ủy đảng ở cơ sở đã được thực hiện nghiêm túc, có chất lượng; tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định, làm ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt, chất lượng lãnh đạo của cấp ủy đảng ở cơ sở. Để khắc phục những hạn chế tồn tại, không ngừng nâng cao chất lượng sinh hoạt, cấp ủy đảng ở cơ sở cần phải thực hiện đồng bộ, có hiệu quả một số giải pháp đột phá.