- Sách
- Chính trị (105)
- Xã hội học (23)
- Môi trường (5)
- Quan hệ Ngoại giao (78)
- Văn hóa (11)
- Nông nghiệp (1)
- Kinh tế (79)
- Quản lý Thông tin (2)
- Luật (6)
- Du lịch (2)
- Tôn giáo (5)
- Ngôn ngữ (2)
- Giáo dục (2)
- Sức khỏe (2)
- Lịch sử (5)
- Triết học (1)
- Cách mạng Công nghiệp 4.0 (3)
- Phát triển bền vững (2)
- Khoa học Công nghệ (3)
- Tạp chí
- Những vấn đề kinh tế & chính trị thế giới (44)
- Châu Mỹ ngày nay (27)
- Nghiên cứu Châu Âu (31)
- Nghiên cứu Ấn Độ & Châu Á (27)
- Nghiên cứu Trung Quốc (43)
- Nghiên cứu Đông Nam Á (54)
- Nghiên cứu Đông Bắc Á (29)
- Nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông (24)
- Tài liệu

Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2 năm 2020
Tác giả:
Thông tin NXB:
Số trang : 0
Loại sách: Tạp chí
1. NGUYỄN HUY HOÀNG, VŨ HỮU MẠNH
Kinh nghiệm của một số nước ASEAN về phát triển kinh tế số và tham khảo cho Việt Nam.
Tóm tắt: Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, thế giới chứng kiến những thay đổi to lớn đối với việc ứng dụng Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICT) vào phát triển kinh tế, làm xuất hiện xu hướng phát triển kinh tế kỹ thuật số. Những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong CMCN 4.0 là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối (Internet of Things - IoT), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ điện toán đám mây (Cloud Computing), chuỗi khối (Blockchain).... Cuối cùng, về lĩnh vực Vật lý là robot thế hệ mới, in 3D, xe tự lái, công nghệ nano,... Đồng hành cùng với cuộc CMCN 4.0, định hướng phát triển một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số hay còn gọi là "Kinh tế số" được đặt ra. Nắm bắt xu thế này, các nước ASEAN cũng đã từng bước ứng dụng khoa học kỹ thuật, chớp thời cơ của CMCN 4.0 để áp dụng cho phát triển kinh tế. Kết quả là tỷ phần kinh tế số trong GDP của các nước có xu hướng tăng trong những năm gần đây mà dẫn đầu trong khối vẫn là Singapore, Malaysia và Thái Lan. Tuy nhiên, kinh tế số ASEAN vẫn đi sau quá xa so với các nước khác như Mỹ, EU, Trung Quốc. Bài viết này tiến hành nghiên cứu kinh nghiệm hai nước Singapore và Malaysia trong phát triển kinh tế số để rút ra một vài hàm ý tham khảo cho Việt Nam trong phát triển kinh tế số.
2. LÊ THỊ QUÍ ĐỨC
Tính đa chiều trong quan hệ Ấn Độ - Philippines giai đoạn 1947 - 1964: Nguyên nhân và thực trạng.
Tóm tắt: Sau thời gian dài nằm dưới ách cai trị của chủ nghĩa thực dân, năm 1947 được xem là dấu mốc quan trọng của Ấn Độ trên con đường nối lại quan hệ với các nước ở Đông Nam Á - khu vực vốn đã có những liên hệ mật thiết từ trong quá khứ với quốc gia Nam Á này. Tuy nhiên, trong dòng chảy chung ấy, bên cạnh việc cùng chia sẻ những gắn kết lâu đời, xuất phát từ những điểm riêng có của mỗi quốc gia, quan hệ hai nước Ấn Độ và Philippines dưới thời Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru (1947-1964) đã mang đến một bức tranh đa sắc với sự đan xen những gam màu đậm nhạt khác nhau. Vậy những nguyên nhân nào tạo nên tính đa dạng đó và những biểu hiện cụ thể trong mối quan hệ giữa hai nước giai đoạn 1947 - 1964 là gì? Bài viết dưới đây sẽ tập trung phân tích, luận giải những nét nổi bật ấy.
