- Sách
- Chính trị (99)
- Xã hội học (22)
- Môi trường (5)
- Quan hệ Ngoại giao (75)
- Văn hóa (10)
- Nông nghiệp (1)
- Kinh tế (74)
- Quản lý Thông tin (1)
- Luật (6)
- Du lịch (2)
- Tôn giáo (5)
- Ngôn ngữ (1)
- Giáo dục (2)
- Sức khỏe (2)
- Lịch sử (5)
- Triết học (1)
- Cách mạng Công nghiệp 4.0 (2)
- Phát triển bền vững (2)
- Khoa học Công nghệ (3)
- Tạp chí
- Những vấn đề kinh tế & chính trị thế giới (28)
- Châu Mỹ ngày nay (27)
- Nghiên cứu Châu Âu (25)
- Nghiên cứu Ấn Độ & Châu Á (26)
- Nghiên cứu Trung Quốc (25)
- Nghiên cứu Đông Nam Á (30)
- Nghiên cứu Đông Bắc Á (28)
- Nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông (24)
- Tài liệu
Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, số 4 năm 2021
Tác giả:
Thông tin NXB:
Số trang : 0
Loại sách: Tạp chí
1. NGUYỄN TUẤN BÌNH, HOÀNG THỊ MINH HOA
Quan hệ Ấn Độ - Myanmar trong lĩnh vực thương mại và đầu tư vào thập niên đầu thế kỷ XXI
Tóm tắt: Từ sau khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1948) đến đầu thế kỷ XXI, quan hệ giữa hai nước Ấn Độ và Myanmar đã trải qua một thời kỳ dài đầy biến cố phức tạp và thăng trầm. Từ sau Chiến tranh Lạnh, quan hệ Ấn Độ - Myanmar từng bước được cải thiện, phát triển và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Bên cạnh lĩnh vực chính trị - ngoại giao và an ninh - quốc phòng, quan hệ kinh tế giữa hai nước đã hình thành từ rất sớm và đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong những năm đầu của thế kỷ XXI. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung tìm hiểu quan hệ thương mại và hợp tác đầu tư giữa Ấn Độ và Myanmar trong thập niên đầu của thế kỷ XXI, qua đó giúp người đọc hiểu rõ hơn về quan hệ kinh tế nói riêng và quan hệ hai nước nói chung trong giai đoạn nghiên cứu nói trên.
2. THÁI HOÀNG HẠNH NGUYÊN
Ngoại giao số: Góc nhìn từ Ấn Độ và kinh nghiệm cho Việt Nam
Tóm tắt: Trong thời đại số hiện nay, ứng dụng các phương tiện kỹ thuật mới trong hoạt động đối ngoại là một việc làm cấp thiết. Đặc biệt, từ cuối năm 2019 đến nay, khi toàn thế giới đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19, một vấn đề đặt ra là làm thế nào để duy trì hoạt động đối ngoại của các quốc gia cũng như giữ vững và quảng bá hình ảnh quốc gia? Ngoại giao số có lẽ là một đáp án phù hợp cho tình hình hiện nay và trong tương lai. Bởi lẽ, ngoại giao số mở ra nhiều tiềm năng thúc đẩy trao đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà ngoại giao và các cơ quan đối ngoại truyền tải thông tin. Đồng thời, ngoại giao số giúp các nước chủ động lắng nghe và điều chỉnh chính sách để phản ứng phù hợp với các thay đổi trong hệ thống quốc tế. Bài viết tóm lược thực trạng ứng dụng ngoại giao số vào đối ngoại của đất nước Ấn Độ. Từ đó, tác giả đưa ra một khuyến nghị mà Việt Nam có thể cân nhắc áp dụng.
