- Sách
- Chính trị (99)
- Xã hội học (22)
- Môi trường (5)
- Quan hệ Ngoại giao (75)
- Văn hóa (10)
- Nông nghiệp (1)
- Kinh tế (74)
- Quản lý Thông tin (1)
- Luật (6)
- Du lịch (2)
- Tôn giáo (5)
- Ngôn ngữ (1)
- Giáo dục (2)
- Sức khỏe (2)
- Lịch sử (5)
- Triết học (1)
- Cách mạng Công nghiệp 4.0 (2)
- Phát triển bền vững (2)
- Khoa học Công nghệ (3)
- Tạp chí
- Những vấn đề kinh tế & chính trị thế giới (28)
- Châu Mỹ ngày nay (27)
- Nghiên cứu Châu Âu (25)
- Nghiên cứu Ấn Độ & Châu Á (26)
- Nghiên cứu Trung Quốc (25)
- Nghiên cứu Đông Nam Á (30)
- Nghiên cứu Đông Bắc Á (28)
- Nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông (24)
- Tài liệu
Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, số 5 năm 2022
Tác giả:
Thông tin NXB:
Số trang : 0
Loại sách: Tạp chí
ẤN ĐỘ
1. VĂN NGỌC THÀNH
“Ấn Độ cách mạng” của Minh Tranh: Một biểu hiện của tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ
Tóm tắt: Thông qua việc phân tích bối cảnh ra đời cũng như nội dung, tư tưởng tác phẩm “Ấn Độ cách mạng” của Minh Tranh, bài viết khẳng định, đây không chỉ là một công trình khoa học mà còn là một cử liệu lịch sử về tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ. Mối quan hệ hữu nghị, tốt đẹp giữa Việt Nam với Ấn Độ luôn được các thế hệ kế tiếp nhau vun đắp, là tài sản quý giá, cần được trân trọng, nâng niu và gìn giữ, phát huy trong điều kiện mới.
2. LÊ THỊ HẰNG NGA, ĐINH THỊ THẢO
TS. B. R. Ambedkar với hệ thống đẳng cấp Ấn Độ
Tóm tắt: Bhimrao Ramji Ambedkar sinh ngày 14/4/1891 trong một gia đình “không thể đụng chạm” ở thị trấn Mhow (nay được biết đến như Dr. Ambedkar Nagar, bang miền Trung Ấn Madhya Pradesh). Là một trong những nhà tư tưởng cấp tiến nhất của Ấn Độ, Ambedkar đã thay đổi khung cảnh chính trị và xã hội Ấn Độ trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa thực dân Anh. Ông cũng là một tác giả xuất sắc, người đã giám sát việc soạn thảo Hiến pháp Ấn Độ và từng là Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên của Ấn Độ. Năm 1935, ông công khai tuyên bố rằng, mặc dù ông sinh ra là một người Hindu nhưng ông sẽ không chết đi như một người Hindu. Cuối cùng, ông đã cải đạo sang Phật giáo một vài tháng trước khi qua đời năm 1956. B.R. Ambedkar đã viết một số tác phẩm phê bình sự bất bình đẳng của hệ thống đẳng cấp, ủng hộ những người Dalit. Bài viết tìm hiểu quan điểm của TS. B.R. Ambedkar thông qua hai tác phẩm nổi tiếng của ông tựa đề “Annihilation of Caste” (Xóa bỏ Đẳng cấp) (1990) và “Waiting for a Visa” (Đợi chờ Thị thực).
3. NGUYỄN CẢNH HUỆ
Những quan điểm tương đồng giữa Việt Nam và Ấn Độ về vấn đề Biển Đông
Tóm tắt: Việt Nam và Ấn Độ có truyền thống hữu nghị lâu đời, luôn ủng hộ và giúp đỡ nhau trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Không những vậy, hai nước có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa, chính sách đối ngoại cũng như trong quan điểm về những vấn đề quan trọng của khu vực và quốc tế. Một trong những điểm tương đồng về những vấn đề quan trọng của khu vực và quốc tế là quan điểm về vấn đề Biển Đông. Bài viết tập trung làm rõ những điểm tương đồng giữa hai nước trong vấn đề Biển Đông và rút ra một số nhận xét.
