Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 4 năm 2022

Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 4 năm 2022

Tác giả:

Thông tin NXB:

Số trang : 0

Loại sách: Tạp chí

Mô tả

 

1. TRƯƠNG DUY HÒA

Mô hình chính trị nội bộ và đặc trưng chính sách đối ngoại của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào

Tóm tắt: Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Lào ra đời được 47 năm (1975 - 2022) và đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong xây dựng đất nước. Đây là quốc gia có tình hình chính trị nội bộ và chính sách đối ngoại khá ổn định, kinh tế đang từng bước phát triển, có vai trò và vị thế quốc tế ngày càng gia tăng. Với vị trí địa lý không giáp biển và nằm lọt vào giữa những nước láng giềng có tiềm lực to lớn hơn mình về nhiều mặt, Lào luôn có những chính sách đối nội và đối ngoại hợp lý, khôn khéo trong bối cảnh khu vực và quốc tế ngày càng có nhiều biến đổi phức tạp, khó lường. Bằng phương pháp tiếp cận hệ thống và dựa trên các tư liệu đáng tin cậy, bài viết phân tích khái quát đặc điểm của mô hình chính trị nội bộ ở nước CHDCND Lào trên một số khía cạnh căn bản, đồng thời chỉ ra một số đặc trưng chủ yếu trong chính sách đối ngoại của Lào hiện nay. Từ đó, tác giả rút ra một số nhận xét về bản chất của chế độ chính trị Lào và đường lối chính sách đối ngoại dài hạn mà nước này đang hướng tới.

 

2. NGUYỄN HUY HOÀNG, PHAN THỊ HỒNG XUÂN

Vai trò và những đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia

Tóm tắt: Trong nhiều thế kỷ định cư và làm ăn sinh sống ở Campuchia, mặc dù vẫn còn không ít khó khăn về tư cách công dân, địa vị pháp lý nhưng không thể phủ nhận vai trò và những đóng góp của cộng đồng người Việt Nam đối với kinh tế, văn hóa, chính trị của nước sở tại cũng như quê hương Việt Nam. Bài viết sẽ trình bày vai trò và những đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia qua 3 đề mục chính: (1) Tư cách công dân của cộng đồng người Việt Nam ở Campuchia; (2) Vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở Campuchia trên các khía cạnh kinh tế và văn hóa xã hội; (3) Vai trò của cộng đồng người Việt Nam trong mối quan hệ song phương giữa Việt Nam với Campuchia.

 

3. NGUYỄN VĂN TẬN, NGUYỄN THỊ HỒNG HẠNH

Indonesia trong chính sách đối ngoại của Mỹ giai đoạn 1945 - 1965

Tóm tắt: Chính sách trung lập của Indonesia trong quan hệ với Mỹ được coi là chính sách đặc trưng và mang sắc thái riêng trong nền ngoại giao của Indonesia thời Tổng thống Sukarno. Mục đích của bài viết là làm rõ vị thế của Indonesia trong chính sách đối ngoại của Mỹ và con đường mà Indonesia đã chọn trong quan hệ với các nước lớn sau năm 1945 và hệ quả của nó. Ngoài ra, bài viết còn nhằm làm rõ sự điều chỉnh trong chính sách của Mỹ đối với Indonesia giai đoạn 1945 - 1965. Thông qua đó, chúng ta nhận diện được điểm đặc biệt trong nền ngoại giao của Indonesia và sự điều chỉnh trong chính sách đối ngoại mà Mỹ áp dụng đối với Indonesia qua hai giai đoạn lịch sử trong quan hệ giữa Mỹ với Indonesia. Trong đó, giai đoạn 1945 - 1949 là giai đoạn Mỹ từ chỗ ủng hộ Hà Lan đến chỗ đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Hà Lan và Indonesia. Kế hoạch Marsall do Mỹ tài trợ cho châu Âu trong đó có Hà Lan đã giúp Hà Lan tái chiếm Indonesia. Trước tình hình đó Tổng thống Sukarno yêu cầu Mỹ đứng ra làm vai trò trung gian hòa giải. Qua ba cuộc hội đàm ở Lingajati tháng 3/1947, Renville tháng 1|1948 và Lahay tháng 11|1949 với vai trò trung gian hòa giải của Mỹ, Hà Lan buộc phải trao trả chủ quyền trên toàn bộ lãnh thổ cho Indonesia. Giai đoạn 1950 - 1965 là giai đoạn đánh dấu những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Indonesia, tìm mọi cách thoát ra khỏi sự kiềm tỏa của Mỹ. Sau năm 1950, Indonesia thực hiện chính sách đối ngoại trung lập, phản đối việc thành lập khối quân sự Đông Nam Á. Điều đó đã đụng chạm đến lợi ích của Mỹ nên Mỹ đã tiến hành can thiệp và lật đổ chính quyền của Tổng thống Sukarno vào năm 1965. Mặc dù Mỹ đã đạt được mục đích trong việc lạt đổ tổng thống Sukarno nhưng chính sách ngoại giao không liên kết do Sukarno đề xướng và thực thi trong giai đoạn 1945 - 1965 vẫn được các tổng thống Indonesia kế tiếp duy trì và được coi là nét đặc trưng trong đường lối đối ngoại của Indonesia từ sau năm 1945 cho đến nay.

