Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 3 năm 2022

Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 3 năm 2022

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

1. PHẠM THỊ THANH BÌNH, VŨ VĂN HÀ

Phát triển đô thị thông minh Singapore và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Tóm tắt: Xây dựng mạng lưới thông minh ASEAN đã và đang thu hút sự hưởng ứng tham gia tích cực của nhiều quốc gia thành viên. Bài viết “Phát triển đô thị thông minh Singapore và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” phân tích tiến trình xây dựng đô thị thông minh của Singapore- quốc gia luôn đứng đầu trong top 20 đô thị thông minh trên thế giới. Năm 2021, mặc dù bị tác động bởi đại dịch Covid-19 song Singpore vẫn là thành phố thông minh nhất trong hơn 118 thành phố thông minh toàn cầu. Đây là lần thứ 3 liên tiếp Singapore đạt được danh hiệu này. Bài viết phân tích những đặc điểm cơ bản của đô thị thông minh và những lý do chính đã khiến Singapore luôn dẫn đầu và trở thành đô thị thông minh nhất thế giới. Bài viết tìm hiểu những chính sách Singapore áp dụng để xây dựng và phát triển đô thị thông minh. Cuối cùng, bài viết đưa ra một số đánh giá, nhận xét và rút những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam để xây dựng thành phố thông minh.

 

2. LÊ PHƯƠNG HÒA, NGUYỄN XUÂN TÙNG

Mối quan hệ giữa mô hình tăng trưởng kinh tế và phân phối thu nhập ở Thái Lan trong những năm gần đây

Tóm tắt: Phân phối thu nhập là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm, trong đó vấn đề nổi lên là tìm hiểu mối liên hệ giữa mô hình tăng trưởng kinh tế và phân phối thu nhập để lựa chọn chính sách phát triển phù hợp. Hiện vẫn tồn tại hai quan điểm: (i) bất bình đẳng phân phối thu nhập dẫn đến phát triển kinh tế kém hơn thông qua bất ổn chính trị và bất ổn xã hội; (ii) bất bình đẳng cũng có thể dẫn đến phát triển kinh tế nhanh hơn thông qua ưu đãi cao hơn cho những người đầu tư sản xuất. Bài viết phân tích mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phân phối thu nhập ở Thái Lan trên cơ sở xem xét các mô hình tăng trưởng cụ thể của Thái Lan trong giai đoạn phát triển gần đây và thực trạng phân phối thu nhập theo 2 tiêu chí (i) thu nhập của các nhóm dân cư và (ii) hệ số GINI. Qua nghiên cứu cho thấy, Thái Lan hiện là một trong những quốc gia có bất bình đẳng về thu nhập cao nhất thế giới và mặt trái của tăng trưởng kinh tế chính là khoảng cách chênh lệch thu nhập bị nới rộng, từ đó dẫn đến những bất ổn về nhiều mặt của đời sống chính trị, xã hội của Thái Lan.

 

3. NGUYỄN THANH MINH

Vị trí, vai trò và ý nghĩa từ phán quyết của tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

Tóm tắt: Phán quyết ngày 12/7/2016 được Tòa Trọng tài Quốc tế (Tòa Trọng tài ) thành lập theo Phụ lục VII Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNC-LOS 1982) trong vụ kiện do Philippines khởi xướng chống lại Trung Quốc là một bước ngoặt trong tranh chấp ở Biển Đông. Theo quy định tại Điều 296 của Công ước và Điều 11 của Phụ lục VII, Phán quyết này có tính ràng buộc pháp lý và có tính chung thẩm. Đã hơn 5 năm trôi qua kể từ khi Phán quyết được ban hành, vị trí, vai trò, ý nghĩa và tính thời sự của văn kiện này vẫn còn nguyên giá trị pháp lý, nhất là trong bối cảnh hiện nay, nhiều nước vận dụng biện pháp pháp luật để giải quyết tranh chấp lãnh thổ, trong đó có chủ quyền biển đảo. Bài viết tập trung phân tích yêu sách phi lý của Trung Quốc và khẳng định các giá trị bất biến của Phán quyết Tòa Trọng tài.

