- Sách
- Chính trị (99)
- Xã hội học (22)
- Môi trường (5)
- Quan hệ Ngoại giao (75)
- Văn hóa (10)
- Nông nghiệp (1)
- Kinh tế (74)
- Quản lý Thông tin (1)
- Luật (6)
- Du lịch (2)
- Tôn giáo (5)
- Ngôn ngữ (1)
- Giáo dục (2)
- Sức khỏe (2)
- Lịch sử (5)
- Triết học (1)
- Cách mạng Công nghiệp 4.0 (2)
- Phát triển bền vững (2)
- Khoa học Công nghệ (3)
- Tạp chí
- Những vấn đề kinh tế & chính trị thế giới (28)
- Châu Mỹ ngày nay (27)
- Nghiên cứu Châu Âu (25)
- Nghiên cứu Ấn Độ & Châu Á (26)
- Nghiên cứu Trung Quốc (25)
- Nghiên cứu Đông Nam Á (30)
- Nghiên cứu Đông Bắc Á (28)
- Nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông (24)
- Tài liệu
Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, số 5 năm 2021
Tác giả:
Thông tin NXB:
Số trang : 0
Loại sách: Tạp chí
1. NGUYỄN LÊ THY THƯƠNG
Triết lý về sự cân bằng trong y học Ayurveda của Ấn Độ
Tóm tắt: Y học Ayurveda là một hệ thống điều trị toàn diện tập trung vào việc thúc đẩy sự cân bằng trong cơ thể con người. Bài viết nghiên cứu về nền tảng tư tưởng của Ayurveda với các học thuyết chính như: học thuyết về năm yếu tố, học thuyết về ba dạng năng lượng, học thuyết về tạng người, từ đó kết luận rằng sự cân bằng là yếu tố cốt lõi trong quan điểm về sức khỏe của y học Ayurveda. Với triết lý về sự cân bằng, thực hành Ayurveda có ý nghĩa thiết thực trong việc giúp con người chủ động hơn trong bảo vệ sức khỏe, hướng chúng ta đến sự phát triển hài hòa.
2. ĐINH THỊ PHƯƠNG THẢO
Công nghiệp dược phẩm Ấn Độ: Con đường phát triển và dự báo tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch COVID-19
Tóm tắt: Ấn Độ được coi là quầy thuốc của thế giới, không chỉ thỏa mãn giá thị trường nội địa mà còn cung cấp tới hơn 50% nhu cầu vắc xin toàn cầu, 25% nhu cầu thuốc của Anh (IBEF,2020).Hơn nữa trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhu cầu y tế của con người càng được đề cao hơn bao giờ hết. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội với ngành dược phẩm Ấn Độ nếu muốn duy trì và gia tăng vị thế trên thị trường dược phẩm thế giới. Bài viết tập trung vào ba nội dung chính như sau: (i) Tiến trình phát triển công nghiệp dược phẩm Ấn Độ trước năm 2016; (ii) Các nhân tố ảnh hưởng và thực trạng phát triển công nghiệp dược phẩm Ấn Độ từ năm 2016 đến năm 2020; và (iii) dự báo tăng trưởng của công nghiệp dược phẩm Ấn Độ trong bối cảnh đại dịch COVID-19
3. ĐẶNG THU THỦY
Kinh tế Ấn Độ: Ảnh hưởng bởi COVID-19 và triển vọng
Tóm tắt: Nền kinh tế Ấn Độ đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề, tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Điều này đặt ra những thách thức lớn đối với Chính Phủ của Thủ tướng Narendra Modi trong việc theo đuổi “mục tiêu kép” vừa ứng phó dịch bệnh vừa phát triển kinh tế. Theo Ngân hàng Thế giới (WB,2021), đại dịch đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Ấn Độ vốn đã đang trên đà giảm tốc. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Ấn Độ ước tính sẽ giảm 9,6% trong năm tài khóa 2020-2021. Sự sụt giảm mạnh thể hiện rõ trong chi tiêu hộ gia đình và đầu tư tư nhân. Kinh tế Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng trở lại lên mức 5,4% vào năm tài khóa 2021-2022 (Deloitte, 2020a). Bài viết đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 và đưa ra những triển vọng đối với nền kinh tế Ấn Độ hậu COVID-19.
4. LÊ THỊ HẰNG NGA, HUỲNH THỊ LỆ MY
Mối quan hệ thầy trò giữa Đại sư Vivekananda và Nữ tu Nivedita
Tóm tắt: Bài viết tìm hiểu mối quan hệ thầy trò giữa Đại sư Vivekananda và Nữ tu Nivedita, cũng như những đóng góp của Nữ tu Nivedita đối với Ấn Độ, qua đó cho thấy ảnh hưởng mạnh mẽ của Đại sư Vivekananda đối với phương Tây. Rõ ràng, Đại sư Vivekananda đã làm thay đổi cách nghĩ của người phương Tây về phương Đông sau những chuyến đi giảng tại phương Tây. Tuy nhiên thông qua mối quan hệ thầy trò giữa Đại sư Vivekananda và Nữ tu Nivedita, chúng ta thấy rằng, không phải người Anh, mà chính người Ấn đã “khai hóa văn minh” cho người Âu.