3. ĐỖ THỊ BÍCH THẢO
Thực hiện chính sách giáo dục hòa nhập ở Ấn Độ và so sánh với Việt Nam
Tóm tắt: Bài viết mô tả các sáng kiến về chính sách giáo dục hòa nhập được thực hiện tại Ấn Độ từ khi độc lập vào năm 1947. Phân tích trong bài viết cho thấy, dù đã có nhiều chương trình chính sách hỗ trợ trẻ khuyết tật tham gia giáo dục hòa nhập tuy nhiên nhiều trẻ khuyết tật tại Ấn Độ vẫn không được tới trường. Từ đó, tác giả làm rõ những thách thức, rào cản thực hiện chính sách giáo dục hòa nhập tại Ấn Độ trên thực tế ở cả cấp độ xây dựng chính sách và thực thi chính sách tại trường học, đồng thời đưa ra một số so sánh đối với thực tế thực hiện chính sách này ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hiệu quả của việc áp dụng giáo dục hòa nhập phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm tiếp cận vấn đề khuyết tật và giáo dục khuyết tật, trong đó coi giáo dục hòa nhập là một vấn đề mang tính hệ thống và là nền tảng cốt lõi nâng cao chất lượng giáo dục cho mọi trẻ em.
4. LÊ THỊ ÁNH TUYẾT
Chính sách của Mỹ đối với xung đột Israel - Palestine dưới thời Tổng thống Barack Obama
Tóm tắt: Trung Đông được biết đến với những cuộc xung đột gay gắt giữa các tôn giáo, các nhóm lợi ích, đảng phái chính trị. Xung đột Israel - Palestine là một trong những cuộc xung đột gay gắt, phức tạp và kéo dài nhất trong lịch sử, không chỉ ảnh hưởng đến tình hình khu vực mà còn thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Cùng với việc thực hiện chiến lược toàn cầu, Mỹ cũng chú trọng dàn xếp bất đồng giữa hai Nhà nước Israel và Palestine. Bài viết trình bày khái quát nguồn gốc, diễn biến của xung đột Israel - Palestine, chính sách của Mỹ đối với xung đột Israel - Palestine dưới thời Tổng thống Barack Obama và khả năng giải quyết xung đột này, qua đó góp phần bổ sung thêm nhận thức về chính sách của Mỹ đối với vấn đề Israel - Palestine thời kỳ từ tháng 1/2009-1/2017.
5. TRỊNH DIỆP PHƯƠNG VŨ
Quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia khu vực Trung Đông trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI
Tóm tắt: Quan hệ của Trung Quốc với các nước Trung Đông đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm và đang có sự phát triển vượt bậc trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI. Là quốc gia nhập khẩu và tiêu thụ năng lượng lớn nhất trên thế giới hiện nay, đẩy mạnh quan hệ với các nước khu vực Trung Đông, tạo sự đan xen chặt chẽ về lợi ích với nhau là lựa chọn chiến lược của Trung Quốc để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và nâng cao vai trò của mình trên trường quốc tế.
6. LÊ THỊ ANH ĐÀO, TRẦN THỊ HỢI
Những nhân tố tác động đến kinh tế Thái Lan giai đoạn 1982-1996
Tóm tắt: Quá trình phát triển của một quốc gia, dân tộc trong giai đoạn hiện đại luôn luôn chịu sự chi phối, tác động của nhiều nhân tố khách quan, chủ quan. Sự thay đổi của cục diện thế giới, xu thế phát triển, những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của các nước cùng với những diễn biến bên trong mỗi nước đã chi phối đến sự phát triển nói chung. Bài viết đề cập đến trường hợp Thái Lan, một nước có nền kinh tế phát triển của khu vực, trong giai đoạn 1982-1996, giai đoạn thực hiện hiệu quả chiến lược công nghiệp hóa hướng ra xuất khẩu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sự phát triển, tăng trưởng của Thái Lan luôn chịu tác động của những nhân tố bên trong và những diễn biến bên ngoài một cách sâu sắc.
7. TRƯƠNG CÔNG VĨNH KHANH
Tác động của quan hệ ASEAN - Trung Quốc đối với quan hệ Việt - Trung về tranh chấp chủ quyền trên biển giai đoạn 2013 đến nay
Tóm tắt: Tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng, là mối đe dọa đến hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và thế giới. Cuộc tranh chấp lãnh thổ đối với các đảo ở Biển Đông là mấu chốt của những căng thẳng hiện nay. Sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương HD-981 trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng có yêu sách chủ quyền làm cho vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa lại nổi lên gay gắt và phức tạp. Đồng thời, những thay đổi chiến lược của Trung Quốc như chiến lược về cường quốc biển, chiến lược Vành đai và Con đường, chiến lược quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ, cùng với những thay đổi trong chính sách không nhất quán của ASEAN đã tác động đến khu vực và cả thế giới, trong đó có Việt Nam và quan hệ Việt - Trung.
