Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 11 năm 2021

Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 11 năm 2021

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

1. TRƯƠNG DUY HÒA

Phát triển thủy điện ở Lào và vấn đề đặt ra

Tóm tắt: Thủy điện mang lại nhiều lợi ích to lớn cho con người và vẫn được nhiều nước coi là nguồn năng lượng tái tạo, sạch, không gây ô nhiễm. Tuy nhiên, phát triển thủy điện cũng kéo theo nạn chặt phá rừng, làm biến đổi bản chất tự nhiên của các con sông và ngăn cản việc chuyển tải phù sa về phía hạ lưu. Từ đó, gây ra nhiều hậu quả đối với sự phát triển của các loài thủy sinh, ảnh hưởng tiêu cực tới phát triển nông nghiệp, môi trường sinh thái và sinh kế của hàng triệu cư dân. Bài viết tập trung phân tích, nhận diện một số tác động tiêu cực chủ yếu từ các đập thủy điện ở Lào và các vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay như: hủy diệt rừng, mất đất canh tác, làm cạn kiệt nguồn nước, suy giảm nguồn lợi thủy sản…Bài viết cũng đề cập đến một số kiến nghị cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích của các quốc gia ở hạ nguồn trong bài toán liên quan đến việc hạn chế tác động của phát triển thủy điện ở lưu vực sông Mekong nói chung, ở Lào nói riêng.

 

2. ĐẶNG VĂN CHƯƠNG, NGUYỄN THỊ VĨNH LINH

Cải cách giáo dục của chính quyền thuộc địa Anh ở "Khu định cư eo biển" thế kỷ XIX

Tóm tắt: Bài viết tập trung tìm hiểu những cơ sở dẫn đến việc thực thi chính sách giáo dục mới của chính quyền thực dân Anh tại SS trên các khía cạnh chính như: quan điểm giáo dục của Stamford Raffles, sự thay đổi chính sách giáo dục tại Anh quốc, những biến đổi của xã hội thuộc địa và sự thay đổi trong cách thức quản lý của Anh đối với Khu định cư eo biển. Bên cạnh đó, thông qua việc trình bày những nội dung cải cách, bài viết bước đầu phân tích những tác động tích cực của chính sách này đến cộng đồng các dân tộc thuộc Khu định cư eo biển.

 

3. NGUYỄN HỒNG QUANG

Tình hình chính trị ở Thái Lan từ sau cuộc bầu cử 2019

Tóm tắt: Bài viết phân tích bối cảnh chính trị nổi bật của Thái Lan từ sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra vào năm 2006 đến cuộc đảo chính năm 2014, các sự kiện chính trị nổi bật từ sau khi chính phủ quân đội nắm quyền đó là: Quá trình dự thảo và thông qua hiến pháp năm 2017; diễn biến cuộc bầu cử năm 2019. Bài viết tập trung phân tích đánh giá những sự kiện chính trị Thái Lan giai đoạn từ sau cuộc bầu cử năm 2019 đến nay dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Prauyth Chan O-Cha: diễn tiến các cuộc biểu tình của phe đối lập chống chính phủ, nguyên nhân, hình thức biểu tình và phản ứng của chính phủ đối với các cuộc biểu tình và rút ra một số kết luận đánh giá tình hình chính trị Thái Lan giai đoạn này như nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự bất ổn chính trị của Thái Lan là bản Hiến pháp năm 2017 còn nhiều bất cập, đó là những ưu ái quyền hạn cho Hoàng gia và quân đội…Do vậy điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến cục diện chính trị Thái Lan. Với tình hình đang diễn ra hiện nay, để có một nền chính trị ổn định, Thái Lan cần có các cuộc thảo luận về sửa đổi Hiến pháp đáp ứng nguyện vọng xây dựng xã hội dân chủ của các bên liên quan, các Đảng phái chính trị cần cùng nhau ngồi lại bàn về lợi ích tương lai của đất nước trên hết, chứ không vì mục tiêu lợi ích cá nhân và Đảng của mình.

 

4. HUỲNH TÂM SÁNG

Vai trò trung tâm của ASEAN từ góc nhìn chủ nghĩa đa phương

Tóm tắt: Từ khi được đề cập chính thức trong Hiến chương ASEAN (2007), thuật ngữ “Vai trò trung tâm của ASEAN” (ASEAN Centrality) trở nên nổi bật và được nhiều chính trị gia và học giả đề cập. Để củng cố vai trò trung tâm, ASEAN đã nỗ lực thúc đẩy chủ nghĩa đa phương trong chính sách đối ngoại của mình. Trước tiên, tác giả làm rõ tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương trong việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, sau đó thảo luận về các vấn đề gây tranh cãi liên quan đến chính sách của ASEAN nhằm duy trì vai trò trung tâm trong chương trình nghị sự. Bài viết kết luận, ASEAN – thông qua kiên trì chủ nghĩa đa phương – nhìn chung đã thành công trong việc củng cố vai trò trung tâm giữa những thách thức và cạnh tranh nước lớn.