4. ĐẶNG THU THỦY, NGUYỄN LÊ THY THƯƠNG
Mục tiêu kết nối hạ tầng: Góc nhìn từ phía Việt Nam và Ấn Độ
Tóm tắt: Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ là quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Khuôn khổ này phản ánh sự hội tụ lợi ích chiến lược và sự mở rộng về khuôn khổ hợp tác cũng như gia tăng kết nối phát triển. Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam vào tháng 12/2021 không chỉ củng cố, tăng cường quan hệ giữa hai nước mà còn mở ra những hoạt động kết nối, trong đó kết nối hạ tầng đang được cả hai bên đặc biệt quan tâm (Khánh Lan, 2021). Bài viết chỉ ra bức tranh kết nối hạ tầng Việt Nam - Ấn Độ cùng với những mục tiêu mà cả hai quốc gia đang hướng tới trong việc mở rộng kết nối hạ tầng nhằm phát huy được tiềm năng hợp tác về kinh tế, thương mại giữa Ấn Độ và Việt Nam. Đồng thời, hai quốc gia cần tận dụng mọi nguồn lực và tăng cường hợp tác để cùng nhau phát triển.
5. NGUYỄN ĐẮC TÙNG, NGUYỄN VĂN PHƯỢNG
Hợp tác công nghiệp quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ từ năm 2010 đến nay
Tóm tắt: Trong Chính sách Hành động phía Đông được thực thi dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ nhấn mạnh rằng Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất. Quan hệ hai nước phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt, hợp tác quốc phòng đã trở thành trụ cột quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Phân tích tình hình hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa hai nước từ năm 2010 đến nay, kết quả nghiên cứu cho thấy, dưới thời Thủ tướng N. Modi, hợp tác công nghiệp quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ liên tục phát triển sâu rộng, dựa trên cơ sở tin cậy, hiểu biết ủng hộ lẫn nhau và tương đồng quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế.
CHÂU Á
6. QUÁCH THỊ HUỆ, NGUYỄN THU HÀ
Hợp tác Trung Quốc - Pakistan trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai, Con đường tại khu vực Nam Á
Tóm tắt: Ngay từ khi khởi xướng Sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI), Trung Quốc đã nhận ra tâm quan trọng đặc biệt của Nam Á đối với Chiến lược “Đi ra bên ngoài” (going out) và tập trung nguồn lực thúc đẩy triển khai BRI tại khu vực này. Sau nhiều nỗ lực, BRI đã dần dần “bén rễ đâm chồi” ở Nam Á, trong đó phải kể đến 4 nền tảng lớn là Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC), Hành lang kinh tế Bangladesh - Trung Quốc - Ấn Độ - Myanmar (BCIM-EC), tuyến đường xuyên Himalaya nối Trung Quốc với Nepal, và kết nối trên biển giữa Trung Quốc với Bangladesh và Sri Lanka. Trong số đó, dẫn đầu về quy mô, tốc độ hoàn thiện và hiệu quả khai thác là Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC). Điều đó phản ảnh mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Trung Quốc và Pakistan trong khuôn khổ BRI tại Nam Á. Nghiên cứu này chỉ ra vai trò quan trọng của Nam Á trong Sáng kiến Vành đai, Con đường và đề cập đến quá trình hợp tác giữa Trung Quốc với Pakistan trong khuôn khổ BRI tại Nam Á.
7. TRẦN THÙY PHƯƠNG, TRẦN ANH ĐỨC
Sức mạnh khoa học - công nghệ của Iran
Tóm tắt: Tiềm lực khoa học - công nghệ là nhân tố giúp củng cố sức mạnh của Iran tại khu vực Trung Đông và trên thế giới. Để có thể đứng vững trước sức ép từ bên ngoài, Iran tích cực khai thác và ứng dụng khoa học - công nghệ trong việc nâng cao năng lực quân sự của quốc gia. Sức mạnh khoa học - công nghệ của Iran thể hiện rõ trên một số lĩnh vực trọng điểm như công nghệ nano, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và công nghệ hàng không. Thành công của Iran mang tinh kết nối cao: xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học - công nghệ; nguồn lao động này ứng dụng tốt các công nghệ hiện đại trong lĩnh vực dân sự (như ngành y dược học) và công nghệ quân sự (sản xuất vũ khí). Tuy còn có một số hạn chế như nền kinh tế yếu kém do cấm vận, quá trình Hồi giáo hóa diễn ra, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội, song triển vọng về khoa học - công nghệ của Iran vẫn rất khả quan, nâng cao vị thế của quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
8. THÁI HOÀNG HẠNH NGUYÊN
Đối ngoại quốc phòng của Việt Nam tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Hợp tác với ASEAN trong bối cảnh đại dịch COVID-19
Tóm tắt: Trong xu thế hội nhập hiện này, có thể thấy an ninh quốc gia không thể nào tách rời khỏi an ninh của khu vực và thế giới. Chính vì vậy, hợp tác ngoại giao giữa Việt Nam và các nước trong khu vực vực cũng như trên thế giới luôn được Đảng và Nhà nước chú trọng. Trong những năm qua, Việt Nam luôn tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc phòng. Năm 2019, Việt Nam công bố Sách trắng Quốc phòng và một lần nữa đối ngoại quốc phòng được nhắc đến như một kim chỉ nam của quốc phòng toàn dân. Theo đó, Việt Nam đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng theo phương châm “Tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả”. Nghiên cứu này tập trung vào việc đưa ra một cách nhìn tổng quan nhất về thực trạng đối ngoại quốc phòng của Việt Nam tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mà đặc biệt là trong khuôn khổ ASEAN trước bối cảnh đại dịch COVID-19.