 

4. NGUYỄN ĐÌNH CƠ

Quá trình xác lập đường biên giới Việt Nam - Campuchia ở Nam bộ từ thế kỷ XVII đến năm 1954

Tóm tắt: Bài viết phân tích quá trình hình thành và xác lập đường biên giới giữa Việt Nam và Campuchia ở Nam Kỳ từ khi người Việt đặt chân đến vùng Mô Xoài, Đồng Nai khai khẩn đất đai, lập làng (thế kỷ XVII) cho đến khi cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi (tháng 7| 1954). Ở thế kỷ XVII - XVIII, cùng với bước chân “Nam tiến”, người Việt đã từng bước khai phá, thiết lập làng xóm ở khu vực sông Đồng Nai, rồi tiến xuống vùng hạ lưu sông Mekong rộng lớn, tạo tiền đề để chính quyền chúa Nguyễn từng bước sáp nhập các vùng đất mới được khai khẩn vào lãnh thổ Đàng Trong. Đường biên giới giữa Đàng Trong - Chân Lạp ở Nam Kỳ thời kỳ này bước đầu được xác lập, tuy nhiên còn chưa rõ ràng, thường xuyên biến động. Đầu thế kỷ XIX, các vị vua đầu của nhà Nguyễn (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức) đã có sự quan tâm lớn với khu vực biên giới phía Tây của Nam Kỳ. Đường biên giới Nam Kỳ - Campuchia cơ bản được xác lập trên cơ sở sự đồng thuận giữa triều đình Đại Nam và triều đình Campuchia. Sang thời thuộc Pháp, chính quyền Pháp đã quan tâm đặc biệt đến việc hoạch định biên giới giữa vùng Nam Kỳ thuộc địa (Cochinchine Française) với Campuchia, bằng những hiệp ước giữa 2 chính quyền, vẽ bản đồ xác thực và cắm mốc trên thực địa.

 

5. NGUYỄN QUẾ THƯƠNG

Một số nhân tố tác động tới an ninh nguồn nước ở Thái Lan

Tóm tắt: Thái Lan là một nước nông nghiệp với hệ thống sông ngòi dày đặc, lượng mưa trung bình hàng năm tương đối cao đã giúp cho Thái Lan có được một nguồn tài nguyên nước khá dồi dào. Chất lượng nước tự nhiên của Thái Lan cũng được đánh giá là khá tốt. Đây chính là những nhân tố có tác động tích cực tới an ninh nguồn nước của Thái Lan. Tuy nhiên, những nhân tố khác như sự biến đổi khí hậu đang ngày một diễn biến phức tạp, sự phát triển kinh tế của Thái Lan cùng với quá trình đô thị hóa tăng cao, tình trạng xây dựng ồ ạt các đập thuỷ điện... đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh nguồn nước tại Thái Lan. Nhu cầu nước cho sản xuất và dân sinh ở Thái Lan tăng cả về số lượng và chất lượng, trong khi đó trữ lượng tài nguyên nước lại đang có xu hướng giảm. Như vậy, hiện nay vấn đề an ninh nguồn nước của Thái Lan đang chịu sự tác động từ nhiều nhân tố cả về mặt khách quan lẫn chủ quan và gây nên những bất ổn trong an ninh nguồn nước tại quốc gia này.

