- Sách
- Chính trị (99)
- Xã hội học (22)
- Môi trường (5)
- Quan hệ Ngoại giao (75)
- Văn hóa (10)
- Nông nghiệp (1)
- Kinh tế (74)
- Quản lý Thông tin (1)
- Luật (6)
- Du lịch (2)
- Tôn giáo (5)
- Ngôn ngữ (1)
- Giáo dục (2)
- Sức khỏe (2)
- Lịch sử (5)
- Triết học (1)
- Cách mạng Công nghiệp 4.0 (2)
- Phát triển bền vững (2)
- Khoa học Công nghệ (3)
- Tạp chí
- Những vấn đề kinh tế & chính trị thế giới (28)
- Châu Mỹ ngày nay (27)
- Nghiên cứu Châu Âu (25)
- Nghiên cứu Ấn Độ & Châu Á (26)
- Nghiên cứu Trung Quốc (25)
- Nghiên cứu Đông Nam Á (30)
- Nghiên cứu Đông Bắc Á (28)
- Nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông (24)
- Tài liệu
Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, số 8 năm 2022
Tác giả:
Thông tin NXB:
Số trang : 0
Loại sách: Tạp chí
1. ĐỖ KHƯƠNG MẠNH LINH
Những điều chỉnh trong chiến lược Nam Á của Ấn Độ và tác động đến trật tự khu vực
Tóm tắt: Chiến lược Nam Á của Ấn Độ đã có những chuyển biến đáng kể trong những năm gần đây, chủ yếu thể hiện ở việc Ấn Độ tái quan tâm đến các cấu trúc đa phương khu vực như Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC), xây dựng hình ảnh của một chủ thể cung cấp an ninh, tích cực cung cấp “dịch vụ công” cho khu vực, cũng như tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Nguyên nhân chính là sự cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở khu vực Nam Á ngày càng tăng, các lợi ích chiến lược mở rộng của Mỹ và Ấn Độ trong khu vực, cũng như việc Ấn Độ tăng cường điều chỉnh quan hệ với các nước láng giềng. Sự điều chỉnh này có thể mang lại nhiều lựa chọn hơn cho các quốc gia khác ở Nam Á ít nhất trong ngắn hạn, nhưng có thể khiến các nước này đối mặt với việc chọn bên cũng như suy yếu sự tự chủ chiến lược trong dài hạn.
2. ĐẶNG THU THỦY
Dự báo thương mại nông sản quốc tế và nhu cầu nhập khẩu nông sản của Ấn Độ trong thập niên tới
Tóm tắt: Thương mại nông sản đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế của mỗi quốc gia như tăng trưởng kinh tế, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và mức sống thực tế cho các tầng lớp dân cư, giúp hội nhập sâu rộng vào hoạt động kinh tế quốc tế và tăng cường quan hệ đối ngoại với các nước trên thế giới. Bài nghiên cứu sẽ dự báo tình hình thương mại nông sản quốc tế và nhu cầu nhập khẩu nông sản của Ấn Độ để giúp các quốc gia khác hiểu rõ về thị trường nông sản Ấn Độ cũng như mở ra cơ hội thâm nhập sâu rộng vào thị trường
tiềm năng này trong tương lai.
3. NGUYỄN THU TRANG
Thúc đẩy xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ: Phân tích trường hợp cá basa
Tóm tắt: Với nhu cầu đa dạng hóa thị trường nhằm tránh tập trung vào một đối tác tiềm ẩn nhiều rủi ro, tìm kiếm thị trường mới cho thuỷ sản Việt Nam là nhu cầu cấp thiết hiện nay. Ấn Độ được đánh giá là một thị trường rất tiềm năng. Tuy nhiên, việc xác định tiềm năng không đi kèm với những biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ từ hai phía. Thông qua các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa các doanh nghiệp song phương, hai bên đã đề xuất một số giải pháp thiết thực, song chưa có cơ chế cụ thể từ phía Chính phủ hai nước để tạo điều kiện thực hiện. Nghiên cứu nhằm tìm hiểu tình hình xuất khẩu hàng thủy sản Việt Nam, cụ thể là cá basa, sang thị trường Ấn Độ.
