Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 11 năm 2022

Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 11 năm 2022

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

1. LÝ VĂN NGOAN, NGUYỄN ĐÌNH CƠ

Tác động của an ninh nguồn nước sông Mekong và thích ứng chính sách của Việt Nam

Tóm tắt: An ninh nguồn nước là một trong những thách thức lớn mà nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt. Tăng cường an ninh nguồn nước trong bối cảnh gia tăng dân số, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường là một vấn đề cấp thiết của các quốc gia hiện nay. Trong những năm gần đây, an ninh nguồn nước đối với các nước thuộc lưu vực sông Mekong đang đứng trước những thách thức lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể dẫn đến tranh chấp, xung đột giữa các quốc gia liên quan. Từ góc nhìn khu vực học, bài viết làm rõ tác động của an ninh nguồn nước sông Mekong đối với Việt Nam, từ đó gợi ý chính sách cho Việt Nam trong việc bảo vệ an ninh nguồn nước sông Mekong cũng như thúc đẩy mối quan hệ hiệu quả giữa các nước trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước sông Mekong.

 

2. PHẠM THANH TỊNH, HOÀNG THỊ MỸ NHỊ

Văn hóa Java trong đời sống chính trị Indonesia

Tóm tắt: Trong bối cảnh toàn cầu hóa văn hóa hiện nay, văn hóa ngày càng ảnh hưởng lớn đối với toàn bộ xã hội, đặc biệt là tham gia vào đời sống chính trị đất nước. Java là nền văn hóa đặc trưng ở Indonesia và có vai trò lớn đối với đời sống chính trị quốc gia từ quá khứ đến hiện tại. Bài viết làm rõ ảnh hưởng của văn hóa Java đối với việc thiết lập, củng cố thể chế, hệ thống chính trị; giải quyết những vấn đề an ninh, xung đột sắc tộc, tôn giáo; cố kết xã hội, bảo đảm sự thống nhất trong đa dạng của quốc gia và thúc đẩy dân chủ hóa đời sống chính trị. Từ đó, đánh giá những mặt tích cực và hạn chế của các giá trị văn hóa Java khi tham gia vào hoạt động chính trị ở Indonesia. Đồng thời, bài viết đưa ra những dự báo về xu hướng văn hóa Java trong thời gian tới.

 

3. TRẤN LÊ MINH TRANG

ASEAN trong chính sách của Mỹ trong hai năm đầu cầm quyền của Tổng thống Joe Biden

Tóm tắt: Chính quyền Tổng thống Joe Biden sau gần 2 năm nhiệm kỳ đã có một số động thái tích cực nhằm hàn gắn những mối quan hệ quốc tế vốn đã ít nhiều bị tổn thương dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Tổng thống Joe Biden đã có những bước điều chỉnh, bổ sung chính sách đối ngoại, tập trung vào những vấn đề cốt lõi và thực chất trong bối cảnh nhiều thách thức đặt ra trong quan hệ quốc tế và cả nước Mỹ. Đối với các nước Đông Nam Á, thời gian gần đây chính quyền Tổng thống Biden đã và đang dành sự chú ý nhiều hơn trong việc đẩy mạnh quan hệ với các đối tác trong khu vực, trong đó có tổ chức ASEAN.

 

4. PHAN THỊ HỒNG XUÂN

Phát huy bản sắc văn hóa ngoại giao “cây tre Việt Nam” trong bối cảnh xây dựng cộng đồng ASEAN tầm nhìn đến năm 2025

Tóm tắt: Cuối năm 2021, tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng với chủ đề: “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc, trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”. Bài phát biểu nhận được nhiều sự ủng hộ, đồng tình của các nhà khoa học, nhà chính trị ngoại giao và đặc biệt là tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước bởi bên cạnh hoa sen, cây tre từ lâu đã gắn bó với người dân và dân tộc Việt Nam. Gắn với bối cảnh xây dựng Cộng đồng ASEAN và đường lối “đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân”, bài viết trình bày 03 nội dung chính: (i) Nhân học biểu tượng và biểu tượng cây tre trong văn hóa Việt Nam; (ii) Nét đặc sắc của văn hóa ngoại giao cây tre của Việt Nam (qua phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng); (ii) Phát huy hơn nữa bản sắc văn hóa ngoại giao “cây tre Việt Nam” trong bối cảnh xây dựng cộng đồng ASEAN tầm nhìn đến năm 2025.

