- Sách
- Chính trị (99)
- Xã hội học (22)
- Môi trường (5)
- Quan hệ Ngoại giao (75)
- Văn hóa (10)
- Nông nghiệp (1)
- Kinh tế (74)
- Quản lý Thông tin (1)
- Luật (6)
- Du lịch (2)
- Tôn giáo (5)
- Ngôn ngữ (1)
- Giáo dục (2)
- Sức khỏe (2)
- Lịch sử (5)
- Triết học (1)
- Cách mạng Công nghiệp 4.0 (2)
- Phát triển bền vững (2)
- Khoa học Công nghệ (3)
- Tạp chí
- Những vấn đề kinh tế & chính trị thế giới (28)
- Châu Mỹ ngày nay (27)
- Nghiên cứu Châu Âu (25)
- Nghiên cứu Ấn Độ & Châu Á (26)
- Nghiên cứu Trung Quốc (25)
- Nghiên cứu Đông Nam Á (30)
- Nghiên cứu Đông Bắc Á (28)
- Nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông (24)
- Tài liệu
Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 1 năm 2022
Tác giả:
Thông tin NXB:
Số trang : 0
Loại sách: Tạp chí
1. DƯƠNG VĂN HUY
Đánh giá về cục diện chính trị - an ninh Đông Nam Á năm 2021 và triển vọng năm 2022
Tóm tắt: Mục đích của bài viết là khắc họa lại cục diện chính trị - an ninh Đông Nam Á năm 2021 và đánh giá triển vọng của tình hình khu vực năm 2022. Bài viết cho rằng, mặc dù bức tranh khu vực Đông Nam Á năm 2021 có nhiều điểm sáng sủa hơn năm 2020, song cũng là một năm mà ASEAN và các quốc gia trong khu vực tiếp tục đối diện với những thách thức lớn từ sự bùng phát các đợt dịch COVID-19 mới ngày càng mạnh mẽ hơn, cũng như các thách thức về mặt chính trị- an ninh mà khu vực phải đối diện cũng không hề nhỏ. Bên cạnh đó, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn năm 2021 không hề thuyên giảm so với năm 2020, thậm chí còn có phần quyết liệt và toàn diện hơn. Tình hình Biển Đông năm 2021 vẫn căng thẳng, trong khi đó tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) chưa có tiến triển. Hơn nữa, khu vực này cũng đối diện với vấn đề mới nổi, đó là khủng hoảng chính trị của Myanmar từ đầu năm 2021. Bên cạnh đó, bài viết cho rằng, tuy cục diện Đông Nam Á năm 2021 còn nhiều vùng xám song có những biểu hiện cho thấy cục diện khu vực năm 2022 có xu hướng sáng sủa hơn, nhất là về mặt chính trị - an ninh, cũng như việc nối lại đàm phán COC. Tuy nhiên, những thách thức mà các nước trong khu vực đang phải đối diện trong năm 2021 vẫn tiếp tục kéo dài đến năm 2022.
2. NGUYỄN TUẤN ANH, TRƯƠNG DUY HÒA, NGUYỄN HÀ PHƯƠNG
Kinh tế khu vực Đông Nam Á năm 2021 và triển vọng năm 2022
Tóm tắt: Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của các biến thể mới, quá trình phục hồi kinh tế của khu vực Đông Nam Á trong năm 2021 đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ, nhất là từ quý III. Tăng trưởng kinh tế giữa các quốc gia trong khu vực diễn ra không đồng đều, trong đó các nền kinh tế có mức tăng trưởng cao hơn nhờ vào việc sớm đẩy mạnh bao phủ vaccine để triển khai các chính sách phục hồi kinh tế như trường hợp của Singapore, Philippines, Indonesia. Kinh tế khu vực trong năm cũng được hỗ trợ mạnh mẽ bởi nhu cầu tiêu dùng phục hồi, tăng trưởng mạnh trong xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ổn định kinh tế vĩ mô của hầu hết các nền kinh tế vẫn được kiểm soát mặc dù rủi ro lạm phát có xu hướng tăng lên do tác động của việc tăng giá lương thực và nhiên liệu toàn cầu. Triển vọng kinh tế khu vực Đông Nam Á trong năm 2022 sẽ phục hồi nhanh hơn năm 2021, song khu vực vẫn đối mặt với một loạt rủi ro và thách thức khó lường, đặc biệt là tình hình đại dịch COVID-19 và căng thẳng địa chính trị gia tăng.
