Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, số 7 năm 2022

Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, số 7 năm 2022

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

1. ĐẶNG THU THỦY, NGUYỄN THỊ OANH

Kết nối năng lượng Việt Nam - Ấn Độ

Tóm tắt: Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ là quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Điều này phản ánh sự hội tụ lợi ích chiến lược và sự mở rộng về khuôn khổ hợp tác. Hai bên thường xuyên có các cuộc gặp, trao đổi, tiếp xúc cấp cao để xây dựng các khuôn khổ, định hướng hợp tác. Kết nối năng lượng đang dần trở thành trụ cột quan trọng trong hợp tác giữa hai quốc gia. Cả hai nước đều cam kết thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) để đảm bảo tiếp cận với năng lượng giá cả phải chăng, đáng tin cậy, bền vững và có giá trị cho cả hai bên. Do đó, kết nối năng lượng không chỉ có ý nghĩa đối với quan hệ hai nước mà còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho cả Việt Nam và Ấn Độ.

 

2. NGUYỄN ĐỨC TRUNG, PHẠM THỦY NGUYÊN

Vấn đề lao động nhập cư: Nghiên cứu trường hợp của Ấn Độ

Tóm tắt: Ấn Độ là điểm đến hấp dẫn đối với lao động từ các nước Nam Á. Những yếu tố về điều kiện kinh tế ở các quốc gia xuất xứ bao gồm thiếu cơ hội việc làm, thiếu lựa chọn sinh kế, khó khăn về tài chính (Perveen Kumar, Binod Khadria, 2014) hay nghèo đói, thất nghiệp và lương thấp (Vartika Sharma et al, 2015) thường thúc đẩy lao động ở các nước Nam Á sang Ấn Độ tìm việc. Đi kèm những cơ hội là nguy cơ đối với các lao động nước ngoài này. Bài nghiên cứu tìm hiểu những nguy cơ đối với người lao động qua biên giới qua trường hợp của lao động di cư từ Nepal và Bangladesh sang Ấn Độ.

 

3. NGUYỄN ĐẮC TÙNG

Hợp tác quốc phòng Ấn Độ - Hoa Kỳ (2014-2022)

Tóm tắt: Quan hệ Ấn Độ - Hoa Kỳ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi có những phát triển vượt bậc. Mối quan quan hệ giữa hai nước không những phục vụ lợi ích song phương mà còn đóng góp vào hòa bình và an ninh thế giới. Trong quan hệ hợp tác Hoa Kỳ - Ấn Độ, hợp tác quốc phòng đã nổi lên là khía cạnh nổi bật, đạt được nhiều tiến bộ nhất và đem lại các lợi ích chiến lược cho cả hai phía. Bài viết phân tích tình hình hợp tác quốc phòng của hai nước từ năm 2014 đến 2022.

 

4. LÊ THỊ HẰNG NGA

Deendayal Upadhyaya với triết lý về Chủ nghĩa nhân văn toàn diện

Tóm tắt: Triết lý chính trị của BJP, được chứa đựng trong Chủ nghĩa nhân văn toàn diện, mang đặc trưng văn hóa Ấn Độ và là kim chỉ nam cho các quyết sách của Chính quyền Narendra Modi. Ngày 11/2/2021, Thủ tướng Narendra Modi, trong khi dâng hương tưởng nhớ Deendayal Upadhyaya nhân dịp 53 năm ngày mất của ông, đã nói: “Sự cam kết của ông ấy trong việc phục vụ người nghèo, người bị thiệt thòi và người dân ở thôn xóm tiếp tục truyền cảm hứng cho chúng ta. Ngày nay, quan điểm của Upadhyaya ji vẫn phù hợp và sẽ tiếp tục phù hợp trong thời gian tới” (News18.com, 2021). Thủ tướng cũng cho rằng, Chính phủ của ông đang nỗ lực làm cho Ấn Độ trở nên tự chủ, tự lực theo tầm nhìn của Deendayal Upadhyaya (Theprint.in, 2021). Bài viết sau đây giới thiệu về Deendayal Upadhyaya và tìm hiểu triết lý của ông về Chủ nghĩa nhân văn toàn diện.

 

5. NGUYỄN THẾ TRUNG

Từ Nữ thần Đậu mùa đến Mẹ Corona: Thực hành tôn giáo giữa đại dịch và những hàm ý đặt ra

Tóm tắt: Ấn Độ là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng số người nhiễm và số ca tử vong vì COVID-19 ở Ấn Độ là do nước này đã tổ chức nhiều lễ hội với sự tham gia của hàng nghìn, thậm chí là hàng triệu người. Người dân Ấn Độ còn đưa “Nữ thần Corona” hay “Mẹ Corona” vào thờ cúng trong nhiều ngôi đền. Điều này dường như đi ngược lại các nguyên tắc phòng tránh dịch bệnh mà Chính phủ Ấn Độ cũng như các quốc gia trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, việc thờ phụng các Nữ thần dịch bệnh, trong đó có Nữ thần Đậu mùa, đã có lịch sử lâu đời và phổ biến trong Hindu giáo. Thông qua việc tìm hiểu tín ngưỡng thờ Nữ thần dịch bệnh trong Hindu giáo, bài viết nhận diện tác động của yếu tố tôn giáo lên các biện pháp phòng chống dịch của chính quyền các nước.

