Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 3 năm 2023

Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 3 năm 2023

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

1. TRẦN KHÁNH, VŨ ANH TUẤN

Không gian chiến lược Việt Nam - Lào - Campuchia trong bối cảnh mới

Tóm tắt: Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, ngoài sự kết nối về địa lý, nhất là cùng chung sống trên dãy Trường Sơn và dòng sông Mekong, nằm ở phía Đông của bán đảo Đông Dương, nơi tiếp nối đất liền và biển giữa Đông Nam Á và Đông Bắc Á, thì truyền thống đoàn kết, gắn bó, chia sẻ tầm nhìn và lợi ích chung của Việt Nam, Lào và Campuchia trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước là những cơ sở tạo dựng nên không gian chiến lược cho an ninh và phát triển của ba nước Đông Dương, Hiện nay, không gian chiến lược này đang bị thách thức bởi sự can dự, lôi kéo “chia để trị” của các thế lực bên ngoài. Điều này đòi hỏi sự gia tăng tình hữu nghị và hợp tác láng giềng Việt Nam - Lào - Campuchia.

 

2. ĐẶNG THU THỦY

Triển vọng hội nhập của Ấn Độ với khu vực Đông Nam Á

Tóm tắt: Chính phủ Ấn Độ đặc biệt quan tâm đến khu vực Đông Nam Á, thể hiện rõ từ việc chuyển đổi từ Chính sách hướng Đông sang Chính sách hành động hướng Đông. Việc điều chỉnh chính sách của Ấn Độ đối với khu vực Đông Nam Á thể hiện mối quan tâm, cam kết của Thủ tướng Modi về việc tăng cường sự hiện diện của Ấn Độ trong khu vực, tạo dựng lòng tin cũng như mở ra triển vọng hội nhập của Ấn Độ tại Đông Nam Á. Bài viết tập trung nghiên cứu lợi ích chiến lược của Ấn Độ tại khu vực Đông Nam Á cũng như triển vọng hội nhập của New Delhi với khu vực năng động này.

 

3. NGUYỄN DUY DŨNG, NGUYỄN HOÀNG ANH TÚ

Quan hệ Việt Nam - Myanmar: Nhìn lại và triển vọng

Tóm tắt: Việt Nam và Myanmar là hai quốc gia có quan hệ hữu nghị lâu đời. Trải qua bao biến động, song những di sản truyền thống vẫn được giữ vững và phát huy. Bài viết không chỉ làm rõ những giá trị quý báu đỏ mà còn phân tích rõ hơn những thành tựu hiện tại trong quan hệ hai nước trên các lĩnh vực chính trị, hội nhập khu vực quốc tế và kinh tế... Từ đó nêu rõ triển vọng hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam - Myanmar hiện nay và trong thời gian tới.

 

4. PHẠM THANH TỊNH

Đặc trưng và vị thế văn hóa của người Java ở Indonesia

Tóm tắt: Indonesia là quốc gia có dân số đông nhất Đông Nam Á và đứng thứ 4 trên thế giới với sự tồn tại của vài trăm dân tộc khác nhau, cùng chung sống trên một không gian rộng lớn gồm hơn 17.500 hòn đảo. Trong đó, người Java là một trong những tộc người chiếm đa số (gần 42%). Văn hóa của tộc người này phát triển từ rất sớm. Văn hoà Java là một trong những nền văn hoá thể hiện sự tổng hợp các giá trị văn hóa nội sinh và ngoại sinh trong khu vực. Ngay từ đầu công nguyên, người Java đã tiếp xúc với người Ấn Độ, Trung Quốc, sau đó tiếp xúc với Ả Rập, phương Tây và tiếp thu các yếu tố văn hóa của họ, đặc biệt là ngôn ngữ, tôn giáo và nghệ thuật. Qua mỗi lần giao lưu và tiếp xúc văn hóa, người Java đã học hỏi và tích góp cho mình nhiều giá trị nghệ thuật đặc sắc, làm phong phú thêm cho nền nghệ thuật dân tộc, và chi phối hầu như toàn bộ đời sống văn hóa và quá trình phát triển ở Indonesia ngày nay. Bài viết tập trung khái quát những nét đặc trưng của văn hóa người Java, đồng thời nêu bật vị thế của nó trong đời sống văn hóa - xã hội Indonesia kể từ khi đất nước này giành được độc lập năm 1945.

