Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, số 5 năm 2022

Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, số 5 năm 2022

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

1. KIỀU THANH NGA

Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Vương quốc Morocco: Cơ hội hợp tác của Việt Nam

Tóm tắt: Ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi (MENA), nhiều quốc gia đã phát huy lợi thế và tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo, giảm dần phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ dầu mỏ hoặc nguồn năng lượng nhập khẩu nhằm phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, trong đó có các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Morocco. Mỗi nước, dựa trên lợi thế, vai trò và nhu cầu phát triển để xây dựng chiến lược, chính sách và phương thức phát triển năng lượng tái tạo của quốc gia mình. Mặc dù UAE là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn trong khu vực, trong khi Morocco lại là quốc gia phải nhập khẩu năng lượng với số lượng lớn, nhưng cả hai đều ưu tiên và thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo với các mục tiêu tham vọng và đang là những quốc gia dẫn đầu khu vực về phát triển năng lượng tái tạo. Bài viết nghiên cứu về chiến lược phát triển năng lượng tải tạo của UAE và Morocco, từ đó gợi mở những cơ hội cho Việt Nam trong hợp tác phát triển năng lượng tái tạo với hai quốc gia này.

 

2. VŨ THỊ THANH

Giáo dục Islam giáo và thách thức: Từ góc nhìn lịch sử, chính trị, văn hoá - xã hội

Tóm tắt: Khi nói về giáo dục Islam giáo, người ta thường quan tâm nhiều đến các yếu tố như: lịch sử, chính trị và văn hóa- xã hội. Giáo dục Islam giáo gắn liền với sự phát triển lớn mạnh của quốc gia và quốc tế. Giáo dục Islam giáo cũng giống như các tổ chức khác trong thế giới Islam giáo, phải đối mặt với những thách thức về phát triển, hiện đại hóa và toàn cầu hóa. Không chỉ có những thách thức bên ngoài mà giáo dục Islam giáo phải đối mặt cả với những thách thức mà chỉnh hệ thống giáo dục này mang lại cho các cộng đồng và xã hội trong thế giới Islam giáo. Những thách thức đó phụ thuộc vào từng vấn đề trong hệ thống giáo dục như: quá trình đào tạo và giảng dạy, nỗ lực cải cách giáo dục của các học giả Islam giáo, sự hiện đại hóa, chính trị hóa và quân sự hóa giáo dục Islam giáo. Tuy nhiên, việc giải quyết những thách thức này đòi hỏi phải có sự nỗ lực liên tục. Hàng loạt chiến lược phải được xây dựng và thường xuyên cải tiến. Thông qua đó, giáo dục Islam giáo có thể trở thành nỗ lực hàng đầu vì mục đích sống hài hòa và an toàn cho nhân loại, bất kể định hướng dân tộc và tôn giáo nào cũng có thể đạt được sự cân bằng giáo dục giữa truyền thống và giác ngộ.

 

3. HỒ DIỆU HUYỀN

Đảm bảo an toàn giao thông đường bộ tại châu Phi: Thách thức và giải pháp

Tóm tắt: Châu Phi là một trong những khu vực có tỷ lệ tử vong do tai nạn đường bộ bình quân đầu người cao nhất thế giới, vượt qua cả số ca tử vong do sốt rét trong khu vực. Nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này, chính phủ một số nước châu Phi đã xây dựng nhiều biện pháp, chính sách và bước đầu đã đem lại một số kết quả khả quan. Với bài viết này, tác giả sẽ tập trung phân tích những thách thức đối với an toàn đường bộ mà châu Phi đang phải đối mặt hiện nay, qua đó tìm hiểu về những biện pháp đảm bảo an toàn đường bộ đang được các nước trong khu vực áp dụng và hiệu quả của nó đối với việc cải thiện tình trạng tai nạn giao thông tại đây.

 

4. NGUYỄN HỒNG QUÂN

Phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong trạng thái bình thường mới tại tỉnh Quảng Ninh

Tóm tắt: Quảng Ninh đề ra các mục tiêu phát triển để trở thành một trong các trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, là cửa ngõ, động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gắn với hệ thống cảng biển nước sâu. Bài viết nêu khái quát chủ trương, thực trạng sử dụng các nguồn tài nguyên biển để phát triển kinh tế biển của tỉnh, cũng như một số hàm ý về phát triển kinh tể biển, gắn với quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Quảng Ninh.

 

5. NGUYỄN THỊ QUỲNH HƯƠNG

Đánh giá tác động của FDI ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thông qua mô hình ước lượng

Tóm tắt: Công nghiệp chế biến chế tạo hiện đang là ngành có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế nhờ thu hút phần lớn FDI và đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả thu hút FDI vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo cho đến nay vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự phát huy được hết tiềm năng của ngành. Trên cơ sở các số liệu thống kê, tác giả phân tích thực trạng thu hút FDI vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo và đánh giá tác động của FDI ngành công nghiệp chế biến chế tạo đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam hiện nay. Từ đó đưa ra những giải pháp góp phần đẩy mạnh việc thu hút FDI vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo nhằm gia tăng sự đóng góp vào tăng tưởng kinh tế.

 

6. LÊ THANH HUYỀN

Hoạt động cho vay tại chi nhánh Agribank Lục Nam – Bắc Giang: Thành quả và hạn chế

Tóm tắt: Agribank chi nhánh huyện Lục Nam, Bắc Giang xác định: Nông thôn là thị trường, nông nghiệp là đối tượng cho vay, nông dân là khách hàng chủ yếu”. Vì vậy, mục tiêu của chính sách cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn của Agribank chi nhánh huyện Lục Nam, Bắc Giang là tiếp tục giữ vững vị trí, thị phần trong vai trò cung cấp cho vay phục vụ đầu tư phát triển nông nghiệp – nông thôn, phù hợp với chính sách, mục tiêu của Đảng, Nhà nước; mở rộng hoạt động, áp dụng công nghệ tin học hiện đại, cung cấp các dịch vụ tiện ích và không ngừng phát triển thương hiệu, nâng cao uy tín trên thị trường, nhanh chóng thích ứng trong quá trình hội nhập kinh tế.

 

 

 

69 lượt xem