4. NGUYỄN THỊ OANH, VÕ MINH HÙNG
Tìm hiểu Văn hóa chiến lược của Ấn Độ
Tóm tắt: Cuộc tranh luận về văn hóa chiến lược của Ấn Độ bắt đầu từ tác phẩm “Indian Strategic Thought: An Interpretive Essay” của George Tanham (1992) với nhận định rằng, Ân Độ thiếu văn hóa chiến lược và yếu về tư duy chiến lược; do đó, các chính sách của Ấn Độ chủ yếu là sự phản ứng hơn là phản ánh (văn hóa quốc gia). Và sự phản ứng đó thường không đủ mạnh đối với các thách thức chiến lược và các vấn đề quan trọng trong chính trị quốc tế. Ngược lại, những nghiên cứu gần đây lại chỉ ra rằng, văn hóa chiến lược Ấn Độ tồn tại cùng với các tư duy chiến lược và hành vi chiến lược của Ấn Độ theo một dòng chảy lịch sử. Bài viết tập trung làm rõ: khái niệm văn hóa chiến lược; quan điểm của Ấn Độ về văn hóa chiến lược; và khái quát thực tiễn văn hóa chiến lược Ấn Độ thời kỳ hiện đại.
5. HUỲNH THANH LOAN
Ngoại giao Phật giáo dưới thời Thủ tướng Modi
Tóm tắt: Một trong số những khía cạnh mới trong chính sách đối ngoại của Thủ tướng Narendra Modi là cam kết của ông đối với “ngoại giao Phật giáo”. Mặc dù sự kế thừa nền triết học và tôn giáo Ấn Độ không phải ít xuất hiện trong bài phát biểu của các Thủ tướng Ấn Độ trước đây, nhưng sự tận tâm của Thủ tướng Modi đối với chính sách ngoại giao Phật giáo khiến ông khác biệt với những người tiền nhiệm. Việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa Ấn Độ với các quốc gia châu Á khác trên cơ sở ngoại giao tôn giáo đã được đưa vào các mục tiêu chính sách lớn hơn của Chính phủ, cụ thể là chính sách “Láng giềng trước tiên” và “Hành động phía Đông”. Do đó, việc hiểu rõ về ngoại giao Phật giáo của Thủ tướng Modi cũng là một phần quan trọng để đánh giá đa chiều hơn về chính sách ngoại giao của Ấn Độ. Với mục đích đó, bài viết đi sâu tìm hiểu các yếu tố, thành phần và các hoạt động triển khai ngoại giao Phật giáo trong chính sách của Thủ tướng Modi.
6. LÊ THỊ HẰNG NGA
Swami Vivekananda: Những nguồn ảnh hưởng chính
Tóm tắt: Cuộc đời và sự nghiệp của Swami Vivekananda đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử văn minh Ấn Độ. Thực sự, đó là một sự thay đổi về mô hình mang tính lịch sử - từ chủ nghĩa hiện đại phương Tây sang chủ nghĩa cổ điển Ấn Độ. Thông qua Swami Vivekananda, những lý tưởng cổ xưa và giá trị cốt lõi của nền văn minh Ấn Độ được hồi sinh trong thời hiện đại. Swami chính là một “Ấn Độ thu nhỏ” và những ý tưởng sâu sắc của Ngài về các khía cạnh đa dạng của nền văn minh Ấn Độ tiếp tục được bộc lộ trong dòng chảy của đời sống dân tộc. Bài viết sau đây phân tích những nguồn ảnh hưởng chính đến nhân cách và cuộc đời Swami Vivekananda.