 

5. VŨ THỊ HẢI HÀ, NGUYỄN THƯƠNG HUYỀN

Tác động của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế - xã hội Campuchia

Tóm tắt: Những ca nhiễm Covid-19 (SARS-CoV-2) đầu tiên trên thế giới được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố sự bùng phát của dịch Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra là đại dịch toàn cầu. Đến nay, đại dịch này đã xuất hiện ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của người dân trên toàn thế giới. Kể từ sau ca nhiễm Covid- 19 đầu tiên được xác nhận vào tháng 1/2020, giống như các quốc gia khác trên thế giới, Campuchia chính thức phải đối mặt với những thách thức do đại dịch Covid- 19 gây ra. Trước thực tế đó, Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa ra các chính sách, biện pháp ứng phó cụ thể. Bài viết đánh giá tác động của đại dịch Covid- 19 đối với kinh tế- xã hội Campuchia đồng thời làm rõ những biện pháp ứng phó của Chính phủ nước này trước những tác động của đại dịch.

6. HOÀNG THỊ GIANG

Tác động của đại dịch Covid-19 đối với xã hội Indonesia

Tóm tắt: Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát cho tới nay, Indonesia nói riêng cũng như nhiều quốc gia Đông Nam Á nói chung phải đối diện với sự tác động mạnh mẽ của đại dịch. Là một nước lớn trong khu vực, Indonesia luôn dẫn đầu với số lượng người nhiễm và số ca tử vong cao. Đại dịch Couid -19 không chỉ tác động trực tiếp đến sức khoẻ của người dân, đến nền kinh tế của đất nước, mà nghiêm trọng và lâu dài hơn, đại dịch này còn tác động sâu sắc đối với xã hội Indonesia. Bài viết phân tích những tác động về mặt xã hội cũng như sự ứng phó của Chính phủ Indonesia trước những tác động của đại dịch Covid-19.

 

7. NGUYỄN HỮU PHÚC

Hợp tác đào tạo - giáo dục giữa Việt Nam và Thái Lan trong thập niên thứ hai của thế kỉ XXI

Tóm tắt: Mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thái Lan đã phát triển hơn 45 năm kể từ khi thiết lập chính thức vào ngày 6/8/1976. Đến nay, Việt Nam và đất nước Chùa Vàng đã thúc đẩy mối quan hệ trên mọi lĩnh vực, ở mọi cấp độ với rất nhiều chuyến viếng thăm cấp cao lẫn nhau. Điểm lại chặng đường gần nửa thế kỉ qua, đặc biệt trong thập niên thứ hai của thế kỉ XXI, mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Thái Lan đã không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp, gặt hái được nhiều thành quả trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, hợp tác đào tạo - giáo dục là một trong những hoạt động có tầm quan trọng và ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Việt Nam với Thái Lan. Đây được xem là yếu tố quan trọng thúc đẩy mối quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường và đem lại nhiều lợi ích chung cho cả hai bên và khu vực Đông Nam Á.

 

8. PHẠM QUANG LINH

Một số vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội của các dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới trên đất liền nước ta hiện nay

Tóm tắt: Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc anh em cùng chung sống. Các dân tộc thiểu số (DTTS) chủ yếu sinh sống ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tại mỗi khu vực biên giới, đa phần các tộc người đều có mối quan hệ thân tộc, đồng tộc với phía bên kia biên giới. Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của các DTTS ở khu vực biên giới vẫn đang ở mức độ thấp so với các vùng khác. Trong những năm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, xu hướng chung ở khu vực biên giới là sự gia tăng tần suất di cư làm ăn xuyên biên giới. Hiện nay, đối với đồng bào DTTS sinh sống tại khu vực vùng biên giới, đất đai vẫn đang là yếu tố quan trọng nhất, quyết định mạnh mẽ tới cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, tại một số nơi vẫn còn tình trạng người dân thiếu đất sản xuất hoặc có mâu thuẫn liên quan tới đất đai. Vì vậy, trong quá trình phát triển và hội nhập hiện nay, Nhà nước cần tập trung đầu tư các nguồn lực cùng các chính sách có tính đột phá, nhất là các chính sách liên quan tới đất đai để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới nhằm đảm bảo cho người dân nơi đây có cuộc sống ổn định, từ đó thiết lập nền tảng vững chắc cho khu vực biên cương của Tổ quốc.

 

HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC

Hội thảo khoa học: “Thúc đẩy xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu tại một số quốc gia Đông Nam Á"

ĐIỂM SÁCH

Pro-poor Development Policies: Lessons from the Philippines and East Asia (Chính sách phát triển vì người nghèo: Bài học từ Philippines và Đông Á)

47 lượt xem