Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 10 năm 2022

Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 10 năm 2022

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

1. TRƯƠNG DUY HÒA

60 năm quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào (1962 - 2022): Nhìn lại một số thành tựu về hợp tác kinh tế và thách thức đang đặt ra

Tóm tắt: Cho đến năm 2022, Việt Nam và Lào đã có lịch sử tròn 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức (1962 - 2022) và cũng trải qua 45 năm kể từ khi hai nước ký kết Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1977 - 2022). Vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, hai nước đã xây dựng mối quan hệ song phương thấm đẫm tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong quan hệ chính trị ngoại giao và hợp tác kinh tế. Bằng phương pháp tổng hợp, phân tích mang tính lịch sử được soi chiếu bởi các số liệu từ nhiều nguồn, bài viết tập trung nhìn lại một số kết quả chủ yếu trong quan hệ thương mại, hợp tác đầu tư và viện trợ kinh tế giữa Việt Nam và Lào suốt nhiều năm qua. Trên cơ sở đó, tác giả đề đi kèm trong hợp tác kinh tế cập tới một số thách thức chủ yếu và gợi ý các giải pháp đi kèm trong hợp tác kinh tế giữa hai nước.

 

2. NGUYỄN VIẾT XUÂN

Những cơ sở quan trọng để tiếp tục phát triển bền vững quan hệ hữu nghị vĩ đại Việt Nam - Lào

Tóm tắt: Quan hệ Việt Nam - Lào đã được khẳng định là mối quan hệ truyền thống đặc biệt, được Chính phủ và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Gần 40 năm kể từ sau khi cùng thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, mối quan hệ đặc biệt tiếp tục được đẩy mạnh và thống nhất nâng thành quan hệ “hữu nghị vĩ đại”. Trong giai đoạn mới với bối cảnh quan hệ quốc tế phức tạp và lợi ích đan xen, quan hệ Việt Nam - Lào tiếp tục phát triển bền vững từ những cơ sở, tiền đề quan trọng, được lãnh đạo và nhân dân hai nước xác định, giữ gìn. Bài viết phân tích những cơ sở quan trọng để tiếp tục phát triển bền vững mối quan hệ giữa hai nước, đồng thời đưa ra một số hàm ý nhằm duy trì quan hệ hữu nghị vĩ đại đó trong thời gian tới.

 

3. PHẠM THỊ MÙI

Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Lào từ năm 2011 đến nay

Tóm tắt: Từ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX (năm 2011), Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã đề ra đường lối phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng hoàn thiện hơn. Để triển khai đường lối của Đảng vào thực tiễn, Chính phủ Lào đã xây dựng và vạch ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021- 2025. Nhờ có những chính sách và biện pháp đúng đắn, kịp thời, nền kinh tế Lào đã có những chuyển biến nhất định. Bên cạnh đó, nền kinh tế Lào cũng đứng trước những khó khăn, thách thức từ những tác động bên ngoài. Bài viết đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội Lào từ năm 2011 đến nay để thấy rõ vai trò của Chính phủ Lào trong việc kịp thời đưa ra những hoạch định về mặt chính sách.

 

4. LÊ HOÀNG ANH

Quan hệ ASEAN - Trung Quốc trong lĩnh vực văn hóa - xã hội

Tóm tắt: Năm 1991, ASEAN và Trung Quốc đã trở thành đối tác đối thoại của nhau. Sự hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế, ngoại giao mà còn mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như văn hoá, giáo dục, du lịch... Có thể nói rằng, hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc đã đạt được những thành tựu tốt đẹp trong hơn 30 năm qua. Cơ chế đối thoại và hợp tác ở các cấp đã được thiết lập, đặt nền tảng vững chắc cho sự tin tưởng về chiến lược giữa hai bên. Các lĩnh vực hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng hợp tác được nâng cao, phạm vi hợp tác được mở rộng. Bài viết nhằm tìm hiểu thực trạng quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc trong lĩnh vực văn hoá - xã hội trong hơn 30 năm qua.