3. NGUYỄN ĐÌNH CƠ
Quá trình hội nhập vào hoạt động thương mại trên Biển Đông và sự định hình tính mở của văn hóa - xã hội Đàng Trong ở thế kỷ XVII – XVIII.
Tóm tắt: Do điều kiện lãnh thổ chạy dài dọc theo Biển Đông, trong suốt chiều dài lịch sử của mình, Việt Nam đã hình thành nên một truyền thống hướng biển mạnh mẽ. Từ khi chúa Nguyễn mở đất Đàng Trong, truyền thống đó càng được phát huy, dòng thương mại Biển Đông đã có ảnh hưởng sâu sắc tới sự tồn tại và phát triển của vùng lãnh thổ vừa mới thành lập. Trên cơ sở phân tích những sử liệu từ các công trình sử học Việt Nam, đồng thời có sự đối sánh với những tư liệu của các thương nhân, các giáo sĩ phương Tây và khu vực, bài viết làm rõ về sự hội nhập của Đàng Trong vào "thời đại thương mại", cũng như sự tác động của hoạt động đó tới quá trình định hình tính mở của văn hóa - xã hội Đàng Trong ở thế kỷ XVII - XVIII.
4. VÕ THỊ MINH LỆ, NGUYỄN THỊ HỒNG NGA
Chính sách hỗ trợ, phát triển các dân tộc thiểu số của Thái Lan.
Tóm tắt: Chính phủ Thái Lan mặc dù đã có sự quan tâm đáng kể đến người dân tộc kể từ những năm 1950, song trên thực tế Thái Lan lại không có một chính sách riêng, đặc thù cho cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS). Thay vào đó, quốc gia này theo đuổi chính sách "hội nhập", thực chất là "đồng hóa", định hướng các nhóm DTTS hội nhập với dân tộc đa số Thái hơn là tôn trọng và bảo tồn sự đa dạng của các dân tộc. Mặc dù vậy, Chính phủ cũng đã thực thi một số chương trình hỗ trợ cho các bộ lạc miền núi và cộng đồng DTTS giảm nghèo, ổn định xã hội và phát triển bền vững. Bài viết góp phần làm rõ các chính sách mà Chính phủ Thái Lan đã áp dụng trong thời gian qua nhằm hỗ trợ, phát triển các DTTS sinh sống ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn của Thái Lan.
5. NGUYỄN TUẤN ANH
Kinh nghiệm cải cách mở cửa và hội nhập kinh tế khu vực ở Malaysia và Indonesia.
Tóm tắt: Quá trình cải cách mở cửa và hội nhập kinh tế đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển của một quốc gia. Bài viết nghiên cứu kinh nghiệm của hai nền kinh tế quan trọng của ASEAN đó là Malaysia và Indonesia trong quá trình mở cửa và hội nhập, từ đó đưa ra một số gợi mở chính sách cho Việt Nam. Bài viết chỉ ra rằng các chính sách hội nhập kinh tế khu vực cần phải được thực hiện đồng thời với các cải cách cơ cấu đế có thể nâng cao hiệu quả hội nhập của Việt Nam.
6. LÊ THỊ HÒA
Quá trình hình thành và phát triển giáo dục đại học ở Lào.
Tóm tắt: Hiện nay, trong xu thế phát triển của nền kinh tế tri thức, các quốc gia Đông Nam Á muốn khẳng định thế cạnh tranh của mình đều cố gắng đổi mới, cải cách hệ thống giáo dục quốc dân để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả giáo dục, trong đó, một số nước như Singapore, Thái Lan và gần đây là Việt Nam đã và đang tìm thấy lợi thế cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới khi xây dựng được mô hình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gồm đại học và sau đại học. Đối với Lào, một nước có nền kinh tế còn nhiều khó khăn với nhiều nét đặc thù về vị trí địa lí, địa hình, văn hóa và lối sống của cư dân nơi đây, khiến cho sự phát triển giáo dục đại học diễn ra muộn và chậm hơn so với nhiều nước trong khu vực. Quá trình này diễn ra qua hai giai đoạn, sự dịch chuyển qua mỗi giai đoạn đã chứng tỏ được sự phấn đấu và mục tiêu phát triển của Lào trong nhiều năm qua.