3. CÙ CHÍ LỢI
Xu hướng trong quan hệ của Mỹ với Đông Nam Á dưới thời Tổng thống Joe Biden
Tóm tắt: Lên nắm quyền trong bối cảnh đất nước bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, các nỗ lực quản lý đất nước của Biden vẫn chủ yếu tập trung vào kiểm soát đại dịch và từng bước phục hồi nền kinh tế. Một số hoạt động ngoại giao đã được chính quyền Biden triển khai nhưng mới chỉ là những bước khởi động mang tính thăm dò và ổn định tình hình, như thượng đỉnh Biden - Putin, cấp cao Mỹ - Trung, và một số cuộc họp 2+2 với một số đối tác chính. Trong bối cảnh này, khu vực Đông Nam Á đã giành được sự ưu tiên đặc biệt của chính quyền Biden khi Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã tới thăm một số nước trong khu vực. Các chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Austin, và một số cuộc họp, trao đổi trực tuyến của Bộ trưởng ngoại giao Mỹ với các nước trong khu vực cho thấy một số nét mới trong chính sách thúc đẩy quan hệ của Mỹ với khu vực Đông Nam Á, và đáng chú ý là việc đẩy mạnh quan hệ song phương với một số đối tác quan trọng. Điều này có thể là một cách tiếp cận mới của Mỹ với Đông Nam Á hướng vào những vấn đề cốt lõi và thực chất hơn là dàn trải và kém hiệu quả trong bối cảnh Mỹ còn nhiều khó khăn và nhiều thách thức khác tại khu vực và trên thế giới.
4. NGUYỄN VĂN CHIẾN
Quan hệ giữa phát triển tài chính và tăng trưởng kinh tế - Nghiên cứu trường hợp tại Việt Nam và Thái Lan
Tóm tắt: Việt Nam và Thái Lan là hai nước nằm trong khu vực Đông Nam Á, hai quốc gia đã và đang là nền kinh tế có vai trò là động lực của khu vực Đông Nam Á, cũng như trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trải qua quá trình phát triển, Việt Nam và Thái Lan đều đạt được một số thành tựu trong phát triển thị trường tài chính và tăng trưởng kinh tế, đưa quốc gia trở thành nền kinh tế có mức thu nhập trung bình; trong đó quy mô kinh tế Thái Lan hiện được đánh giá lớn gấp đôi Việt Nam. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá tác động của phát triển tài chính lên tăng trưởng kinh tế bằng phương pháp hồi quy phân vị. Sử dụng số liệu trong khoảng thời gian từ 1991 đến 2019, kết quả nghiên cứu cho rằng tồn tại mối quan hệ tích cực giữa phát triển tài chính và tăng trưởng kinh tế tại các mức phân vị cao tại Việt Nam, nhưng không tồn tại mối quan hệ này tại Thái Lan. Nghiên cứu cũng khẳng định không có bằng chứng giữa tăng trưởng ngành công nghiệp và tăng trưởng kinh tế tại cả Việt Nam và Thái Lan. Ngoài ra, nghiên cứu cũng khẳng định độ mở thương mại có tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thể hiện các chính sách thương mại đúng đắn của Việt Nam và Thái Lan trong thời gian qua.
5. TRẦN THÁI BẢO
Hợp tác thương mại và đầu tư Philippines - Trung Quốc giai đoạn 2010-2020
Tóm tắt: Philippines và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1975, tuy nhiên, xuất phát từ những điều kiện chủ quan và khách quan, mối quan hệ giữa hai nước đã trải qua nhiều bước thăng trầm và diễn biến khá phức tạp. Bất chấp những khó khăn còn tồn tại, hợp tác thương mại và đầu tư giữa Philippines và Trung Quốc từng bước được cải thiện và ngày ngày càng được củng cố và tăng cường. Bối cảnh khu vực và sự trỗi dậy không ngừng của Trung Quốc, đặc biệt là những kết quả tích cực trong xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Philippines - Trung Quốc tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Bài viết tập trung phân tích những kết quả đạt được của quan hệ hai nước trên lĩnh vực thương mại và đầu tư, nguyên nhân và ý nghĩa của sự hợp tác này đối với hai phía trong giai đoạn 2010 - 2020.
6. LÊ VĂN LỢI
Phát huy vai trò của hương ước trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay
Tóm tắt: Hương ước là bộ quy tắc ứng xử mẫu mực do cộng đồng dân cư nông thôn Việt Nam tự nguyện thỏa thuận soạn thảo và sử dụng làm thước đo phẩm giá, nhân cách và điều chỉnh các quan hệ xã hội trong đời sống, lao động sản xuất của cộng đồng làng xã. Trong thời gian qua, nhiều cộng đồng dân cư nông thôn đã quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy giá trị của các bản hương ước truyền thống hoặc xây dựng các bản hương ước mới để điều chỉnh các mối quan hệ trong làng xã. Nhìn chung, nhiều bản hương ước đã phát huy tác dụng tích cực trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, việc biên soạn và thực hiện hương ước vẫn còn những hạn chế, vướng mắc nhất định. Bài viết trên cơ sở phân tích giá trị và thực trạng việc xây dựng hương ước sẽ đề xuất một số giải pháp để phát huy vai trò tích cực của hương ước trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.
