- Sách
- Chính trị (99)
- Xã hội học (22)
- Môi trường (5)
- Quan hệ Ngoại giao (75)
- Văn hóa (10)
- Nông nghiệp (1)
- Kinh tế (74)
- Quản lý Thông tin (1)
- Luật (6)
- Du lịch (2)
- Tôn giáo (5)
- Ngôn ngữ (1)
- Giáo dục (2)
- Sức khỏe (2)
- Lịch sử (5)
- Triết học (1)
- Cách mạng Công nghiệp 4.0 (2)
- Phát triển bền vững (2)
- Khoa học Công nghệ (3)
- Tạp chí
- Những vấn đề kinh tế & chính trị thế giới (28)
- Châu Mỹ ngày nay (27)
- Nghiên cứu Châu Âu (25)
- Nghiên cứu Ấn Độ & Châu Á (26)
- Nghiên cứu Trung Quốc (25)
- Nghiên cứu Đông Nam Á (30)
- Nghiên cứu Đông Bắc Á (28)
- Nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông (24)
- Tài liệu
Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 5 năm 2021
Tác giả:
Thông tin NXB:
Số trang : 0
Loại sách: Tạp chí
1. NGUYỄN XUÂN CƯỜNG, NGUYỄN THANH MINH
An ninh Biển Đông nhìn từ tình hình tội phạm trên biển
Tóm tắt: Trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, an ninh ở Biển Đông đối mặt với nhiều thách thức với những diễn biến khó lường. Vấn đề an ninh phi truyền thống diễn biến phức tạp, trong đó có vấn đề tội phạm trên biển đang ngày càng gia tăng dưới nhiều hình thức hoạt động tinh vi. Điều này tác động tới an ninh và phát triển của các nước trong khu vực. Tuy nhiên, tại Biển Đông đang thiếu cơ chế hợp tác an ninh hữu hiệu. Do vậy, hợp tác phòng chống tội phạm tại Biển Đông trở thành một lĩnh vực và nội dung quan trọng trong hợp tác giữa các nước.
2. NGUYỄN HÀ PHƯƠNG, NGUYỄN DUY DŨNG
Phát triển thủy điện tại Lào và cơ hội cho Việt Nam
Tóm tắt: Do đặc điểm địa hình có nhiều sông lớn nên phát triển năng lượng, đặc biệt thủy điện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình tăng trưởng kinh tế của Lào. Lào không chỉ đặt mục tiêu cung cấp đủ nguồn điện cho nhu cầu trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu, trở thành nguồn thu chính cho quốc gia này. Tuy nhiên, việc xây dựng các đập thủy điện đã gây nên nhiều tác động tiêu cực cho Việt Nam, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế của người dân, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, Việt Nam không thể ngăn cản việc xây dựng đập thủy điện của Lào trên dòng chính sông Mekong. Do đó, cần phải nhìn nhận những cơ hội để tận dụng được lợi thế và cố gắng giảm thiểu các tác động tiêu cực từ việc phát triển thủy điện tại Lào.
3. NGUYỄN NGỌC LAN
Nợ công và rủi ro tài chính của Lào
Tóm tắt: Mặc dù trong vài năm gần đây, kinh tế Lào có mức tăng trưởng GDP tương đối cao so với khu vực, song do phát triển kém bền vững, phụ thuộc quá nhiều vào tài nguyên thiên nhiên và nguồn vốn nước ngoài, cộng với những tác động khách quan như suy thoái kinh tế toàn cầu, đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu... nên kinh tế Lào đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, đặc biệt là lĩnh vực tài chính có khả năng dẫn đến tình trạng khó trả nợ. Bài viết khái quát tình hình kinh tế- tài chính của Lào, đặc biệt phân tích vấn đề nợ công và khả năng Lào rơi vào “bẫy nợ” đồng thời đưa ra một số gợi ý chính sách và giải pháp ứng phó.
4. ĐẶNG VĂN CHƯƠNG, TRẦN THỊ QUẾ CHÂU
Quá trình thế tục hóa giáo dục Philippines từ cuộc cải cách 1863 đến 1935
Tóm tắt: Dưới sự phát triển của các nguyên tắc nhân quyền và dân quyền trong thời kì Khai sáng ở châu Âu thế kỷ XVIII, các trào lưu vận động tự do tôn giáo, xóa bỏ mối liên hệ giữa nhà nước và tôn giáo đã ra đời. Sự vận động này đã đưa đến việc ra đời của mô hình nhà nước thế tục. Trong đó, vấn đề về một nền giáo dục thế tục là một khuynh hướng tất yếu để đảm bảo sự công bằng và tự do tôn giáo giữa các công dân trong thể chế chính trị. Bài viết tập trung phân tích quá trình thế tục hóa giáo dục mà các nước phương Tây (Tây Ban Nha, Mỹ)tiến hành ở thuộc địa Philippines vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Quá trình thế tục hóa tiến hành đồng thời với việc xây dựng một nền giáo dục công lập, thay thế các giáo sĩ bằng giáo viên được đào tạo từ các trường sư phạm; các trường học công lập là nền tảng cho giáo dục phải do chính quyền quản lý, cũng như chính quyền chấm dứt tài trợ cho các trường học do nhà thờ tổ chức.