 

6. LÊ VĂN LỢI

Xu hướng biến đổi trong văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi phía bắc Việt Nam hiện nay

Tóm tắt: Văn hoá tín ngưỡng là hệ thống giá trị vật chất và tinh thần được con người sáng tạo ra trong quá trình hoạt động tín ngưỡng, gắn với niềm tin về các lực lượng siêu nhiên và là một phương diện thể hiện bản sắc của cộng đồng có tín ngưỡng. Trong những năm qua, trước tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, các loại hình tín ngưỡng truyền thống của các dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi phía Bắc đã có sự biến đổi mạnh mẽ, kéo theo sự biến đổi của văn hóa tín ngưỡng với nhiều xu hướng khác nhau. Sự biến đổi của văn hóa tín ngưỡng như vậy một mặt góp phần làm cho đời sống tinh thần của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc ngày càng phong phú, nhưng mặt khác cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cho công tác quản lý văn hóa nói chung, văn hóa tín ngưỡng nói riêng hiện nay.

 

7. NGUYỄN THỊ THÙY CHÂU

Hình ảnh Việt Nam qua các tiêu đề XV báo điện tử của Thái Lan

Tóm tắt: Bài viết nhằm làm rõ hình ảnh của Việt Nam thông qua các tiêu đề bài báo điện tử của Thái Lan. Tác giả đã thu thập được 867 tiêu đề bài báo liên quan đến Việt Nam trên 3 trang báo điện tử nổi tiếng nhất của Thái Lan là http://www.thairath.co.th, http://www.khaosod.coth và http://www.matichon.co.th trong giai đoạn 2020 - 2021. Kết quả nghiên cứu cho thấy nội dung các tiêu đề bài báo trên lĩnh vực chính trị, kinh tế và thể thao đã phản ánh khá đầy đủ và rõ nét hình ảnh về Việt Nam. Đó là quốc gia có nền chính trị ổn định; có mối quan hệ chặt chẽ cả ở cấp song phương và đa phương với Thái Lan; kinh tế vẫn tăng trưởng trong đại dịch; là thị trường tiềm năng cho các nhà đầu tư Thái Lan và là đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Thái Lan về thể thao và kinh tế trong khu vực Đông Nam Á. Các tiêu đề bài báo về lĩnh vực văn hóa - xã hội, an ninh, và y tế - sức khỏe có số lượng ít hơn và chưa phản ánh đầy đủ các mặt về Việt Nam. Do đó các nhà quản lý cần có các chính sách quảng bá hình ảnh Việt Nam ra khu vực nhằm tăng cường sự hiểu biết của người dân các nước về Việt Nam, thúc đẩy mối quan hệ của Việt Nam với các quốc gia khác trong khu vực.

 

8. BÙI THỊ ÁNH VÂN

Mặt trận dân tộc - Con đường hợp lực các tôn giáo trong Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Indonesia

Tóm tắt: Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Indonesia kết thúc thắng lợi với sự ra đời của nước Cộng hòa Indonesia. Sự thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trên đất nước đảo dừa do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan; và một trong những nhân tố rất quan trọng - đó chính là đóng góp của các lực lượng tôn giáo trong cùng mặt trận dân tộc thống nhất. Dưới ngọn cờ độc lập Merdeka, các giai cấp, các lực lượng xã hội Indonesia thuộc các tôn giáo khác nhau đã kề vai sát cánh cùng đấu tranh vì độc lập tổ quốc và giành được thắng lợi cuối cùng. Bài viết tập trung vào ba nội dung chính: Khái lược về Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Indonesia, Mặt trận dân tộc - Con đường hợp lực của cách mạng; Các lực lượng tôn giáo đoàn kết đấu tranh vì mục tiêu chung của cách mạng dân tộc.

 

HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC

Hội thảo khoa học: “Cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia: Quá trình hình thành và thực trạng đời sống chính trị, kinh tế, xã hội”

ĐIỂM SÁCH

Kết nối cứng và kết nối mềm của Hàn Quốc đối với Tiểu vùng sông Mekong và vai trò của Việt Nam

 

61 lượt xem