 

4. NGUYỄN NGỌC LAN

Kinh tế số và chuyển đổi số ở CHDCND Lào

Tóm tắt: Kinh tế số và chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu thông qua tư duy đổi mới nhằm tăng cường mạnh mẽ các hoạt động cạnh tranh. Vì vậy, công nghệ kỹ thuật số đã trở thành một phần không thể thiếu trong tất cả các khía cạnh hoạt động của con người, bao gồm quản trị, kinh doanh và đời sống cá nhân. Đồng thời, tiến trình số hóa không chỉ là một phần của các hoạt động thường nhật mà còn là điều kiện quan trọng trong động lực tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra sôi nổi trên thế giới và khu vực, dựa vào thực tế phát triển kinh tế- xã hội và trình độ khoa học công nghệ của Lào, thời gian qua, Chính phủ Lào đã đề ra nhiều định hướng, chính sách phát triển nền kinh tế số quốc gia. Quá trình thực thi mặc dù gặp nhiều khó khăn, song Lào cũng đã đạt được một số thành tựu nhất định, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo ra bước đột phá trong công cuộc phát triển kinh tế- xã hội của Lào, qua đó tạo nền tảng để Lào phát triển và hội nhập khu vực và quốc tế trong lĩnh vực này. Bài viết tập trung vào một số định hướng phát triển kinh tế số và chuyển đổi số của Lào cũng như phân tích thực trạng phát triển kinh tế số và chuyển đổi số ở Lào trong thời gian vừa qua.

 

5. PHẠM THANH TỊNH, HÀ THỊ ĐAN

Văn hóa Java trong đời sống văn hóa- xã hội Indonesia

Tóm tắt: Indonesia là quốc gia có dân số đông nhất Đông Nam Á và đứng thứ 4 trên thế giới với sự tồn tại của vài trăm dân tộc khác nhau. Trong đó, người Java là một trong những tộc người chiếm đa số (gần 42%). Văn hóa của tộc người này phát triển từ rất sớm. Văn hóa Java là một trong những nền văn hóa thể hiện sự tổng hợp các giá trị văn hóa nội sinh và ngoại sinh trong khu vực và chi phối toàn bộ đời sống văn hóa và quá trình phát triển ở Indonesia ngày nay. Bài viết tập trung làm sáng rõ bức tranh tổng thể về văn hóa Java trong đời sống văn hóa Indonesia trên những bình diện cụ thể: tôn giáo, văn học- nghệ thuật và kiến trúc, điêu khắc.

 

6. NGUYỄN THỊ HỒNG LAM

Một số phân tích về nguyên nhân khủng hoảng người Rohingya ở Myanmar

Tóm tắt: Khủng hoảng người Rohingya ở Myanmar nổi lên trên khắp thế giới như vấn đề về vi phạm nhân quyền. Hàng thập kỷ qua, quân đội Myanmar đã có những hành vi phân biệt đối xử, đàn áp và bạo lực đối với người Rohingya- cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Bang Rakhine, phía tây Myanmar và vấn đề này vẫn còn tiếp diễn cho đến nay. Tiêu biểu, vào năm 2017, lực lượng an ninh Myanmar đã phát động một cuộc tấn công tàn khốc nhằm vào cộng đồng người Rohingya, gây nên cảnh hàng ngàn người bị giết, phụ nữ và trẻ em gái bị hãm hiếp, hàng trăm ngôi nhà và làng mạc bị đốt trụi. Hậu quả là rất nhiều phụ nữ, đàn ông và trẻ em người Rohingya bị buộc phải tị nạn sang Bangladesh và gây nên cuộc khủng hoảng di cư người Rohingya. Bài viết tập trung phân tích nguyên nhân của vấn đề khủng hoảng người Rohingya từ bốn khía cạnh: nguồn gốc tộc người, vấn đề tôn giáo, di sản thực dân Anh và chính sách đối với người Rohingya của chính phủ Myanmar trước năm 2011, từ đó người đọc sẽ có cái nhìn tổng thể hơn về nguồn gốc của vấn đề này.

