Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 11 năm 2023

Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 11 năm 2023

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

NGUYÊN HUY HOÀNG

Quan điểm chiến lược của các nước lớn trong khu vực 3 Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Tóm tắt: Hiện nay, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trở thành khu vực có tầm quan trọng địa chiến lược to lớn. Trong hơn một thập kỷ qua, Trung Quốc tăng cường sự hiện diện và bày tỏ tham vọng của họ ở trong và ngoài khu vực. Với việc đề xuất Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và lãnh thổ Đài Loan, các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc và các đảo nhân tạo của nước này ở Biển Đông đã làm cho động lực an ninh trong khu vực thay đổi. Ấn Độ bày tỏ quan ngại đáng kể về sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và mối quan hệ ngày càng tăng của Trung Quốc với Pakistan nên đã tham gia vào Đối thoại An ninh Tứ giác (QUAD) do Mỹ lãnh đạo và Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA). Mỹ cũng tỏ ra không hài lòng với các hành động của Trung Quốc, đặc biệt là với "ngoại giao bẫy nợ" và giọng điệu quyết đoán của nước này đối với Đài Loan. Mỹ không chỉ bày tỏ những lo ngại này ở cấp độ song phương mà còn ở cấp độ quốc tế, chẳng hạn như thông qua Khái niệm chiến lược của NATO. Trong bối cảnh đó, các nước lớn liên quan như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và EU đều có những chiến lược đối với khu vực. Bài viết tập trung nhận diện và phân tích quan điểm chiến lược của các nước đó trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

 

NGUYỄN TUẤN ANH - LÊ PHƯƠNG HÒA

Chính sách tiền lương tối thiểu của Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam

Tóm tắt: Việc xây dựng chính sách lương tối thiểu là xu hướng chung của nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có Thái Lan. Với phần lớn lực lượng lao động của Thái Lan làm việc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nơi mà tiền lương thường được đàm phán tự nguyện giữa người sử dụng lao động và người lao động, việc sử dụng công cụ chính sách tiền lương tối thiểu ở Thái Lan giai đoạn qua là cần thiết và quan trọng để có thể bảo vệ lợi ích cho người lao động. Kể từ khi chính thức thể chế hóa thông qua Nghị định về lương tối thiểu lần đầu tiên ngày 16/3/1972, chính sách lương tối thiểu của Thái Lan đã trải qua một số điều chỉnh, cải cách và mang lại những kết quả quan trọng. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

 

HÀ LÊ HUYÊN

Quan hệ Thái Lan - Trung Quốc trong bối cảnh mới (2014 - 2023)

Tóm tắt: Thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1975 và trở thành "quan hệ đối tác chiến lược toàn diện" vào năm 2012, Thái Lan và Trung Quốc đã hợp tác trên mọi cấp độ, mọi lĩnh vực. Với tư cách là bạn tốt, láng giềng tốt và là nước đang phát triển lớn trong khu vực, hai nước tăng cường ngoại giao chiến lược, nỗ lực chung cho kết quả cùng có lợi, đồng thời lên kế hoạch và triển khai các hoạt động trao đổi và hợp tác trong bối cảnh mới hiện nay. Bài viết tập trung phân tích thực trạng quan hệ Thái Lan - Trung Quốc trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế, văn hóa - xã hội từ năm 2014 đến nay và từ đó đưa ra những đánh giá về tác động trong quan hệ của hai nước để làm rõ tầm quan trọng của mối quan hệ Thái Lan với Trung Quốc và ngược lại.

 

NGUYỄN MINH GIANG

Tiếp biến văn hóa Hindu giáo trong lịch sử Indonesia và Việt Nam

Tóm tắt: Trên cơ sở phân tích ảnh hưởng của Hindu giáo đối với hai đại diện khu vực Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo là Champa và Indonesia, bài viết tiếp thu các kết quả nghiên cứu của khảo cổ học, sử học, văn hóa học để cho thấy điểm tương đồng và dị biệt khi hai nền văn hóa này tiếp biến Hindu giáo trên ba lĩnh vực văn hóa tư tưởng, văn hóa tổ chức đời sống quốc gia và văn hóa tổ chức đời sống cá nhân. Từ đó phản ánh dấu vết của Hindu giáo trong tâm thức văn hóa của cư dân Champa và Indonesia.

 

BÙI THỊ THANH HƯƠNG - HOÀNG HẢI

Điều chỉnh chiến lược đối với khu vực Đông Nam Á của Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Tóm tắt: Trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến đổi trong đại dịch Covid-19, Trung Quốc đã có những điều chỉnh đáng chú ý trong chiến lược tiếp cận đối với khu vực Đông Nam Á. Chiến lược này được vận hành trên cơ sở thích ứng với những chuyển biến mới của các yếu tố tác động. Mục tiêu bao trùm của Bắc Kinh vẫn nhằm mở rộng và gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á. Có nghĩa rằng, mục tiêu của Trung Quốc ở Đông Nam Á không thay đổi, điều thay đổi chính là cách thức để đạt được mục tiêu chiến lược đó. Trên cơ sở như vậy, tham vọng của Trung Quốc ở khu vực láng giềng phía Nam sẽ trở thành một mảnh ghép quan trọng, phục vụ cho đại chiến lược thực hiện "giấc mộng Trung Hoa" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

 

NGUYỄN ĐẮC TÙNG

Hợp tác Ấn Độ - Myanmar trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng giai đoạn 2014 – 2023

Tóm tắt: Myanmar và Ấn Độ là hai quốc gia láng giềng, có quan hệ song phương thân thiết, gần gũi. Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao với Myanmar ngay sau khi nước này giành được độc lập từ Anh năm 1948. Cả Ấn Độ và Myanmar đều có chung đường biên giới trên đất liền dài 1.643 km và lãnh thổ trên biển ở Biển Andaman và Vịnh Bengal. Hơn nữa, Myanmar có đường biên giới dài với Trung Quốc ở phía Bắc, tiếp giáp với biên giới tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Myanmar giữ 

một vị trí then chốt trong tính toán địa chiến lược của Ấn Độ, Myanmar là trụ cột chính trong chính sách "Hành động hướng Đông" của Ấn Độ. Kể từ khi Ấn Độ thực hiện chính sách "Hành động hướng Đông" năm 2014 đến nay, hợp tác an ninh - quốc phòng giữa hai nước đã được củng cố và tăng cường. Bài viết phân tích hợp tác an ninh - quốc phòng Myanmar - Ấn Độ từ năm 2014 đến năm 2023.

