Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 12 năm 2022

Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 12 năm 2022

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

1. BÙI THỊ ÁNH VÂN

Hợp tác của ASEAN trong ứng phó đại dịch Covid-19

Tóm tắt: Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona xuất hiện vào tháng 12/2019 (Covid-19) và kéo dài đến nay chưa kết thúc. Diễn biến tình hình đại dịch ngày càng phức tạp trên phạm vi toàn cầu và có ảnh hưởng tiêu cực đến đà phát triển của nhiều quốc gia, nhiều khu vực và để lại những hậu quả khó lường. Trong bối cảnh đó, Cộng đồng ASEAN cần thiết đẩy mạnh hợp tác chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Thời gian này, ASEAN đã phát huy được vai trò của mình một cách rõ nét nhất.. Những kết quả đạt được và cả những thất bại trong cuộc chiến chống Covid-19 đã để lại cho chính các nước ASEAN cũng như nhiều quốc gia nhiều khu vực khác trên thế giới bài học kinh nghiệm, từ đó từng bước xử lý những hệ lụy từ cuộc khủng hoảng này. Bài viết tổng kết lại những hoạt động hiệu quả của tổ chức này trong việc kết nối các quốc gia trong khu vực cùng đẩy lùi, ngăn chặn đại dịch Covid- 19 thông qua việc đề cập đến các chương trình hợp tác ASEAN trong ứng phó đại dịch như: Triển khai các cuộc họp nội khối hoạch định giải pháp chống dịch Covid-19; Lập các Quỹ / Kho y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19; Thực hiện các kế hoạch để phục hồi tổng thể ASEAN; Thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED).

 

2. TRỊNH HẢI TUYẾN

Ngoại giao hàng hải trong chiến lược trục hàng hải toàn cầu của Indonesia

Tóm tắt: Năm 2014, vị tổng thống thứ 7, Joko Widodo đã tuyên bố Chiến lược Trục hàng hải toàn cầu (Global Maritime Fulcrum-GMF) nhằm biến Indonesia thành một “trục hàng hải toàn cầu, trung tâm văn minh toàn cầu”. Với tư cách là chiến lược hàng hải của Indonesia, GMF cũng nhấn mạnh việc thông qua ngoại giao hàng hải mời gọi các quốc gia khác hợp tác trong các vấn đề hàng hải để giảm và hòa giải các tranh chấp cũng như các yếu tố xung đột trên biển như tranh chấp lãnh thổ, đánh bắt cả trái phép, buôn lậu, cướp biển, xâm phạm chủ quyền và ô nhiễm biển. Bài viết tìm hiểu mục tiêu, nội dung của chính sách ngoại giao hàng hải trong Chiến lược GMF, mô tả một số kết quả đạt được cũng như những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực thi chính sách ngoại giao hàng hải của Indonesia.

 

3. NGUYỄN HỒNG QUANG

Một số vấn đề về việc làm, thu nhập, nghèo đói và công bằng xã hội ở Thái Lan từ năm 2014 đến nay

Tóm tắt: Bài viết phân tích một số vấn đề nổi bật về việc làm, thu nhập, nghèo đói và bất bình đẳng ở Thái Lan giai đoạn từ sau năm 2014 đến nay. Cuộc đảo chính quân sự tại Thái Lan vào tháng 5/2014 đã gây nhiều biến động về chính trị, kinh tế, xã hội. Sau khi tướng quân đội Prayuth Chan-ocha được bầu làm Thủ tướng lâm thời, ông đã đưa ra nhiều chính sách kinh tế - xã hội nhằm mục tiêu tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, nhưng chưa đạt được những kết quả tích cực. Từ sau cuộc bầu cử năm 2019, Chính phủ Thái Lan tiếp tục đưa ra nhiều chính sách xã hội và bước đầu đã có những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019, đại dịch Covid-19 đã xuất hiện và bùng phát mạnh dẫn đến việc thực thi các chính sách trong Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội lần thứ 12 (2017-2021) gặp nhiều khó khăn. Mặc dù có những thành công nhất định, nhưng Thái Lan vẫn đang gặp phải khó khăn trong thực thi giải quyết vấn đề việc làm, nghèo đói và bất bình đẳng xã hội. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Thái Lan cần có những thay đổi và đưa ra các chính sách chi tiết ở cả giai đoạn ngắn hạn và dài hạn.

 

4. HOÀNG THỊ MỸ NHỊ, TRẦN THỊ MINH GIANG CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC CỦA NGƯỜI JAVA TRONG QUAN HỆ XÃ HỘI HIỆN ĐẠI Ở INDONESIA

 

Tóm tắt: Dưới tác động của toàn cầu hóa và công nghệ kỹ thuật số, sự phát triển kinh tế - xã hội và tương tác xã hội đã và đang thay đổi ở Indonesia. Trên cơ sở những thành tựu và thách thức của quá trình phát triển, Chính phủ luôn thực hiện mục tiêu quốc gia là đảm bảo ổn định xã hội, thực hiện bình đẳng, dân chủ và thịnh vượng. Bài viết tập trung làm rõ quan niệm về đạo đức, quan hệ xã hội, chuẩn mực đạo đức của người Java trong xã hội hiện đại. Trên cơ sở đó, bài viết tìm hiểu vai trò của các chuẩn mực đạo đức đối với sự phát triển của văn hóa và xã hội Indonesia. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc duy trì xã hội bền vững, bình đẳng và phát triển phải dựa trên các giá trị đạo đức truyền thống, bản sắc, tính linh hoạt, tỉnh đa dạng và tính bền vững của văn hóa dân tộc. Do đó, các tiêu chuẩn đạo đức Java cần được bảo tồn với các đặc điểm ưu điểm và loại bỏ các hạn chế để phù hợp với bối cảnh xã hội mới.