 

7. ĐÀNG NĂNG HÒA

Rija Nagar- nghi lễ chuyển mùa của người Chăm và mối tương đồng với các nước trong khu vực Đông Nam Á

Tóm tắt: Nghi lễ chuyển mùa- đầu năm mới của các nước trong khu vực Đông Nam Á lục địa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Xuất phát từ tín ngưỡng nông nghiệp lúa nước và đặc điểm tôn giáo, hiện nay có các nước: Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar và người Chăm ở Việt Nam tổ chức đón mừng năm mới với các nghi thức, đặc trưng văn hóa tương đồng lẫn nhau. Thời điểm tổ chức đón năm mới vào trung tuần tháng 4 Dương lịch cũng đồng thời là lúc bắt đầu vụ mùa mới trong nông nghiệp cổ truyền. Trong thời gian chuyển tiếp này, cư dân Đông Nam Á nói chung và người Chăm nói riêng, tiến hành một loạt các nghi lễ, lễ hội nhằm tống tiễn mọi điều xui xẻo của năm cũ và cầu mong mọi sự tốt lành của một năm làm ăn mới. Dù có những khác biệt về hình thức, thời điểm tổ chức, nhưng thực chất tết năm mới của các dân tộc Đông Nam Á là những ngày lễ hội thực sự mang ý nghĩa chuyển mùa.

 

8. BÙI NAM KHÁNH

Hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia trong lĩnh vực quốc phòng- an ninh: Thực trạng và giải pháp

Tóm tắt: Từ khi đất nước Campuchia đi vào hòa hợp dân tộc và tái lập Vương quốc Campuchia (năm 1993) đến nay, hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia trên lĩnh vực quốc phòng- an ninh đã đạt những thành tựu to lớn, trở thành trụ cột quan trọng trong mối quan hệ đặc biệt Việt Nam- Campuchia. Trong thời gian tới, Việt Nam và Campuchia tiếp tục duy trì chính sách tăng cường hợp tác toàn diện, đưa mối quan hệ Việt Nam- Campuchia đi vào chiều sâu nên hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng- an ninh sẽ tiếp tục được ưu tiên thúc đẩy. Bài viết đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia trong lĩnh vực quốc phòng- an ninh từ năm 2009 đến nay.

 

9. LÊ THANH HẢI

Hợp tác giữa các địa phương trong Tam giác phát triển Việt Nam- Lào- Campuchia: Trường hợp giữa tỉnh Kon Tum (Việt Nam) và tỉnh Attapeu (Lào) giai đoạn 2004-2017

Tóm tắt: Năm 2004, Thủ tướng ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia đã ra Tuyên bố Vientiane về việc thiết lập Tam giác phát triển và định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội khu vực Tam giác ba nước. Tỉnh Kon Tum (Việt Nam) và tỉnh Attapeu (Lào) trở thành hai tỉnh nằm ở vùng lõi của khu vực Tam giác phát triển, có quan hệ mật thiết với nhau và giữ vai trò quan trọng trong kết cấu chung của cơ chế hợp tác này. Hai địa phương này đã phối hợp triển khai nhiều nội dung của hợp tác khu vực Tam giác phát triển Việt Nam- Lào- Campuchia, góp phần khai thác tiềm năng thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở mỗi tỉnh, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các địa phương khác của mỗi nước. Bài viết tập trung làm rõ kết quả hợp tác giữa tỉnh Kon Tum và tỉnh Attapeu trên cơ sở thực hiện các thỏa thuận hợp tác trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam- Lào- Campuchia và đưa ra một số nhận xét, đánh giá có liên quan.

 

HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC

Hội thảo quốc tế: “Năng lực nhà nước về Phát triển quốc gia thời kỳ hậu COVID – 19: Cơ hội và thách thức cho hợp tác giữa Hàn Quốc và các nước ASEAN”

 

ĐIỂM SÁCH

Đánh giá lợi ích của cơ chế một cửa asean+6 đối với các nước thành viên asean

 

63 lượt xem