 

PHAN THỊ DIỄM HUYỀN

Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trên các diễn đàn đa phương

Tóm tắt: Năm 2023, Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trải qua nửa thế kỷ, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã trải qua một chặng đường dài với những bước phát triển ấn tượng. Hai nước từ chỗ là đối tác chiến lược đã được nâng cấp lên thành "Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á", tầm vóc quan hệ Việt Nam - Nhật Bản ngày càng sâu sắc và hiệu quả với những đột phá trong tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trên các diễn đàn đa phương đã không ngừng được tăng cường. Bài viết trên cơ sở làm rõ những kết quả đã đạt được trong hợp tác Việt - Nhật trên các diễn đàn đa phương từ năm 2017 đến nay sẽ chỉ ra những cơ hội và thách thức, đồng thời dự báo triển vọng của sự hợp tác này trong tương lai.

 

TẠ THỊ TÂM - TẠ HỮU DỰC

Tổng quan các nghiên cứu về du lịch tâm linh ở Đông Nam Á và Việt Nam

Tóm tắt: Du lịch tâm linh gắn liền và biểu hiện những gì thiêng liêng, cao cả, siêu việt trong đời sống tinh thần và sinh hoạt xã hội của con người, tạo nên chiều sâu, sức sống cho nền văn hóa cộng đồng, dân tộc, nhất là đối với những cư dân vùng Đông Nam Á. Xu hướng nghiên cứu về du lịch tâm linh ở Đông Nam Á đi sâu phân tích những trải nghiệm, hành trình khám phá giá trị di sản văn hóa cũng như mối liên hệ của hệ thống di sản với niềm tin tâm linh, giá trị tinh thần của du khách. Các nghiên cứu cũng chỉ ra du lịch tâm linh và sự phát triển ở các quốc gia Đông Nam Á có mối quan hệ tương hỗ. Hiện nay, du lịch tâm linh ở các quốc gia Đông Nam Á cũng đang đứng trước những thách thức trong quá trình phát triển. Đối với du lịch tâm linh ở Việt Nam từ năm 1990 đến nay, các nghiên cứu tập trung vào khám phá những giá trị linh thiêng trong đời sống tinh thần của cư dân thông qua khai thác giá trị văn hóa phi vật thể về tín ngưỡng, tôn giáo để thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người..

 

HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC

Hội thảo khoa hoc "Đánh giá cơ sở lý luận về vùng 84 biên giới đất liền Việt Nam góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh"

Tóm tắt: Ngày 27/10/2023, tại trụ sở Khối các viện nghiên cứu Quốc tế, số 176 Thái Hà, Viện nghiên cứu Đông Nam Á đã tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá cơ sở lý luận về vùng biên giới đất liền Việt Nam góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh” thuộc khuôn khổ đề tài khoa học cấp bộ “Cơ sở lý luận và thực tiễn về vùng biên giới đất liền đóng góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh”. Tọa đàm đã thu hút các học giả thuộc các Viện nghiên cứu khoa học xã hội cũng như các cán bộ thuộc các bộ, ngành liên quan.

 

ĐIỂM SÁCH

Sức mạnh mềm của Trung Quốc trong cạnh tranh chiến lược với Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tác động và hàm ý đối với Việt Nam

Tóm tắt: Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trở nên sốt sắng hơn bao giờ hết dưới sự cạnh tranh chiến lược của Trung Quốc và Mỹ. Bên cạnh sức mạnh cứng thì yếu tố sức mạnh mềm đang được cả Trung Quốc và Mỹ sử dụng để nâng cao vị thế quốc tế của mình, đảm bảo lợi ích và mục tiêu chiến lược trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại ở khu vực này. Trung Quốc và Mỹ là hai đối tác quan trọng của Việt Nam nói riêng và của khu vực Đông Nam Á nói chung, do đó nghiên cứu về Trung Quốc, Mỹ và quan hệ giữa hai nước là yêu cầu cấp thiết. Đặc biệt, tìm hiểu về những điều chỉnh chiến lược quan trọng của Trung Quốc và phương thức cạnh tranh quyền lực mới của Trung Quốc với Mỹ và Phương Tây sẽ giúp chúng ta có cái nhìn chi tiết hơn về vai trò và giới hạn của nhân tố sức mạnh mềm trong quá trình cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cuốn sách “Sức mạnh mềm của Trung Quốc trong cạnh tranh chiến lược với Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương Thái Bình - Dương: Tác động và hàm ý đối với Việt Nam" do TS. Đinh Thị Hiền Lương làm chủ biên sẽ làm rõ vai trò dần trở nên không thể thay thế của sức mạnh mềm của Trung Quốc trong cuộc đua tập hợp lục * lượng và khẳng định vị thế giữa Trung Quốc và Mỹ tại khu vực vốn đang và sẽ là “chiến địa” của cuộc cạnh tranh toàn diện giữa hai quốc gia này.

20 lượt xem