Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 12 năm 2021

Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 12 năm 2021

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

1. NGUYỄN HUY HOÀNG

Một số phân tích về sự tham gia BRI của các nước tiểu vùng Mekong

Tóm tắt: Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) là một mỏ neo trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc được Chủ tịch Tập Cận Bình công bố vào năm 2013 và được cho là chất xúc tác cho tăng trưởng toàn cầu. Hiện nay, đã có hơn 140 nước tham gia vào BRI ở các mức độ khác nhau. Ở Đông Nam Á, tất cả 10 quốc gia ASEAN đều đã tham gia BRI và đã kí kết MOU với Trung Quốc. Khu vực hạ lưu sông Mekong, bao gồm các quốc gia Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, có nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn do là các nền kinh tế đang phát triển nhanh của khu vực trong khi lại thiếu các cơ sở hạ tầng hiện đại cũng như cần kết nối với các nước trong và ngoài khu vực cũng đặc biệt quan tâm đến sáng kiến này. Tuy nhiên, mức độ tham gia BRI của các nước Tiểu vùng Mekong là khác nhau. Campuchia và Lào là hai nước bị thu hút bởi BRI và được đánh giá là rất nhiệt tình trong việc đón nhận các dự án trong khuôn khổ BRI và tích cực tham gia BRI. Trong khi đó, Thái Lan và Myanmar, mặc dù đang triển khai một số dự án lớn trong khuôn khổ sáng kiến BRI, nhưng việc triển khai thực tế ở hai nước này đã và đang gặp phải những trở ngại, trì hoãn dẫn đến chậm trễ và có bước lùi vì lí do chính trị và cân nhắc địa kinh tế. Việt Nam thì thể hiện sự thận trọng hơn khi tham gia BRI.

 

2. PHẠM THANH TỊNH

Ảnh hưởng của văn hóa Java lên chính sách kinh tế đối ngoại của Indonesia

Tóm tắt: Indonesia là quốc gia có dân số đông nhất Đông Nam Á và đứng thứ 4 trên thế giới với sự tồn tại của vài trăm dân tộc khác nhau cùng chung sống trên một không gian rộng lớn gồm hơn 17.500 hòn đảo. Trong đó, người Java là một trong những tộc người chiếm đa số (gần 42%). Văn hóa của tộc người này phát triển từ rất sớm. Văn hóa Java là một trong những nền văn hóa thể hiện sự tổng hợp các giá trị văn hóa nội sinh và ngoại sinh trong khu vực và chi phối toàn bộ đời sống văn hóa và quá trình phát triển ở Indonesia ngày nay. Vai trò của văn hóa Java được thể hiện trên mọi bình diện của đời sống văn hóa – xã hội Indonesia, trong đó có đời sống kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại của đất nước này. Bài viết đã khái quát được nền văn hóa người Java, đồng thời tập trung nêu lên những ảnh hưởng của văn hóa Java tới chính sách kinh tế đối ngoại của Indonesia trong quá trình phát triển. Qua bài viết, chúng ta thấy được văn hóa Java đã tác động tới chính sách kinh tế đối ngoại Indonesia từ nhận thức cho tới hành động, đưa đất nước Indonesia trở thành một điểm sáng kinh tế trong cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á.

 

3. NGUYỄN HÀ PHƯƠNG, HÀ THỊ HỒNG VÂN

Kinh nghiệm của một số quốc gia Đông Nam Á trong xây dựng khung sinh kế bền vững cho cư dân ven biển nhằm thích ứng biến đổi khí hậu

Tóm tắt: Hiện nay, những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu mà cư dân vùng ven biển luôn phải đối mặt bao gồm mực nước biển dâng, xói mòn đất ven biển, thiên tai. Nhìn chung, biến đổi khí hậu sẽ tác động đến tài nguyên thiên nhiên, du lịch, nông nghiệp, ngư nghiệp của địa phương. Trong khi đó, năng lực thích ứng với những hiện tượng trên của người dân còn khá yếu. Để khắc phục những thách thức này, chính phủ Indonesia và Malaysia đã ban hành nhiều chính sách dựa trên các cam kết khu vực và quốc tế, với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền cũng như cộng đồng người dân. Các chính sách nhìn chung đã giúp người dân giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Dựa trên những kết quả đạt được và vấn đề còn tồn tại của hai quốc gia này, một số bài học kinh nghiệm có thể rút ra cho Việt Nam như sau: (i) Cần bảo tồn và quản lý bền vững đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên biển; (ii) Đa dạng hóa sinh kế; (iii) Nâng cao năng lực, nhận thức của chính quyền địa phương và cộng đồng ven biển; và (iiii) Tăng cường sự tham gia của cộng đồng ven biển.