7. NGUYỄN ĐỨC TÂM
Cạnh tranh xây dựng đường sắt cao tốc giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở Đông Nam Á từ năm 2012 đến nay
Tóm tắt: Đường sắt cao tốc những năm gần đây là một loại hình giao thông được mong đợi ở các nước trong khu vực Đông Nam Á. Những nước này có nhu cầu rất lớn về xây dựng đường sắt cao tốc nhằm cải thiện chất lượng giao thông, tăng cường kết nối và phát triển kinh tế. Trung Quốc và Nhật Bản đã cạnh tranh gay gắt để giành quyền xây dựng những tuyến đường sắt cao tốc ở khu vực này. Bài viết phân tích những nhân tố tác động đến sự cạnh tranh về xây dựng đường sắt cao tốc giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở Đông Nam Á, trong đó tập trung làm rõ vai trò của khu vực Đông Nam Á đối với Trung Quốc và Nhật Bản, cũng như chiến lược xây dựng đường sắt cao tốc của hai quốc gia này ở khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, trình bày thực trạng của sự cạnh tranh này ở một số quốc gia điển hình trong khu vực, bao gồm: Lào, Indonesia và Thái Lan. Qua đó chỉ ra sự khác nhau về chiến lược và đặc điểm của các dự án đường sắt cao tốc của Trung Quốc và Nhật Bản trong khu vực. Cuối cùng, bài viết đã đưa ra một số nhận xét có liên quan đến sự cạnh tranh xây dựng đường sắt cao tốc giữa Trung Quốc và Nhật Bản đến khu vực Đông Nam Á. Trong đó, bao gồm những tác động tích cực và những vấn đề liên quan đến sự cạnh tranh này trong khu vực.
8. NGUYỄN ANH CHƯƠNG
Hợp tác văn hóa và giáo dục Nghệ An (Việt Nam) - Xieng Khouang (Lào) giai đoạn 2010-2020
Tóm tắt: Hợp tác về văn hóa, giáo dục chiếm vị trí hết sức quan trọng trong quan hệ truyền thống giữa tỉnh Nghệ An của Việt Nam và tỉnh Xieng Khouang của nước CHDCND Lào (Lào). Điều này xuất phát từ vị trí địa lý gần gũi, sự tương đồng, quá trình giao thoa văn hóa của các cộng đồng dân cư, lịch sử quan hệ gắn bó lâu đời…giữa hai tỉnh. Từ trong quá khứ cho đến hiện tại, nhu cầu kết nối giao lưu văn hóa, trao đổi giáo dục - đào tạo đã trở thành động lực, mục tiêu và là sợi dây liên kết quan hệ giữa hai bên. Chính sự phát triển của quá trình hợp tác văn hóa, giáo dục đã tạo tiền đề vững chắc, góp phần thúc đẩy quan hệ Nghệ An- Xieng Khouang phát triển toàn diện. Trên cơ sở trình bày những thành tựu, điểm nhấn của quá trình hợp tác văn hóa, giáo dục, bài viết làm rõ vai trò, ý nghĩa của hợp tác này trong việc thúc đẩy quan hệ chính trị - đối ngoại, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; đồng thời đưa ra một số kết luận nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác văn hóa, giáo dục giữa Nghệ An và Xieng Khouang trong bối cảnh hiện nay.
9. NGUYỄN KHẮC BÌNH
Các yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện chính sách công: Lý luận và thực tiễn trong quá trình thực hiện chính sách giáo dục ở Việt Nam
Tóm tắt: Thực hiện chính sách công là một giai đoạn quan trọng trong chu trình chính sách công. Giai đoạn này có vai trò quyết định để chuyến hóa ý chí của chủ thể chính sách thành hiện thực trong đời sống xã hội, đưa chính sách vào cuộc sống. Một chính sách tốt được ra đời với quá trình xây dựng được chuẩn bị, tiến hành cẩn thận, kỹ lưỡng với những mục tiêu cao cả, các giải pháp đề ra phong phú, sinh động, mạnh mẽ, nhưng nếu nó không được tổ chức thực hiện thì tất cả cũng chỉ nằm trên giấy và không có ý nghĩa với đời sống xã hội. Quá trình thực hiện chính sách công được tác động bởi nhiều yếu tố, bao gồm các yếu tố khách quan và yếu tố chủ quan. Bài viết đề cập một số nội dung lý luận về các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình thực hiện chính sách công và một số nội dung lý luận về các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình thực hiện chính sách công và thực tiễn các yếu tố đó đã tác động đến quá trình thực hiện chính sách giáo dục ở Việt Nam trong những năm gần đây; góp phần minh họa vào việc quá trình thực hiện các chính sách của Nhà nước ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC
Toạ đàm khoa học: “Quan hệ Việt Nam với các nước lớn”
ĐIỂM SÁCH
Sống dưới bóng con rồng: Đông Nam Á trong thế kỷ Trung Quốc