 

5. NGUYỄN ĐỨC TÂM

Hợp tác an ninh giữa Ấn Độ và Nhật Bản ở Đông Nam Á từ thập niên thứ hai của thế kỉ XXI đến nay

Tóm tắt: Cục diện khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng đã thay đổi nhanh chóng và phức tạp trong thập niên gần đây. Việc tăng cường hợp tác an ninh giữa Ấn Độ và Nhật Bản ở khu vực Đông Nam Á phù hợp với chiến lược và lợi ích quốc gia của từng nước, qua đó duy trì an ninh, hòa bình và ổn định trong khu vực. Bài viết phân tích những nhân tố tác động đến sự hợp tác về an ninh giữa Ấn Độ và Nhật Bản ở khu vực Đông Nam Á,. làm rõ hợp tác an ninh giữa hai nước trên thông qua các cơ chế hợp tác đa phương trong khu vực và song phương giữa Ấn Độ, Nhật Bản với các nước Đông Nam Á điển hình. Cuối cùng, bài viết đưa ra những tác động của hợp tác an ninh giữa Ấn Độ và Nhật Bản đối với khu vực Đông Nam Á từ thập niên thứ hai của thế kỷ XXI đến nay.

 

6. VŨ THỊ DUYÊN

Hợp tác văn hóa - xã hội giữa Đài Loan và Malaysia từ năm 2016 đến nay

Tóm tắt: Xu thế toàn cầu hoá phát triển mạnh mẽ thúc đẩy các quốc gia tăng cường hợp tác giao lưu quốc tế trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội. Năm 2016, Đài Loan bắt đầu triển khai Chính sách hướng Nam mới, tác động trực tiếp đến sự giao lưu hợp tác văn hoá của vùng lãnh thổ này với các quốc gia mà họ lựa chọn làm trọng điểm như Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Mianmar. Trong quá khứ, mối quan hệ văn hoá - xã hội giữa Đài Loan và Malaysia chưa thật sự được chú trọng, sự hiểu biết lẫn nhau còn rất nhiều hạn chế. Ngày nay, với sự phát triển của nền kinh tế Malaysia, giao lưu kinh tế giữa Đài Loan và Malaysia có nhiều thay đổi. Các hoạt động giao lưu hợp tác, tuyên truyền quảng bá về du lịch, giáo dục, văn hoá, nghệ thuật làm tăng sự hiểu biết của nhân dân hai bên. Có thể nói, từ khi Đài Loan bắt đầu thực thi Chính sách hướng Nam mới năm 2016, mối quan hệ kinh tế, văn hoá, xã hội Đài Loan và Malaysia đã được nâng lên một tầm cao mới.

 

7. LÊ THỊ NHUẤN, PISIT AMNUAYNGERNTRA, KNHÔI, ĐOÀN THỊ THANH NGA

Địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ Cơ-ho nhìn từ góc độ văn hóa (Nghiên cứu trường hợp tại huyện Lạc Dương và Di Linh, tỉnh Lâm Đồng)

Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu về địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ Cơ-họ ở các huyện Lạc Dương và Di Linh, tỉnh Lâm Đồng nhìn từ góc độ văn hóa. Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng phương pháp điền dã để thu thập địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ Cơ-ho tại các huyện Lạc Dương và huyện Di Linh. Bằng phương pháp này, chúng tôi có thể quan sát, nghe kể, ghi chép, chụp ảnh để thu thập các địa danh liên quan đến địa lý, văn hóa của tộc người Cơ-ho. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ Cơ-họ gồm địa danh tự nhiên và địa danh phi tự nhiên. Địa danh sẽ là những chứng cứ quan trọng chỉ ra quá trình tiếp xúc, giao thoa văn hóa giữa tộc người Cơ-ho và các tộc người khác trên địa bàn nghiên cứu.

 

8. ĐỖ ANH VINH

Truyền thống xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Trung đoàn 38

Tóm tắt: Hơn sáu mươi năm qua, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, trực tiếp là Bộ Quốc phòng, sự yêu thương, đùm bọc của nhân dân, từ một đơn vị bộ đội địa phương, Trung đoàn 38 đã không ngừng lớn mạnh, trở thành trung đoàn bộ binh chủ lực; liên tục cơ động chiến đấu với nhiều đối tượng địch, trên khắp chiến trường ba nước Đông Dương, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Bài viết tập trung làm rõ những nét đặc sắc, những chiến công oanh liệt trong truyền thống của Trung đoàn 38 anh hùng, từ đó xác định và luận giải một số giải pháp để tiếp tục phát huy truyền thống của đơn vị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

 

HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC

Hội thảo khoa học: “Nghiên cứu của thanh niên về quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc - ASEAN trong bối cảnh đại dịch Covid và gợi mở chính sách đối với Việt Nam”

ĐIỂM SÁCH

Keeping Indonesia Safe from the Covid-19 Pandemic: Lessons Learnt from the National Economic Recovery Programme (Giữ cho Indonesia an toàn trước Đại dịch Covid-19: Bài học kinh nghiệm từ Chương trình phục hồi kinh tế quốc gia)

TỔNG MỤC LỤC NĂM 2022

59 lượt xem