 

5. CAO THỊ MAI HOA

Hợp tác Campuchia - Mỹ trong phát triển xã hội từ năm 2010 đến nay

Tóm tắt: Thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), từ năm 2010 đến nay, Campuchia hợp tác và nhận sự hỗ trợ quan trọng từ Mỹ trong phát triển xã hội. USAID đã tài trợ các quỹ, chương trình nâng cao chất lượng giáo dục, hệ thống y tế, bảo tồn văn hóa và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của Campuchia. Giai đoạn 2010 - 2019, y tế, giáo dục là những lĩnh vực phát triển xã hội ưu tiên hàng đầu ở Campuchia và nhận được nhiều viện trợ nhất từ Mỹ. Năm 2020, Campuchia và Mỹ chính thức trao đổi công hàm 66,2 triệu USD tài trợ các dự án phát triển trong lĩnh vực xã hội. Chính phủ Campuchia thực hiện các chính sách giáo dục, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, đồng thời nhận sự ủng hộ mạnh mẽ từ các tổ chức, đối tác của Mỹ. Bài viết phân tích quá trình hợp tác của Campuchia và Mỹ trong các vấn đề xã hội và đánh giá kết quả hợp tác, những thành tựu quan trọng Campuchia đã đạt được với sự hỗ trợ của Mỹ trong phát triển xã hội từ năm 2010 đến nay.

 

6. PHẠM VĂN THỦY, TRỊNH HOÀNG MỸ DƯƠNG

Chính sách thuốc phiện của Hà Lan ở Đông Ấn (1809 - 1942)

Tóm tắt: Bài viết phân tích những thay đổi trong chính sách thuốc phiện của thực dân Hà Lan ở Đông Ấn. Từ năm 1809 đến 1894, thực dân Hà Lan thực thi chính sách lãnh trưng thuốc phiện, khoản việc sản xuất và buôn bán thuốc phiện ở các địa phương cho tư sản người Hoa. Tuy nhiên, từ năm 1894, Hà Lan bãi bỏ chế độ lãnh trưng và từng bước thiết lập chế độ độc quyền thuốc phiện ở Đông Ấn, kéo dài cho đến khi phát xít Nhật xâm chiếm quần đảo vào năm 1942. Bằng việc phân tích những thay đổi trong chính sách thuốc phiện của chính quyền thực dân Hà Lan ở Đông Ấn, bài viết làm sáng tỏ mối liên hệ giữa thuốc phiện và quá trình thực dân hoá của Hà Lan ở Indonesia. Bài viết cũng phân tích cơ sở ra đời của các chính sách thuốc phiện, việc triển khai trên thực tế, hệ quả và những tác động của nó đối với thuộc địa.

 

7. HÀ LÊ HUYỀN

Nghi lễ cưới hỏi truyền thống của người Thái ở Thái Lan

Tóm tắt: Nghi lễ vòng đời là một trong những hệ thống nghi lễ chính gắn liền với chu kỳ đời người từ khi sinh ra đến khi mất đi và “cưới hỏi” là một trong những nghi lễ vòng đời quan trọng đó của người Thái ở Thái Lan, phản ánh quy luật cuộc sống “trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng” được diễn ra với những nghi thức để gia đình, dòng họ và cộng đồng ghi nhận sự kết hôn của đôi trai gái. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian gắn liền với phong tục tập quán, phản ánh những đặc trưng cơ bản của nền văn hóa. Bài viết phân tích những nghi thức tiến hành của một đám cưới truyền thống của người Thái ở Thái Lan biểu hiện qua các nghi lễ chính như: dạm ngõ, ăn hỏi và thành hôn để nhận diện được các quy trình tiến hành một đám cưới truyền thống, từ đó thấy được vai trò ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống tinh thần của người Thái và những kế thừa, biến đổi của các nghi lễ tổ chức cưới hỏi truyền thống và cưới hỏi hiện nay ở Thái Lan.

 

8. NGUYỄN THỊ THANH LAM, NGUYỄN THỊ PHƯỢNG, ĐỒ THỊ THANH TÂM

So sánh môi trường đầu tư quốc tế của Việt Nam với Thái Lan và Philippines

Tóm tắt: Bài viết so sánh môi trường đầu tư quốc tế tại Việt Nam với hai nước có nhiều nét tương đồng khác trong khu vực là Thái Lan và Philippines, từ đó chỉ ra ưu điểm cũng như hạn chế còn tồn tại của môi trường đầu tư Việt Nam so với hai nước còn lại. Để làm rõ được sự khác nhau này, bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu so sánh dựa trên các tiêu chí về chính trị, địa kinh tế, kinh tế, cho thấy rằng Việt Nam là quốc gia có môi trường chính trị ổn định, hệ thống luật pháp liên tục được cải thiện. Quy mô nền kinh tế cùng với cơ sở hạ tầng đang có sự tăng trưởng nhưng chưa thể phát huy được hết tiềm năng nội tại và vì thế Việt Nam có thể học hỏi những kinh nghiệm từ Thái Lan và Philippines.

 

HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC

Hội thảo quốc tế thường niên lần thứ 9 về khoa học xã hội RAC - LASES - VASS

ĐIỂM SÁCH

Chính sách Hướng Nam mới của Đài Loan và tác động của nó đối với quan hệ Đài Loan - Đông Nam Á

50 lượt xem