Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, số 1 năm 2021

Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, số 1 năm 2021

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

 

CHÂU PHI - TRUNG ĐÔNG

1. NGUYỄN HẢI LƯU

Các nhân tố chính tác động đến tiến trình giải quyết xung đột Israel- Palestine và triển vọng

Tóm tắt: Hơn bảy thập kỷ qua, cuộc xung đột Israel-Palestine đã trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, tác động không nhỏ đến hoà bình, ổn định ở khu vực Trung Đông cũng như lợi ích của mỗi bên. Mặc dù các tổ chức quốc tế và nhiều nước lớn đã có nhiều nỗ lực, đề xuất nhằm giúp Israel và Palestine thu hẹp khác biệt, xúc tiến thương lượng và đàm phán hòa bình nhằm tìm kiếm giải pháp lâu dài, bền vững để chấm dứt xung đột, đáp ứng quyền và lợi ích chính đáng của mỗi bên. Tuy nhiên đến nay, tiến trình này vẫn lâm vào bế tắc kéo dài do nhiều nhân tố chủ quan và khách quan khác nhau, nhất là những thành tố cốt lõi rất khó dung hòa như quy chế Jerusalem, biên giới lãnh thổ, chủ quyền của Palestine và vấn đề bảo đảm an ninh cho Israel, các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây, quyền trở về của người tị nạn Palestine cũng như tình hình nội bộ của mỗi bên và yếu tố can dự, ảnh hưởng của các nước lớn. Trên cơ sở đó, bài viết này sẽ tập trung phân tích một số nỗ lực, đề xuất đáng chú ý của cộng đồng quốc tế thời gian qua, đánh giá những nhân tố chính tác động đến tiến trình giải quyết xung đột Israel-Palestin và dự báo triển vọng thời gian tới.

 

2. PHẠM KIM HUẾ

Đại dịch Covid-19: Một số tác động đến kinh tế xã hội của khu vực Trung Đông

Tóm tắt: Đại dịch Covid-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp trên thế giới, tính đến ngày 30 tháng 11 năm 2020, 218 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới ghi nhận trường hợp mắc Covid-19, với tổng số trên 63 triệu người; hơn 1,4 triệu người tử vong, hơn 41 triệu người khỏi bệnh. Trung Đông vốn là khu vực “nóng” của thế giới, cũng đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Đại dịch Covid-19, trong đó Iran là nước có trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên ở khu vực và hiện đang chịu những hệ lụy nghiêm trọng. Tác động của đại dịch Covid-19 cộng thêm giá dầu giảm mạnh khiến nền kinh tế trong khu vực đối mặt với nguy cơ khủng hoảng kinh tế - xã hội tồi tệ nhất khi tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sâu, thâm hụt ngân sách, tỷ lệ nợ công tăng và số người thất nghiệp gia tăng, tái nghèo và khủng hoảng nhân đạo...Tất cả các tác động đã được tìm hiểu và đánh giá trong bài viết sau đây.

 

3. PHẠM THÀNH CÔNG

Ảnh hưởng của Covid-19 đến thương mại và chuỗi giá trị ở Châu Phi

Tóm tắt: Đại dịch Covid 19 vẫn đang tiếp diễn và ảnh hưởng không chỉ các vấn đề xã hội mà còn tác động tới kinh tế toàn cầu, đặc biệt là hoạt động thương mại. Theo báo cáo của Tổ chức thương mại thế giới đã phân tích thương mại toàn cầu giảm mạnh từ 13% đến 32% ở mọi khu vực và mọi lĩnh vực vào năm 2020. Ở châu Phi, khối lượng thương mại được dự báo sẽ giảm 8% đối với xuất khẩu và khoảng 16% đối với nhập khẩu vào năm 2020. Bài viết sau đây sẽ phân tích và đánh giá hoạt động thương mại và chuỗi giá trị của châu Phi trước đại dịch Covid-19.

 

4. NGUYỄN TRỌNG TUẤN ANH

Vai trò của ngân hàng phát triển Châu Phi

Tóm tắt: Nhóm Ngân hàng Phát triển Châu Phi (AfDB) là một trong năm ngân hàng phát triển đa phương chính yếu trên thế giới. Từ khi được thành lập đến nay AfDB xây dựng các chiến lược ưu tiên cho việc tăng trưởng của châu Phi đầu tư, cho các dự án chống đói nghèo, xây dựng phát triển, cải thiện cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện sống, công nghiệp hoá, tăng cường hội nhập và huy động nguồn lực cho sự tiến bộ kinh tế và xã hội của các quốc gia thành viên ở châu Phi. Như việc AfDB cam kết đầu tư 4.4 tỷ USD vào các dự án phát triển hạ tầng tại khu vực Trung Phi trong vòng bảy năm tới. Thông qua việc thúc đẩy đầu tư vốn công và tư nhân vào các dự án và chương trình có khả năng đóng góp cho sự phát triển kinh tế và xã hội của khu vực cho các nước Châu Phi. Nội dung bài viết dưới đây sẽ phần nào nêu rõ hơn về vai trò của AfDB đối với công cuộc xoá đói giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống và thúc đẩy phát triển ở lục địa này.

 

CÁC VẤN ĐỀ QUỐC TẾ

5. NGUYỄN HỒNG QUÂN

Triển vọng khai thác Băng cháy của Trung Quốc ở Biển Đông

Tóm tắt: Băng cháy là năng lượng có thể mang lại nhiều hi vọng giải quyết an ninh năng lượng trên thế giới. Trung Quốc đã làm chủ được công nghệ khai thác băng cháy, củng cố quyết tâm khai thác thương mại từ băng cháy trên Biển Đông vào năm 2030. Khi đó, việc khai thác băng cháy của Trung Quốc sẽ làm bùng lên tranh chấp ở khu vực phía nam Biển Đông bởi các quốc gia ven biển sẽ kiên quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của mình. Cho nên, việc Trung Quốc khai thác băng cháy ở Biển Đông có thể mang lại nhiều hệ lụy.

 

VIỆT NAM

6. HOÀNG THU MINH

Thị trường nông sản ở Trung Đông và hàm ý với Việt Nam

Tóm tắt: Trung Đông gồm 16 quốc gia với dân số trên 400 triệu người là một thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhưng vẫn còn xa lạ với nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam. Khu vực Trung Đông có sức mua lớn, khả năng thanh toán cao, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của khu vực này cũng phù hợp với những mặt hàng nông sản là thế mạnh của Việt Nam. Do đó, đây là thị trường rất tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt Nam nếu có chiến lược tiếp cận đúng đắn. Nhưng làm thế nào để chinh phục được thị trường đầy tiềm năng này khi mà doanh nghiệp Việt Nam đang vấp phải rất nhiều khó khăn về khoảng cách địa lý, chất lượng nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu của chính phủ các nước, rào cản về thuế ... và nhà nước cần hỗ trợ những gì để tháo gỡ những khó khăn này cho doanh nghiệp?

 

 

70 lượt xem