Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 10 năm 2021

Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 10 năm 2021

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

1. NGUYỄN HỒNG QUÂN

Quan hệ song phương giữa Vương quốc Anh và ASEAN thời kỳ hậu Brexit: Thực trạng và triển vọng

Tóm tắt: Chính phủ Anh đã xây dựng kế hoạch thúc đẩy lợi ích kinh tế, an ninh, vị thế của “Nước Anh toàn cầu”, hướng mạnh sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có tổ chức ASEAN, thời kỳ hậu Brexit. Đặc biệt, sau nhiều năm kiên trì, Anh đã dành được quy chế Đối tác đối thoại của ASEAN từ ngày 4/8/2021, mở đường cho quốc đảo sư tử mở rộng ảnh hưởng trong các cơ cấu an ninh khu vực ASEAN đang định hình. Thành công này hứa hẹn thúc đẩy quan hệ giữa Vương quốc Anh với các quốc gia khu vực Đông Nam Á và khối ASEAN, nhưng có thể gây quan ngại cho một vài quốc gia lân cận ASEAN. Vương quốc Anh nên tính cách thức can dự sao cho hiệu quả, không tạo ra sức ép chọn bên trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng. Đồng thời các quốc gia Đông Nam Á và khối ASEAN cần có kế hoạch làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với quốc đảo sư tử; tranh thủ sự đóng góp của cường quốc này vào xây dựng cấu trúc an ninh khu vực.

 

2. TRƯƠNG QUANG HOÀN, VŨ QUÝ SƠN

Quan hệ Campuchia - Trung Quốc từ năm 2010 đến nay

Tóm tắt: Quan hệ song phương Campuchia - Trung Quốc đã có những bước phát triển nhanh chóng trong khoảng hai thập niên gần đây, nhất là sau khi hai bên nâng cấp quan hệ lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện” vào năm 2010. Bài viết nhận định, quan hệ Campuchia - Trung Quốc chịu tác động của các nhân tố bên trong và bên ngoài (bao gồm các yếu tố khu vực và quốc tế, lợi ích của Trung Quốc, lợi ích của Campuchia); những nhân tố này tạo nên tính chất quan hệ bất đối xứng giữa hai quốc gia. Campuchia nhận được nhiều hỗ trợ, đặc biệt hỗ trợ tài chính từ phía Trung Quốc nhằm phục vụ các mục tiêu đối ngoại, phát triển kinh tế, bảo đảm chủ quyền, an ninh và quốc phòng của mình. Trong khi đó, ngoài những lợi ích kinh tế tại thị trường Campuchia, Trung Quốc có được sự thừa nhận vị trí nước lớn từ phía quốc gia Đông Nam Á này. Tuy nhiên, quan hệ Campuchia - Trung Quốc cũng gặp phải các khó khăn và thách thức không nhỏ, nhất là những ảnh hưởng không tích cực từ sự phụ thuộc trên nhiều khía cạnh của Campuchia vào Trung Quốc.

 

3. NGUYỄN TUẤN ANH

Biến động chính trị và các thách thức đặt ra đối với Malaysia trong giai đoạn chuyển đổi nội các mới năm 2021

Tóm tắt: Trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đương đầu với làn sóng dịch Covid-19 mới do biến chủng Delta gây ra, Malaysia lại phải chứng kiến một cuộc biến động chính trị lớn khi Thủ tướng Muhyiddin Yassin buộc phải tuyên bố từ chức vào ngày 16/8/2021 và ngay sau đó ông Ismail Sabri Yaakob, phó chủ tịch Đảng Tổ chức dân tộc Mã Lai thống nhất được Quốc vương Al-Sultan Abdullah bổ nhiệm làm vị Thủ tướng thứ 9 của Malaysia vào ngày 20/8/2021. Bài viết chỉ ra rằng những biến động chính trị dẫn tới sự thay đổi nội các mới không chỉ bắt nguồn từ những yếu kém của chính quyền cựu Thủ tướng Muhyiddin trong việc đối phó với đại dịch Covid-19 mà sâu xa hơn đó là những mâu thuẫn phức tạp và sâu sắc giữa các đảng phái chính trị tồn tại từ lâu. Điều này tạo ra các thách thức lớn cho chính phủ của tân Thủ tướng Ismail trong việc đảm bảo ổn định chính trị và an ninh, kiểm soát dịch và phục hồi nền kinh tế trong thời gian tới.