5. NGUYỄN THỊ OANH
Sự chuyển đổi từ chủ nghĩa lý tưởng sang chủ nghĩa thực dụng trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ: Nghiên cứu việc triển khai đối với Trung Quốc
Tóm tắt: Bài viết tập trung làm rõ sự chuyển đổi từ chủ nghĩa lý tưởng (idealism) sang chủ nghĩa thực dụng (pragmatism) trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ từ khi giành được độc lập đến nay. Với phương pháp phân tích chính sách bài viết nhằm làm rõ nguyên nhân, đặc điểm và quá trình chuyển đổi từ chủ nghĩa lý tưởng sang chủ nghĩa thực dụng trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Bên cạnh đó, phương pháp nghiên cứu trường hợp cũng được sử dụng, trong đó, Trung Quốc là trường hợp nghiên cứu điển hình để làm rõ việc triển khai các nguyên tắc của chủ nghĩa thực dụng trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ hiện nay.
6. ĐỒNG THỊ THÙY LINH, NGÔ XUÂN BÌNH
Một số cơ hội và thách thức trong quan hệ thương mại Việt Nam-Ấn Độ
Tóm tắt: Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ không ngừng phát triển. Kể từ năm 2010, Ấn Độ liên tục nằm trong top 20 đối tác thương mại của Việt Nam và hiện nay Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại chính ủa Việt Nam. Từ một nước nhập siêu lớn, từ năm 2018, Việt Nam đã có thặng dư thương mại với Ấn Độ. Thương mại song phương giữa hai nước sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới do những cơ hội mà Hiệp định Hàng hóa song phương ASEAN-Ấn Độ mang lại bên cạnh các yếu tố như sức mua của thị trường Ấn Độ, triển vọng ngành dệt may của Việt Nam...Tuy nhiên, quan hệ thương mại cũng sẽ phải đối mặt với một số thách thức như dịch bệnh COVID-19, việc áp thuế chống bán phá, sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại để bảo hộ ngành sản xuất trong nước...
7. NGUYỄN THỊ HIÊN
Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam-Ấn Độ trong lĩnh vực năng lượng
Tóm tắt: Xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đã có sự cải thiện đáng kể trên nhiều mặt, cả về giá trị, tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng và cơ cấu mặt hàng xuất khẩu. Theo dõi số liệu xuất khẩu của Việt Nam trong vòng 20 năm trở lại đây, Ấn Độ đã tăng nhiều bậc trong bảng xếp hạng các quốc gia đối tác của Việt Nam, dần trở thành thị trường đối tác nhập khẩu quan trọng của Việt Nam. Ấn Độ nhanh chóng trở thành đối tác quan trọng và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 7 của Việt Nam trong năm 2019.
8. TRẦN HOÀNG LONG, NGUYỄN ĐẮC TÙNG
Hợp tác Việt Nam-Ấn Độ trong lĩnh vực năng lượng
Tóm tắt: Trong những năm gần đây, hợp tác năng lượng giữa Việt Nam và Ấn Độ có những thành quả đáng khích lệ, ghi dấu ấn trong các lĩnh vực hợp tác giữa hai quốc gia. Cả hai nước cùng có nhu cầu tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này nhằm phục vụ những mục tiêu của riêng mình. Bài viết phân tích thực trạng năng lượng (năng lượng không tái tạo: dầu khí, năng lượng hạt nhân; năng lượng tái tạo: thủy điện, năng lượng mặt trời, năng lượng gió); đánh giá triển vọng hợp tác năng lượng; đề xuất giải pháp, nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác Việt Nam-Ấn Độ về hợp tác năng lượng trong bối cảnh mới.
9. NGUYỄN MINH GIANG
Tiếp biến văn hóa Ấn Độ trong lịch sử Việt Nam
Tóm tắt: Trên cơ sở tác động của làn sóng Ấn Độ hóa và quá trình giải Ấn hóa ở Đông Nam Á như một quy luật vận động và phát triển tất yếu của lịch sử đối với Việt Nam, bài viết sử dụng phương pháp liên ngành, phương pháp so sánh (đồng đại và lịch đại), và tiếp thu các thành tựu nghiên cứu của khảo cổ học, sử học, văn hóa học để tái hiện quá trình Việt Nam tiếp biến văn hóa Ấn Độ từ thời cổ đại đến đầu thế kỷ XX trên những khía cạnh tiêu biểu như tôn giáo tín ngưỡng, kiến trúc điêu khắc nghệ thuật, văn học và ngôn ngữ. Quá trình đó đã làm cho mô thức văn hóa Việt Nam biến đổi sâu sắc, và được vun đắp bởi những yếu tố ngoại sinh đã được bản địa hóa theo bối cảnh dân tộc cũng như bối cảnh thời đại. Đây cũng là những tiền đề quan trọng có thể thúc đẩy quá trình hợp tác phát triển ngoại giao văn hóa giữa hai nước trong xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ hiện nay.