Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, số 6 năm 2021

Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, số 6 năm 2021

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

1. NGUYỄN THU HẠNH

Nhìn lại vai trò của Ai Cập trong tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine giai đoạn 1919 đến 5

Tóm tắt: Khởi đầu là một trong những quốc gia chống lại sự ra đời của nhà nước Do Thái ở Trung Đông và thường xuyên trong tình trạng chiến tranh với Israel, nhưng trong vài thập niên trở lại đây, Ai Cập lại đang trở thành yếu tố tích cực thúc đẩy tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine. Quốc gia này đã nhiều lần làm trung gian hòa giải (mediator) giữa Israel và Palestine để chấm dứt leo thang xung đột. Vậy đâu là nguyên nhân thúc đẩy chính quyền Ai Cập tham gia tích cực vào tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine? Vai trò cụ thể của Ai Cập trong tiến trình này là gì? Trong khuôn khổ của bài viết này, tác giả sẽ tập trung làm rõ những câu hỏi nghiên cứu vừa nêu đồng thời đưa ra những đánh giá về triển vọng và thách thức của Ai Cập trong tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu Việt Nam.

 

2. HOÀNG THU MINH

Đầu tư nước ngoài vào châu Phi những năm gần đây

Tóm tắt: Đại dịch Covid 19 đang diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng nặng nề tới các nền kinh tế trên thế giới, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu vực có xu hướng giảm. Theo UNCTAD (2018 ) thống kê, châu Phi chưa bao giờ là nơi nhận nhiều dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) do đó bị tụt hậu so với các khu vực khác trên thế giới. FDI vào châu Phi đã giảm 16% xuống chỉ còn 40 tỷ USD trong năm 2020, trong cảnh các thách thức kinh tế và y tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đè nặng lên dòng vốn đầu tư chạy vào châu lục này. Do đó, Quỹ tiền tệ quốc tế đã kêu gọi các nước và các nhà đầu tư tăng cường đầu tư vào khu vực này nhằm giúp các quốc gia châu Phi phục hồi nền kinh tế sau đại dịch. Bài viết sẽ phân tích thực trạng thu hút đầu tư nước ngoài vào châu Phi và đề xuất những giải pháp nhằm tăng cường thu hút vốn vào châu lục này.

 

3. TRẦN HỮU ĐỒNG

Vai trò của WTO, WB và IMF đối với sự phát triển các quốc gia Châu Phi

Tóm tắt: Các tổ chức kinh tế quốc tế được thành lập với sứ mạng hỗ trợ và tài trợ cho các quốc gia, nhất là các quốc gia chậm và đang phát triển. Vai trò quan trọng của các tổ chức này được ghi nhận trong thúc đẩy các quốc gia cải cách, đổi mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tư nhân hoá để đáp ứng các điều kiện nhận tài trợ. Do vậy, các tổ chức kinh tế quốc tế đã có nhiều đóng góp cho các quốc gia chậm và đang phát triển, trong đó hầu hết đang rất cần nguồn lực tài chính để tái thiết và phát triển đất nước. Mặt khác, sự can thiệp song hành với các điều kiện tài trợ đã có tác động tiêu cực đến sự phát triển của một số quốc gia xét trên các phương diện phát triển bền vững và bao trùm. Bài viết dựa trên nghiên cứu, tổng quan các nghiên cứu về tác động tích cực và tiêu cực của các tổ chức kinh tế chính, bao gồm WTO, WB và IMF, đối với sự phát triển của một số quốc gia châu Phi. Trên cơ sở đó đưa ra một số nhận định và bài học kinh nghiệm về tiếp cận và tiếp nhận các tài trợ từ các tổ chức kinh tế quốc tế.

 

4. NGUYỄN THỊ HUẾ

Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động logistics tại Việt Nam

Tóm tắt: Hoạt động logistics bao gồm rất nhiều hình thức đa dạng, hoạt động xuyên suốt quá trình sản xuất, phân phối lưu thông hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế. Đây là một công cụ hữu hiệu hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thương trường. Với vai trò và tác dụng to lớn gắn liền với tất cả các hoạt động kinh doanh, hoạt động logistics ngày càng có ảnh hưởng mạnh mẽ và phát triển không ngừng, được các doanh nghiệp coi như một loại vũ khí cạnh tranh cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình để đạt được kết quả cao trong kinh doanh. Tác giả bài viết tập trung phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động logistics tại Việt Nam trong thời gian qua, từ đó đưa ra một gợi ý để phát triển hoạt động logistics tại Việt Nam trong thời gian tới.