 

5. TRẦN LÊ MINH TRANG

Tác động của xu hướng gia tăng cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung đến Đông Nam Á những năm gần đây

Tóm tắt: Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung đã và đang tạo ra không ít thách thức mới về an ninh và phát triển của ASEAN, làm tăng tính nhạy cảm trong tranh chấp biển đảo và chạy đua vũ trang tại khu vực này. Trước những diễn biến gay gắt của cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc, các nước Đông Nam Á cần chủ động ứng phó với những biến động trong quan hệ quốc tế để duy trì sự ổn định, hạn chế tối đa áp lực từ cuộc cạnh tranh, đồng thời tận dụng thời cơ để phát triển kinh tế. Mỗi thành viên ASEAN cần nỗ lực bảo vệ nền kinh tế, tiếp tục duy trì chính sách cân bằng trong quan hệ với các nước lớn và giữ gìn sự đoàn kết, hợp lực giữa các nước trong khu vực.

 

6. HOÀNG THỊ MỸ NHỊ

Âm nhạc Islam đại chúng trong nền văn hóa đương đại của Indonesia

Tóm tắt: bài viết đưa ra những đánh giá và nhận xét về sự phát triển của các thể loại âm nhạc này. Từ đó, phát hiện những vấn đề cần đặt ra ở hiện tại và thời gian tới đối với âm nhạc Islam đại chúng cũng như thông điệp của Islam trong xã hội hiện nay. Bài viết sẽ mang lại cách nhìn tổng quan và cụ thể về một số yếu tố đổi mới và cải cách của âm nhạc Islam. Qua đó, thấy được nền văn hóa đương đại ở Indonesia đã và đang cởi mở và hội nhập sâu hơn với thế giới.

 

7. CAO THỊ MAI HOA

Tình hình chính trị Campuchia từ năm 2013 đến nay

Tóm tắt: Cuộc bầu cử Quốc hội khóa V năm 2013 đánh dấu sự thay đổi lớn trong cục diện chính trị Campuchia. Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) không giành được ưu thế và ảnh hưởng vượt trội. Trong khi đó, Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) tăng nhanh tỷ lệ phiếu bầu, thu hút lực lượng cử tri trẻ, trở thành đảng đối lập mạnh trong Quốc hội. Trước tình hình trên, CPP sử dụng các công cụ pháp lý phân tán và giải thể CNRP. CPP giành chiến thắng tuyệt đối trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI năm 2018, tiếp tục khẳng định vị thế là đảng cầm quyền. Các đảng do các cựu thành viên CNRP thành lập có thể liên kết lại thành một đảng đối lập lớn. Cuộc cạnh tranh quyền lực giữa CPP và CNRP đã tác động mạnh mẽ đến sự ổn định an ninh, chính trị và kinh tế Campuchia.

 

8. NGUYỄN QUẾ THƯƠNG

Một số bất ổn trong an ninh nguồn nước tại Thái Lan

Tóm tắt: Thái Lan là một nước nông nghiệp với hệ thống sông ngòi khá dày đặc, lượng mưa trung bình hàng năm tương đối cao đã giúp cho Thái Lan có được một nguồn tài nguyên nước khá dồi dào. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu đang ngày một diễn biến phức tạp, con người xâm chiếm và tàn phá rừng, xả rác, các chất hóa học khác nhau vào nguồn nước…đã gây ra những bất ổn trong an ninh nguồn nước tại Thái Lan. Tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt đã xảy ra ngày một thường xuyên hơn chủ yếu ở các vùng Đông Bắc và miền Trung Thái Lan. Mực nước ngầm có xu hướng giảm liên tục, trung bình hơn 1 mét mỗi năm. Ngoài ra, vào một số thời điểm trong năm, Thái Lan cũng phải chịu những trận lũ lụt và hạn hán lớn nhỏ khác nhau. Lũ lụt và hạn hán cũng ngày càng có nguy cơ gia tăng và gây ra những thiệt hại nặng nề. Bên cạnh đó, chất lượng nước suy giảm cũng đang gây ra những bất ổn trong an ninh nguồn nước ở Thái Lan. Những thay đổi đáng chú ý là những thay đổi vật lý và hóa học như về nhiệt độ, độ pH, tốc độ bay hơi nước và lượng cặn lơ lửng. Điều này gây ra những ảnh hưởng xấu tới chất lượng nước của Thái Lan, nhất là các vùng hạ lưu sông.

 

9. LƯƠNG NGỌC THÚY, NGUYỄN ĐỨC CHIỆN

“Mỗi xã một sản phẩm” – phong trào phát triển cộng đồng nông thôn ở Thái Lan

Tóm tắt: “Mỗi xã một sản phẩm” là một trong những phong trào Làng mới của Thái Lan nhằm phát triển cộng đồng nông thôn Thái Lan. Đây là mô hình thành công trong việc tạo ra giá trị và bản sắc riêng cho từng sản phẩm, tạo công ăn việc làm, nâng cao mức thu nhập cho người dân. Hơn nữa, phong trào tạo điều kiện để phát triển trí tuệ và bản sắc của từng địa phương, giúp tăng cường cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Thái Lan đã làm những gì để mô hình phát triển được như vậy? Bài viết đề cập đến các kinh nghiệm về phong trào Làng mới, điển hình là phong trào “Mỗi xã một sản phẩm” và bàn luận về sự thành công của phong trào này đối với sự phát triển các cộng đồng và vùng nông thôn ở Thái Lan.

 

10. ĐỖ ANH VINH

Nhận thức mới về tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam

Tóm tắt: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra thành công tốt đẹp. Trong đường lối lãnh đạo trên tất cả các lĩnh vực, Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh cần tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, làm cơ sở nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Bài viết khái quát thực trạng công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng thời gian qua, đồng thời làm rõ những nhận thức mới về mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định.

 

 

30 lượt xem