 

4. TRẦN THỊ THANH VÂN, VÕ THÀNH TÂM

Các vấn đề an ninh phi truyền thống ở Đông Nam Á đầu thế kỷ XXI và hợp tác giải quyết trong ASEAN

Tóm tắt: Trong những thập niên gần đây, khu vực Đông Nam Á nổi lên các vấn đề an ninh phi truyền thống như an ninh biển, an ninh nguồn nước, thảm họa thiên nhiên, dịch bệnh…không chỉ ảnh hưởng tới sự tồn vong của các quốc gia, dân tộc mà còn đe dọa nghiêm trọng đến an ninh con người, an ninh của từng cá nhân. Nó đòi hỏi sự hợp tác không chỉ song phương hay toàn khu vực mà còn giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài. Bài viết đã khái quát bức tranh toàn cảnh về các vấn đề an ninh phi truyền thống ở Đông Nam Á và quan hệ hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề này. Trong hợp tác nội khối, các nước ASEAN đã có các cơ chế liên kết, tạo ra hành lang pháp lý để phối hợp hành động đối phó, ngăn chặn các nguy cơ đe dọa an ninh khu vực cũng như có những chính sách ứng phó kịp thời với thiên tai, dịch bệnh. Hợp tác với các đối tác bên ngoài như Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản cùng nhằm mục tiêu giải quyết các chướng ngại, đảm bảo lợi ích của các bên, hướng tới sự hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung. Quan hệ quốc tế của khu vực ASEAN chịu sự tác động mạnh mẽ của các mối quan hệ này.

 

5. NGUYỄN ĐÌNH NGÂN

An ninh mạng ở các nước đang phát triển và hàm ý cho Việt Nam

Tóm tắt: Công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, hiện nay, việc sử dụng công nghệ thông tin sai mục đích và các lỗ hổng trong không gian mạng đang tạo ra nhiều mối đe dọa mới, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước thiếu khung pháp lý, cơ chế quản lý cũng như hạn chế về năng lực chuyên môn và nguồn lực tài chính để quản lý và ứng phó với các mối đe dọa mất an ninh mạng. Trên cơ sở phân tích thực trạng an ninh mạng ở các nước đang phát triển, bài viết rút ra một số giải pháp cho Việt Nam nhằm phát huy hiệu quả vai trò của công nghệ thông tin, đồng thời giữ vững môi trường không gian mạng an toàn, ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

 

6. NGUYỄN CHÍ GIÁP

Một số phân tích về thực tiễn chính sách đối ngoại của Indonesia

Tóm tắt: Chính sách đối ngoại của Indonesia được coi là duy nhất và hiếm có trên thế giới vì trọng tâm chính của nó là Tự do và Chủ động. Ngay sau khi giành được độc lập năm 1945, Indonesia áp dụng chính sách đối ngoại tiên phong là tham gia khối các nước không liên kết. Vì vậy, Indonesia khá nổi tiếng với phong trào không liên kết và Hội nghị Bandung trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Bài viết thảo luận về chính sách đối ngoại của Indonesia và xem xét liệu chính sách đó có phù hợp với lý thuyết cơ bản về Chính sách đối ngoại như Chủ nghĩa hiện thực, Chủ nghĩa duy tâm và Chủ nghĩa kiến tạo hay không. Hơn nữa, bài viết cũng phân tích Chính sách đối ngoại của Indonesia thông qua khái niệm Cường quốc tầm trung và làm rõ các hoạt động của Chính sách đối ngoại Indonesia trong những năm gần đây, đặc biệt là dưới thời Chính quyền Joko Widodo và mối quan hệ của nó với truyền thông, xã hội và dư luận.

 

7. VŨ THỊ DUYÊN

Hợp tác văn hóa giữa Đài Loan và một số nước Đông Nam Á từ năm 2016 đến nay

Tóm tắt: Trong xu thế quốc tế hóa và toàn cầu hóa như hiện nay, văn hóa là cầu nối quan trọng trong quan hệ quốc tế. Hợp tác văn hóa không chỉ giúp các bên tăng cường sự hiểu biết giữa các nền văn hóa với nhau mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển nhân loại nói chung.

 

8. NGUYỄN QUANG TUẤN

COVID-19 và vấn đề đảm bảo quyền lao động của người lao động di cư ở một số quốc gia Đông Nam Á

Tóm tắt: Dịch COVID-19 đã tác động đến mọi lĩnh vực ở tất cả các quốc gia trên thế giới và Đông Nam Á. Nó đã làm xáo trộn thị trường lao động, việc làm và ảnh hưởng đến nền kinh tế ở các quốc gia Đông Nam Á như Myanmar, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Một trong những nhóm lao động bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thị trường lao động là người lao động di cư, đặc biệt là những lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, nơi mà không có giao kết hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội. . Nhóm lao động này không chỉ mất việc làm và nguồn thu nhập mà còn có rất ít cơ hội để được hưởng các hỗ trợ từ các chính sách hỗ trợ tài chính, chương trình việc làm và chương trình vaccin. Rõ ràng, quyền lao động của người lao động di cư, đặc biệt là lao động di cư làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức còn chưa được đảm bảo trước các tác động của dịch COVID-19. Những tồn tại này đòi hỏi các chính phủ cần có những phản ứng chính sách hướng đến đảm bảo quyền lao động và việc làm của người lao động di cư hơn.

 

9. ĐỖ TRUNG HIẾU

Ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Tóm tắt: Đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới kể từ cuối năm 2019 cho tới nay đã phủ một bóng đen u ám lên nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Hàng trăm triệu lao động thất nghiệp, hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bài viết phân tích các tác động chính của đại dịch COVID-19 lên công nghiệp hỗ trợ Việt Nam như làm đứt gãy chuỗi cung ứng, gây thiếu hụt nguyên liệu, thị trường thu hẹp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài khó khăn, thiếu hụt nguồn lao động. Đồng thời, bài viết cũng đưa ra giải pháp nhằm khắc phục hiện trạng nêu trên, đó là phục hồi và mở rộng chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường và đầu tư, nâng cao công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế để chủ động trong sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị trong chuỗi giá trị và hướng đến xuất khẩu.

 

37 lượt xem