 

5. LÊ QUANG THẮNG

Tiếp cận nước sạch và vệ sinh môi trường ở Cộng hòa Nam Phi

Tóm tắt: Nước sạch là tài nguyên quý giá, nhưng không phải là vô tận. Nó cũng không thể thiếu trong đời sống của con người từ ăn uống, tắm rửa, giặt giũ, vệ sinh,... Nam Phi là đất nước khô hạn và khan hiếm nước nhất trên thế giới với lượng mưa trung bình hàng năm là 450 mm, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới (850 mm). Nguồn nước ngầm của Nam Phi cũng rất hạn chế, chỉ chiếm 20% so với mặt nước nổi. Hầu hết các đô thị và khu công nghiệp ở xa các con sông lớn. Vì thế, nhu cầu sử dụng nước là rất lớn trong khi khả năng tiếp cận nguồn nước ở các đô thị và khu công nghiệp còn hạn chế. Bài viết tìm hiểu về thực trạng tiếp cận nước sạch và vệ sinh môi trường ở Cộng hòa Nam Phi và những nỗ lực của chính phủ Nam Phi trong giải quyết vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường.

 

6. LÊ BÍCH NGỌC

Phong tục và tập quán của người Zulu ở Nam Phi

Tóm tắt: Văn hóa truyền thống của một quốc gia là hệ thống giá trị vật chất và tinh thần được kết tinh từ tất cả những gì tốt đẹp nhất được chắt lọc qua nhiều thời kỳ lịch sử để tạo nên bản sắc riêng của dân tộc, đồng thời nó cũng được hình thành nên từ những nét văn hóa riêng và độc đáo của các tộc người sinh sống trên lãnh thổ quốc gia đó. Mỗi nét văn hóa của mỗi tộc người sẽ góp phần tạo nên giá trị văn hóa chung cho quốc gia và nó cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống của quốc gia đó. Hơn nữa, mỗi tộc người đều có cách để bảo vệ văn hóa truyền thống của mình và điều này cũng góp phần bảo vệ văn hóa truyền thống của quốc gia. Nam Phi là một quốc gia đa dân tộc còn được gọi là “quốc gia cầu vồng”. Mỗi tộc người sinh sống trên lãnh thổ của Nam Phi đều tự hào về truyền thống và niềm tin tôn giáo của mình. Quá trình đô thị hóa và Tây phương hóa diễn ra nhanh chóng đã khiến cho nhiều nét văn hóa truyền thống trở nên mai một nhưng văn hóa của các tộc người da đen, điển hình là tộc người Zulu đã góp phần đáng kể trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống của Nam Phi. Phong tục, tập quán của người Zulu rất đa dạng, trong bài viết này, tác giả chỉ đề cập tới một số phong tục, tập quán tiêu biểu của họ như: Nghi lễ trưởng thành; nghi lễ kiểm tra trinh tiết; nghi lễ cưới xin; nghi lễ ma chay và trang phục.

 

7. HỒ DIỆU HUYỀN

Sự kiện nổi bật trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Phi Trung Đông 6 tháng đầu năm 2021

Tóm tắt: Trong 6 tháng đầu năm 2021, đã có nhiều sự kiện nổi bật trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Phi - Trung Đông trên tất cả các mặt kinh tế - chinh trị - văn hóa - xã hội. Một số vấn đề nổi bật trong giai đoạn này có thể kể đến như: tăng cường thể hiện tiếng nói, lập trường ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế; ngoại giao y tế; các hoạt động kỷ niệm năm tròn, năm lẻ năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, và một số hoạt động khác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, giáo dục, thể thao, quốc phòng. an ninh... Trên cơ sở tổng hợp, phân tích tài liệu thứ cấp từ nhiều nguồn uy tín, đảng tin cậy như: Bộ Ngoại giao, Thông tấn xã Việt Nam... bài viết tập trung mô tả khái quát bức tranh toàn cảnh về một số vấn đề nổi bật trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia châu Phi - Trung Đông trong 6 tháng đầu năm 2021, từ đó đưa ra những định hướng phát triển, triển vọng hợp tác phù hợp với Việt Nam trong thời gian tới.

 

8. NGUYỄN TRỌNG TUẤN ANH

Một số điểm nổi bật trong hợp tác quốc tế của Trung Đông 6 tháng đầu năm 2021

Tóm tắt: Bài viết đã nêu ra những điểm nổi bật trong hợp tác quốc tế của Trung Đông 6 tháng đầu năm 2021 với các nội dung chính: Phần 1: Hợp tác giữa Nga và Trung Đông; Phần 2: Hợp tác giữa Trung Quốc và Trung Đông; Phần 3: Quan hệ hợp tác trong khu vực của các quốc gia Trung Đông và cuối cùng là một số hợp tác khác.

 

96 lượt xem