7. LÊ THỊ HẰNG NGA
Subhas Chandra Bose trong mối quan hệ giữa Ấn Độ và Đông Nam Á.
Tóm tắt: Bài viết nhận diện vai trò của nhà cách mạng Subhas Chandra Bose trong phong trào dân tộc Ấn Độ và trong sự kết nối giữa Ấn Độ với khu vực Đông Nam Á nửa đầu thế kỷ XX. Trong suốt thời gian dài, giới sử học chính thống ở Ấn Độ không thừa nhận vai trò của Bose và sự đóng góp của ông cũng như của lực lượng quân đội do ông thiết lập trong phong trào dân tộc Ấn Độ. Trên thực tế, Bose đã nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng: Thị trưởng Thành phố Calcutta, nay là Kolkata, từng được bầu làm chủ tịch Đảng Quốc Đại Ấn Độ (1938-39), người sáng lập Khối Toàn Ấn tiến về phía trước( ) và Quân đội Quốc gia Ấn Độ (INA-Indian National Army), thành lập Trung đoàn Rani của Thansi - trung đoàn nữ đầu tiên của Ấn Độ. Bài viết khẳng định vai trò không thể phủ nhận của Subhas Chandra Bose trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Ấn Độ với tư cách nhà lãnh đạo quân sự tài năng, thực sự là "Tư lệnh Tối cao đầu tiên" của Ấn Độ.
8. BÙI NAM KHÁNH
Buôn lậu trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia: Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả phòng ngừa.
Tóm tắt: Tình hình buôn lậu trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia đang có những diễn biến hết sức phức tạp, có xu hướng tăng nhanh cả về số lượng, quy mô, chủng loại hàng hóa và gây nên những thiệt hại lớn về kinh tế và bất ổn an ninh trật tự trong xã hội. Đối tượng tham gia buôn lậu ngày càng đa dạng và manh động. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ; đồng thời, phối hợp với Campuchia trong phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại tại biên giới hai nước. Bài viết làm rõ thực trạng buôn lậu trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia; đồng thời, đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng ngừa trong thời gian tới.
9. NGUYỄN VIẾT XUÂN
Quan hệ hợp tác giữa Quảng Bình và Khammouane trong những năm đầu thế kỷ XXI.
Tóm tắt: Trong tiến trình lịch sử, nhân dân các dân tộc ở các tỉnh dọc biên giới Việt - Lào đã thiết lập mối quan hệ trên nhiều lĩnh vực cộng cư, hôn nhân và giao thương, góp phần xây dựng mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào, bảo vệ và giữ gìn chủ quyền biên giới quốc gia. Trong đó, nhân dân hai tỉnh Quảng Bình (Việt Nam) và Khammouane (Lào) đã xây dựng và duy trì ngày càng phát triển mối quan hệ, đóng vai trò quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, đặc biệt là trong những năm đầu thế kỷ XXI. Bài viết nhận diện những kết quả trong quan hệ hợp tác giữa tỉnh Quảng Bình, Việt Nam với tỉnh Khammouane, Lào trên một số lĩnh vực nhằm làm rõ hơn mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Lào, khẳng định tầm quan trọng và sự cần thiết tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai tỉnh và hai nhà nước.
HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC
10. Hội thảo: "Rà soát, hoàn thiện các sản phẩm dự án hỗ trợ kỹ thuật: KPI, sổ tay quản lý nghiên cứu và số tay nghiên cứu viên"
ĐIỂM SÁCH
11. "Hợp tác an ninh phi truyền thống trên biển ở Đông Nam Á và gợi ý chính sách cho Việt Nam"