5. PHẠM THANH TỊNH
ảnh hưởng của văn hóa ấn Độ trong xây dựng nhà nước và hệ tư tưởng-chính trị ở các quốc gia Đông Nam Á hải đảo cổ đại
Tóm tắt: Giao lưu văn hóa giữa các dân tộc cũng như việc truyền bá và tiếp thu các giá trị văn hóa giữa các dân tộc là quy luật có từ lâu đời và không có một dân tộc nào đứng ngoài dòng chảy của quy luật đó. Văn hóa Ấn Độ, một nền văn hóa vĩ đại, có sức lan tỏa và tạo nên nhiều ảnh hưởng có giá trị tới khu vực Đông Nam Á nói chung và Đông Nam Á hải đảo nói riêng, thể hiện trên nhiều bình diện, lĩnh vực không chỉ trong quá khứ mà còn tiếp tục duy trì cho tới tận ngày nay. Tác giả làm nổi bật sự ảnh hưởng của văn hóa ấn Độ trong việc xây dựng nhà nước và hệ tư tưởng- chính trị ở các quốc gia Đông Nam Á hải đảo cổ đại.
6. LÊ THỊ HẰNG NGA
Giá trị ấn Độ ở Đông Nam Á thông qua sự lan tỏa của Hindu giáo
Tóm tắt: Hindu giáo là tôn giáo chính ở ấn Độ và có mức độ lan tỏa trên phạm vi toàn thế giới. Hiện nay, với khoảng 900 triệu tín đồ, Hindu giáo là tôn giáo lớn thứ 3 trên thế giới, sau Cơ đốc giáo và Islam giáo. Khoảng 95 phần trăm tín đồ Hindu sống ở ấn Độ, chiếm khoảng 80 phần trăm trong tổng số dân trên một tỷ người. Trong các tôn giáo ở Đông Nam á, có lẽ Hindu giáo là tôn giáo du nhập vào khu vực sớm nhất. Trong lịch sử, từ những năm trước công nguyên, khi các phương tiện di chuyển còn khó khăn, Hindu giáo đã theo bước chân của những thương gia, thầy tu và các nhà truyền đạo đến với khu vực Đông Nam Á và để lại nhiều ảnh hưởng đến đời sống của dân cư trong vùng, đặc biệt là cư dân vùng Đông Nam Á hải đảo. Bài viết đề cập đến những vấn đề chính: Những yếu tố thuận lợi cho sự lan tỏa của Hindu giáo ở Đông Nam Á trong lịch sử; Sự lan tỏa của Hindu giáo ở Đông Nam Á nói chung; Sự lan tỏa của Hindu giáo ở một số quốc gia Đông Nam Á nói riêng.
7. LƯU VĨ AN
Tìm hiểu văn hóa chính trị của Singapore từ sau năm 1965 đến nay
Tóm tắt: Bài viết tìm hiểu những nét đặc trưng cơ bản của văn hóa chính trị Singapore, bao gồm văn hóa chính trị truyền thống và văn hóa chính trị hiện đại. Văn hóa chính trị truyền thống Singapore được thể hiện thông qua sự sùng bái quyền lực nhà nước, tôn sùng cá nhân, tư tưởng gia trưởng- gia đình trị, các mối quan hệ kiểu bạn bè, mối quan hệ giữa bầu chủ với phụ thuộc, nguyên tắc thỏa hiệp và chủ nghĩa quốc gia dân tộc. Văn hóa chính trị hiện đại Singapore được thể hiện ở các khía cạnh cơ sở kinh tế tư bản hiện đại, hình thái nhà nước cộng hòa nghị viện, cấu trúc nhà nước tam quyền phân lập, hệ thống đa đảng chính trị và tính chất tư bản của quyền lực nhà nước.
8. VÕ MAI TRANG
Chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam
Tóm tắt: Trong xu thế hiện nay, kinh tế số ngày càng bao phủ trong tất cả các khía cạnh kinh tế, xã hội của các quốc gia. Mục tiêu đặt ra kinh tế số ở Việt Nam đến năm 2025 đạt 20 phần trăm GDP, năm 2030 chiếm đến 30 phần trăm GDP. Cùng với đó Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số khá nhanh trong khu vực. Việt Nam đã có nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, các chính sách phát triển kinh tế số ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập. Vì vậy, hoàn thiện chính sách để hỗ trợ kinh tế số phát triển là rất cần thiết. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thực trạng và những khó khăn, hạn chế trong chính sách phát triển kinh tế số, bài viết đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam.
9. VŨ THỊ NGA
Chế độ đãi ngộ đối với thân nhân của võ quan và binh lính trong quân đội dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802-1884
Tóm tắt: Triều Nguyễn là vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử trung đại Việt Nam. Từ khi vua Gia Long lên ngôi đến hết thời gian cầm quyền của vua Tự Đức là thời kỳ độc lập của vương triều Nguyễn. Trong thời gian này, để củng cố vương triều, các vua triều Nguyễn đã xây dựng một lực lượng quân đội chính quy khá đông và mạnh. Cùng với đó, triều Nguyễn cũng coi trọng việc xây dựng chính sách đãi ngộ không chỉ cho lực lượng võ quan và binh lính mà còn dành cho thân nhân của họ. mặc dù có một số hạn chế nhưng những chính sách này của triều Nguyễn có tác dụng nhất định góp phần củng cố sự vững mạnh của quân đội nhằm đảm bảo sự cai trị của vương triều đối với đất nước. Bài viết tập trung làm rõ một số nội dung của chế độ đãi ngộ dành cho thân nhân của võ quan và binh lính trong quân đội dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802-1884 như: chế độ đãi ngộ đối với cha mẹ và chế độ đối với vợ con của võ quan và binh lính.