 

4. PHẠM THANH TỊNH

Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ tới các quốc gia Đông Nam Á hải đảo

Tóm tắt: Có thể thấy, sự du nhập của văn hóa Ấn Độ vào Đông Nam Á hải đảo thực chất là hiện tượng mang tính tất yếu của quá trình giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á hải đảo với Ấn Độ thời cổ - trung đại. Các quốc gia Đông Nam Á hải đảo đã tiếp thu tinh hoa văn hóa của một trong vài nền văn minh cổ xưa rực rỡ nhất, đồng thời qua đó đã sáng tạo nên các giá trị văn hóa riêng biệt và độc đáo của đất nước mình. Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ ở Đông Nam Á hải đảo là một trong những hiện tượng cụ thể của tương tác văn hóa Ấn Độ - Đông Nam Á cần được lý giải cụ thể và thấu đáo. Thông qua việc mô tả, phân tích, so sánh để tìm ra điểm tương đồng, dị biệt trong việc tạo ra các giá trị văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc ở Đông Nam Á hải đảo sẽ cho thấy nét riêng của văn hóa các quốc gia hải đảo này khi có sự giao lưu, tiếp xúc với văn hóa nước ngoài. Trong bài viết này, chúng tôi đã khái quát một cách cụ thể sự ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ tới các quốc gia Đông Nam Á hải đảo trên một số bình diện của đời sống xã hội, đồng thời cũng nêu lên được những nhân tố tác động tới sự ảnh hưởng đó cũng như mối quan hệ mang tính tích cực hai chiều trao và nhận giữa văn hóa Ấn Độ và văn hóa các quốc gia Đông Nam Á hải đảo.

 

5. LÊ VĂN TUYÊN

Kinh nghiệm giải quyết những vấn đề kinh tế xã hội nảy sinh trong đầu tư trực tiếp nước ngoài của Malaysia và hàm ý cho Việt Nam

Tóm tắt: Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là hoạt động tất yếu và không thể thiếu đối với mọi quốc gia. Trong điều kiện toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại hiện nay, mỗi quốc gia cần phải tận dụng tốt các tác động tích cực, đồng thời thực hiện các chính sách, biện pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực do các vấn đề kinh tế xã hội nảy sinh trong FDI gây ra. Malaysia là một quốc gia ở Đông Nam Á, có nhiều kinh nghiệm trong giải quyết những vấn đề kinh tế xã hội nảy sinh trong FDI như cải thiện môi trường đầu tư, sàng lọc dự án FDI, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động…Bài viết phân tích những kinh nghiệm quý báu đó và đưa ra một số hàm ý cho Việt Nam để giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh trong FDI, đó là: xây dựng chiến lược thu hút FDI hợp lý, hạn chế chuyển giao công nghệ lạc hậu, đẩy mạnh hoạt động R&D…

 

6. PHẠM THỊ MÙI

Mối quan hệ giữa di cư, tôn giáo và bản sắc: Trường hợp người Việt Nam (Kinh) theo Phật giáo ở Lào

Tóm tắt: Trên phạm vi toàn cầu, người dân di cư để thỏa mãn các nhu cầu của bản thân và cải thiện điều kiện chăm sóc gia đình. Dù là tự nguyện hay bắt buộc, di cư cũng là một quá trình điều chỉnh hành vi văn hóa của con người nhằm phù hợp với hoàn cảnh xã hội tại nơi nhập cư. Tôn giáo là một bộ phận quan trọng cấu thành văn hóa, bản sắc của một tộc người, hoặc một cộng đồng. Bài viết thảo luận về sự thích ứng, tiếp nối và thay đổi thực hành Phật giáo tác động đến chuyển đổi bản sắc của những người nhập cư Việt Nam vào Lào. Hai lập luận quan trọng đã được đưa ra. Lập luận thứ nhất cho rằng thích ứng là một quá trình hai chiều, tức là nó liên quan đến tương tác giữa bản sắc của người nhập cư và văn hóa xã hội nơi đến. Thứ hai, quá trình thích ứng có thể dẫn đến sự đồng hóa bản sắc của người di cư vào văn hóa xã hội nơi đến. Bài viết cho rằng hai lập luận trên đều có thể xảy ra trong trường hợp người Việt theo Phật giáo ở Lào nhưng với mức độ khác nhau và ở từng đối tượng cụ thể.