9. NGUYỄN QUANG TUẤN
Sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người lao động di cư quốc tế và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam
Tóm tắt: Di cư lao động quốc tế đang ngày càng tăng lên trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Người lao động di cư quốc tế không chỉ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế ở cả quốc gia đi và quốc gia đến, mà còn đóng góp vào kinh tế hộ gia đình thông qua nguồn tiền gửi về. Tuy nhiên, người lao động di cư cũng được đánh giá là nhóm dân số dễ bị tổn thương và thường phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình di cư. Một trong những khó khăn chính mà người lao động di cư quốc tế gặp phải là việc đảm bảo sức khỏe và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở các quốc gia đến. Có nhiều rào cản ảnh hưởng đến việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người lao động di cư quốc tế, bao gồm các rào cản về ngôn ngữ, chi phí dịch vụ, văn hóa, pháp lý, sự phân biệt đối xử và các yếu tố thuộc về nhận thức của người lao động di cư quốc tế. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đang làm trầm trọng hơn đến việc sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của nhóm dân số di cư lao động quốc tế. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có nhiều vấn đề đặt ra cho Việt Nam, quốc gia có lực lượng lớn lao động làm việc ở nước ngoài trong việc đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho nhóm dân số này.
10. NGUYỄN THỊ MINH NGỌC
Niềm tin của người dân về đạo đức kinh doanh trong việc đảm bảo quyền lợi khách hàng
Tóm tắt: Đạo đức kinh doanh với tư cách là một hệ thống quy tắc, chuẩn mực đạo đức áp dụng trong lĩnh vực kinh doanh là phương tiện cần thiết để điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp. Niềm tin của người dân vào đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp, từ một chiều cạnh nhất định, thể hiện sự thành công của doanh nghiệp trên thị trường hàng hóa. Bởi lẽ, khi đã thu hút được niềm tin của người dân, sản phẩm doanh nghiệp cung ứng sẽ được xem xét lựa chọn nhiều hơn trong quyết định tiêu dùng. Niềm tin vào đạo đức kinh doanh có thể được tiếp cận từ nhiều chiều cạnh khác nhau; bài viết này chỉ nhận diện một chiều cạnh nhỏ, đó là niềm tin của người dân đối với đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp trong việc đảm bảo quyền lợi khách hàng. Việc đảm bảo quyền lợi của khách hàng được tiếp cận từ tiêu chí: cung ứng sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng, sử dụng nguyên liệu đầu vào đảm bảo an toàn với người tiêu dùng. Bài viết sử dụng số liệu của đề tài “Niềm tin xã hội đối với đạo đức kinh doanh ở Việt Nam hiện nay” thực hiện vào tháng 7-8/2021, với số mẫu khảo sát là 503.
11. DƯƠNG THỊ NGỌC MINH, TRẦN THỊ LOAN
Mối quan hệ đoàn kết ba dân tộc Kinh, Hoa và Khơ-me qua tín ngưỡng thờ Thiên Hậu của người Hoa ở Sóc Trăng (Trường hợp Thiên Hậu Cung - An Hiệp)
Tóm tắt: Tín ngưỡng thờ Thiên Hậu là một trong những tín ngưỡng dân gian phổ biến của người Hoa ở Sóc Trăng. Trong quá trình cộng cư tại vùng đất này, bên cạnh những giá trị truyền thống của mình, người Hoa còn tiếp nhận những yếu tố văn hóa cổ truyền và cả những tin ngưỡng dân gian của người Kinh, người Khơ-me. Và ngược lại, người Kinh, người Khơ-me cũng đón nhận một cách tự nhiên những yếu tố văn hóa đặc sắc của người Hoa. Đặc điểm này được thể hiện rất đậm nét trong cách phối thờ các vị thần linh, trong các lễ hội diễn ra tại các miếu thờ Bà Thiên Hậu của người Hoa ở Sóc Trăng. Đây cũng chính là biểu hiện rõ nét nhất cho mối quan hệ đoàn kết dân tộc tại vùng đất Sóc Trăng.