8. TRẦN XUÂN HIỆP
Hồ Chí Minh với việc vận dụng sáng tạo sức mạnh mềm trong hoạt động đối ngoại
Tóm tắt: Hồ Chí Minh là nhà ngoại giao đầy sáng tạo. Trong công cuộc đấu tranh và bảo vệ tổ quốc, Hồ Chí Minh vừa là người trực tiếp chỉ đạo về đường lối chiến lược và sách lược đối ngoại, vừa trực tiếp tham gia các hoạt động ngoại giao. Với sự sáng tạo không ngừng trong việc vận dụng sức mạnh mềm vào hoạt đông đối ngoại thực tế, Hồ Chí Minh đã tạo nên một mặt trận đấu tranh ngoại giao rộng khắp, cùng với cách ứng xử linh hoạt và khéo léo nhằm chủ động nắm bắt thời cơ cũng như khắc phục những khó khăn, làm cho hoạt động đối ngoại của Việt Nam có hiệu quả hơn. Cho đến nay, bài học về việc vận dụng sáng tạo sức mạnh mềm trong hoạt động đối ngoại của Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, là bài học quý báu để cho chúng ta tiếp tục củng cố và phát huy hơn nữa vai trò của hoạt động đối ngoại trong thời kỳ mới.
9. NGÔ SÁCH THỰC
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”: Nhìn từ sự tham gia của các tôn giáo
Tóm tắt: Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, nhân dân các địa phương đã tích cực tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho cán bộ công chức, viên chức, hội viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, vai trò, tác dụng của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cuộc vận động đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các tín đồ tôn giáo tham gia, tạo khí thế sôi nổi trong các phong trào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng - an ninh; tìm ra nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhiều điển hình tiên tiến; từ đó huy động được sức mạnh của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trong việc hiến đất, góp công, sức, kinh phí và hiện vật phục vụ cho chương trình nông thôn mới.
10. TRỊNH MINH CHÁNH
Lễ hội Nghinh Ông ở Sông Đốc: Khai thác theo hướng phát triển du lịch bền vững
Tóm tắt: Du lịch Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia. Tỉnh Cà Mau cũng đang trong giai đoạn tiếp nhận và đón đầu làn sóng phát triển du lịch chung đó. Việc khai thác di sản lễ hội Nghinh Ông ở Sông Đốc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, theo hướng phát triển du lịch bền vững, là hoàn toàn phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Để thực hiện điều đó, cần có sự định hướng của các cơ quan quản lý nhà nước; sự góp sức của các doanh nghiệp lữ hành; sự sẵn sàng đón tiếp của cộng đồng địa phương và sự quan tâm của khách du lịch.
11. NGUYỄN VĂN PHÚC, LÊ THỊ THÚY
Kinh nghiệm xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch của một số đô thị trên thế giới: bài học kinh nghiệm cho tỉnh Vĩnh Phúc
Tóm tắt: Xây dựng và phát triển thương hiệu điểm đến du lịch đang ngày càng trở nên quan trọng đối với các quốc gia trên thế giới cũng như đối với các địa phương của Việt Nam. Bản chất của xây dựng thương hiệu du lịch là việc chuyển tải có chủ đích một bản sắc riêng thành một hình tượng trong tâm trí khách du lịch, nhằm xác định hình tượng du lịch của địa phương một cách rộng rãi với du khách. Thông qua thương hiệu điểm đến du lịch, các địa phương sẽ khẳng định vị thế cạnh tranh của mình với tư cách là điểm đến du lịch hấp dẫn trên thị trường. Singapore và Bangkok Thái Lan là những thành phố đã rất thành công trong xây dựng và phát triển thương hiệu điểm đến du lịch, tạo vị thế cạnh tranh mạnh trong khu vực Đông Nam Á nói riêng, trên thế giới nói chung. Với những kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển thương hiệu điểm đến du lịch của các đô thị này, Vĩnh Phúc có thể vận dụng trong xây dựng và phát triển thương hiệu điểm đến du lịch của tỉnh.