 

7. LÊ HOÀNG ANH

Cách tiếp cận của Nhật Bản đối với các cơ chế hợp tác an ninh đa phương của ASEAN

Tóm tắt: Trong những thập kỷ qua, Nhật Bản đã tăng cường mạnh mẽ quan hệ hợp tác chính trị và an ninh với Đông Nam Á. Một trong những hoạt động chính là tham gia tích cực vào các khuôn khổ hợp tác đa phương do ASEAN dẫn dắt. Việc Nhật Bản tham gia vào Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) năm 1994 ngay từ khi thành lập là ví dụ đầu tiên cho thấy sự tích cực và chủ động của Nhật Bản. Mục tiêu chiến lược của Nhật Bản trong cơ chế hợp tác đa phương do ASEAN dẫn dắt đó là trở thành đối tác chiến lược của ASEAN và đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề khu vực. Bài viết bao gồm 3 phần. Phần 1 nêu lên tầm quan trọng mang tính chiến lược của ASEAN đối với Nhật Bản. Phần 2 phân tích những lợi ích của Nhật Bản trong các cơ chế hợp tác an ninh đa phương của ASEAN. Phần 3 đưa ra một số gợi ý chính sách đối với Nhật Bản trong việc nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo của mình trong cơ chế hợp tác an ninh đa phương của ASEAN cũng như củng cố một trật tự thế giới dựa trên luật lệ. Nhật Bản sẽ tiếp tục đóng vai trò ngày càng tích cực hơn trong việc kiến tạo nền an ninh khu vực và kêu gọi những quốc gia có cùng tư tưởng hợp lực với nhau để bảo vệ tự do và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

 

8. VŨ THỊ HẢI HÀ

Một số thành tựu của giáo dục phổ thông Campuchia giai đoạn 1993-2013

Tóm tắt: Sau sự sụp đổ của chế độ Pôn Pốt vào tháng 1/1979, Campuchia bắt đầu kiến thiết lại đất nước từ con số không. Từ đây, với sự hỗ trợ của các nước, đặc biệt là các nước khối xã hội chủ nghĩa, Campuchia dần được hồi sinh và phát triển về mọi mặt, trong đó có giáo dục. Đặc biệt, từ sau Tổng tuyển cử 1993, nền giáo dục Campuchia có điều kiện phát triển hơn bao giờ hết. Kể từ đó đến nay, giáo dục nói chung và giáo dục phổ thông Campuchia nói riêng đã chuyển biến không ngừng và đã đạt được những kết quả nhất định. Bài viết trình bày những thành tựu của nền giáo dục phổ thông Campuchia giai đoạn 1993-2013, đồng thời chỉ ra những nguyên nhân của những thành tựu đó.

 

9. NGUYỄN THƯƠNG HUYỀN

Hợp tác phát triển du lịch Việt Nam- Campuchia trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI

Tóm tắt: Bài viết phân tích thực trạng hợp tác du lịch Việt Nam và Campuchia trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI. Trong đó bài viết phân tích những cơ sở của hợp tác phát triển du lịch giữa hai nước như chính sách phát triển du lịch mỗi bên, điều kiện về cơ sở hạ tầng du lịch, cũng như sự phát triển trong quan hệ toàn diện giữa hai nước. Bên cạnh đó, bài viết phân tích thực trạng phát triển du lịch hai nước từ năm 2000 tới nay, thời gian sau khi Campuchia gia nhập ASEAN (1999). Bài viết phân tích những kết quả đạt được trong hợp tác du lịch hai nước như việc hai bên tăng cường các cơ chế hợp tác du lịch và sự gia tăng số lượt khách du lịch viếng thăm lẫn nhau và những vấn đề đặt ra như sự thiếu hụt điều kiện cơ sở vật chất và hợp tác chưa đi vào chiều sâu. Từ đó, bài viết phân tích triển vọng hợp tác phát triển du lịch hai nước trong thời gian tới.

 

10. NGUYỄN THỊ HẠNH, NGUYỄN THỊ THU THỦY

Việc giải quyết một số tranh chấp lãnh thổ ở biên giới phía Bắc của Việt Nam giữa triều Hậu Lê, triều Nguyễn với triều Thanh của Trung Quốc

Tóm tắt: Bài viết trình bày một số thành tựu trong việc đấu tranh giành lại một số vùng đất tranh chấp lãnh thổ ở biên giới phía Bắc của các vương triều Hậu Lê và triều Nguyễn với triều Thanh từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX. Một số thành tựu lớn trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở biên giới phía Bắc trong khoảng thời gian này là việc đấu tranh giành lại được một số thôn, động thuộc các châu Vị Xuyên, Bảo Lạc (Tuyên Quang) và Thủy Vĩ (Hưng Hóa) dưới thời Hậu Lê và hai động Phong Thu, Bình Lư (châu Chiêu Tấn, Hưng Hóa) dưới thời Nguyễn. Cách xử lý những tranh chấp lãnh thổ ở biên giới phía Bắc và thành quả của triều Hậu Lê và triều Nguyễn là bài học kinh nghiệm cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam ngày nay.

 

 

29 lượt xem