 

6. HUỲNH THỊ LỆ MY

Quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Bangladesh: Thực trạng và triển vọng

Tóm tắt: Là một quốc gia có dân số đông thứ 8 trên thế giới, chiếm phân nửa dân số của khu vực Nam Á, sự ra đời và phát triển của Bangladesh gắn liền cùng quan hệ với các nước láng giềng quan trọng trong khu vực như Ấn Độ, Pakistan... Bởi vậy, việc nghiên cứu Bangladesh dưới các góc độ, nhất là về kinh tế và chính trị, sẽ cho chúng ta cái nhìn tổng thể cũng như vị trí, vai trò, tầm vóc của quốc gia này. Hơn thế nữa, Bangladesh cũng là quốc gia có nhiều nét tương đồng và sớm có mối quan hệ ngoại giao khá gần gũi, thân thiện với Việt Nam. Mối quan hệ hữu nghị truyền thống đang được cả hai bên trận trọng và phát huy, nâng tầm trong thời kỳ mới. Bài viết khắc họa những nét cơ bản về chính trị - kinh tế Bangladesh, và quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Bangladesh, trên cơ sở đó gợi mở những triển vọng phát triển quan hệ khi hai nước đang tiến tới kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao.

 

7. TRẦN THÁI BẢO, NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO

Hợp tác thương mại - đầu tư giữa Philippines và Trung Quốc dưới thời Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo

Tóm tắt: Sau năm 1978, Trung Quốc bắt đầu thực hiện chính sách cải cách, mở cửa, thúc đẩy quan hệ với các nước Đông Nam Á, mà Philippines là một trong những đối tác quan trọng và tiềm năng. Hơn nữa, để thực hiện tham vọng chiến lược nước lớn trong thế kỷ XXI, đòi hỏi Trung Quốc phải đề ra những mục tiêu mạnh mẽ, trong đó lấy kinh tế làm động lực cho mọi hoạt động phát triển. Và Philippines - một quốc gia láng giềng mang nhiều đặc điểm phù hợp với lợi ích của Trung Quốc đã trở thành đối tác quan trọng trong chiến lược trỗi dậy của quốc gia này. Bước sang thế kỷ XXI, quan hệ thương mại song phương giữa Philippines với Trung Quốc ngày càng phát triển về chiều “rộng” cũng như chiều “sâu”, quan hệ hợp tác kinh tế đã duy trì được đà phát triển tốt, quy mô thương mại song phương tiếp tục được mở rộng. Có thể thấy, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước có nhiều tiến triển tích cực trên cả hai lĩnh vực song phương và đa phương. Chính vì vậy, dưới thời Tổng thống Macapagal Arroyo (tháng 1/2001 - tháng 6/2010), quan hệ Philippines - Trung Quốc phát triển một cách toàn diện hơn trước đó.

 

8. NGUYỄN TIẾN DŨNG

Luận về vô thường và con người Phật giáo

Tóm tắt: Phật giáo là một tôn giáo nhưng lại có hệ thống triết lý phức tạp. Vô thường là nguyên lý nền tảng của Phật giáo. Vì vậy, tiếp cận vô thường không chỉ cắt nghĩa được sự đổi thay thế giới và vạn vật mà còn giải mã được số phận và hướng đi lên của con người theo quan niệm Phật giáo. Bài viết đưa ra một số luận bàn về vô thường và con người theo quan điểm Phật học.

 

9. NGUYỄN VĂN PHƯƠNG

Một số vấn đề lý luận về phát triển kinh tế hợp tác xã tại Việt Nam

Tóm tắt: Các chủ thể trong nền kinh tế, đặc biệt là các chủ thể nhỏ lẻ, nếu hoạt động đơn lẻ khi tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh thường bị thiệt thòi, chịu nhiều bất lợi. Chính vì vậy, với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, kinh tế hợp tác xã đã và đang trở thành mô hình hữu hiệu giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các chủ thể kinh tế nhỏ lẻ, đặc biệt là mô hình kinh tế hộ. Nghiên cứu này tổng hợp một số nội dung liên quan đến lý luận về mô hình kinh tế hợp tác xã, vai trò của hợp tác xã trong nền kinh tế, thực trạng phát triển kinh tế hợp tác xã tại Việt Nam trong những năm qua và những khó khăn tồn tại trong phát triển kinh tế hợp tác xã. Nghiên cứu sẽ góp phần vào hệ thống cơ sở lý luận về phát triển kinh tế hợp tác xã trong thời gian tới.

 

10. NGUYỄN THỊ GIANG

Vai trò của người lao động trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam hiện nay

Tóm tắt: Chủ nghĩa Mác - Lênin đánh giá người lao động là một trong những yếu tố quan trọng thuộc lực lượng sản xuất. Việc nghiên cứu và vận dụng những lý luận này vào thực tiễn Việt Nam hiện nay là cần thiết. Trên cơ sở phân tích vai trò của người lao động trong mối quan hệ với các yếu tố khác thuộc lực lượng sản xuất và với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bài viết đưa ra một vài ý kiến về việc nâng cao vai trò của người lao động trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

 

11. NGUYỄN THỊ THÙY DUNG

Hợp tác Việt - Mỹ trong giải quyết hậu quả vấn đề bom, mìn, vật nổ ở Việt Nam (1995-2015)

Tóm tắt: Trong nhiều vấn đề liên quan đến di sản chiến tranh trong quan hệ Việt - Mỹ, thì giải quyết hậu quả bom, mìn, vật nổ còn sót lại là một trong những nội dung then chốt. Hai nước đã sớm tìm được tiếng nói chung và thực hiện nhiều hợp tác song phương để từng bước giải quyết và khắc phục hậu quả bằng các biện pháp cụ thể như rà phá bom, mìn, vật nổ, và hỗ trợ nạn nhân bị ảnh hưởng. Từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao (11/7/1995), với sự phối hợp tích cực trên tinh thần nhân đạo giữa Việt Nam và Mỹ, vấn đề bom, mìn, vật nổ đã đạt một số thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển.

 

 

 

74 lượt xem