7. NGUYỄN ĐẮC HƯNG, NGUYỄN VĂN HƯỞNG
Kiểm soát rủi ro chứng khoán phái sinh: Kinh nghiệm từ Nhật Bản
Tóm tắt: Trong nền kinh tế hiện đại, vốn đầu tư cho tăng trưởng GDP chủ yếu là nguồn từ thị trường tài chính thông qua các chủ thể và các kênh khác nhau, các nghiệp vụ đâu tư cụ thể trên các dạng thị trường khác nhau. Tuy nhiên, trong điều kiện Việt Nam hiện nay, mặc dù thị trường chứng khoán đang trên đà phát triển, nhưng còn có những khoảng cách nhất định so với cộng đồng tài chính quốc tế; đặc biệt, lĩnh vực kiểm soát rủi ro chứng khoán phái sinh còn nhiều hạn chế. Việc nghiên cứu kinh nghiệm của Nhật Bản trong kiểm soát rủi ro chứng khoán phái sinh sẽ giúp Việt Nam rút ra những bài học giá trị nhằm phát triển bền vững thị trường chứng khoán. Kết quả nghiên cứu cho thấy, Nhật Bản đã xây dựng cơ sở pháp lý đồng bộ và chặt chẽ, đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, tổ chức giám sát các khâu nghiệp vụ thường xuyên và hiệu quả trong các giao dịch chứng khoán phái sinh, nhờ vậy đã hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro chứng khoán phái sinh, phát triển ổn định, bền vững thị trường chứng khoán. Đây là những tham khảo tích cực cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
8. NGUYỄN THỊ THANH HOA
Xây dựng thương hiệu quốc gia thông qua văn hóa đại chúng: Nghiên cứu trường hợp của Nhật Bản và Hàn Quốc
Tóm tắt: Bước sang thế kỷ XXI, trong làn sóng toàn cầu hóa, rất nhiều quốc gia châu Á đã nỗ lực tìm kiếm những cách thức mới để phát triển bền vững. Để làm được điều này, một cách thức mới đã được thiết lập: xây dựng thương hiệu quốc gia thông qua văn hóa đại chúng. Với mục đích tìm hiểu về hiệu quả của chiến lược này, tác giả đã sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp và phương pháp lịch sử để làm rõ mối quan hệ giữa văn hóa đại chúng với sự phát triển bền vững của Hàn Quốc và Nhật Bản. Qua đó, tác giả nhận thấy hai chiến dịch điển hình “Nhật Bản thú vị” (Cool Japan) của Nhật Bản và “Làn sóng Hàn Quốc” (Korean wave) của Hàn Quốc trong ngoại giao văn hóa đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc kết nối quảng bá quyền lực mềm và đem lại những lợi ích kinh tế đột phá cho hai quốc gia này. Từ đó, bài viết đề xuất gợi ý để phát huy tiềm năng về văn hóa đại chúng cho Việt Nam.
9. CHU THỊ THANH TÂM
Vai trò của tổ chức Công đoàn trong phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay
Tóm tắt: Trong những năm qua, với sự phát triển của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vai trò của tổ chức Công đoàn ngày càng mở rộng và được khẳng định. Công đoàn đã có mặt trong tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Mọi hoạt động của Công đoàn gắn liền với đời sống kinh tế - xã hội. Công đoàn vận động công nhân, viên chức, người lao động thi đua sản xuất, công tác, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế, nâng cao đời sống người lao động, làm giàu cho đơn vị và đất nước. Trong phạm vi bài viết, tác giả nghiên cứu làm rõ vị trí, vai trò và đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay.
10. NGUYỄN THỊ THANH TÂM, PHẠM HOÀNG PHƯỚC
Hoạt động văn hóa cộng đồng của người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”
Tóm tắt: Bài viết sử dụng một phần kết quả nghiên cứu của đề tài “Xây dựng văn hóa cộng đồng cư dân độ thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”. Nghiên cứu khảo sát 1.500 người dân ở độ tuổi từ 18-75 tại 5 địa bàn thuộc Thành phố Hồ Chí Minh gồm: Thành phố Thủ Đức, Quận 5, Quận 10, Quận Bình Thạnh và Quận Tân Phú để tìm hiểu nhận thức, sự hiểu biết và đánh giá của người dân về hiệu quả của các hoạt động văn hóa cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh mà cụ thể là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Kết quả nghiên cứu cho thấy, người dân tham gia khảo sát có sự hiểu biết khả rõ về các hoạt động phong trào tại địa phương và đánh giá khá cao về hiệu quả của phong trào.