 

5. NGUYỄN VĂN CHIẾN

Tín dụng nội địa và tăng trưởng kinh tế - Trường hợp các nước Đông Nam Á

Tóm tắt: Mục đích của nghiên cứu nhằm đánh giá tác động của tín dụng nội địa đến tăng trưởng kinh tế. Bài viết sử dụng dữ liệu tại các nước điển hình trong khu vực Đông Nam Á trong khoảng thời gian 1996 - 2020, sử dụng phương pháp hồi quy truyền thống như bình phương tối thiểu, mô hình tác động cố định và mô hình tác động ngẫu nhiên. đồng thời nghiên cứu đánh giá sự khác biệt giữa các quốc gia và bất biến theo thời gian do các yếu tố văn hóa và vị trí địa lý. Các đặc tính của quốc gia khó có thay đổi trong thời gian ngắn. Các đặc tính này không được quan sát trong mô hình và có thể gây ra thiên lệch trong mô hình hồi quy, kết quả nghiên cứu khẳng định rằng tín dụng nội địa chưa có tác động đến tăng trưởng kinh tế. Nghiên cứu cũng khẳng định tác động tích cực của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng. Không có mối quan hệ giữa độ mở thương mại, quy mô dân số, tỷ lệ đô thị hóa đến tăng trưởng kinh tế.

 

6. NGUYỄN THỊ THÙY CHÂU

Bức tranh chính trị - xã hội Thái Lan trong các truyện ngắn tranh giải thưởng Matichon Award 2022

Tóm tắt: Bài viết nhằm mục tiêu làm rõ các đặc điểm về chính trị, xã hội Thái Lan hiện đại được phản ánh trong 6 truyện ngắn tranh giải thưởng Matichon Auard 2022. Sáu truyện ngắn gồm “Biến thành bướm” của Naruepol Sudsawat, “Thua triệt để” của Buncha Ondee, “Quốc gia ướp xác” của Chamangchai, “Súc vật sau giàn hỏa tăng” của Thara Srianurag, “Kẻ sinh ra ở địa ngục” của iMuGi và “Con đường của bò, con đường của người, con đường của yêu tinh” của Sriwan. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nền chính trị được đề cập đến trong các tác phẩm là nền chính trị non yếu, chưa có môi trường để phát triển lớn mạnh bởi sự hạn chế của chính quyền. Thông qua các tác phẩm của mình, các nhà văn đã gửi gắm ước mơ về một xã hội hoàn toàn tự do, dân chủ. Đặc điểm về xã hội được phản ánh trong các truyện ngắn nói trên gồm sự bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo, quyền của nhóm người thuộc giới tính thứ ba, sự xuống cấp về đạo đức và giới luật của giới tăng lữ, những đặc trưng trong tín ngưỡng của người Thái Lan và các vấn đề xã hội hiện đại như ma túy, mại dâm, lao động trẻ em, cờ bạc hay giáo dục.

 

7. NGUYỄN THỊ TUYẾT NHUNG

Tình hình phát triển giao thông của Lào và hợp tác phát triển giao thông Lào - Việt Nam từ sau năm 1975 đến nay

Tóm tắt: Sau khi giành được độc lập năm 1975, mạng lưới giao thông vận tải của Lào phần nhiều bị tàn phá trong chiến tranh đã được Chính phủ Lào cải tạo, nâng cấp, mở rộng thêm nhiều con đường và phát triển toàn diện, đồng bộ các loại hình vận tải để đưa Lào từ nước không có biển thành nơi trung chuyển của các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng và khu vực ASEAN. Trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế đất nước sau chiến tranh, Chính phủ Lào và Chính phủ Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực giao thông vận tải. Hợp tác phát triển giao thông vận tải giữa Chính phủ hai nước góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh và mối quan hệ hữu nghị vĩ đại giữa hai nước.

 

8. ĐÀO TUẤN THÀNH, NGUYỄN THỊ HUYỀN THANH

Quan hệ kinh tế, an ninh - quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald J.Trump (2017 - 2021)

Tóm tắt: Từ “đối đầu” trong cuộc chiến tranh kéo dài 21 năm, Hoa Kỳ và Việt Nam đã chính thức trở thành “bạn” của nhau với sự kiện Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1995. Sau hơn 1/4 thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao (1995 - 2021), Hoa Kỳ và Việt Nam đã trở thành “đối tác toàn diện”. Dưới thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Donald J. Trump, trên cơ sở thực thi chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở”, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trên lĩnh vực Kinh tế và An ninh - Quốc phòng có những tiến triển tích cực, đặt cơ sở cho sự phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn trong những năm sau đó.

 

Hoạt động khoa học

Hội thảo quốc tế: “Hợp tác tại tiểu vùng Mekong: Mối quan hệ giữa Nguồn nước - Năng lượng - Lương thực”

 

Điểm sách

Đảm bảo an ninh phi truyền thống của các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam trong tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

33 lượt xem